Hội chứng Cushing là tình trạng cơ thể sản xuất quá nhiều hormone cortisol, gây béo phì, yếu xương, cao huyết áp, thay đổi tính tình… Mặc dù thường ảnh hưởng đến người lớn, nhưng hội chứng Cushing vẫn có thể xảy ra ở trẻ em.
Trẻ mắc phải hội chứng Cushing thường chậm phát triển, bị béo phì, dậy thì sớm, thay đổi tâm trạng… Để hạn chế nguy cơ trẻ gặp phải những vấn đề sức khỏe bất thường này, cha mẹ cần hiểu rõ về hội chứng Cushing ở trẻ em. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu hội chứng Cushing là gì và tất tần tật mọi thông tin liên quan đến hội chứng này.
Hội chứng Cushing ở trẻ em là gì?
1. Hội chứng Cushing là gì?
Hội chứng Cushing là một loại rối loạn nội tiết tố, xảy ra do cơ thể sản xuất quá nhiều hormone cortisol khiến nồng độ hormone này tăng cao trong thời gian dài. Tình trạng này làm chậm quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ, gây béo phì, dậy thì sớm, thay đổi tâm trạng và các triệu chứng bất thường khác.
Mặc dù khá hiếm và thường ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi từ 20-50, nhưng hội chứng Cushing cũng có thể xảy ra ở trẻ em.
2. Cortisol là gì?
Cortisol là một loại hormone glucocorticoid được tạo ra bởi hai tuyến thượng thận. Cortisol giúp cơ thể:
- Phản ứng với bệnh tật hoặc chấn thương
- Ổn định huyết áp
- Ổn định lượng đường trong máu.
Nguyên nhân gây ra hội chứng Cushing ở trẻ em
Hội chứng Cushing ở trẻ em có thể xảy ra do hai nguyên nhân:
1. Nguyên nhân bệnh lý
Nguyên nhân gây ra hội chứng Cushing là do các yếu tố bên trong cơ thể (sự bất thường ở tuyến thượng thận hoặc tuyến yên) khiến cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol. Cụ thể, hội chứng Cushing nội sinh ở trẻ thường do 3 nguyên nhân sau:
- Một vấn đề ở tuyến thượng thận khiến việc sản xuất quá nhiều cortisol.
- Một vấn đề ở tuyến yên, chẳng hạn như có một khối u trong tuyến tạo ra quá nhiều hormone adrenocorticotropin (ACTH), khiến tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều corticosteroid.
- Một khối u tuyến thượng thận (thường không phải là ung thư).
2. Nguyên nhân bên ngoài
Một nguyên nhân khác gây ra hội chứng Cushing ngoại sinh ở trẻ em là do rẻ dùng một lượng lớn thuốc corticosteroid, chẳng hạn như prednisone, dexamethasone hoặc cortisone, trong thời gian dài.
Thông thường, trẻ có thể phải dùng corticosteroid đường uống, dạng bôi hoặc dạng hít với liều lượng rất cao để điều trị các bệnh sau:
- Viêm khớp dạng thấp
- Lupus
- Viêm ruột mãn tính
- Hen suyễn
- Rối loạn nội tiết di truyền
- Bệnh chàm
- Một số loại ung thư
- Khối u trên tuyến thượng thận.
Ngoài ra, một số trẻ có thể phải dùng corticosteroid liều cao để ngăn cơ thể không đào thải cơ quan vừa được cấy ghép.
Triệu chứng hội chứng Cushing ở trẻ em
Ở hầu hết trẻ em, quá trình khởi phát của hội chứng Cushing diễn ra âm thầm. Các triệu chứng phải mất đến vài tháng mới biểu hiện rõ rệt.
Triệu chứng nổi bật của hội chứng Cushing ở trẻ em đang phát triển là tốc độ phát triển chiều cao chậm lại đáng kể hoặc chững lại hẳn, trong khi cân nặng vẫn tiếp tục tăng lên. Dưới đây là một số triệu chứng điển hình ở trẻ bị hội chứng Cushing:
- Tăng cân quá mức, đặc biệt là ở phần thân trên, mặt và cổ
- Tích tụ mỡ thừa sau gáy
- Tốc độ tăng trưởng chiều cao chậm
- Cánh tay và chân gầy so với phần còn lại của cơ thể
- Vết rạn da hơi đỏ ở bụng, cánh tay, đùi, mông và ngực
- Mặt tròn như mặt trăng, đỏ
- Da mỏng, tối màu
- Nổi mụn
- Dễ bị bầm tím
- Huyết áp cao
- Cholesterol cao
- Đường huyết cao
- Rối loạn giấc ngủ
- Yếu xương và cơ
- Mệt mỏi
- Thay đổi cảm xúc, chẳng hạn như khó chịu hơn, trầm tính hơn…
- Thay đổi hành vi
- Dậy thì sớm hoặc muộn hơn so với tuổi
- Ở bé gái: Tóc, lông mặt, lông cơ thể mọc quá nhiều, kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh
- Ở bé trai: Giảm ham muốn tình dục và vô sinh
Nhìn chung, các triệu chứng của hội chứng Cushing ở trẻ em có thể giống với các vấn đề sức khỏe khác. Do đó, khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường kể trên, cha mẹ cần đưa bé đi khám để được chẩn đoán chính xác.
[embed-health-tool-child-growth-chart]
Trẻ bị hội chứng Cushing có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị, hội chứng Cushing có thể gây ra một số vấn đề sau:
- Tăng trưởng và phát triển bất thường, đặc biệt là phát triển giới tính.
- Cao huyết áp
- Hệ thống miễn dịch bị suy yếu
- Bệnh tiểu đường
- Vô sinh.
Chẩn đoán hội chứng Cushing ở trẻ em
Bác sĩ có thể nghi ngờ trẻ mắc hội chứng Cushing nếu bé có những triệu chứng đặc trưng như tăng cân nhưng tăng trưởng kém, mặt tròn, có ngấn mỡ dày ở giữa cổ và vai, da mỏng kèm vết rạn da hoặc bầm tím…
Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ khám sức khỏe tổng quát cho bé và hỏi về bệnh sử của trẻ xem trẻ có dùng thuốc corticosteroid trong thời gian dài hay không. Nếu trẻ không dùng corticosteroid, để chẩn đoán hội chứng Cushing ở trẻ em, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm Cortisol tự do trong nước tiểu 24 giờ (24-hour urinary free-cortisol test): Nước tiểu được thu thập trong 24 giờ để đo nồng độ hormone cortisol.
- Xét nghiệm cortisol trong huyết thanh hoặc nước bọt (diurnal cortisol test): Trẻ em thường có nồng độ cortisol rất thấp vào lúc nửa đêm khi đang ngủ. Tuy nhiên, trẻ mắc hội chứng Cushing lại có nồng độ cortisol tăng cao vào thời điểm này, tương tự với mức độ cortisol ở hầu hết trẻ em vào buổi sáng sớm. Xét nghiệm này có thể được thực hiện bằng cách lấy máu hoặc dùng tăm bông thấm nước bọt bên trong má.
- Nghiệm pháp ức chế bằng Dexamethasone liều thấp (low-dose dexamethasone suppression test): Trẻ được yêu cầu uống thuốc glucocorticoid tổng hợp, sau đó lấy máu xét nghiệm để xác định nồng độ cortisol trong máu. Xét nghiệm này đo xem tuyến yên của trẻ có sản xuất quá nhiều hormone adrenocorticotropic (ACTH) hay không.
- Xét nghiệm kích thích hormone giải phóng Corticotropin (CRH stimulation test): Nghiệm pháp này giúp xác định xem lượng cortisol tăng thêm mà cơ thể sản xuất có phải là do một khối u ở tuyến thượng thận hoặc tuyến yên hay không.
- Các biện pháp chẩn đoán bằng hình ảnh, như chụp X-quang, chụp CT, MRI.
Điều trị hội chứng Cushing ở trẻ em
Nhiều cha mẹ thắc mắc “Hội chứng Cushing ở trẻ em có chữa được không?”. Thực tế, hội chứng Cushing có thể cần điều trị suốt đời.
Việc điều trị hội chứng Cushing ở trẻ em phụ thuộc vào các triệu chứng, nguyên nhân, tuổi tác, tình trạng sức khỏe của trẻ và mức độ nghiêm trọng của hội chứng này. Dưới đây là những biện pháp thường được dùng để điều trị hội chứng Cushing ở trẻ em:
1. Dùng thuốc điều trị hội chứng Cushing
- Đối với trẻ có bất thường ở tuyến thượng thận hoặc tuyến yên, bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc ngăn chặn việc sản xuất quá mức một số hormone.
- Đối với trẻ bị rối loạn tự miễn dịch và đang dùng thuốc glucocorticoid lâu dài, bé có thể cần phải thay đổi liều lượng và tần suất dùng thuốc. Điều này có thể hạn chế tình trạng cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol gây ra các triệu chứng Cushing ở trẻ em. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc giảm liều thuốc phải diễn ra từ từ và theo đúng chỉ định của bác sĩ.
2. Phẫu thuật
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u trên tuyến thượng thận hoặc tuyến yên: Nếu trẻ có khối u ở tuyến thượng thận hoặc tuyến yên khiến cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u.
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận hoặc tuyến yên: Trong một số ít trường hợp, trẻ có thể phải cắt bỏ toàn bộ tuyến thượng thận hoặc tuyến yên.
- Xạ trị: Phương pháp xạ trị để điều trị khối u trên tuyến thượng thận cũng có thể được áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với phẫu thuật.
Hội chứng Cushing có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển và tâm lý của trẻ. Do đó, cha mẹ cần đưa bé đi khám để được hỗ trợ điều trị càng sớm càng tốt.
Theo dõi và chăm sóc trẻ mắc hội chứng Cushing
Trong suốt quá trình điều trị hội chứng Cushing ở trẻ em, cha mẹ cần theo dõi bé sát sao và chăm sóc trẻ theo hướng dẫn sau đây:
- Đưa trẻ mắc hội chứng Cushing tái khám định kỳ mỗi 3-6 tháng/lần để theo dõi nồng độ hormone, điều chỉnh thuốc khi cần thiết và đo lường hiệu quả điều trị.
- Trong những lần thăm khám này, bác sĩ sẽ khám sức khỏe cho trẻ và có thể yêu cầu trẻ xét nghiệm máu và nước tiểu. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá xem trẻ có phát triển chiều cao và cân nặng bình thường trở lại hay không, đồng thời xem xét quá trình phát triển tuổi dậy thì của bé đã “quay về quỹ đạo bình thường” hay chưa. Khi trẻ đã ổn định, bạn có thể đưa trẻ đi tái khám mỗi 6 tháng/lần.
- Đối với trẻ đã phẫu thuật điều trị hội chứng Cushing, bé cần được đưa đi tái khám sau khi phẫu thuật 1-2 tuần, và tái khám sau đó nữa nếu cần thiết.
- Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà một số bé cần được theo dõi và chăm sóc lâu dài.
Phòng ngừa hội chứng Cushing ở trẻ em
Cơ thể trẻ cần cortisol để quản lý quá trình hô hấp, chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, điều chỉnh lượng đường trong máu, đối phó với căng thẳng và hơn thế nữa. Tuy nhiên, tình trạng dư thừa cortisol có thể dẫn đến hội chứng Cushing ở trẻ em. Vậy, làm thế nào để phòng ngừa hội chứng này?
Nếu cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol do có khối u ở tuyến yên hoặc tuyến thượng thận thì không có biện pháp nào có thể phòng ngừa hội chứng Cushing. Trong trường hợp này, khi trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng Cushing, cách tốt nhất là áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh bên cạnh phác đồ điều trị của bác sĩ để hạn chế các triệu chứng bất thường.
Đối với hội chứng Cushing ở trẻ em do sử dụng corticosteroid liều cao trong thời gian dài, cách phòng ngừa hiệu quả là:
- Cho trẻ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không để bé dùng quá nhiều thuốc corticosteroid trong thời gian dài.
- Cha mẹ cũng có thể yêu cầu bác sĩ theo dõi chặt chẽ nồng độ cortisol của trẻ nếu bé đang phải dùng thuốc corticosteroid liều cao để điều trị bệnh lâu dài.
- Không cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc nào có tác dụng kháng viêm, giảm đau mạnh (bao gồm cả thuốc tây và thuốc đông y) để điều trị viêm xoang, xương khớp, cảm cúm… khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Những thuốc này thường chứa corticoid, làm tăng nguy cơ trẻ mắc phải hội chứng Cushing.
- Trong quá trình điều trị bệnh cho bé, cần đưa trẻ đi tái khám định kỳ để được kê thuốc theo đúng tình trạng bệnh. Tuyệt đối không dùng lại đơn thuốc cũ.
Tóm lại
- Hội chứng Cushing ở trẻ em là một rối loạn nội tiết tố hiếm gặp, xảy ra do nồng độ cortisol cao trong thời gian dài.
- Nguyên nhân gây ra hội chứng Cushing có thể do sự bất thường ở tuyến yên hoặc tuyến thượng thận khiến cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol (hội chứng Cushing nội sinh), hoặc do dùng thuốc corticosteroid liều cao trong thời gian dài (hội chứng Cushing ngoại sinh).
- Trẻ mắc hội chứng Cushing có thể bị thừa cân, béo phì, tăng trưởng chiều cao chậm và các vấn đề về dậy thì, giới tính.
- Bác sĩ chẩn đoán hội chứng Cushing ở trẻ em dựa trên các triệu chứng, bệnh sử, xét nghiệm cortisol, chụp CT, MRI…
- Biện pháp điều trị hội chứng Cushing ở trẻ em bao gồm dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
- Có thể phòng ngừa hội chứng Cushing gây ra bởi thuốc nhưng không thể phòng ngừa bệnh do khối u ở tuyến yên hoặc tuyến thượng thận gây ra.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về hội chứng Cushing ở trẻ em. Việc kịp thời phát hiện và điều trị sớm hội chứng Cushing có thể giúp khắc phục các triệu chứng dễ dàng và hạn chế những biến chứng nguy hiểm cho bé.