Hội chứng rung lắc ở trẻ là thuật ngữ liên quan đến các tổn thương nghiêm trọng gây ra bởi việc rung lắc trẻ quá mạnh. Trẻ dưới 2 tuổi là đối tượng mắc phải hội chứng này nhiều nhất, đặc biệt là các bé trong giai đoạn sơ sinh.
Những hiểu biết về hội chứng rung lắc sẽ giúp cha mẹ có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, giảm nguy cơ trẻ mắc phải hội chứng nguy hiểm này. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu tất tần tật mọi điều liên quan đến hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Hội chứng rung lắc ở trẻ là gì?
Hội chứng rung lắc ở trẻ (Shaken baby syndrome – SBS) là một loại chấn thương sọ não nghiêm trọng do rung lắc mạnh trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Hội chứng này còn được gọi là chấn thương đầu kiểu ngược đãi (Abusive Head Trauma), hội chứng rung động do va chạm, chấn thương sọ não gây ra do sang chấn hoặc hội chứng trẻ sơ sinh bị chấn động do chấn thương cổ (Whiplash shaken infant syndrome).
Hội chứng này xảy ra khi cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ rung lắc, đánh trẻ bằng vật cứng nhằm giải tỏa tức giận, mệt mỏi, khó chịu trong trường hợp trẻ không chịu ngừng khóc hoặc không làm theo yêu cầu được đưa ra.
Hội chứng rung lắc có thể phá hủy các tế bào não của trẻ và khiến não của trẻ không nhận đủ oxy. Những chấn thương này có thể gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong.
Cần hiểu rằng, đầu của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất to và nặng so với phần còn lại của cơ thể. Trong khi đó, cơ cổ của bé vẫn còn yếu do chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ mạnh để giữ được sức nặng của đầu. Việc rung lắc dữ dội khiến bộ não mỏng manh đập qua lại vào hai bên trong hộp sọ, gây bầm tím, sưng tấy, chảy máu trong não hoặc sau mắt.
Hội chứng rung lắc phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi, nhưng có thể ảnh hưởng trẻ đến 5 tuổi. Hầu hết các trường hợp hội chứng rung lắc xảy ra ở những trẻ được 6-8 tuần tuổi – khi trẻ có xu hướng khóc nhiều nhất.
Dấu hiệu trẻ bị hội chứng rung lắc
Các biểu hiện hội chứng rung lắc ở trẻ có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ bị rung lắc dữ dội. Sau khoảng 4-6 giờ là thời điểm mà các dấu hiệu trẻ bị hội chứng rung lắc đạt đỉnh điểm.
Các dấu hiệu trẻ bị hội chứng rung lắc bao gồm:
- Khó chịu hay cáu gắt cực độ
- Quấy khóc nhiều
- Không mỉm cười, bập bẹ hay nói chuyện
- Bỏ bú, chán ăn hoặc có vấn đề về ăn uống
- Gặp các vấn đề về hô hấp như khó thở
- Da nhợt nhạt, tái xanh
- Nôn mửa
- Khó giữ tỉnh táo, cực kỳ mệt mỏi, ít chuyển động
- Không thể tự nâng đầu
- Không có khả năng tập trung hoặc theo dõi chuyển động bằng mắt
- Yếu liệt.
Đôi khi, một số tổn thương thực thể ở bên ngoài cơ thể trẻ có thể là dấu hiệu trẻ sơ sinh ảnh hưởng não từ việc rung lắc bé, chẳng hạn như
- Bầm tím ở mặt, tay hoặc ngực
- Phần đầu hoặc trán to lên
- Thóp phồng ở đỉnh đầu
- Giãn đồng tử
Các biểu hiện hội chứng rung lắc nghiêm trọng ở trẻ bao gồm:
- Co giật
- Sốc
- Hôn mê.
Các chấn thương có thể không được nhìn thấy ngay lập tức bao gồm:
- Chảy máu trong não và mắt
- Tổn thương tủy sống
- Gãy xương sườn, xương sọ, xương chân và các xương khác.
Trong những trường hợp nhẹ của hội chứng rung lắc ở trẻ, bé có thể biểu hiện bình thường sau khi bị sang chấn mạnh. Tuy nhiên, theo thời gian, một số vấn đề về sức khỏe, khả năng chú ý và hành vi có thể xảy ra.
Khi nào nên đưa trẻ bị hội chứng rung lắc đi khám?
Bạn nên đưa trẻ đi cấp cứu ngay nếu bạn nghi ngờ bé bị thương do rung lắc dữ dội. Việc cấp cứu kịp thời có thể cứu mạng sống của trẻ hoặc ngăn chặn các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây ra hội chứng rung lắc ở trẻ
1. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng rung lắc là gì?
Trẻ sơ sinh có cơ cổ yếu và không thể chịu được sức nặng của đầu. Điều này khiến đầu chuyển động nhiều khi bị lắc. Nếu ai đó lắc mạnh trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bộ não của bé sẽ va đập qua lại bên trong hộp sọ.
Sự rung lắc dữ dội làm rách mạch máu, dây thần kinh và mô não của trẻ, khiến não sưng tấy, bầm tím và chảy máu. Tình trạng sưng não còn tạo áp lực trong hộp sọ. Áp lực này khiến máu khó mang oxy và chất dinh dưỡng đến não, gây tổn hại thêm cho não.
Thông thường, hội chứng rung lắc xảy ra khi cha mẹ hoặc người chăm sóc cảm thấy tức giận, thất vọng, khó chịu khi trẻ không ngừng khóc hoặc không nghe lời, nên đã rung lắc trẻ dữ dội hoặc dùng vật cứng đánh vào phần đầu của trẻ, hoặc cố tình ném, thả trẻ để trút giận. Thực tế, có thể người chăm sóc không có ý hại em bé nhưng đây vẫn được xem là một hình thức ngược đãi trẻ em.
Như thế nào là rung lắc trẻ dữ dội?
Hành động rung lắc trẻ dữ dội bao gồm:
- Dùng lực lắc mạnh trẻ khiến đầu của bé liên tục chuyển động.
- Dùng vật cứng đánh mạnh vào đầu trẻ.
- Thả trẻ từ trên cao xuống khiến phần đầu của trẻ va chạm vật cứng.
- Ném trẻ khiến đầu bé tiếp xúc với vật cứng.
- v.v.
- Cho trẻ ngồi trên đầu gối và nhún lên nhún xuống.
- Vô tình khiến bé bị ngã nhẹ.
- Tung trẻ lên không trung và chụp bé.
- Dừng xe đột ngột hoặc va chạm mạnh khi đang lái xe chở bé.
- v.v.
2. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng rung lắc ở trẻ
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây hội chứng rung lắc ở trẻ như:
- Những kỳ vọng không thực tế của cha mẹ hoặc người chăm sóc đối với trẻ sơ sinh
- Làm cha mẹ khi còn quá trẻ hoặc làm cha, mẹ đơn thân
- Cha mẹ bị căng thẳng quá độ
- Bạo lực gia đình
- Lạm dụng rượu bia hoặc chất gây nghiện
- Hoàn cảnh gia đình bất ổn
- Cha, mẹ hoặc người chăm sóc bị trầm cảm
- Cha, mẹ hoặc người chăm sóc từng bị ngược đãi khi còn nhỏ.
Ngoài ra, nam giới thường dễ gây ra hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn nữ giới.
Hội chứng rung lắc ở trẻ nguy hiểm thế nào?
So với chấn thương sọ não do tai nạn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hội chứng rung lắc ở trẻ em có tiên lượng xấu hơn nhiều. Hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường gây tổn thương não suốt đời và đôi khi gây tử vong.
Phần lớn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sống sót sau khi bị rung lắc nghiêm trọng sẽ mắc một số dạng khuyết tật về thần kinh hoặc tâm thần. Tổn thương võng mạc của mắt có thể gây mù lòa. Những trẻ được cấp cứu thành công sau khi mắc hội chứng rung lắc có thể cần được chăm sóc y tế suốt đời nếu mắc phải các vấn đề như:
- Thị lực kém, mù một phần hoặc mù hoàn toàn
- Mất thính lực
- Chậm phát triển
- Gặp vấn đề về học tập, lời nói hoặc hành vi
- Gặp vấn đề với trí nhớ và sự tập trung
- Thiểu năng trí tuệ
- Rối loạn co giật
- Bại não, một chứng rối loạn ảnh hưởng đến vận động và phối hợp cơ bắp
- Một số bộ phận trên cơ thể bị yếu hoặc có vấn đề về chuyển động
- Gặp vấn đề với các hormone do não kiểm soát.
Nếu các biến chứng này vẫn ở mức độ nhẹ, bạn có thể không phát hiện ra. Tuy nhiên, khi trẻ bắt đầu đi học và gặp phải các vấn đề về học tập, khả năng tập trung hoặc hành vi thì cha mẹ sẽ nhận ra những biểu hiện bất thường ở trẻ.
Chẩn đoán hội chứng rung lắc ở trẻ
Việc chẩn đoán trẻ mắc hội chứng rung lắc có thể gặp một số khó khăn do nhiều lý do, chẳng hạn như nhiều dấu hiệu trẻ bị hội chứng rung lắc (nôn mửa, khó chịu, hôn mê…) có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác (nhiễm virus).
Do đó, bác sĩ sẽ quan sát các biểu hiện của trẻ và tìm kiếm các dấu hiệu liên quan, bao gồm:
- Quan sát xem mắt của bé có chảy máu không
- Tìm kiếm dấu vết bất thường trên hộp sọ, cánh tay hoặc chân của bé
- Kiểm tra các vết bầm tím quanh cổ và ngực của bé.
Điều này sẽ giúp bác sĩ tìm ra được 3 tình trạng phổ thường gặp ở trẻ bị hội chứng rung lắc. Đó là:
- Bệnh lý não hoặc phù não
- Xuất huyết dưới màng cứng hoặc xuất huyết nhu mô não
- Xuất huyết võng mạc hoặc xuất huyết một phần hay lan tỏa trong võng mạc.
Bác sĩ cũng sẽ yêu cầu trẻ làm một số xét nghiệm trực quan để chẩn đoán tình trạng và xác định mức độ nghiêm trọng của hội chứng. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Chụp MRI kết hợp một từ trường mạnh và sóng radio để tạo ra hình ảnh chi tiết của não.
- Chụp CT tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết của não.
- Chụp X-quang xương để tìm kiếm các xương bị gãy như cột sống, xương sườn và hộp sọ.
- Khám mắt nhằm kiểm tra các chấn thương ở mắt và chảy máu trong mắt.
- Xét nghiệm máu để loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác, chẳng hạn như rối loạn đông cầm máu và các rối loạn di truyền nhất định như bệnh xương dễ gãy.
Điều trị hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Khi thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào của hội chứng rung lắc, hãy đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức. Đối với những trường hợp nhẹ, việc điều trị bằng thuốc và theo dõi tại bệnh viện là cần thiết.
Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, việc điều trị có thể bao gồm các biện pháp cứu sống, như:
- Hỗ trợ hô hấp bằng cách đặt ống nội khí quản.
- Phẫu thuật để cầm máu hoặc giảm sưng tấy trong não của bé. Bác sĩ có thể phẫu thuật đặt ống dẫn lưu não thất để giảm bớt áp lực hoặc dẫn lưu lượng máu dư thừa và dịch lỏng.
- Phẫu thuật mắt cũng có thể cần thiết để loại bỏ máu trước khi ảnh hưởng đến thị lực vĩnh viễn.
Một số trẻ có thể cần dùng thuốc để giảm sưng não và ngăn ngừa co giật. Sau khi cấp cứu, bệnh nhi cũng có thể cần được điều trị bằng:
- Thuốc phục hồi chức năng
- Trị liệu ngôn ngữ
- Vật lý trị liệu
- v.v.
Trẻ lớn hơn cần được giáo dục đặc biệt và được giúp đỡ liên tục để xây dựng ngôn ngữ và các kỹ năng sống hàng ngày.
Lưu ý
Một số trẻ ngừng thở sau khi bị rung lắc mạnh. Nếu điều này xảy ra, việc hô hấp nhân tạo có thể hữu ích trong khi bạn chờ xe cấp cứu đến. Các bước thực hiện hô hấp nhân tạo cho trẻ như sau:
- Cẩn thận đặt bé nằm ngửa. Nếu bạn nghi ngờ bé bị chấn thương cột sống, tốt nhất nên có hai người nâng đỡ đầu và cổ của trẻ nhẹ nhàng tránh không để bị xoay.
- Đặt tay đúng vị trí. Nếu trẻ dưới 1 tuổi, đặt hai ngón tay lên giữa xương ức. Nếu trẻ hơn 1 tuổi, đặt một bàn tay lên giữa xương ức. Đặt tay kia trên trán của trẻ để giữ cho đầu ngửa ra sau. Nếu nghi ngờ trẻ bị chấn thương cột sống, bạn kéo hàm về phía trước thay vì ngửa đầu và giữ miệng trẻ mở.
- Thực hiện ép ngực. Nhấn xuống xương ức và ép ngực 30 lần liên tục trong khi đếm to thành tiếng. Ép ngực mạnh và nhanh.
- Kiểm tra hơi thở. Kiểm tra hơi thở của trẻ sau khi ép ngực. Nếu không có dấu hiệu của hơi thở, hãy tiến hành hô hấp nhân tạo bằng cách ngậm chặt miệng của bạn và hà hơi vào miệng trẻ, song song đó bịt kín phần mũi. Hãy chắc chắn đường thở thông thoáng và thổi hai hơi để hô hấp nhân tạo cho bé. Mỗi hơi thở nên kéo dài khoảng một giây để giúp ngực nâng lên.
- Tiếp tục hô hấp nhân tạo. Tiếp tục chu kỳ 30 lần ép ngực và hai hơi thở giải cứu cho đến khi có cấp cứu hỗ trợ. Hãy liên tục kiểm tra hơi thở của bé.
Phòng ngừa hội chứng rung lắc ở trẻ
Để phòng ngừa hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ cần hiểu rằng việc trẻ quấy khóc là điều bình thường. Những người xung quanh trẻ cần biết về mối nguy hiểm khi rung lắc trẻ dữ dội, từ đó cần học cách kiểm soát căng thẳng và cơn giận.
Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn hạn chế tối đa nguy cơ trẻ mắc hội chứng rung lắc:
- Kiểm tra tình trạng sức khỏe và đảm bảo trẻ không đói, không lạnh, không có dấu hiệu bệnh tật nào, không bị đau bởi bất kỳ điều gì, tã không bẩn…
- Nếu trẻ vẫn khóc không vì vấn đề sức khỏe hay nhu cầu sinh lý, bạn có thể dùng âm thanh để thu hút sự chú ý của bé, chẳng hạn như bật radio, khởi động máy hút bụi, máy sấy, quạt, hát, nói chuyện với bé…
- Cho bé chơi đồ chơi hoặc dùng núm vú giả.
- Cho bé bú mẹ hoặc bú bình.
- Quấn khăn cho bé hoặc thử đu đưa trẻ.
- Bế bé ra ngoài đi dạo, đi xe.
- Cho bé ngồi xe đẩy và đi dạo.
- Cho bé chơi xích đu ngoài trời.
- Nhờ sự trợ giúp của người khác (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm…) để bạn có thời gian nghỉ ngơi nhất định.
- Nếu không có ai hỗ trợ, bạn hãy nhẹ nhàng đặt bé vào nôi, rời khỏi phòng vài phút, hít thở sâu để binh tĩnh lại.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc rung lắc trẻ quá mạnh có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, bạn không nên trút giận lên trẻ mà nên ân cần chăm sóc bé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]