- Đau vùng thượng vị, đau lan sang lưng
- Khó tiêu, bụng chướng
- Nôn bất cứ lúc nào, dù bụng đói hay no
- Hôi miệng do vi khuẩn HP bám ở răng sinh ra khí có mùi hôi
Ngoài ra, trong một số trường hợp nặng, bé có thể nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen.
Trẻ em bị nhiễm khuẩn HP có thể bị thiếu máu trầm trọng, ăn kém, cơ thể suy nhược, chậm phát triển. Một số trường hợp còn có thể bị loét dạ dày gây chảy máu, thủng dạ dày, tiêu chảy, đau bụng liên tục, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch… Do đó, nếu thấy trẻ có các triệu chứng kể trên, bạn cần đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trẻ em bị nhiễm khuẩn HP có nguy hiểm không? Điều trị HP ở trẻ em như thế nào?
Nhiều bậc phụ huynh lo sợ vi khuẩn HP sẽ gây viêm loét, ung thư dạ dày nên khi thấy trẻ bị nhiễm liền yêu cầu bác sĩ điều trị ngay. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, dù điều trị tận gốc thì nguy cơ tái nhiễm vẫn rất cao do trẻ chưa tự ý thức được vấn đề giữ vệ sinh khi ăn uống, sinh hoạt. Không những vậy, việc điều trị còn thể gây hại đến hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ. Rất nhiều trẻ sau khi dùng kháng sinh điều trị lại có triệu chứng biếng ăn, tiêu hóa kém, chậm lớn, quấy khóc.
Do đó, nếu trẻ bị nhiễm HP chưa có triệu chứng thì chưa cần phải điều trị. Thậm chí, một số nghiên cứu còn cho thấy loại vi khuẩn này không hẳn có hại hoàn toàn. Nếu không gây ra triệu chứng gì, sự có mặt của HP sẽ giống như một vi khuẩn cộng sinh, đôi khi đem lại một số tác dụng đối với cơ thể con người.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bạn chỉ nên điều trị loại vi khuẩn này trong các trường hợp sau:
- Trẻ bị loét dạ dày tá tràng
- Trẻ bị thiếu máu, thiếu sắt
- Mắc chứng khó tiêu chức năng
- Xuất huyết, giảm tiểu cầu nhưng không rõ nguyên nhân
- Viêm teo mạc dạ dày
- Bị ung thư dạ dày nhưng đã phẫu thuật
- Có người thân trong gia đình như bố, mẹ, anh, chị, em ruột đã từng bị ung thư dạ dày.
Tại sao trẻ nhỏ lại là đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn HP nhất?
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn HP nhưng đối tượng có nguy cơ cao nhất là trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Nguyên nhân là do môi trường sống, thức ăn không đảm vệ sinh, người lớn có thói quen hôn hít trẻ, dùng chung dụng cụ ăn uống, mớm cho trẻ ăn… ngoài ra hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ.