backup og meta

Bí quyết ở cữ sau sinh mổ và sinh thường: Mẹ khỏe, bé ngoan, cả nhà vui vẻ

Bí quyết ở cữ sau sinh mổ và sinh thường: Mẹ khỏe, bé ngoan, cả nhà vui vẻ

Kiêng cữ sau sinh thường đúng cách có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp mẹ bỉm phục hồi sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, đồng thời đảm bảo nguồn sữa dồi dào cho bé. Tuy nhiên, nhiều mẹ vẫn bối rối giữa việc tuân theo các quan niệm dân gian và áp dụng các phương pháp khoa học.

Các quan niệm kiêng cữ sau sinh thường như kiêng tắm gội, không được chải đầu hay chỉ ăn một số món nhất định… có thể không phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại của mẹ. Ngược lại, một chế độ kiêng cữ khoa học, được xây dựng dựa trên cơ sở y học và lời khuyên từ chuyên gia sức khỏe, không chỉ giúp mẹ hồi phục nhanh chóng mà còn phòng ngừa các biến chứng hậu sản như nhiễm trùng, sa tử cung hoặc suy nhược sức khỏe lâu dài.

Vậy làm thế nào để cân bằng giữa kiêng cữ sau sinh thường và chăm sóc sức khỏe đúng cách? Bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết.

Kiêng cữ sau sinh thường là gì?

Khi sinh con, cơ thể người mẹ phải trải qua những thay đổi lớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Dân gian thường ví von “cửa sinh là cửa tử” để nhấn mạnh sự vất vả và nguy hiểm của quá trình sinh nở. Chính vì vậy mà sau khi sinh, cơ thể mẹ rất yếu, cần được nghỉ ngơi, chăm sóc kỹ lưỡng và kiêng cữ đúng cách để phục hồi nhanh chóng. Khoảng thời gian này được gọi là giai đoạn kiêng cữ sau sinh.

Giai đoạn hậu sản để bắt đầu kiêng cữ sau sinh thường kéo dài từ khi em bé sinh ra đến lúc cơ thể mẹ gần như trở lại trạng thái trước khi mang thai. Thông thường, giai đoạn này diễn ra trong 6 đến 8 tuần.

Khi bắt đầu quá trình kiêng cữ sau sinh thường, bà đẻ cần áp dụng những biện pháp chăm sóc đặc biệt, bao gồm chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt và vận động. Việc thực hiện kiêng cữ sau sinh thường khoa học không chỉ giúp cơ thể mẹ hồi phục nhanh chóng mà còn còn hỗ trợ bảo vệ sức khỏe tinh thần, giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh, tăng cường sản xuất sữa mẹ.

Ngược lại, nếu kiêng cữ sai cách, như ăn uống quá kiêng khem hoặc không vận động hợp lý, có thể gây suy dinh dưỡng, yếu cơ, ảnh hưởng đến chất lượng sữa và sức khỏe lâu dài của mẹ. Vì vậy, thay vì chỉ dựa vào các quan niệm truyền thống, việc áp dụng những phương pháp kiêng cữ sau sinh thường khoa học là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé được chăm sóc toàn diện nhất.

Thực đơn và thói quen kiêng cữ sau sinh thường khoa học, giúp mẹ nhanh phục hồi

Thực đơn ở cữ cho mẹ sinh thường: Ăn gì để khỏe mạnh?

Thực đơn ở cữ cho mẹ sinh thường

Để hỗ trợ phục hồi cơ thể và cung cấp nguồn sữa mẹ chất lượng, trong thời kỳ kiêng cữ sau sinh thường, thực đơn cho mẹ sau sinh cần đảm bảo đầy đủ các nhóm dưỡng chất thiết yếu:

  • Protein: Giúp tái tạo mô, phục hồi cơ thể và hỗ trợ sản xuất sữa. Mẹ nên bổ sung protein từ thịt nạc, cá, trứng, đậu hũ, đậu lăng và các loại hạt.
  • Chất xơ: Hỗ trợ tiêu hóa và phòng ngừa táo bón sau sinh. Mẹ nên ưu tiên rau lá xanh, cà rốt, khoai lang, yến mạch và các loại trái cây như chuối, táo, lê.
  • Vitamin và khoáng chất: Vitamin đặc biệt quan trọng đối với mẹ trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường và cho con bú. Các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho mẹ sau sinh thường bao gồm:
    • Vitamin D giúp hấp thụ canxi tốt hơn, có trong ánh nắng, sữa…
    • Sắt hỗ trợ tái tạo máu sau khi sinh con, có nhiều trong thịt đỏ, gan, cải bó xôi, đậu lăng…
    • Canxi giúp xương và răng chắc khỏe, có trong sữa, phô mai, rau lá xanh, các loại đậu…
  • Axit folic: Hỗ trợ sự phát triển não bộ của bé, được tìm thấy trong rau lá xanh, các loại đậu, trái cây họ cam quýt.
  • Axit béo Omega-3: Tốt cho não bộ của cả mẹ và bé trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường, có nhiều trong các thực phẩm như cá béo, quả óc chó, hạt chia
  • Nước: Mẹ sau sinh thường nên uống đủ nước mỗi ngày, bao gồm nước lọc, nước ép trái cây và sữa, để duy trì sức khỏe, thanh lọc cơ thể và tăng tiết sữa.

Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng sữa, mẹ cũng cần kiêng cữ sau sinh thường những thực phẩm sau đây:

  • Hải sản chứa nhiều thủy ngân: Mẹ sau sinh đang cho con bú nên hạn chế ăn các loại cá như cá kiếm, cá ngừ đại dương, cá thu lớn… Thủy ngân có thể gây hại cho não và hệ thần kinh của bất kỳ người nào tiếp xúc quá nhiều theo thời gian. 
  • Caffeine và đồ uống có cồn: Các loại thực phẩm chứa caffeine (cà phê, trà, nước tăng lực, socola) và rượu bia có thể khiến mẹ bị rối loạn giấc ngủ, đồng thời dễ làm trẻ khó ngủ, kích thích quá mức hoặc gây tổn hại sức khỏe về lâu dài.
  • Thực phẩm dễ gây dị ứng: Các loại hải sản như tôm, cua, ghẹ, hoặc nhộng, măng có thể gây dị ứng cho mẹ và thậm chí là cả bé bú mẹ.
  • Đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ: Những món này có thể gây khó chịu cho dạ dày, dẫn đến đầy hơi, khó tiêu, làm ảnh hưởng đến tiêu hóa và hệ miễn dịch của mẹ.

Gợi ý thực đơn chi tiết 7 ngày cho bà đẻ sinh thường

Trong thời kỳ kiêng cữ sau sinh thường, tuần đầu tiên được xem là một trong những giai đoạn quan trọng nhất. Lúc này, cơ thể mẹ còn yếu và hệ tiêu hóa còn chưa ổn định. Chính vì vậy mà chế độ ăn uống trong tuần này nên ưu tiên các món dễ tiêu hóa, đủ dưỡng chất để mẹ có đủ sức khỏe chăm con và hỗ trợ việc tiết sữa.

Dựa trên điều đó, Hello Bacsi gợi ý chi tiết thực đơn ở cữ cho mẹ sinh thường trong 7 ngày đầu tiên kiêng cữ sau sinh thường, được thiết kế đa dạng, cân bằng giữa protein, chất xơ, vitamin, tinh bột và chất béo tốt.

Thực đơn 7 ngày cho bà đẻ sinh thường

Ngày 1

  • Sáng: Cháo trắng với chà bông cá.
  • Trưa: Cơm, thịt heo luộc, canh rau ngót nấu thịt băm.
  • Chiều: Sữa chua ít đường.
  • Tối: Cơm, cá hồi áp chảo, canh mướp nấu lạc (đậu phộng).

Ngày 2

  • Sáng: Cháo thịt bằm nấu với bí đỏ.
  • Trưa: Cơm, cá chép kho nghệ, canh rau mồng tơi.
  • Chiều: Đu đủ chín.
  • Tối: Cơm, thịt heo kho nghệ, canh rau đay.

Ngày 3

  • Sáng: Cháo cá lóc nấu hành lá và thì là.
  • Trưa: Cơm, thịt gà xào gừng, canh bí xanh nấu tôm.
  • Chiều: Nước ép cà rốt không đường.
  • Tối: Cơm, thịt viên sốt cà chua, canh cải thảo hầm xương.

Ngày 4

  • Sáng: Bánh mì nguyên cám, trứng ốp la và cà chua.
  • Trưa: Cơm, gà hầm nấm hương, canh cải bó xôi nấu thịt băm.
  • Chiều: Sữa đậu nành.
  • Tối: Cơm, cá rô phi kho lạt, canh rau dền nấu tôm khô.

Ngày 5

  • Sáng: Súp thịt heo và rau củ.
  • Trưa: Cơm, tôm rang thịt, canh đu đủ thịt băm.
  • Chiều: Sinh tố bơ ít ngọt.
  • Tối: Cơm, gà ác tiềm thuốc Bắc, canh khoai sọ hầm xương.

Ngày 6

  • Sáng: Bánh cuốn nhân thịt và nấm.
  • Trưa: Cơm, xíu mại tôm thịt, canh bầu nấu tôm.
  • Chiều: Nước ép cam tươi.
  • Tối: Cơm, thịt heo xào giá, canh cải ngọt nấu thịt băm.

Ngày 7

  • Sáng: Phở gà (không thêm ớt hay gia vị cay).
  • Trưa: Cơm, sườn cốt lết nướng, canh cà chua nấu đậu phụ.
  • Chiều: Chuối chín.
  • Tối: Cơm, thịt gà nướng mật ong, canh khoai mỡ nấu tôm.

Tại sao bà đẻ phải kiêng ăn mặn?

Quan điểm dân gian về việc ăn mặn sau sinh

Trong dân gian, quan điểm về việc bà đẻ ăn mặn sau sinh thường có sự khác biệt theo từng vùng miền và truyền thống gia đình:

  • Quan điểm khuyến khích ăn mặn: Một số người tin rằng phụ nữ sau sinh nên ăn đồ mặn hoặc khô như cơm với muối, thịt kho thật mặn để giúp trẻ “chặt ruột”, hạn chế tiêu chảy cho em bé bú mẹ. Những món ăn này cũng được cho là giúp da thịt săn chắc sau sinh.
  • Quan điểm kiêng ăn mặn: Trái lại, theo một số quan niệm và phong tục ở nhiều vùng miền, việc kiêng cữ sau sinh thường bao gồm cả lời khuyên nên hạn chế các món ăn quá mặn. Vậy tại sao bà đẻ phải ăn mặn? Chế độ ăn nhạt được khuyến khích để giảm nguy cơ phù nề, bảo vệ sức khỏe của thận, đồng thời giúp nguồn sữa mẹ trở nên thanh mát, dễ tiêu hóa hơn cho bé yêu.

Dưới góc nhìn khoa học, việc ăn mặn khi kiêng cữ sau sinh thường không những không mang lại lợi ích mà còn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho mẹ và ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Phụ nữ sau sinh, đặc biệt là những người có tiền sử tăng huyết áp hoặc tiền sản giật, được khuyến nghị duy trì chế độ ăn ít natri để giảm nguy cơ tái phát các biến chứng huyết áp cũng như bảo vệ sức khỏe tim mạch. Đồng thời, việc ăn ít muối cũng hạn chế nguy cơ tích nước gây phù nề sau sinh cho các mẹ.

Không những thế, theo nghiên cứu được công bố trên ScienceDirect, những bà mẹ thích ăn mặn có nguy cơ cao bị ngừng cho con bú sớm trong tuần đầu tiên hoặc trong vòng 25 ngày sau sinh. Mặc dù nguyên nhân chưa được khẳng định rõ ràng, nhưng có thể liên quan đến thay đổi vị sữa mẹ hoặc các vấn đề sức khỏe của mẹ khi tiêu thụ quá nhiều natri.

Có thể thấy, việc ăn mặn trong thời kỳ kiêng cữ sau sinh thường không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ sau sinh mà còn gián tiếp tác động đến khả năng nuôi con bằng sữa mẹ.

Tại sao bà đẻ phải ăn cơm riêng?

Tại sao bà đẻ phải ăn cơm riêng

Trong nhiều nền văn hóa, đặc biệt ở châu Á, việc hạn chế cho mẹ sau sinh ăn chung với người khác là một tập tục kiêng cữ sau sinh thường khá phổ biến. Sở dĩ như vậy là do ở một số vùng miền, phụ nữ sau sinh được cho là “không sạch sẽ” và có thể làm ô uế những người khác. Vì vậy, bà đẻ thường được yêu cầu ăn riêng để tránh ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình và những người xung quanh.

Tuy nhiên, thực tế thì quan điểm kiêng cữ sau sinh thường này phản ánh những lý do khoa học, gắn liền với sức khỏe và quá trình phục hồi của mẹ sau sinh. Những lợi ích mà việc ăn riêng mang lại cho phụ nữ sau sinh thường bao gồm:

  • Kiểm soát chế độ dinh dưỡng: Ăn riêng giúp sản phụ tập trung vào thực đơn giàu dinh dưỡng, phù hợp với nhu cầu phục hồi sức khỏe và đảm bảo chất lượng sữa mẹ. Không những thế, khi ăn riêng trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường, mẹ có thể theo dõi chính xác lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể, đồng thời tránh được những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng hoặc ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của mẹ và bé.
  • Giảm nguy cơ nhiễm khuẩn: Mẹ sau sinh có hệ miễn dịch yếu, dễ bị nhiễm trùng hoặc bệnh tật. Việc ăn riêng giúp tránh tiếp xúc với thực phẩm chưa được chế biến kỹ hoặc nhiễm khuẩn, như gỏi, nộm, đồ sống, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường ăn uống từ các thành viên khác trong gia đình.
  • Tạo không gian nghỉ ngơi: Việc ăn riêng khi kiêng cữ sau sinh thường giúp người mẹ có thời gian và không gian yên tĩnh, tránh áp lực từ việc chuẩn bị và dọn dẹp sau bữa ăn. Điều này đặc biệt quan trọng khi cơ thể mẹ cần được nghỉ ngơi tối đa để nhanh chóng phục hồi và tập trung chăm sóc em bé.

Mặc dù việc ăn riêng mang lại nhiều lợi ích trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường, nhưng điều này cần được thực hiện một cách hợp lý:

  • Tránh hiểu nhầm việc ăn riêng trong thời kỳ kiêng cữ sau sinh thường là sự cô lập hoặc phân biệt đối xử với phụ nữ sau sinh. Việc này nên được nhìn nhận như một cách bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng, đa dạng, tránh kiêng cữ quá mức dựa trên quan niệm dân gian mà không có cơ sở khoa học.
  • Nếu mẹ cảm thấy thoải mái, chồng hoặc người thân hoàn toàn có thể ăn cùng để chia sẻ và hỗ trợ tinh thần.

Kiêng cữ sau sinh thường: Cách chăm sóc giúp mẹ nhanh hồi phục

Cách nhanh hết sản dịch sau sinh thường

Sản dịch là hiện tượng bình thường sau khi sinh, đánh dấu quá trình tử cung co bóp và phục hồi. Việc chăm sóc đúng cách trong thời gian kiêng cữ sau sinh thường không chỉ giúp sản phụ nhanh hết sản dịch mà còn đảm bảo sức khỏe lâu dài cho bà đẻ. Dưới đây là các phương pháp hiệu quả giúp sản dịch nhanh hết sau sinh thường:

  • Xoa bóp tử cung: Việc nhẹ nhàng xoa bóp vùng bụng dưới đúng cách có thể kích thích tử cung co bóp, giúp đẩy sản dịch ra ngoài nhanh hơn. Do đó, khi đang kiêng cữ sau sinh thường, mẹ nên thực hiện đều đặn hàng ngày và tốt nhất nên tham khảo hướng dẫn từ bác sĩ để đảm bảo an toàn.
  • Cho con bú thường xuyên: Việc cho bé bú mẹ không chỉ giúp bé nhận đủ dinh dưỡng mà còn kích thích cơ thể mẹ sản sinh hormone oxytocin, hỗ trợ co hồi tử cunggiảm nguy cơ băng huyết.
  • Đi tiểu thường xuyên: Bàng quang căng đầy có thể cản trở tử cung co bóp. Vì vậy, mẹ nên cố gắng đi tiểu thường xuyên.
  • Nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng: Trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường, mẹ nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều nhưng không nên nằm một chỗ quá lâu. Thỉnh thoảng, mẹ nên đứng dậy đi lại hoặc thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để hỗ trợ tuần hoàn máu và tránh táo bón. Tuy nhiên, không vận động quá mạnh hoặc quá lâu. Sản dịch sẽ nặng hơn khi mẹ hoạt động nhiều.
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ: Trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường, mẹ nên sử dụng nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ dịu nhẹ để rửa vùng kín mỗi ngày. Thay băng vệ sinh 3-4 giờ/lần để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập, giúp phòng tránh viêm nhiễm.
  • Ăn rau ngót hoặc uống nước rau ngót: Rau ngót chứa nhiều hợp chất giúp tử cung co bóp và đẩy sản dịch nhanh hơn. Mẹ có thể uống nước rau ngót tươi hoặc ăn canh rau ngót hàng ngày trong 3-5 ngày để hỗ trợ quá trình này.
  • Uống nước chè vằng: Hãm nước chè vằng để uống thay nước lọc mỗi ngày. Chè vằng không chỉ giúp đẩy sản dịch mà còn lợi sữa, hỗ trợ tiêu hóa và giảm cân hiệu quả. Đây là mẹo dân gian chữa ứ sản dịch được áp dụng trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường.
  • Xông hơi vùng kín bằng lá trầu không: Nấu nước lá trầu không với một ít muối để xông hơi vùng kín. Phương pháp này giúp làm sạch vùng kín, kháng khuẩn và giúp tử cung đẩy sản dịch ra ngoài nhanh hơn.

Các phương pháp trên cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo thực hiện đúng cách và kết hợp với chế độ chăm sóc toàn diện để đạt hiệu quả tốt nhất. Nếu sản dịch ra nhiều bất thường hoặc kéo dài quá lâu, hãy thăm khám bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

Cách làm xẹp bụng sau sinh thường hiệu quả

Cách làm xẹp bụng sau sinh

Trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường, các mẹ vẫn có thể làm xẹp bụng bằng cách tập các bài tập sau sinh nhẹ nhàng. Tập thể dục nhẹ nhàng sau sinh không chỉ giúp mẹ bỉm sữa làm săn chắc cơ bụng mà còn cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ huyết khối. Dưới đây là các bài tập đơn giản và hiệu quả mà mẹ có thể thực hiện ngay tại nhà:

  • Bài tập quỳ 4 điểm: Đây là bài tập làm săn chắc và tăng cường cơ bụng.
    • Mẹ sau sinh cần quỳ trên hai chân và hai tay. Giữ vai thẳng hàng với tay và hông thẳng hàng với đầu gối. Giữ lưng thẳng.
    • Hít vào sâu, sau đó thở ra. Khi thở hãy kéo cơ bụng vào.
    • Không nín thở và giữ tư thế trong vài giây trước khi thả lỏng.
  • Bài tập trượt chân: Đây là bài tập làm săn chắc cơ bụng và chân, rất phù hợp trong thời kỳ kiêng cữ sau sinh thường.
    • Nằm ngửa, gập đầu gối và đặt bàn chân phẳng trên sàn. Giữ lưng không di chuyển.
    • Hít vào và trượt một chân từ tư thế gập sang thẳng.
    • Thở ra và đưa chân gập trở lại vị trí ban đầu. Không nín thở.
    • Lặp lại với chân còn lại.
  • Bài tập nâng đầu gối: Đây là bài tập làm săn chắc cơ bụng và cơ lưng dưới.
    • Nằm ngửa, hơi cong đầu gối, đặt bàn chân phẳng trên sàn.
    • Nâng một chân lên, giữ đầu gối cong sao cho cao hơn hông.
    • Trượt chân còn lại từ tư thế gập sang thẳng
    • Giữ cơ bụng căng. Không di chuyển lưng. Không nín thở.
    • Trở về tư thế bắt đầu. Lặp lại với chân kia.
  • Bài tập chạm gót chân: Đây là bài tập tăng cường cơ trung tâm và cơ lưng dưới, thích hợp để mẹ luyện tập trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường.
    • Nằm ngửa, hơi cong đầu gối, đặt bàn chân phẳng trên sàn.
    • Nâng cả hai chân lên, gập đầu gối thành góc 90 độ so với hông. Bắp chân song song với sàn.
    • Hạ một chân xuống sàn, giữ đầu gối cong và chạm gót chân xuống sàn. Giữ đầu gối cong một góc 90 độ.
    • Giữ cơ bụng. Không di chuyển lưng. Không nín thở.
    • Trở lại vị trí bắt đầu. Lặp lại với chân kia.
  • Bài tập duỗi chân: Đây là bài tập tăng cường cơ trung tâm, hông và cơ lưng dưới.
    • Nằm ngửa, gập đầu gối, đặt bàn chân phẳng trên sàn.
    • Nâng cả hai chân lên, đầu gối gập góc 90 độ so với hông. Bắp chân song song với sàn.
    • Duỗi một chân ra với bàn chân cách sàn từ khoảng 30-60 cm. Giữ cơ bụng căng. Không nín thở.
    • Trở lại vị trí bắt đầu. Lặp lại với chân kia.

Ngoài các bài tập nhẹ nhàng, việc sử dụng đai nịt bụng sau sinh đúng cách là một trong những phương pháp phổ biến giúp hỗ trợ làm xẹp bụng sau sinh.

Để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả thon eo tối ưu trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường, mẹ bỉm sữa cần lưu ý một số điều quan trọng dưới đây:

  • Mẹ sau sinh thường nên đợi khoảng 15-20 ngày sau sinh rồi mới bắt đầu sử dụng đai.
  • Trong tuần đầu tiên kiêng cữ sau sinh thường, mẹ chỉ nên đeo đai nịt bụng 1 giờ/ ngày để cơ thể làm quen. Sau đó, tăng dần thời gian đeo, nhưng không nên đeo liên tục nhiều giờ liền.
  • Tránh đeo đai nịt bụng vào ban đêm khi ngủ để cơ thể được thư giãn hoàn toàn.
  • Luôn làm sạch và giữ khô ráo đai nịt bụng trước khi sử dụng để ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc kích ứng da.
  • Ngừng sử dụng ngay nếu cảm thấy khó chịu hoặc có dấu hiệu bất thường như đau nhức hoặc đỏ rát da.
  • Sử dụng loại đai nịt bụng được làm từ chất liệu co giãn mềm mại và an toàn. Tránh sử dụng corset hoặc quần tập bó sát có chất liệu cứng vì có thể gây tổn thương.
Đeo đai nịt bụng chỉ là một phần trong quá trình phục hồi vóc dáng. Thực tế, trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường, mẹ nên kết hợp với các bài tập nhẹ nhàng và duy trì chế độ ăn uống hợp lý để đạt kết quả tốt hơn.

Bà đẻ kiêng gì theo dân gian?

Bà đẻ nên kiêng tắm nước lạnh

Quan niệm dân gian về kiêng cữ sau sinh thường đã có từ lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, không phải tất cả đều đúng theo góc nhìn khoa học. Dưới đây là một số quan niệm phổ biến và lý giải về tính hợp lý cũng như điểm phi lý của những quan niệm này:

  • Mẹ sau sinh nên kiêng tắm gội, đánh răng: Theo dân gian, trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường, mẹ không nên tắm gội, đánh răng trong vòng 1 tháng để tránh bị cảm lạnh hoặc rụng răng sau này. Thực tế, việc kiêng tắm gội thật sự không cần thiết, thậm chí có thể tác động tiêu cực đến quá trình hồi phục cơ thể của mẹ sau sinh. Tắm rửa giúp cơ thể và vùng kín sạch sẽ, giảm viêm nhiễm, nấm ngứa, giúp tinh thần thoải mái và lưu thông máu tốt hơn. Do đó, sau khi sinh khoảng 1-2 ngày, mẹ sinh thường có thể tắm gội nhẹ nhàng bằng nước ấm dưới vòi sen.
  • Mẹ sau sinh phải mặc quần áo dài, kín toàn thân: Theo quan niệm kiêng cữ sau sinh thường của dân gian, mẹ cần mặc quần áo tay dài, kín mít để tránh gió lạnh và bảo vệ cơ thể. Thực tế, quan niệm này chỉ có cơ sở trong điều kiện thời tiết lạnh, giúp mẹ giữ ấm. Tuy nhiên, nếu thời tiết nóng, mẹ nên mặc quần áo thoáng mát để tránh tăng thân nhiệt, giảm nguy cơ rôm sảy và khó chịu.
  • Mẹ sau sinh cần nằm than để giữ ấm cơ thể: Mặc dù quan niệm kiêng cữ sau sinh thường này có thể giúp bà đẻ giữ ấm và tránh khí lạnh, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Khí CO2 từ than đốt trong phòng kín có thể gây ngộ độc cho cả mẹ và bé, thậm chí dẫn đến tử vong.
  • Mẹ sau sinh nên kiêng ăn đồ lạnh hoặc thực phẩm sống: Trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường, bà đẻ không nên ăn đồ lạnh, gỏi hoặc thức ăn sống để tránh đau bụng và khó tiêu. Quan niệm này hợp lý. Thực phẩm lạnh hoặc chưa nấu chín dễ gây rối loạn tiêu hóa và nhiễm khuẩn.
  • Sau sinh nên hạn chế vận động, phải nằm nhiều: Theo dân gian, khi kiêng cữ sau sinh thường, sản phụ cần nghỉ ngơi hoàn toàn, hạn chế di chuyển để tránh tổn thương cơ thể. Quan niệm này không hoàn toàn đúng. Sau sinh, mẹ cần nghỉ ngơi đầy đủ nhưng vẫn nên vận động nhẹ nhàng, như đi bộ, để tăng cường tuần hoàn máu, giảm nguy cơ táo bón và phục hồi nhanh hơn.
  • Mẹ sau sinh không nên ra ngoài hoặc tiếp xúc với người lạ: Quan niệm kiêng cữ sau sinh thường của dân gian cho rằng, mẹ sau sinh không được ra ngoài để tránh gió và tà khí, cũng như không gặp người lạ để tránh bị nhiễm bệnh. Quan niệm này một phần đúng. Sau sinh, cơ thể mẹ yếu, cần hạn chế tiếp xúc với môi trường đông đúc để tránh lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, việc ra ngoài hít thở không khí trong lành (trong điều kiện an toàn) sẽ giúp cải thiện tinh thần và giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh.

Nhìn chung, nhiều quan niệm dân gian về kiêng cữ sau sinh thường có giá trị nhất định nhưng cần được áp dụng linh hoạt, kết hợp với hiểu biết khoa học hiện đại. Việc chăm sóc sản phụ nên đảm bảo cân bằng giữa truyền thống và y học để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần cho cả mẹ và bé.

Lời của chuyên gia về kiêng cữ sau sinh thường

Chăm sóc mẹ sau sinh thường

Sau sinh, cơ thể người mẹ cần thời gian để hồi phục và lấy lại cân bằng. Tuy nhiên, nhiều mẹ bỉm có thể cảm thấy bối rối về cách chăm sóc bản thân trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường. Lúc này, các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn chế độ kiêng cữ phù hợp, giúp mẹ bỉm:

  • Hiểu rõ tình trạng sức khỏe hiện tại và những nhu cầu đặc biệt của cơ thể.
  • Tránh được các sai lầm phổ biến như kiêng cữ quá mức hoặc không kiêng cữ đúng cách, từ đó hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, suy nhược cơ thể hoặc các biến chứng hậu sản.
  • Được tư vấn chế độ ăn uống, vận động và nghỉ ngơi phù hợp với từng giai đoạn hồi phục, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh chóng và an toàn.

Nhìn chung, trong thời kỳ kiêng cữ sau sinh thường, mẹ bỉm cần chú ý những vấn đề sau:

Chế độ ăn uống

  • Ăn uống đầy đủ chất: Sau sinh, cơ thể mẹ cần bổ sung đa dạng các nhóm chất, đặc biệt là protein, chất xơ, sắt, canxi, vitamin và khoáng chất. Những chất này không chỉ giúp phục hồi sức khỏe mà còn hỗ trợ sản xuất sữa mẹ.
  • Uống đủ nước: Mỗi ngày, mẹ nên uống từ 2-3 lít nước để duy trì sức khỏe và đảm bảo nguồn sữa dồi dào.
  • Tránh thực phẩm có hại: Hạn chế các món nhiều dầu mỡ, cay nóng hoặc các loại đồ uống có cồn, cà phê vì chúng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa và hệ tiêu hóa của mẹ.

Vận động

  • Tập luyện nhẹ nhàng: Trong những tuần đầu của giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường, mẹ nên bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bài tập Kegel để tăng cường tuần hoàn máu và hỗ trợ phục hồi cơ vùng chậu.
  • Không vội vàng vận động mạnh: Mẹ cần lắng nghe cơ thể và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu các bài tập đòi hỏi sức mạnh cao hơn.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần

  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Sau sinh, việc ngủ đủ giấc và dành thời gian nghỉ ngơi khi bé ngủ là rất cần thiết để cơ thể và tinh thần được hồi phục.
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ: Đừng ngần ngại nhờ sự giúp đỡ từ gia đình hoặc bạn bè trong việc chăm sóc em bé, nấu ăn hay dọn dẹp nhà cửa khi đang kiêng cữ sau sinh thường. Điều này giúp mẹ giảm bớt áp lực và có thời gian chăm sóc bản thân.
  • Kiểm soát cảm xúc: Nếu cảm thấy buồn, lo âu hoặc căng thẳng, mẹ nên chia sẻ với người thân, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý. Giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường có thể là thời gian đầy thử thách và việc chăm sóc sức khỏe tinh thần quan trọng không kém gì thể chất.

Những lời khuyên này giúp mẹ bỉm xây dựng một kế hoạch kiêng cữ khoa học, cân bằng, không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn mang lại sự an tâm trong hành trình làm mẹ.

FAQs – Những câu hỏi thường gặp về kiêng cữ sau sinh thường

1. Sau sinh kiêng gió bao lâu?

Sau sinh kiêng gió bao lâu

Hiện nay, không có khuyến cáo chính thức nào từ các chuyên gia sức khỏe về việc cần phải kiêng gió sau sinh trong bao lâu. Tuy nhiên, theo quan niệm dân gian, thời gian kiêng gió sau sinh thường được khuyên là tối thiểu 2 tuần.

Trong khoảng thời gian kiêng cữ sau sinh thường, mẹ nên giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với gió lạnh, quạt máy hoặc điều hòa nhiệt độ. Bên cạnh đó, mẹ được khuyên tắm rửa bằng nước ấm, lau khô người ngay sau khi tắm và tuyệt đối không sử dụng nước lạnh.

Để đảm bảo sức khỏe và quá trình hồi phục sau sinh diễn ra an toàn, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để có hướng dẫn phù hợp với tình trạng cơ thể của mình. Việc giữ vệ sinh cá nhân đúng cách, kết hợp nghỉ ngơi và dinh dưỡng khoa học, mới là yếu tố quan trọng nhất để phục hồi nhanh chóng sau sinh.

2. Sau sinh rửa tay bằng nước lạnh có sao không?

Trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường, mẹ cần hạn chế tiếp xúc với nước lạnh để bảo vệ sức khỏe, nhất là khi cơ thể còn yếu. Theo quan niệm dân gian, thông thường, sau khoảng 5-7 ngày, mẹ có thể rửa tay hoặc rửa mặt bằng nước lạnh nếu cần. Tuy nhiên, việc tắm nước lạnh lại được khuyên nên tránh tuyệt đối trong thời gian này. Thay vào đó, mẹ nên sử dụng nước ấm để tắm hoặc lau người, vì điều này giúp giữ ấm cơ thể, hỗ trợ quá trình hồi phục.

Đối với những mẹ muốn tắm nước lạnh, dân gian khuyên nên chờ ít nhất 2-3 tháng sau sinh, khi cơ thể đã hoàn toàn hồi phục và sức khỏe ổn định. Việc tuân thủ những lời khuyên này được cho là giúp mẹ tránh các vấn đề sức khỏe về sau, chẳng hạn như đau nhức xương khớp hay cảm lạnh.

Tuy nhiên, những quan niệm kiêng cữ sau sinh thường này mang tính truyền thống và có thể không phù hợp với mọi trường hợp. Để đảm bảo an toàn và khoa học, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các hoạt động sau sinh, bao gồm việc tiếp xúc với nước lạnh.

3. Sau sinh thường, thời gian ở cữ bao lâu là hợp lý?

Thời gian ở cữ sau sinh thường không cố định mà phụ thuộc vào sức khỏe và thể trạng của từng mẹ. Theo các chuyên gia, khoảng thời gian lý tưởng để kiêng cữ sau sinh thường kéo dài từ 6-8 tuần. Đây là giai đoạn quan trọng để cơ thể mẹ hồi phục sau quá trình mang thaisinh con, bao gồm việc tái tạo năng lượng, ổn định nội tiết và chữa lành các tổn thương.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào phương pháp sinh (sinh thường hay sinh mổ) và tình trạng sức khỏe cụ thể, thời gian này có thể linh hoạt hơn. Điều quan trọng là mẹ cần nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo phục hồi tốt nhất.

Quan niệm dân gian thường khuyên mẹ nên ở cữ từ 3 tháng 10 ngày, nhưng ngày nay, các khuyến nghị khoa học đã nhấn mạnh rằng sức khỏe và nhu cầu của mẹ mới là yếu tố chính quyết định thời gian kiêng cữ sau sinh thường kéo dài bao lâu.

4. Sau sinh bao lâu thì được đụng nước lạnh?

Rửa mặt với nước ấm sau sinh

Như đã đề cập về quan niệm kiêng cữ sau sinh thường theo dân gian, sau khoảng 5-7 ngày, mẹ có thể rửa tay, rửa mặt bằng nước lạnh. Tuy nhiên, việc tắm nước lạnh nên kiêng ít nhất 2-3 tháng để cơ thể hoàn toàn hồi phục, ưu tiên dùng nước ấm trong thời gian ở cữ. Để đảm bảo an toàn, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

5. Bà đẻ bao lâu được giặt quần áo và làm việc nhà?

Đối với mẹ sinh thường, sau khoảng 2 tuần kiêng cữ sau sinh thường, mẹ có thể bắt đầu làm các công việc nhà nhẹ như giặt quần áo bằng máy giặt, phơi đồ hoặc dọn dẹp đơn giản. Tuy nhiên, mẹ nên tránh các động tác mạnh như cúi người, mang vác nặng.

Sau khoảng 6-8 tuần kiêng cữ sau sinh thường, khi cơ thể hồi phục hoàn toàn, mẹ có thể làm nhiều việc hơn nếu sức khỏe ổn định. Lúc này, mẹ có thể tự tay giặt giũ, làm việc nhà.

Dù vậy, mẹ vẫn cần ưu tiên nghỉ ngơi trong giai đoạn này để cơ thể phục hồi tốt nhất. Ngoài ra, khoảng thời gian trên chỉ mang tính chất tham khảo. Mẹ nên lắng nghe cơ thể và chỉ làm việc nhà khi thật sự khỏe.

6. Tại sao bà đẻ tắm không được kỳ?

Phụ nữ trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường được khuyến cáo không nên kỳ cọ mạnh khi tắm vì có thể gây nhiễm trùng các vết thương như vết khâu tầng sinh môn hoặc vết mổ. Việc cọ xát mạnh có thể làm tổn thương các vết thương đang lành và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Theo các chuyên gia, mẹ sau sinh chỉ nên tắm nhanh và nhẹ nhàng dưới vòi sen với nước ấm để giảm đau và mệt mỏi. Việc này giúp cơ thể mẹ thư giãn mà không gây áp lực lên các vết thương.

7. Tại sao bà đẻ phải uống nước ấm?

Bà đẻ nên uống nước ấm

Trong thời kỳ kiêng cữ sau sinh thường, các bác sĩ khuyến khích mẹ sau sinh uống nước ấm hoặc nước có nhiệt độ phòng vì những lý do sau:

  • Hỗ trợ phục hồi: Nước ấm giúp cơ thể nhanh hồi phục và hỗ trợ tử cung co lại về kích thước ban đầu.
  • Bảo vệ sức khỏe: Mẹ sau sinh có sức đề kháng yếu. Nếu uống nước lạnh trong giai đoạn kiêng cữ sau sinh thường, đặc biệt là nước đá không đảm bảo vệ sinh, dễ khiến mẹ bị cảm lạnh, đau họng, ho và có thể lây bệnh cho bé.
  • Giảm ê buốt răng: Sau sinh, men răng của mẹ thường yếu do thay đổi nội tiết. Nếu uống nước lạnh có thể gây ê buốt răng.
  • Bảo vệ tiêu hóa: Nước lạnh có thể làm co thắt mạch máu trong dạ dày và ruột, ảnh hưởng đến tiêu hóa, gây lạnh bụng, đầy hơi hoặc tiêu chảy.
  • Giảm đau đầu: Nước lạnh cũng có thể làm căng các dây thần kinh, dễ gây đau đầu.

Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe và giúp cơ thể mẹ nhanh phục hồi, uống nước ấm là lựa chọn an toàn và tốt nhất.

8. Sinh con thứ 2 kiêng cữ bao lâu thì đủ?

Mẹ sinh con thứ 2 không cần phải kiêng cữ sau sinh thường đủ 3 tháng 10 ngày như quan niệm truyền thống, nhưng việc nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng trong khoảng 6-8 tuần vẫn rất quan trọng để cơ thể phục hồi. Thời gian này có thể ngắn hoặc dài tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mẹ và điều kiện gia đình. Việc nghỉ ngơi hợp lý giúp mẹ phục hồi nhanh chóng, chăm sóc bé tốt hơn và đảm bảo sức khỏe lâu dài.

9. Sau sinh bao lâu thì được chải tóc?

Một trong những quan niệm kiêng cữ sau sinh thường theo dân gian là kiêng chải tóc để tránh bị rụng tóc sau sinhđau nhức đầu khi về già. Tuy nhiên, thực tế, rụng tóc sau sinh chủ yếu là do sự sụt giảm nồng độ estrogen, không phải do việc chải tóc sớm hay chải tóc trong thời gian ở cữ.

Việc chải tóc có thể giúp mẹ bỉm cảm thấy gọn gàng, sạch sẽ và thư thái hơn, đồng thời kích thích lưu thông máu trên da đầu. Vì vậy, mẹ có thể chải tóc ngay khi có thể đi lại và thực hiện các việc vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, cần lưu ý không chải quá mạnh hay quá thường xuyên để tránh làm tổn thương tóc và da đầu.

10. Sau sinh bao lâu thì được ra ngoài?

Một trong những quan niệm kiêng cữ sau sinh thường phổ biến là kiêng ra ngoài. Vậy, sau sinh bao lâu thì được ra ngoài? Theo các bác sĩ, việc kiêng ra ngoài sau sinh là cần thiết nhưng không cần quá lâu như quan niệm dân gian. Thời gian mẹ có thể ra ngoài phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ phục hồi của từng người. Thông thường, khi các vết khâu hoặc vết mổ đã lành dần và cơ thể mẹ cảm thấy thoải mái hơn, mẹ có thể bắt đầu ra ngoài nhẹ nhàng.

Mẹ sinh thường thường hồi phục nhanh hơn, có thể ra ngoài sớm hơn mẹ sinh mổ. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần tránh gió lạnh và nên ra ngoài trong khoảng thời gian ngắn, tránh làm việc nặng hoặc tiếp xúc với môi trường có nhiều vi khuẩn để bảo vệ sức khỏe.

Để biết rõ “Sinh xong bao lâu thì đi ra ngoài được?” dựa trên tình trạng sức khỏe thực tế của bản thân, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Kết Luận

Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn hiểu rõ ở cữ là gì, kiêng cữ sau sinh thường bao lâu và sau sinh nên kiêng gì để bảo vệ sức khỏe và mau hồi phục. Kiêng cữ sau sinh thường đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ mẹ bỉm lấy lại sức khỏe, cân bằng cảm xúc và chăm sóc bé yêu một cách tốt nhất. Từ việc lắng nghe ý kiến chuyên gia, duy trì chế độ ăn uống khoa học, vận động nhẹ nhàng đến chăm sóc sức khỏe tinh thần, tất cả đều góp phần tạo nên một giai đoạn hậu sản an toàn và lành mạnh.

Nếu bạn đang chuẩn bị cho hành trình làm mẹ hoặc muốn tìm hiểu thêm về kiêng cữ sau sinh thường, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ để xây dựng một kế hoạch chăm sóc toàn diện. Hãy bắt đầu chăm sóc bản thân ngay hôm nay để mỗi ngày bên bé yêu đều tràn đầy sức khỏe và hạnh phúc!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Postpartum: Stages, Symptoms & Recovery Time https://my.clevelandclinic.org/health/articles/postpartum Ngày truy cập: 19/01/2025

Postnatal Care for Mothers and Newborns: Highlights from the World Health Organization 2013 Guidelines https://www.who.int/docs/default-source/mca-documents/nbh/brief-postnatal-care-for-mothers-and-newborns-highlights-from-the-who-2013-guidelines.pdf Ngày truy cập: 19/01/2025

Postpartum nutrition: Guidance for general practitioners to support high-quality care https://doi.org/10.31128/ajgp-09-21-6151 Ngày truy cập: 19/01/2025

The New Mother: Taking Care of Yourself After Birth – Stanford Medicine Children’s Health https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=the-new-mother-taking-care-of-yourself-after-birth-90-P02693 Ngày truy cập: 19/01/2025

Nutrient Intake during Pregnancy and Post-Partum: ECLIPSES Study – PMC https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC7285175/ Ngày truy cập: 19/01/2025

Vitamins Postpartum: 5 Things to Think About – Penn Medicine Lancaster General Health https://www.lancastergeneralhealth.org/health-hub-home/motherhood/fourth-trimester/vitamins-postpartum-5-things-to-think-about Ngày truy cập: 19/01/2025

POSTNATAL CARE OF THE MOTHER AND NEWBORN – Counselling for Maternal and Newborn Health Care – NCBI Bookshelf https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK304191/ Ngày truy cập: 19/01/2025

Salt preference of nursing mothers is associated with earlier cessation of exclusive breastfeeding – ScienceDirect https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0195666309006837 Ngày truy cập: 19/01/2025

The impact of salt intake during and after pregnancy | Hypertension Research https://www.nature.com/articles/hr201790 Ngày truy cập: 19/01/2025

Maternal Diet and Breastfeeding https://www.cdc.gov/breastfeeding-special-circumstances/hcp/diet-micronutrients/maternal-diet.html Ngày truy cập: 19/01/2025

Tắm gội sau sinh: “kiêng hay không kiêng…. nói 1 câu” – Bệnh viện Từ Dũ https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/lam-me-an-toan/cham-soc-ba-me-mang-thai/tam-goi-sau-sinh-kieng-hay-khong-kieng-noi-1-cau/ Ngày truy cập: 19/01/2025

Exercises After Pregnancy: 5 Exercises You Can Do at Home | ACOG https://www.acog.org/womens-health/infographics/exercises-after-pregnancy Ngày truy cập: 19/01/2025

Looking after your body after having a baby | Pregnancy Birth and Baby https://www.pregnancybirthbaby.org.au/looking-after-your-body Ngày truy cập: 19/01/2025

Phiên bản hiện tại

21/01/2025

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Thực hư về hiệu quả của nịt bụng sau sinh? Bạn có nên thử không?

5 sự thật về cuộc sống sau sinh của mẹ khác xa với những gì bố nghĩ


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 17 giờ trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo