backup og meta

Bố mẹ cần chăm sóc con bị viêm ruột như thế nào?

Bố mẹ cần chăm sóc con bị viêm ruột như thế nào?

Bố mẹ cần chăm sóc con đúng cách khi bé mắc bệnh viêm ruột. Trẻ càng nhỏ, nguy cơ bị mất nước gây nguy hiểm càng cao.

Nếu con bạn đã được hơn 6 tháng tuổi, các triệu chứng bệnh viêm ruột thường nhẹ và không có dấu mất nước, bố mẹ có thể chăm sóc con tại nhà.

Mẹ nên cho con uống gì khi bé bị viêm ruột?

Cách điều trị tốt nhất chính là cung cấp đủ nước cho bé. Nước ở đây có thể là những loại chất lỏng khác nhau. Điều quan trọng mà bậc cha mẹ cần nhớ là:

  • Thay vì uống một lượng lớn nước, bạn nên cho bé uống nhiều lần với lượng nhỏ, tốt nhất là ¼ ly cho mỗi 15 phút;
  • Cho bé uống nước cả những lúc nôn.

Nếu bé đang bú sữa hoặc ăn dặm, mẹ cứ tiếp tục cho bé bú và ăn nhưng với tần suất và số lượng tăng lên. Nếu bé đã được một tuổi, bạn có thể cho bé uống sữa.

Bạn cũng có thể cho con những thức uống sau miễn là bé không bị mất nước và những loại này phải được pha loãng với nước với tỷ lệ 1:5 (5 phần nước/1 phần dung dịch):

  • Cordial;
  • Súp;
  • Nước ép trái cây;
  • Nước có ga như nước chanh.

Bác sĩ hay dược sĩ có thể cho các dung dịch điện giải như Gastrolyte hoặc Pedialyte nếu con bạn bị mất nước. Phụ huynh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn để chữa trị tại nhà đúng cách cho bé.

Mẹ không nên cho bé dùng loại thức uống nào?

Khi trẻ có triệu chứng tiêu chảy, bố mẹ không nên cho bé uống:

  • Các loại nước giải khát, nước ép trái cây, nước uống thể thao chưa được pha loãng vì chứa nhiều đường sẽ khiến cho tình trạng tiêu chảy tồi tệ hơn;
  • Trà hay cà phê – loại thức uống gây tình trạng mất nước.

Trẻ có thể ăn như bình thường khi bị viêm ruột không?

Bé vẫn có thể ăn như bình thường dù có đang bị tiêu chảy hay không. Việc ăn uống đầy đủ sẽ giúp con hồi phục nhanh hơn và thời gian bị tiêu chảy cũng được rút ngắn lại.

Con có thể sẽ từ chối thức ăn nhưng bố mẹ đừng quá lo lắng mà cứ tiếp tục kiên trì bổ sung nước đầy đủ cho bé và dỗ bé ăn để mau khỏi bệnh. Phụ huynh nên tránh tình trạng bé không ăn gì trong suốt 24 giờ.

Các loại thực phẩm giàu tinh bột đơn giản như bánh mì hoặc bánh mì nướng, cháo, gạo, khoai tây, bánh quy, sữa chua, bánh sữa là tốt nhất cho bé.

Có một số loại thực phẩm sẽ khiến tình trạng bệnh của bé trầm trọng hơn. Bố mẹ nên để những món chứa nhiều chất béo và đường như thức ăn nhanh, snack, kẹo, bánh, sô-cô-la, kem xa tầm tay của con dù bé có thèm cách mấy.

Trẻ có cần uống thuốc không?

Bạn đừng nên cho bé uống thuốc để giảm tiêu chảy. Điều này không hiệu quả, thậm chí có thể gây hạị. Bác sĩ đôi khi có thể kê toa cho bé loại thuốc chống nôn ói. Tuy nhiên đa phần thuốc hoặc thậm chí là thuốc kháng sinh không thể trị khỏi bệnh viêm ruột do virus. Chính cơ thể trẻ sẽ tự chống lại virus gây bệnh.

Tiêu chảy có thể gây phát ban ở hậu môn (hăm hậu môn). Bố mẹ nên rửa sạch và lau khô hậu môn cho con sau mỗi lần bé đi đại tiện, sau đó dùng một loại kem có tác dụng bảo vệ hoặc thuốc mỡ (kẽm, dầu thầu dầu hoặc sáp Vaseline) thoa cho bé.

Làm thế nào để biết con có đang bị mất nước hay không?

Mất nước là sự mất mát một lượng lớn chất lỏng trong cơ thể do nôn mửa và tiêu chảy. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị mất nước hơn cả.

Dấu hiệu trẻ đang mất nước:

  • Khô miệng và lưỡi;
  • Mắt trũng;
  • Tay chân lạnh;
  • Buồn ngủ bất thường hoặc thiếu năng lượng;
  • Tã ít ướt hoặc không đi ra nhiều nước tiểu như bình thường;

Nếu con có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, bạn cần phải đưa bé nhanh chóng đến bác sĩ.

Khi nào bố mẹ cần sự giúp đỡ của bác sĩ ngay lập tức?

Trong nhiều trường hợp, việc điều trị tại nhà không khả quan. Trẻ cần được đưa đến gặp ngay bác sĩ nếu:

  • Dưới sáu tháng tuổi, có triệu chứng nôn ói hoặc tiêu chảy;
  • Buồn ngủ bất thường và khó đánh thức;
  • Bị tiêu chảy nặng (8-10 lần/ngày);
  • Có máu hoặc chất nhầy trong phân;
  • Nôn ói ngày càng nhiều và không thể uống hoặc nuốt chất lỏng;
  • Chất lỏng nôn ra có màu xanh lá cây (mật);
  • Đau bụng nghiêm trọng;
  • Có dấu hiệu mất nước;
  • Tiêu chảy diễn ra liên tục trong 10 ngày.

Trẻ càng nhỏ, nguy cơ bị nhiễm các bệnh càng cao. Vì thế bố mẹ lại càng phải chăm sóc con nhiều hơn. Để con bạn có thể phát triển khỏe mạnh và toàn diện, ngoài tình yêu thương, những kiến thức để “bỏ túi” cũng vô cùng cần thiết đấy.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Gastroesophageal Reflux in Babies and Children – Topic Overview http://www.webmd.com/digestive-disorders/tc/gastroesophageal-reflux-in-babies-and-children-topic-overview#1 Ngày truy cập 03/03/2017

Gastroenteritis in Adults and Older Children – Topic Overview http://www.webmd.com/digestive-disorders/tc/gastroenteritis-in-adults-and-older-children-topic-overview#2 Ngày truy cập 03/03/2017

Gastroesophageal Reflux in Babies and Children – Topic Overview http://www.kidshealth.org.nz/gastroenteritis Ngày truy cập 03/03/2017

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Yến Oanh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Phú Trung


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Yến Oanh · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo