backup og meta

Gù lưng trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

Gù lưng trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

Gù lưng trẻ em là vấn đề khá phổ biến, khiến các bé trông như đang khom lưng về phía trước. Tình trạng này có thể gây đau lưng, cứng cơ, ảnh hưởng đến chiều cao, thể trạng và sự phát triển toàn diện của bé.

Việc kịp thời nhận biết dấu hiệu trẻ bị gù lưng cũng như hiểu rõ nguyên nhân gây ra vấn đề này sẽ giúp quá trình điều trị nhanh chóng, dễ dàng hơn. Để biết được tất tần tật mọi thông tin về tình trạng gù lưng trẻ em, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

Bệnh gù lưng ở trẻ em là gì?

Gù lưng (gù cột sống) ở trẻ em là tình trạng cột sống cong ra ngoài nhiều hơn bình thường, khiến cho phần lưng ở vùng ngực trên trông tròn hơn và cong về phía trước. Độ cong có thể khiến bé trông như đang khom lưng. Trẻ có thể bị gù lưng bẩm sinh hoặc gù cột sống trong độ tuổi vị thành niên

Trên thực tế, cột sống của chúng ta có hình dạng một đường cong tự nhiên, hỗ trợ các tư thế và giúp ta đứng thẳng. Tuy nhiên, nếu độ cong quá mức (hơn 45 độ) thì có thể ảnh hưởng đến cơ thể và khiến bé gặp khó khăn khi đứng.

Hầu hết các trường hợp trẻ bị gù lưng không gặp phải những vấn đề sức khỏe phức tạp, cũng không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, tình trạng này khiến các bé cảm thấy tự ti về ngoại hình. Hơn nữa, nếu bị gù lưng nghiêm trọng, trẻ có thể bị đau cột sống hoặc khó thở. Gù lưng trẻ em thể nặng có thể cần phải phẫu thuật.

Các loại gù lưng trẻ em thường gặp

Các loại gù lưng trẻ em thường gặp
Các loại gù lưng trẻ em thường gặp

Các loại gù lưng phổ biến ở trẻ em bao gồm:

  • Gù lưng bẩm sinh: Trẻ vừa sinh ra đã bị gù cột sống. Điều này là do cột sống không phát triển đúng cách hoặc không phát triển hoàn toàn bên trong tử cung. Gù lưng bẩm sinh có thể tăng mức độ nghiêm trọng khi trẻ lớn lên. Thông thường, trẻ cần được phẫu thuật ngay từ nhỏ để điều chỉnh độ cong của cột sống.
  • Gù cột sống tư thế: Đây là loại gù lưng phổ biến nhất và thường xảy ra ở độ tuổi vị thành niên. Tình trạng này là do tư thế của trẻ thường sai hay chùng xuống, làm căng các dây chằng và khiến các cơ giữ xương đốt sống được “huấn luyện” để cong xuống. Khi các đốt sống bị kéo giãn ra khỏi vị trí bình thường, bạn có thể nhận thấy hình trạng cong tròn ở cột sống của bé. Thông thường, gù lưng tư thế không gây đau, và hay xảy ra ở bé gái hơn bé trai. Bé có thể tự điều chỉnh khi đứng thẳng.
  • Gù cột sống Scheuermann: Đây là bệnh lý liên quan đến sự thay đổi hình dạng của các đốt sống. Thay vì hình chữ nhật, đốt sống của trẻ mắc chứng gù lưng Scheuermann có hình tam giác hoặc hình thang (hình nêm), cong về phía trước, làm cho cột sống cong tròn. Tình trạng này ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh trai nhiều hơn bé sơ sinh gái. Gù cột sống Scheuermann có thể gây đau đớn, đặc biệt là khi hoạt động hoặc khi đứng hoặc ngồi trong thời gian dài có khả năng dẫn tới biến chứng có thể gây nguy hiểm trong tương lai.
  • Gù lưng sau chấn thương: Trẻ còn có nguy cơ bị gù lưng do chấn thương. Điều này xảy ra khi một đốt sống bị thương và gãy sau khi bé bị ngã, tai nạn giao thông… Khi gãy, xương có thể bị xẹp xuống khiến cột sống bị cong.

