backup og meta

Cận thị

Cận thị

Cận thị là một tật khúc xạ thường gặp ở mắt và ngày càng nhiều người mắc phải. Để tìm hiểu rõ hơn về cận thị là gì, các dấu hiệu của mắt bị tật cận thị và cách điều trị, chăm sóc mắt, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây.

Tìm hiểu chung

Cận thị là gì?

Tật cận thị là gì hay myopia là gì? Cận thị (myopia) là tình trạng mắt không thể nhìn thấy các vật ở xa nhưng các đối tượng ở gần thì vẫn có thể thấy rõ. Ví dụ, bạn không thể nhận ra biển báo đường cao tốc cho đến khi chỉ còn cách một vài mét. Tình trạng này có thể diễn tiến dần dần hoặc nhanh chóng bị nặng hơn.

Theo thống kê từ các chuyên gia, tỷ lệ bị cận ở độ tuổi trẻ em và thiếu niên đang ngày càng tăng tại Việt Nam. Cụ thể, ở Việt Nam, hiện nay, có hơn 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ ở lứa tuổi 6-15 tuổi. Trong đó, tỷ lệ tật cận thị chiếm khoảng 2/3. Tỷ lệ cận thị ở thành phố lên đến hơn 50%, các vùng ven và nông thôn thì tỉ lệ này chiếm khoảng 10-15%.

Cận thị có nguy hiểm không?

Theo thời gian, mắt cận thị có thể trở nặng và góp phần dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như:

  • Mỏi mắt: thói quen nheo mắt hoặc căng mắt khi nhìn của người bị cận thị sẽ khiến họ dễ bị mỏi mắt và đau đầu.
  • Các vấn đề sức khỏe ở mắt: độ cận cao có nguy cơ cao kéo theo một số vấn đề sức khỏe mắt xảy ra, ví dụ như:
    • Bong võng mạc
    • Glaucoma (cườm nước)
    • Đục thủy tinh thể
    • Thoái hóa điểm vàng
  • Gánh nặng tài chính: người bị cận nặng không chỉ tốn chi phí cho việc thăm khám và điều trị mắt mà còn có nguy cơ gặp khó khăn trong công việc do giảm thị lực, từ đó ảnh hưởng đến mức thu nhập.
  • Chất lượng cuộc sống suy giảm: tầm nhìn bị hạn chế do cận thị cũng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày, khiến bạn khó tận hưởng niềm vui cuộc sống.

Phân loại

1. Cận thị đơn thuần (Simple Myopia)

Một trong các loại cận thị thường gặp nhất, đặc biệt là ở các bé bị cận thị ở lứa tuổi từ 10 đến 18 tuổi. Người mắc bệnh này thường có độ cận dưới 6 diop, có thể đi kèm với loạn thị. 

Nguyên nhân có thể là do mắt phải làm việc liên tục với cường độ cao ở khoảng cách gần, học tập và làm việc trong môi trường ít ánh sáng. Bệnh thường có xu hướng tăng trong một khoảng thời gian và sẽ ngừng lại khi đạt một mức độ nhất định

2. Cận thị thứ phát (Induced Myopia Or Acquired Myopia)

Rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh cận thị thứ phát như: là do tác dụng phụ khi tiếp xúc với một số thuốc kê đơn, hoặc đường huyết tăng cao (bệnh tiểu đường),…

cận thị

3. Cận thị giả (Pseudo Myopia)

Cận thị giả xuất hiện khi mắt gia tăng điều tiết, khiến tầm nhìn xa bị suy giảm tạm thời. Dấu hiệu mắt bị cận thị giả cũng giống như cận thị bình thường. Điểm khác biệt là với những người mắc cận thị giả, mắt sẽ hồi phục tầm nhìn chỉ sau một thời gian.

4. Cận thị thoái hóa (Degenerative Myopia Or Pathological Myopia)

Đây là loại cận thị nặng nhất, thường là đối với những người có độ cận trên 6 diop, kèm theo bệnh thoái hóa võng mạc thuộc bán phần sau nhãn cầu. 

Dấu hiệu bị cận thị thoái hóa là phần trục nhãn cầu liên tục bị dài ra, làm cho độ cận liên tục tăng. Thậm chí nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các bệnh như thoái hóa võng mạc, bong võng mạc, glôcôm… Tuy nghiêm trọng là vậy, cận thị thoái hóa là khá hiếm và chỉ phát triển khi còn nhỏ. Do đó, gia đình nên thường xuyên đưa bé bị cận thị đi khám để bác sĩ có phương hướng điều trị phù hợp.


Bạn có thể quan tâm: Liệu bạn có đủ điều kiện thực hiện mổ cận thị?

Triệu chứngNguyên nhân cận thị ở trẻ và những điều bạn chưa biết

Những dấu hiệu và triệu chứng cận thị là gì?

Hầu hết trường hợp, bạn hãy chú ý đến các dấu hiệu của cận thị nhẹ sau để kịp thời phát hiện tật:

  • Nhìn xa bị mờ
  • Phải nheo mắt, có khi nghiêng đầu để thấy rõ
  • Nhức đầu do mỏi mắt
  • Gặp khó khăn khi nhìn, lái xe, đặc biệt là vào ban đêm

Bên cạnh đó, những dấu hiệu mắt bị cận khác có thể kể đến như:

  • Xuất hiện tật nheo mắt thường xuyên
  • Phải ngồi gần tivi, màn ảnh phim hoặc ngồi bàn đầu của lớp học mới thấy rõ
  • Không nhìn thấy các vật hay người ở xa
  • Chớp mắt nhiều quá mức
  • Hay dụi mắt.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

triệu chứng cận thị

Hãy mau chóng đến gặp bác sĩ nếu bạn:

  • Không nhìn thấy rõ những vật ở xa và điều này ảnh hưởng đến công việc thường ngày
  • Tầm nhìn suy yếu làm giảm thú vui trong cuộc sống
  • Thấy lóa sáng hoặc có vệt tối, bóng mờ che một phần tầm nhìn

Nguyên nhân

Nguyên nhân cận thị 1

Nguyên nhân cận thị là gì?

Bạn có thể bị cận do trục nhãn cầu quá dài hoặc giác mạc quá cong. Trong một vài trường hợp, cận thị còn do sự kết hợp của các nguyên nhân trên. Lúc này, thay vì tập trung ở võng mạc, các tia sáng đi vào mắt lại tập trung phía trước võng mạc, dẫn đến tình trạng nhìn mờ.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cận thị là gì?

Mặc dù cận thị thường gặp ở những người trong độ tuổi từ 8–12 nhưng bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể mắc phải tật khúc xạ này. Bạn có thể kiểm soát bệnh bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị cận thị, chẳng hạn như:

  • Tiền sử gia đình. Tình trạng này có xu hướng di truyền trong gia đình. Bạn sẽ có nguy cơ cao nếu bố, mẹ hoặc cả hai người đều bị cận thị.
  • Đọc sách nhiều dưới điều kiện ánh sáng không đủ hoặc sử dụng máy vi tính, điện thoại, máy tính bảng thời gian dài, không cho mắt nghỉ ngơi.
  • Điều kiện môi trường, chẳng hạn như chỉ sinh hoạt trong phòng, không dành thời gian đi ra ngoài ánh sáng tự nhiên nhiều.


Bạn có thể quan tâm: Bạn nên ăn gì để bảo vệ mắt khỏi cận thị?

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

đo độ cân thị

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh cận thị?

Bác sĩ chẩn đoán cận thị thông qua khám mắt bằng cách tiến hành một loạt các bài kiểm tra. Bác sĩ có thể sử dụng các công cụ khác nhau để chiếu tia sáng trực tiếp vào mắt và yêu cầu bạn nhìn qua các dụng cụ đo thị lực khác nhau.

Mục đích của các kỹ thuật này là để nắm bao quát được tất cả các vấn đề ở mắt và kiểm tra thị lực, xác định những loại thuốc bạn cần phải sử dùng để cải thiện thị lực, dùng kính thuốc có gọng đeo hay kính áp tròng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh cận thị?

dùng kính thuốc chữa cận thị

Để điều trị cận thị, bạn cần phải cải thiện khả năng nhìn bằng cách tập trung ánh sáng vào võng mạc với sự trợ giúp từ thấu kính điều chỉnh hoặc phẫu thuật khúc xạ.

1. Đeo kính gọng

Đây là giải pháp phổ biến, ít tốn kém nhất để điều chỉnh tật cận thị. Người bị cận thị thường được bác sĩ chỉ định đeo thấu kính phân kỳ. Nếu chọn đeo kính để điều trị cận thị, kính thuốc sẽ giúp bạn chống lại độ cong của giác mạc hoặc tăng trục nhãn cầu. Bạn có thể lựa chọn nhiều loại kính như kính hai tròng, kính đa tròng, kính đọc sách hoặc kính áp tròng.

Tuy nhiên, vẫn có một số bất tiện cho người đeo kính gọng như: Ít tham gia được các trò chơi vận động mạnh, tầm nhìn bị mờ đi khi trời mưa. Bên cạnh đó, phương pháp này không điều trị triệt để tật cận thị, và chỉ có thể đeo kính gọng trong một khoảng thời gian. Sau đó, người cận thị cần phải đo kính định kỳ mỗi khi tái khám.

2. Đeo kính áp tròng

Kính áp tròng mềm cũng là giải pháp được nhiều người áp dụng. Tuy đeo kính áp tròng sẽ mang lại cho bạn tính thẩm mỹ cao, nhưng một số người có thể bị dị ứng với kính áp tròng nếu mắt mẫn cảm, hoặc dễ bị khô. 

Bên canh đó, bạn cũng cần lưu ý vệ sinh kính áp tròng thường xuyên, nhằm tránh gây viêm nhiễm mắt. Khi hết hạn sử dụng, người bị cận cần phải thay kính và chi phí mỗi lần thay kính có giá thành khá cao.

3. Phẫu thuật tật khúc xạ

Nếu không thích cảm giác đeo kính có gọng hoặc do đặc thù công việc, nghề nghiệp hạn chế, bạn có thể xem xét tiến hành mổ cận thị. Phương pháp này sẽ giúp bạn giảm hoặc thậm chí loại bỏ sự phụ thuộc của bạn vào kính hoặc kính áp tròng. Các thủ thuật phổ biến nhất là LASEK (sử dụng tia laser để loại bỏ một lớp mô giác mạc) và LASIK (sử dụng laser hoặc dụng cụ cơ khí để cắt một vạt mỏng qua đỉnh của giác mạc).

4. Phẫu thuật Phakic

Đối với những bệnh nhân bị cận nặng, nhưng không đủ tài chính để phẫu thuật khúc xạ, thì phẫu thuật Phakic chính là sự lựa chọn thay thế phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, phương pháp này có thể khiến người bị cận tăng nhãn áp, mắt có khả năng bị viêm nhiễm, thời gian phục hồi mắt kéo dài hơn phương pháp phẫu thuật khúc xạ.

5. Phẫu thuật thay thủy tinh thể

Phương pháp điều trị tật khúc xạ này chỉ nên được áp dụng khi bệnh nhân có độ cận quá cao, không thể làm phẫu thuật bằng các phương pháp khác.

Các phương pháp giảm cận thị 1-2 độ không cần phẫu thuật

luyện tập mắt cận thị

Bài tập mắt – tay

Bài tập này có thể giúp bạn tăng khả năng nhìn các vật ở xa. Bạn hãy treo một bức tranh hay áp phích lên bức tường trước mặt. Sau đó, bắt đầu bằng tư thế đứng giữa phòng, thả lỏng cơ thể với lưng thẳng. Tiếp theo, hãy đưa ngón trỏ tay thuận lên cách mũi vài phân và tập trung ánh nhìn vào đầu ngón tay cho tới khi bạn nhìn thấy nó thật rõ.

Khi bạn đã nhìn rõ đầu ngón tay của mình thì hãy bắt đầu di chuyển thật nhanh ánh nhìn về phía bức tranh trên tường. Khi mới tập, bạn chỉ cần đứng cách bức tường vài mét và khi bạn đã nhìn rõ được bức tranh thì mới lùi ra xa hơn cho tới khi bạn không thể nhìn rõ nó nữa. Bạn hãy tiếp tục lùi ra để tập luyện cho mắt nhìn xa và sẽ tới lúc bạn có thể nhìn được bức tranh từ một khoảng cách rất xa đấy.

Bài tập tập trung

Bạn ngồi thật thoải mái và đưa một cây bút/ngón tay cái lên cách mũi khoảng 10 cm. Bạn hãy chuyển ánh nhìn thật nhanh từ cây bút/ngón tay đến hướng đối diện trong phòng và nhìn vào một vật khoảng vài giây rồi lại quay lại nhìn cây bút/ngón tay. Bạn lặp lại bài tập 10 lần nhé. Khi bạn đã cải thiện được khả năng nhìn xa thì hãy chọn một vật xa hơn nữa để nhìn.

Bài tập di chuyển bút chì

Bài tập này có thể giúp mắt bạn đỡ mỏi khi phải nhìn xa. Bạn hãy để cây bút chì trước mặt và kéo nó ra xa cho tới khi bạn thấy hình ảnh bị nhòe đi. Bạn cần phải tưởng tượng ra một bảng cờ ca rô trước mắt mình và di chuyển cây bút qua các ô, sau đó trở về vị trí ban đầu. Trong lúc di chuyển bút, bạn hãy chuyển động mắt theo nó nhé. Bạn nên tập bài tập này một lần mỗi ngày.

Phòng ngừa

đeo kính mát để ngừa tia cực tím hại mắt bị cận thị

Những biện pháp nào giúp bạn phòng ngừa bệnh cận thị?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Khám mắt thường xuyên
  • Kiểm soát các bệnh mạn tính như đái tháo đường và tăng huyết áp
  • Bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách đeo kính râm ngăn chặn bức xạ tia cực tím (UV)
  • Ngăn ngừa tổn thương mắt bằng cách đeo kính bảo vệ mắt khi làm những việc như chơi thể thao, cắt cỏ, sơn hoặc tiếp xúc với khói độc hại
  • Bỏ hút thuốc lá không chỉ tác động tích cực lên đôi mắt mà toàn bộ sức khỏe
  • Đeo kính điều chỉnh tật khúc xạ
  • Hạn chế làm mắt mỏi bằng cách để đôi mắt của bạn thư giãn sau vài phút sử dụng máy tính hoặc đọc sách.
  • Đeo kính đầy đủ khi đã bị cận thị nhằm giảm tình trạng bệnh nặng hơn.
  • Thường xuyên bổ sung vitamin A cho mắt.
  • Đối với các em học sinh, cần chú ý tư thế ngồi, và không học ở nơi thiếu ánh sáng. Bàn ghế khi ngồi học cần phải đạt đúng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, đặc biệt đối với trẻ nhỏ, cần được hạn chế sử dụng đồ dùng công nghệ tối thiểu.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nearsightedness: What Is Myopia?

https://www.aao.org/eye-health/diseases/myopia-nearsightedness.

Ngày truy cập: 02/04/2021

Nearsightedness – Symptoms and causes

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nearsightedness/symptoms-causes/syc-20375556

Ngày truy cập: 26/09/2021

Nearsightedness – Diagnosis and treatment

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nearsightedness/diagnosis-treatment/drc-20375561

Ngày truy cập: 26/09/2021

Myopia (Nearsightedness): What It Is, Causes & Treatment

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8579-myopia-nearsightedness

Ngày truy cập: 26/09/2021

Short-sightedness

https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/short-sightedness

Ngày truy cập: 26/09/2021

Myopia (nearsightedness)

https://www.aoa.org/healthy-eyes/eye-and-vision-conditions/myopia?sso=y

Ngày truy cập: 13/07/2023

Nearsightedness (Myopia)

https://www.nei.nih.gov/learn-about-eye-health/eye-conditions-and-diseases/nearsightedness-myopia

Ngày truy cập: 13/07/2023

Nearsightedness

https://medlineplus.gov/genetics/condition/nearsightedness/

Ngày truy cập: 13/07/2023

Short-sightedness (myopia)

https://www.nhs.uk/conditions/short-sightedness/

Ngày truy cập: 13/07/2023

Phiên bản hiện tại

28/08/2023

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đức Trọng

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Nhức 1 bên mắt là bị gì? Điểm danh những nguyên nhân thường gặp

Bạn nên ăn gì để bảo vệ mắt khỏi cận thị?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đức Trọng

Nhãn khoa · Trung tâm Mắt Quốc tế Phương Đông


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 28/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo