Dạo này, bạn cảm thấy mình chẳng thể nhớ được gì quá 5 phút? Hãy thử áp dụng 6 bí quyết cải thiện trí nhớ hiệu quả trong bài viết này để tránh tình trạng hay quên nhé!
Ký ức là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và để lưu giữ ký ức, bạn cần có một bộ não khỏe mạnh để không ngừng củng cố trí nhớ. Theo thời gian, trí nhớ của chúng ta sẽ không còn được như trước, dẫn đến nguy cơ cao gặp phải một số vấn đề như suy giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức…
Đối với nhiều người cao tuổi, sự suy thoái não bộ trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi họ mất dần khả năng độc lập và không nhớ phải tự thực hiện các bước sinh hoạt cơ bản hằng ngày. Vậy phải làm sao để cải thiện trí nhớ hiệu quả?
Một số biện pháp có thể giúp bạn tăng cường khả năng ghi nhớ của não bộ và hình thành những mối liên kết thần kinh mới mỗi ngày, thậm chí đối với những người lớn tuổi. Khái niệm này được gọi là cơ chế thần kinh mềm dẻo, nghĩa là bạn có thể mở rộng trí nhớ thông qua quá trình rèn luyện não bộ và thể chất. Sau đây chính là 6 cách có thể giúp bạn cải thiện trí nhớ hiệu quả:
1. Học hỏi những điều mới lạ
Tương tự như cơ bắp, não bộ cũng có thể được củng cố thông qua quá trình luyện tập hằng ngày. Điều này có nghĩa là bạn càng sử dụng não bộ để thực hiện những công việc yêu cầu tính tập trung và tư duy thường xuyên, trí nhớ của bạn sẽ càng được củng cố và cải thiện.
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ mãi thực hiện các công việc lặp đi lặp lại hằng ngày, trí nhớ sẽ không thể phát triển như ý muốn. Thay vào đó, bạn nên đặt ra những thử thách cho não bộ của mình. Việc tiếp thu kiến thức mới hoặc phát triển một kỹ năng mới sẽ giúp bạn tăng cường khả năng ghi nhớ của não bộ một cách hiệu quả.
Có rất nhiều hoạt động để bạn có thể tự do lựa chọn, nhưng quan trọng hơn hết, bạn cần phải đề ra một mục tiêu học tập cụ thể. Việc này sẽ buộc bạn phải bước ra khỏi vùng an toàn và yêu cầu tính tập trung tuyệt đối. Ví dụ như bạn có thể học chơi nhạc cụ mới, làm gốm, vẽ tranh, chơi trò chơi trí tuệ như giải mã số hoặc cờ vua, học một ngôn ngữ… Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng việc thông thạo nhiều ngôn ngữ có thể giúp làm chậm sự khởi phát và tiến triển của chứng sa sút trí tuệ do các vấn đề thoái hóa thần kinh.
2. Ôn lại kiến thức nhiều lần là một cách cải thiện trí nhớ hiệu quả
Bất cứ khi nào tiếp thu kiến thức hoặc thông tin mới, lời khuyên cho bạn là cần phải ôn luyện và lặp đi lặp lại việc áp dụng kiến thức này vào thực tế để có thể nhớ nhanh và lâu hơn. Sự lặp lại kiến thức sẽ giúp củng cố mối liên kết giữa các dây thần kinh.
Hãy đọc to thông tin hoặc kiến thức bạn vừa học được. Ngoài ra, khi học từ vựng mới, bạn nên tập cách đặt câu cùng những từ này. Hãy viết ra giấy ghi chú và dán ở những nơi dễ thấy tại nhà hoặc văn phòng làm việc. Điều này sẽ giúp bạn không ngừng gợi nhớ lại kiến thức và là một cách tăng cường trí nhớ rất hiệu quả.
Tuy nhiên, chỉ thế thôi thì chưa đủ. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng sự ôn lại kiến thức đơn thuần sẽ không giúp bạn ghi nhớ một cách lâu dài. Tốt hơn hết là sau khi ôn tập, bạn nên thử tập trung và nhớ lại những kiến thức này mà không nhìn vào ghi chú trên giấy. Việc bạn tự buộc bản thân gợi nhớ lại kiến thức sẽ tốt hơn chỉ lẩm nhẩm trong đầu.
3. Dùng từ ngữ một cách đa dạng
Muốn trả lời cho câu hỏi “Làm sao để cải thiện trí nhớ hiệu quả?”, bạn có thể thử ngay phương pháp Mnemonics. Phương pháp Mnemonics giúp bạn ghi nhớ từ mới bằng cách sử dụng các từ trái nghĩa, từ viết tắt, bài hát hoặc giai điệu. Phương pháp giúp tăng trí nhớ này đã trở thành một mẹo học hữu ích đối với học sinh.
Bạn có thể thay thế từ vựng vào một bài hát đơn giản hoặc tập cách viết tắt từ để ghi chép nhanh hơn. Đây chính là ví dụ điển hình của phương pháp Mnemonics. Ngoài ra, việc suy nghĩ từ mới bằng cách nhớ từ trái nghĩa cũng là một lựa chọn lý tưởng dành cho bạn.
4. Tổng hợp và phân loại thông tin giúp cải thiện trí nhớ hiệu quả
Việc học cách tổng hợp và phân loại thông tin sẽ giúp quá trình tiếp thu của bạn trở nên hiệu quả và dễ dàng hơn. Tùy theo chủ đề hoặc nội dung kiến thức, bạn có thể phân chúng thành những nhóm thông tin khác nhau để dễ dàng ghi nhớ.
Việc sắp xếp các thông tin mà não bộ tiếp thu được theo trình tự có thể giúp bạn dễ dàng tìm kiếm thông tin mỗi khi cần sử dụng. Chẳng hạn như, thay vì ghi nhớ một dãy số điện thoại dài, bạn có thể chia chúng thành 3 cụm để dễ nhớ hơn.
5. Vận dụng giác quan để ghi nhớ
Một mẹo nhỏ khác giúp bạn tăng cường trí nhớ chính là không nên chỉ dựa vào ý nghĩa hoặc học một cách máy móc nội dung để lưu giữ lại thông tin trong đầu.
Thay vào đó, bạn nên liên kết thông tin một cách tổng quát thông qua việc sử dụng các giác quan khác, như màu sắc, hương vị và mùi, hoặc quan sát những sự kiện có liên quan. Sử dụng tất cả các giác quan sẽ giúp bạn ghi nhớ sâu sắc hơn những điều cần nhớ, từ đó cải thiện trí nhớ hiệu quả.
6. Cách để cải thiện trí nhớ hiệu quả là sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý
Điều này có nghĩa là bạn cần đảm bảo chất lượng giấc ngủ mỗi đêm bằng cách ngủ đủ giấc từ 7–9 tiếng. Bên cạnh đó, việc đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm cũng như thức dậy đúng giờ vào mỗi sáng sẽ giúp não bộ có đủ thời gian nghỉ ngơi.
Ngoài ra, bạn nên hạn chế ngủ nướng vào cuối tuần vì điều này sẽ phá hỏng thói quen lành mạnh của bạn. Việc tạo thời gian nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ, ngăn ngừa tình trạng não bộ trì trệ và mệt mỏi. Bên cạnh đó, bạn nên chú ý đến chế độ ăn uống, ăn các loại thực phẩm tốt cho não bộ sẽ giúp tăng cường trí nhớ.
Bạn hãy thử áp dụng những bí quyết kể trên mỗi ngày để giúp cải thiện trí nhớ hiệu quả nhé. Có lẽ bạn sẽ cần một khoảng thời gian dài để nhận thấy tác dụng, tuy nhiên khả năng ghi nhớ, tư duy và tập trung của bạn sẽ tăng lên rất nhiều đấy.
[embed-health-tool-bmi]