Răng của trẻ em thường có màu trắng sáng. Nhưng trong một số trường hợp, răng bé bị đen khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Tình trạng răng sữa bị đen hay răng vĩnh viễn của trẻ bị đen có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc nhanh chóng tìm ra những nguyên nhân khiến răng bé bị xỉn màu, bị đen có thể giúp phòng ngừa và điều trị dễ dàng hơn.
Mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được 7 nguyên nhân khiến răng bé bị đen.
Răng bé bị đen là tình trạng rất thường gặp, kể cả khi trẻ mọc răng sữa hay răng vĩnh viễn. Răng em bé bị đen thường là tình trạng sâu răng do vi khuẩn kỵ khí nhiễm sắc (chủ yếu là xạ khuẩn) gây ra. Dưới đây là 7 nguyên nhân khiến răng trẻ bị đốm đen:
1. Răng trẻ bị đen do men răng yếu
Răng được bao bọc bởi một lớp mỏng bên ngoài gọi là men răng. Nếu men răng có chất lượng kém (có thể do một vấn đề di truyền) hoặc men răng không phát triển tốt, răng của trẻ rất dễ bị đổi màu, xỉn màu, không trắng sáng và thậm chí bị đen.
Men răng yếu cũng có thể khiến răng trẻ dễ bị sâu răng hơn, dần hình thành các vết đen trên thân răng.
2. Răng bé bị mảng bám đen do thói quen ăn uống thiếu khoa học, mảng bám và sâu răng
Trẻ em thường rất thích ăn đồ ngọt như bánh, kẹo, nước ngọt, socola, nước ép trái cây, ngũ cốc, bánh mì… Những thực phẩm này khi bám trên răng sẽ bị vi khuẩn lên men tạo ra axit. Sự kết hợp của vi khuẩn, thức ăn, axit và nước bọt tạo thành một chất gọi là mảng bám trên răng. Hơn nữa, theo thời gian, axit do vi khuẩn tạo ra sẽ ăn mòn men răng, gây sâu răng, dẫn đến tình trạng răng bé bị đen.
Bạn có thể xem thêm
3. Do bệnh lý hoặc chấn thương gây tổn thương răng
Các bệnh lý gây tổn thương răng như sâu răng có thể làm hỏng men răng của trẻ, khiến răng bị xỉn màu, không còn trắng sáng. Nếu kết hợp với màu sắc trong thực phẩm, răng của bé dễ bị sẫm màu hay thậm chí chuyển sang màu đen xấu xí.
Không những thế, các chấn thương vùng răng miệng cũng có thể khiến răng của trẻ bị nứt/mẻ, dẫn đến răng bị sẫm màu.
4. Răng bé bị đen do thiếu vitamin và khoáng chất cần thiết
Để răng của bé phát triển chắc khỏe, trắng sáng, cần có một số loại vitamin và khoáng chất thiết yếu như canxi, vitamin D và flour. Các vitamin và khoáng chất này giúp bảo vệ men răng, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển trong răng, giúp răng chắc khỏe. Nếu trẻ bị thiếu canxi, vitamin D và các chất cần thiết khác, răng của bé dễ bị xỉn màu, dễ tổn thương, yếu đi và có thể bị đen.
5. Răng đen ở trẻ em do vệ sinh răng miệng không đúng cách
Thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp phòng ngừa sâu răng và các vấn đề răng miệng khác, giúp răng luôn chắc khỏe, trắng sáng. Nhưng nếu răng của trẻ không được chải đúng cách, vi khuẩn có thể sinh sôi và phát triển trong khoang miệng, hình thành các mảng bám màu đen trên răng.
Không những thế, việc vệ sinh răng miệng sai cách còn có thể khiến màu sắc của các loại thực phẩm bám vào bề mặt răng, lâu ngày khiến răng bé bị chuyển màu thành màu vàng đậm, nâu sẫm hoặc màu đen tùy theo màu của thực phẩm và mức độ ảnh hưởng.
Bạn có thể xem thêm
6. Răng bé bị đen do dùng thuốc
Thuốc dành cho trẻ nhỏ có chứa sắt, chẳng hạn như các loại vitamin bổ sung, trong khi đó các vết đen trên răng là một “kho chứa sắt”. Việc cho trẻ uống thuốc chứa nhiều sắt có thể khiến răng bé bị đen.
Có thể bạn chưa biết
Bên cạnh đó, răng trẻ em bị đốm đen cũng có thể do người mẹ không sử dụng kháng sinh hợp lý khi mang thai. Trong quá trình mang thai hoặc khi cho con bú, nếu người mẹ dùng thuốc kháng sinh tetracycline, răng của bé dễ bị xỉn màu và chuyển đen.
Ngoài ra, nếu trẻ dưới 10 tuổi dùng kháng sinh tetracycline, răng của bé cũng có thể ngả màu đen.
7. Sử dụng quá nhiều florua khiến răng trẻ em bị xỉn đen
Nếu cha mẹ thường pha sữa công thức cho trẻ nhỏ với nước có nhiều chất florua, nguy cơ bé bị đen răng sẽ tăng lên. Răng của bé cũng sẽ dễ xuất hiện các đường hoặc vệt trắng mờ trên răng (nhiễm fluorosis) nếu những loại sữa công thức được pha theo cách này là nguồn thức ăn chính của trẻ.
Bạn có thể xem thêm
Răng bé bị đen gây nhiều phiền toái và trăn trở cho cha mẹ. Việc hiểu rõ về 7 nguyên nhân gây đen răng ở trẻ em không chỉ giúp quá trình điều trị dễ dàng hơn, mà còn phòng ngừa tình trạng này tái lại trong tương lai.
[embed-health-tool-vaccination-tool]