Nguyên nhân trẻ bị gù lưng và yếu tố nguy cơ

1. Vì sao trẻ em bị gù lưng?

Vì sao trẻ bị gù lưng?
Vì sao trẻ bị gù lưng?

Nguyên nhân gù lưng trẻ em có thể khác nhau ở mỗi bé, tùy thuộc vào từng loại gù cột sống, chẳng hạn như:

  • Trẻ bị gù lưng tư thế do duy trì tư thế sai thường xuyên. Ví dụ, trẻ cúi người, tựa lưng vào ghế, mang vật nặng… sai tư thế khiến các cơ và dây chằng hỗ trợ bị căng, làm tăng độ cong của cột sống.
  • Trẻ bị gù lưng bẩm sinh có bất thường về cấu trúc của xương ở cột sống. Điều này thường xảy ra do có điều gì đó làm gián đoạn sự phát triển bình thường của cột sống thai nhi trong bụng mẹ. Trường hợp thường gặp là hai hoặc nhiều đốt sống dính với nhau.
  • Trẻ bị gù lưng Scheuermann có bất thường về sự phát triển xương khiến xương cột sống biến đổi hình dạng.
  • Trẻ bị gù lưng do chấn thương cột sống. Trẻ có thể bị té ngã, va đập, đụng xe… khiến đốt sống bị gãy gây gù lưng.

2. Các yếu tố nguy cơ của bệnh gù lưng ở trẻ em

Có nhiều yếu tố khác nhau làm tăng nguy cơ gù lưng trẻ em. Chẳng hạn như trẻ trong độ tuổi từ 13-16 tuổi thường có nguy cơ cao bị gù lưng tư thế và gù cột sống Scheuermann. Điều này là do xương của thanh thiếu niên đang phát triển nhanh chóng. Mặc dù vậy, bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị gù cột sống tư thế, Scheuermann hoặc gù lưng do chấn thương.

Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể bị gù lưng bẩm sinh. Điều này có thể xảy ra cùng với các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ từ trong bụng mẹ.

Triệu chứng và dấu hiệu trẻ bị gù lưng

Dấu hiệu gù lưng ở trẻ
Dấu hiệu rõ nhất của gù lưng là cột sống cong bất thường.

Các dấu hiệu trẻ bị gù lưng có thể khác nhau ở mỗi bé, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đường cong cột sống, tuổi tác, mức độ hoạt động của bệnh nhi và tình trạng gù lưng trở nặng nhanh như thế nào theo thời gian.

Thông thường, chứng gù lưng không gây đau ở giai đoạn đầu khi tình trạng lưng bị gù chưa quá nghiêm trọng. Đôi khi chứng gù lưng trẻ em không gây ra bất kỳ triệu chứng nào ngoài việc lưng bị cong hoặc gù bất thường. Mặc dù vậy, bạn có thể nhận biết trẻ bị gù lưng thông qua những dấu hiệu sau:

  • Một đường cong hoặc khối bướu ở lưng trên, có thể nhìn thấy được bằng mắt thường
  • Hai vai trông tròn quá mức
  • Căng cơ gân kheo

Gù lưng trẻ em nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Đau hoặc cứng ở lưng và xương bả vai
  • Chân tê, yếu hoặc ngứa ran
  • Cực kỳ mệt mỏi
  • Gặp vấn đề cân bằng
  • Khó thở

Các dấu hiệu trẻ bị gù lưng nặng có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Bé cũng có thể gặp khó khăn khi ăn uống.

Biến chứng ở trẻ bị gù lưng

biến chứng gù lưng ở trẻ
Trẻ bị gù lưng có thể đau lưng dai dẳng.

Trẻ bị gù lưng nhẹ thường không gặp phải biến chứng gì. Tuy nhiên, nếu gù lưng trẻ em trở nặng, thì bé có nguy cơ mắc phải các biến chứng sau:

  • Đau lưng dai dẳng, có thể dẫn đến tàn tật
  • Khó khăn khi đi lại
  • Phổi bị cột sống chèn ép dẫn đến dung tích phổi giảm, gây khó thở
  • Dây thần kinh bị chèn ép gây ra các vấn đề về thần kinh, bao gồm tê hoặc yếu tay chân, có vấn đề về giữ thăng bằng, mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột bình thường
  • Biến dạng lưng tròn

Những biến chứng nghiêm trọng này cần được chăm sóc y tế khẩn cấp và phẫu thuật điều chỉnh cột sống thường được khuyến khích.

Có thể bạn chưa biết


Gù cột sống không thể biến thành chứng vẹo cột sống. Gù cột sống và vẹo cột sống đều là những tình trạng ảnh hưởng đến cột sống. Hai vấn đề này có thể xảy ra cùng nhau, nhưng vấn đề này không thể gây ra vấn đề kia.
Trong khi gù cột sống là hiện tượng cột sống bị cong bất thường từ trước ra sau, thì vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong bất thường từ trái sang phải hoặc sang một bên.

Chẩn đoán

Bác sĩ chẩn đoán gù lưng

Gù lưng trẻ em thường được phát hiện trong quá trình khám sức khỏe sàng lọc tại trường học. Tuy nhiên, nếu bạn nghi ngờ trẻ bị gù lưng, hãy đưa bé đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ thực hiện bài kiểm tra uốn cong cột sống như sau:

  • Đứng khép chân, thẳng đầu gối, hai cánh tay buông thõng hai bên hông
  • Nhẹ nhàng cúi người về phía trước sao cho mắt hướng về phía chân.

Bài kiểm tra này giúp bác sĩ quan sát được đường cong cột sống hoặc bất kỳ vấn đề nào khác về cột sống.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định trẻ thực hiện các xét nghiệm khác, chẳng hạn như:

  • Chụp X-quang: giúp bác sĩ đo đường cong cột sống để chẩn đoán tình trạng gù lưng. Đường cong cột sống tự nhiên nằm trong khoảng 20-45 độ. Nếu đường cong cột sống lớn hơn 50 độ thì trẻ bị gù lưng.
  • Kiểm tra chức năng phổi: giúp nhận biết mức độ hoạt động của phổi, từ đó biết được tình trạng gù lưng có gây ra biến chứng chèn ép phổi hay chưa.
  • Chụp MRI: để xác định xem gù lưng trẻ em có chèn ép dây thần kinh cột sống hay không. Chụp MRI cũng giúp bác sĩ xác định xem trẻ bị gù lưng có phải do một vấn đề tiềm ẩn nào đó như khối u, nhiễm trùng… gây ra hay không.

Cách chữa gù lưng cho trẻ

bác sĩ chữa gù lưng cho trẻ

Nhiều cha mẹ băn khoăn không biết trẻ bị gù lưng có chữa được không? Câu trả lời là gù lưng ở trẻ em có thể được điều trị, nhất là khi bệnh được chẩn đoán sớm, vẫn còn trong giai đoạn nhẹ. Mục tiêu của việc điều trị là ngăn chặn đường cong cột sống cong nhiều hơn.

Vậy, trẻ bị gù lưng phải làm sao? Việc điều trị gù lưng trẻ em sẽ phụ thuộc vào độ cong cột sống cũng như các triệu chứng đi kèm. Dưới đây là những cách chữa bệnh gù lưng ở trẻ em thường được áp dụng:

  • Theo dõi: Nếu trẻ bị gù lưng, bạn đừng quá lo lắng. Nếu gù lưng trẻ em không gây ra bất kỳ vấn đề nào thì có thể không cần điều trị. Trong nhiều trường hợp, cột sống của trẻ sẽ không cong thêm nữa khi bé dậy thì đã phát triển xong. Cha mẹ chỉ cần theo dõi tình trạng gù lưng ở trẻ em, và cho bé đi khám định kỳ để theo dõi sát sao độ cong cột sống là được.
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu có thể tăng cường cơ bụng và cơ lưng để giảm đau cột sống và cải thiện tư thế. Hơn nữa, việc tập thể dục cũng có thể kéo căng gân kheo và tăng cường sức mạnh cho các vùng khác trên cơ thể trẻ.
  • Dùng thuốc giảm đau: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau cho trẻ bị gù lưng nếu bé cảm thấy đau, khó chịu. Các loại thuốc thường được sử dụng là acetaminophen (paracetamol), ibuprofen…
  • Nẹp lưng: Bác sĩ có thể khuyến khích trẻ đeo nẹp lưng để tái định hình hoặc ít nhất là cố định cột sống. Phương pháp điều trị này thường được áp dụng cho trẻ trong độ tuổi vị thành niên bị gù cột sống Scheuermann.
  • Phẫu thuật: Nếu trẻ bị gù lưng nặng, phẫu thuật có thể cần thiết. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật tổng hợp cột sống. Phương pháp này giúp giảm mức độ nghiêm trọng của đường cong cột sống khi bé bị gù lưng.

Nhìn chung, mỗi biện pháp điều trị gù lưng trẻ em đều tiềm ẩn những tác dụng phụ. Hãy trao đổi kỹ với bác sĩ để được tư vấn và đưa ra quyết định phù hợp.

Phòng ngừa gù lưng trẻ em

Phòng ngừa gù lưng
Cần rèn cho trẻ tư thế ngồi đúng để tránh bị gù lưng.

Mặc dù gù lưng trẻ em có thể được điều trị, nhưng tình trạng này có thể tái lại. Do đó, điều quan trọng là phòng ngừa vấn đề gù lưng ở trẻ em để tránh các biến chứng không mong muốn.

Thực tế, không thể ngăn ngừa tất cả các loại gù lưng trẻ em. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp sau có thể hữu ích:

  • Dạy trẻ tư thế đúng khi ngồi, đi, đứng, mang vác vật nặng, cúi người.
  • Tránh ngồi khom lưng, nên ngồi học đúng cách: lưng thẳng, không cúi sát mặt bàn, không nằm dài trên dài.
  • Tập thể dục, yoga để tăng cường cơ bụng, cơ lưng, cơ bắp nói chung cũng như rèn tính linh hoạt. Trẻ em nên cho tập bơi, chạy, đi bộ.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Đựng sách vở, đồ dùng trong ba lô hoặc túi chắc chắn.
  • Hạn chế mang cặp nặng.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng gù lưng trẻ em. Mặc dù đây là bệnh có thể chữa được, nhưng bạn nên ưu tiên “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Hãy rèn tư thế đúng cho bé để trẻ không bị gù lưng nhé!

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Kyphosis: What It Is, Causes, Symptoms, Types & Treatment https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17671-kyphosis Ngày truy cập: 05/02/2024

Kyphosis (for Parents) – Nemours KidsHealth https://kidshealth.org/en/parents/kyphosis.html Ngày truy cập: 05/02/2024

Kyphosis – Symptoms and Causes https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/kyphosis Ngày truy cập: 05/02/2024

Kyphosis: Types, Symptoms, Diagnosis and Treatment https://www.nationwidechildrens.org/conditions/kyphosis Ngày truy cập: 05/02/2024

Kyphosis – NHS https://www.nhs.uk/conditions/kyphosis/ Ngày truy cập: 05/02/2024

Phiên bản hiện tại

29/02/2024

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKII Nguyễn Hoài Chân

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

5 bí quyết tăng cường hệ tiêu hóa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKII Nguyễn Hoài Chân

Nhi khoa · Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 29/02/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo