Theo nghiên cứu, tỷ lệ thủng màng nhĩ ở trẻ em thường cao hơn so với người lớn. Do đó, ba mẹ cần chú ý nhiều hơn trong việc chăm sóc tai cho trẻ.
Sức khỏe của con luôn là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ. Mới đây, câu chuyện về cô bé 2 tuổi tại ở Trung Quốc bị thủng màng nhĩ do mẹ không cẩn thận khi lấy ráy tai đã dấy lên những cảnh báo về các sai lầm trong việc chăm sóc tai cho trẻ. Để hiểu hơn về cách vệ sinh tai cho bé cũng như cách phát hiện tình trạng thủng màng nhĩ ở trẻ em, hãy cùng Hello Bacsi theo dõi tiếp những chia sẻ dưới đây.
Thủng màng nhĩ ở trẻ em
Màng nhĩ là lớp màng mỏng phân chia giữa tai ngoài và tai giữa. Màng nhĩ có hình bầu dục, hơi lồi và nằm nghiêng một góc 30 độ so với ống tai. Ở trẻ em, màng nhĩ thường mỏng hơn người lớn nhưng theo thời gian, màng nhĩ sẽ trở nên dày và có độ đàn hồi tốt hơn.
Chức năng của màng nhĩ là tiếp nhận sóng âm thanh từ bên ngoài vào để tạo nên rung động rồi dẫn truyền nó đến tế bào cảm nhận ở tai trong giúp chúng ta có thể nghe được. Do đó, nếu màng nhĩ bị thủng, khả năng rung của màng nhĩ sẽ suy giảm, dẫn đến tình trạng mất thính giác tạm thời. Nếu không được chữa trị, tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Dấu hiệu thủng màng nhĩ ở trẻ nhỏ
Dấu hiệu trẻ bị thủng màng nhĩ thường gặp là khả năng nghe bị giảm sút hoặc thậm chí trẻ không nghe thấy bạn gọi. Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu khác mà bạn cần lưu ý như:
- Tai bé có dịch mủ hoặc có máu chảy ra
- Tai bé bị đau đột ngột từ nhẹ đến nặng, sau đó cơn đau lại giảm đột ngột
- Bé quấy khóc, mệt mỏi, hay đưa tay móc bên tai có màng nhĩ bị thủng
- Nếu nguyên nhân gây thủng màng nhĩ là do viêm tai giữa, trẻ sẽ có các triệu chứng như sốt nóng, đau nhức trong tai, ù tai, nghe kém.
Nhiều mẹ thắc mắc nếu lấy ráy tai cho bé bị chảy máu thì bé có thể bị thủng màng nhĩ không. Lấy ráy tai bằng tăm bông hay dụng lấy ráy tai cho trẻ là điều không được khuyến khích bởi màng nhĩ của trẻ rất mỏng, dễ bị tổn thương. Nếu khi lấy ráy tay cho bé bị chảy máu thì có thể là dấu hiệu viêm nhiễm, trầy xước và thậm chỉ thủng màng nhĩ. Do đó, tốt nhất bạn nên đi khám để được chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp.