backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Sốt phát ban ở trẻ nhỏ: Bố mẹ cần làm gì để bé nhanh khỏi?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 23/08/2021

    Sốt phát ban ở trẻ nhỏ: Bố mẹ cần làm gì để bé nhanh khỏi?

    Trẻ nhỏ rất hay bị sốt phát ban, nhất là trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi. Mỗi trẻ có thể bị ít nhất 1 lần, thậm chí nhiều lần. Do đó, bác sĩ khuyến cáo, bố mẹ cần hết sức lưu tâm về căn bệnh này để có cách chăm sóc tốt nhất.

    Hầu hết nguyên nhân gây sốt phát ban đều là những virus lành tính. Nếu được chăm sóc tốt, trẻ có thể hồi phục sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, nếu không “cảnh giác” với các triệu chứng bất thường, trẻ vẫn có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nguy hiểm như co giật.

    Sốt phát ban là gì?

    Sốt phát ban (roseola) ở trẻ là một bệnh nhiễm trùng nhẹ thường xảy ra ở trẻ độ tuổi lên 2. Bệnh phổ biến đến mức hầu hết trẻ đều đã từng mắc bệnh ít nhất một lần trong đời. Có nhiều loại sốt phát ban, trong đó phổ biến là 2 loại: ban đỏ và ban đào.

    Đặc trưng của bệnh là trẻ sẽ phát ban sau sốt. Một số trẻ chỉ bị ban đỏ rất nhẹ và không có dấu hiệu rõ ràng nhưng những trẻ khác có thể gặp đầy đủ các triệu chứng.

    Sốt phát ban ở trẻ em  không phải là bệnh quá nghiêm trọng. Trong trường hợp hiếm, tình trạng sốt quá cao có thể dẫn đến biến chứng. 

    Dấu hiệu sốt phát ban ở trẻ nhỏ

    sốt phát ban

    Phải mất 1 – 2 tuần trẻ mới xuất hiện các dấu hiệu sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc nhiễm virus. Đây là bệnh có khả năng lây nhiễm cao với các triệu chứng nhẹ, khó có thể nhận thấy: 

    • Sốt: Khởi phát bằng một cơn sốt cao đột ngột, cao hơn (39,4°C). Một số trẻ cũng có thể bị đau họng, sổ mũi hoặc ho kèm theo hoặc trước khi sốt; sưng hạch bạch huyết ở cổ kèm theo sốt. Cơn sốt kéo dài từ 3-5 ngày.
    • Phát ban: Trẻ phát ban sau sốt nhưng không phải lúc nào cũng bị.Trẻ có thể nổi nhiều nốt hoặc mảng nhỏ màu hồng, phẳng hoặc hơi sần lên, có thể có viền trắng xung quanh, bắt đầu từ ngực, lưng và bụng, sau đó lan ra cổ và cánh tay, chân, mặt, kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, tình trạng này không gây ngứa hay khó chịu.

    Ngoài ra, còn có các biểu hiện sốt phát ban khác đi kèm theo như:

    • Hay quấy khóc, mệt mỏi
    • Tiêu chảy nhẹ
    • Chán ăn
    • Sưng mí mắt

    Đưa trẻ đi khám ngay nếu:

    • Co giật do sốt
    • Sốt cao hơn 39,4°C và không hạ sốt
    • Tình trạng phát ban và sốt kéo dài hơn 7 ngày
    • Tình trạng phát ban không cải thiện sau 3 ngày

    Điều trị sốt phát ban ở trẻ nhỏ

    Bé bị sốt phát ban có thể khó chẩn đoán vì các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu khá giống với các bệnh thông thường. Nếu trẻ bị sốt nhưng không phải do cảm lạnh, nhiễm trùng tai, viêm họng liên cầu hoặc các bệnh khác, bác sĩ có thể cho thời gian quan sát chờ xem các vết ban đỏ có xuất hiện hay không. Nếu điều trị sốt tại nhà, bạn cũng nên chú ý đến biểu hiện sốt phát ban này.

    Bác sĩ thường xác nhận chẩn đoán bằng vết phát ban hoặc bằng xét nghiệm máu để kiểm tra các kháng thể trong một số trường hợp.

    Hầu hết trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng một tuần sau khi sốt. Với lời khuyên từ bác sĩ, bạn có thể cho trẻ dùng thuốc không kê đơn để hạ sốt, chẳng hạn như acetaminophen, paracetamol hoặc ibuprofen.

    Thận trọng khi cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên dùng aspirin. Do aspirin có khả năng gây ra hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng ở các đối tượng này.

    Không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh sốt phát ban. Một số bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng virus như ganciclovir để điều trị nhiễm trùng. Cần lưu ý thuốc kháng sinh không có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh do virus gây ra.

    Mách mẹ cách chăm sóc trẻ tại nhà

    Trẻ bị sốt phát ban phải làm sao? Đây chắc chắn là nỗi băn khoăn hàng đầu của cha mẹ khi thấy con có các triệu chứng kể trên. Dưới đây là một số cách mẹ có thể làm để giúp bé bớt khó chịu:

  • Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều. Hãy để trẻ nằm nghỉ trên giường cho đến khi hạ sốt.
  • Cho trẻ uống nhiều nước. Khuyến khích trẻ uống nước lọc, nước cam, chanh, nước súp (nước dùng) trong hoặc dung dịch nước bù điện giải để ngăn ngừa mất nước. 
  • Tắm nước ấm. Tắm hoặc ngâm mình trong nước ấm để thư giãn các cơ bắp đau nhức hoặc dùng khăn mát chườm lên đầu có thể làm dịu cảm giác khó chịu khi bị sốt. Tuy nhiên, tránh dùng nước đá, nước lạnh, quạt hoặc tắm nước lạnh vì có thể khiến trẻ bị ớn lạnh.
  • Dùng paracetamol hoặc ibuprofen để hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Thông mũi cho trẻ bằng nước muối loãng hoặc khăn giấy để giảm các triệu chứng nghẹt mũi
  • Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa… để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng.
  • Giữ vệ sinh da sạch sẽ, khô thoáng, tắm rửa mỗi ngày.
  • Mẹ cần chú ý, tránh để trẻ:

    • Ở nơi chật kín, tù túng hay ẩm ướt
    • Dùng tay gãi lên vùng da phát ban
    • Đến những nơi công cộng, đông người
    • Tiếp xúc với các loại nước tẩy rửa, sữa tắm, môi trường ô nhiễm từ khói bụi, hóa chất, lông thú nuôi trong nhà để bệnh không có cơ hội tiến triển nặng
    • Mặc quần áo bó sát người, chất liệu vải dễ gây kích ứng da
    • Ăn trứng, thực phẩm khó tiêu, nước lạnh, nước đá và kem

    Nguyên nhân gây bệnh ở trẻ nhỏ

    sốt phát ban

    Nguyên nhân phổ biến nhất là do virus herpes 6 ở người. Trong một số trường hợp, bệnh còn do một loại virus herpes khác gây ra.

    Vậy sốt phát ban có lây không? Cũng như các bệnh do virus khác, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường, sốt phát ban sẽ lây từ người này sang người khác khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp hoặc nước bọt của người bệnh. Do đó, nếu một trẻ khỏe mạnh dùng chung cốc với trẻ bị bệnh hoàn toàn có thể bị nhiễm virus. Bệnh có thể lây truyền ngay cả khi không có triệu chứng phát ban mà chỉ mới ở giai đoạn sốt.

    Không giống như bệnh thủy đậu và các bệnh do virus khác ở trẻ em thường có tốc độ lây lan nhanh chóng, sốt phát ban hiếm khi bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên, cần lưu tâm đến các dấu hiệu do bệnh có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm.

    Tỉ lệ mắc sốt phát ban ở trẻ sơ sinh là cao nhất vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện để phát triển kháng thể chống lại nhiều loại virus. Khi còn trong bụng mẹ, trẻ nhận được các kháng thể từ mẹ để bảo vệ khỏi các bệnh nhiễm trùng nhưng khả năng miễn dịch này giảm dần theo thời gian. Độ tuổi phổ biến nhất ở các bé bị sốt phát ban là từ 6-15 tháng tuổi.

    Biến chứng sốt phát ban ở trẻ nhỏ

    Các biến chứng từ sốt phát ban rất hiếm. Đại đa số trẻ em và người lớn khỏe mạnh nếu mắc bệnh thì đều hồi phục nhanh. Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra những biến chứng như:

    • Co giật. Do nhiệt độ cơ thể tăng nhanh. Nếu điều này xảy ra, trẻ có thể bất tỉnh trong thời gian ngắn và giật tay, chân hoặc đầu trong vài giây đến vài phút. Trẻ cũng có thể tạm thời bị mất kiểm soát bàng quang hoặc nhu động ruột. Khi này, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám.
    • Người có hệ miễn dịch kém cần cẩn trọng. Đối với đối tượng có hệ miễn dịch bị tổn hại như những người vừa được cấy ghép tủy xương hoặc nội tạng, bệnh này có thể gây nhiều nguy hiểm hơn. Vì có ít khả năng chống lại virus hơn nên người bị suy giảm miễn dịch có xu hướng bị nhiễm trùng nặng hơn, khó chống lại bệnh tật. Biến chứng nghiêm trọng có thể kể đến là viêm phổi hoặc viêm não.

    Phòng ngừa sốt phát ban ở trẻ em như thế nào?

    Vì không có vắc-xin phòng ngừa nên cách tốt nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa sự lây truyền virus là tránh để trẻ tiếp xúc với những trẻ bị bệnh. Nếu bé bị sốt phát ban, hãy giữ trẻ ở nhà và không để người khác tiếp xúc gần cho đến khi hết bệnh.

    Hầu hết các bé đều có kháng thể đối với loại bệnh này sau 1 lần nhiễm bệnh ở tuổi đi học. Dù vậy, nếu một thành viên trong gia đình mắc bệnh, hãy đảm bảo rằng tất cả các thành viên trong gia đình đều rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa virus lây truyền cho bất kỳ ai chưa được miễn dịch.

    Sốt phát ban ở người lớn vẫn có thể xảy ra nếu bạn chưa từng mắc bệnh này khi còn nhỏ. Sốt phát ban ở người lớn có xu hướng nhẹ hơn nhưng cần lưu ý người lớn bị nhiễm vẫn có thể truyền virus cho trẻ em.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 23/08/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo