Dị ứng thời tiết không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn ảnh hưởng đến cả trẻ em. Trẻ bị dị ứng thời tiết thường có biểu hiện hắt hơi, chảy nước mũi, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy… Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, khi khí hậu thay đổi đột ngột.
Khi thấy trẻ bị dị ứng thời tiết nổi mẩn ngứa, hắt hơi liên tục, các bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng không biết phải làm sao khắc phục tình trạng này. Nếu bạn cũng quan quan tâm đến chủ đề này, hãy tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được nên làm gì khi trẻ dị ứng thời tiết.
Dị ứng thời tiết ở trẻ em là gì?
Dị ứng thời tiết là tình trạng hệ thống miễn dịch phản ứng lại với các tác nhân bên ngoài môi trường, thường xảy ra khi thời tiết chuyển mùa, khí hậu thay đổi đột ngột. Đôi khi dị ứng thời tiết còn được gọi là dị ứng theo mùa vì khi lúc chuyển giao mùa sẽ khiến một số tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng hơn.
Dị ứng thời tiết có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, nhưng ít khi xảy ra ở bé dưới 2 tuổi. Trẻ bị dị ứng thời tiết thường có sức đề kháng yếu và làn da nhạy cảm. Đối với những trẻ bị hen suyễn, dị ứng thời tiết là một trong những tác nhân gây ra cơn hen.
Dấu hiệu trẻ bị dị ứng thời tiết
Phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của trẻ phản ứng với dị nguyên. Nếu bạn nhận thấy bé có các triệu chứng bất thường khi khí hậu thay đổi, rất có thể là trẻ bị dị ứng thời tiết.
Các triệu chứng dị ứng thời tiết có thể tương tự như các triệu chứng của những vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường, bao gồm:
- Hắt hơi
- Ho
- Thở khò khè
- Ngứa mũi
- Ngứa cổ họng
- Nghẹt mũi
- Chảy nước mũi trong suốt
- Chảy nước mũi sau
- Viêm kết mạc dị ứng, với các triệu chứng điển hình như: ngứa mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt…
- Dị ứng trên da, chẳng hạn như: trẻ bị dị ứng thời tiết nổi mề đay, bé bị dị ứng nổi mẩn đỏ, ngứa da, khô da, bong vảy…
Nguyên nhân trẻ em bị dị ứng thời tiết
1. Vì sao bé bị dị ứng thời tiết?
Có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng trẻ bị dị ứng thời tiết. Trong đó, có hai nguyên nhân chính là sức đề kháng của trẻ và yếu tố môi trường.
Do hệ thống miễn dịch của trẻ em vẫn còn non yếu nên dễ bị tác động khi tiếp xúc với các dị nguyên. Khi dị nguyên xâm nhập vào cơ thể bé thông qua đường thở, ăn uống, tiêm hoặc tiếp xúc trên da, hệ thống miễn dịch nhận định đây là những “kẻ xâm lược”. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ giải phóng hóa chất, bao gồm cả histamine, vào máu để chống lại dị nguyên. Chính điều này đã gây ra các phản ứng dị ứng ở trẻ.
Ở đây, các dị nguyên bao gồm sự thay đổi thời tiết đột ngột, tình trạng chênh lệch nhiệt độ môi trường và một số chất gây dị ứng ở ngoài môi trường như:
- Phấn hoa từ cây cối, cỏ dại
- Nấm mốc
- Độ ẩm giảm thấp
- Mạt giường, rệp giường
- Vảy da, lông động vật
- Nọc độc từ vết đốt của côn trùng
- Thuốc, thực phẩm.
2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng thời tiết ở trẻ em
Sự thay đổi của thời tiết có thể gây ra tình trạng dị ứng thời tiết ở trẻ em. Dưới đây là một số kiểu thời tiết điển hình khiến trẻ có nguy cơ cao bị dị ứng:
- Thời tiết hanh khô, nhiều gió: Những ngày hanh khô, nhiều gió có thể khiến các triệu chứng dị ứng trầm trọng hơn. Gió có thể cuốn phấn hoa, bào tử nấm mốc ở môi trường ngoài trời phát tán khắp nơi. Nếu vô tình hít phải hoặc chạm vào, trẻ có nguy cơ phát triển các triệu chứng dị ứng thời tiết.
- Thời tiết ẩm ướt, có mưa: Trẻ cũng có thể bị dị ứng thời tiết nặng hơn vào những ngày mưa ẩm. Một số bào tử nấm mốc có thể phát triển nhanh khi độ ẩm trong không khí tăng cao. Những bào tử này phát tán thông qua sương, sương mù. Không những thế, nếu độ ẩm quá cao (thường xảy ra khi có giông bão), phấn hoa có thể tràn lan trong không khí, phát tán protein gây dị ứng thời tiết cho cả trẻ em và người lớn. Những ngày mưa ẩm ướt cũng tạo điều kiện cho mạt bụi phát triển.
- Thời tiết lạnh: Những ngày lạnh giá có thể khiến cơ thể sản sinh ra histamine gây ra tình trạng nổi mề đay do lạnh. Trẻ bị dị ứng thời tiết nổi mề đay do lạnh còn có thể có các triệu chứng như đỏ da, da sưng tấy, phát ban trên da, ngứa da, chóng mặt hoặc có cảm giác lâng lâng, sưng môi, sưng họng,
- Thời tiết ấm áp: Không khí ấm khiến hoa phát triển tốt hơn, kéo theo nhiều phấn hoa hơn. Trong những ngày này, trẻ cũng thường ra ngoài trời vui chơi hơn và dễ tiếp xúc với phấn hoa hơn.
Nhìn chung, bé bị dị ứng thời tiết phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bao gồm cả cơ địa của bé.
Trẻ bị dị ứng thời tiết bao lâu thì khỏi?
Các triệu chứng ở trẻ bị dị ứng thời tiết thường xuất hiện đột ngột và kéo dài trong suốt thời gian bé tiếp xúc với chất gây dị ứng. Thông thường, các triệu chứng lặp đi lặp lại trong khoảng 1-2 tuần hoặc cho đến khi trẻ không còn tiếp xúc với dị nguyên nữa.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bé bị dị ứng thời tiết kéo dài. Nếu không được chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng cách, bé có thể gặp phải một số vấn đề như:
- Mệt mỏi và kém tập trung khi học tập do thiếu ngủ
- Tăng nguy cơ bị nhiễm trùng tai và viêm xoang
- Cơn hen suyễn trầm trọng hơn
- Các vấn đề về hành vi do khó chịu và thiếu ngủ.
Chẩn đoán trẻ bị dị ứng thời tiết
Nếu bạn xem những hình ảnh trẻ bị dị ứng thời tiết và nghi ngờ bé yêu cũng đang gặp phải tình trạng này, hãy đưa bé đi khám sức khỏe. Bác sĩ sẽ hỏi xem các dấu hiệu của bé có xảy ra vào một thời tiết nhất định nào hay không.
Sau đó, trẻ có thể được yêu cầu xét nghiệm dị ứng da hoặc xét nghiệm máu. Các xét nghiệm có thể giúp biết được trẻ bị dị ứng với dị nguyên nào.
Trẻ bị dị ứng thời tiết phải làm sao?
Nhiều cha mẹ thấy bé có các triệu chứng của dị ứng thời tiết lại băn khoăn không biết trẻ bị dị ứng mẩn ngứa phải làm sao? Thực tế, có nhiều cách khác nhau để điều trị tình trạng dị ứng thời tiết ở trẻ em.
1. Hạn chế để bé tiếp xúc với dị nguyên
Ngay khi biết trẻ bị dị ứng thời tiết, cha mẹ cần hạn chế cho con tiếp xúc với dị nguyên để tránh làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Điều quan trọng là bạn cần đưa bé đi khám để biết chính xác trẻ bị dị ứng với tác nhân nào.
2. Dùng thuốc điều trị dị ứng thời tiết cho trẻ em
Bạn cũng có thể cho trẻ dùng thuốc điều trị dị ứng để các triệu chứng thuyên giảm. Hầu hết các loại thuốc dị ứng hiện nay đều không cần kê đơn và thường thuộc các loại thuốc kháng histamine đường uống, thuốc xịt mũi và thuốc nhỏ mắt.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn nên đưa bé đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc với liều dùng và loại thuốc phù hợp. Những loại thuốc điều trị triệu chứng dị ứng thời tiết ở trẻ em thường được dùng là:
- Thuốc kháng histamine đường uống: Đây là thuốc ngăn chặn histamine – một trong những tác nhân gây sưng tấy và tiết dịch do phản ứng dị ứng xảy ra trong cơ thể bé.
- Thuốc xịt mũi mũi nước muối: Đây là thuốc giúp loại bỏ các chất gây dị ứng ra khỏi đường mũi, làm giảm nghẹt mũi ở trẻ bị dị ứng thời tiết.
- Thuốc chống sung huyết: Thuốc này thường không được khuyến cáo vì gây ra nhiều tác dụng phụ. Thuốc chống sung huyết dạng xịt mũi có thể gây viêm mũi do dùng thuốc, còn thuốc chống sung huyết đường uống thì làm tăng huyết áp, mất ngủ…
- Thuốc điều trị ngứa, sưng, chảy nước mắt: Nếu trẻ bị dị ứng thời tiết gặp phải các triệu chứng như mắt bị đỏ, ngứa, sưng tấy, chảy nước mắt nhiều, thì thuốc uống thường không phát huy tác dụng hiệu quả như thuốc nhỏ mắt. Thuốc nhỏ mắt trị dị ứng thường chứa thuốc kháng histamine. Tuy nhiên, cha mẹ cần tránh cho trẻ sử dụng thuốc có chứa chất co mạch hơn 2-3 ngày để hạn chế tình trạng đỏ mắt tái phát và phải được bác sĩ theo dõi cẩn thận.
Nếu những biện pháp chữa dị ứng thời tiết ở trẻ em đã đề cập không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề xuất phương pháp điều trị lâu dài như liệu pháp miễn dịch đường tiêm hoặc đường ngậm dưới lưỡi.
3. Mẹo chữa dị ứng thời tiết cho trẻ
Ngoài những cách điều trị cho trẻ bị dị ứng thời tiết đã được nhắc đến, bạn cũng có thể áp dụng những mẹo chữa dị ứng thời tiết cho trẻ trong trường hợp bé có các triệu chứng bất thường trên da như nổi mề đay, mẩn ngứa, khô da… Các mẹo dân gian này chủ yếu liên quan đến việc nấu nước lá tắm cho bé, chẳng hạn như
- Nước lá chè xanh
- Nước lá trầu không
- Nước lá kinh giới
- Nước lá tía tô
- v.v.
4. Chăm sóc trẻ bị dị ứng thời tiết
Việc chăm sóc đúng cách, khoa học cho bé bị dị ứng thời tiết góp phần làm thuyên giảm các triệu chứng và giúp bệnh mau khỏi. Cha mẹ có thể tham khảo những cách chăm sóc cho bé bị dị ứng sau đây:
- Vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ, khô thoáng.
- Không để trẻ gãi hay làm trầy xước vết mề đay, mẩn ngứa trên da.
- Bôi kem dưỡng ẩm lên vùng da bị khô của bé, nhưng cần đảm bảo kem dưỡng ẩm an toàn, lành tính với làn da nhạy cảm của trẻ bị dị ứng thời tiết.
- Cho bé mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi để tránh ma sát trên da.
- Trong những ngày lộng gió, cha mẹ cần có biện pháp che chắn gió khi trẻ ở nhà và khi bắt buộc phải đưa bé ra ngoài.
- Khi trời trở lạnh, cần mặc quần áo ấm cho bé.
- Hạn chế để trẻ đến những nơi ẩm mốc, nhiều bụi.
Phòng ngừa dị ứng thời tiết ở trẻ em
Thời điểm giao mùa và khi thời tiết thay đổi đột ngột chính là những lúc mà trẻ dễ bị dị ứng thời tiết. Trong những thời gian này, cha mẹ cần lưu ý phòng ngừa dị ứng thời tiết ở trẻ em theo những cách sau:
- Hạn chế đưa trẻ ra ngoài vào thời điểm giao mùa hoặc những ngày tiết trời khác thường (quá lạnh, quá nóng, quá ẩm, nhiều gió…). Trường hợp phải đưa bé ra ngoài trong những ngày này thì nên che chắn kỹ cho bé bằng cách cho trẻ mặc áo quần dài, đội mũ, đeo khẩu trang, kính mát, đeo khăn choàng cổ…
- Khi trẻ đi chơi, đi học về nhà thì cần thay đồ, tắm rửa sạch sẽ để không mang dị nguyên vào nhà.
- Vệ sinh nhà cửa và môi trường sống của trẻ thường xuyên để loại bỏ dị nguyên, nhất là những khi độ ẩm không khí tăng cao.
- Tắm rửa cho trẻ mỗi ngày, kết hợp với vệ sinh mũi và súc miệng thường xuyên để làm dịu hệ hô hấp.
- Nên sử dụng máy điều hòa không khí trong những ngày quá nóng hoặc quá lạnh.
- Tránh cho trẻ chơi đùa ở khu vực ẩm mốc.
- Giặt chăn, ga, gối, nệm định kỳ để tiêu diệt mạt bụi.
- Tăng cường sức đề kháng của bé bằng cách bổ sung vitamin và khoáng chất thông qua thực phẩm như nước cam, nước chanh, bưởi, dâu…
- Hạn chế cho trẻ ăn những món dễ gây dị ứng như hải sản, ghẹ, tôm, thịt bò…
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng dị ứng thời tiết ở trẻ em. Trẻ bị dị ứng thời tiết thường cảm thấy rất khó chịu. Do đó, khi thời tiết thay đổi, cha mẹ nên ưu tiên phòng ngừa các yếu tố nguy cơ cho trẻ. Nếu bé có những biểu hiện bất thường như ho, hắt hơi, sổ mũi, ngứa da, ngứa mắt, nổi mề đay… bạn cần đưa trẻ đi khám để được hỗ trợ điều trị.
[embed-health-tool-vaccination-tool]