Virus hợp bào hô hấp (virus RSV) là một trong những tác nhân phổ biến gây ra các bệnh đường hô hấp ở trẻ em, điển hình như viêm phế quản, viêm phổi…
Vào thời điểm giao mùa, số trẻ mắc bệnh do virus hợp bào hô hấp gây ra ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho trẻ nhiễm virus RSV. Phụ huynh cần kịp thời nhận biết các triệu chứng nhiễm virus RSV ở trẻ em để có thể đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về virus hợp bào hô hấp.
Tìm hiểu về virus hợp bào hô hấp (virus RSV)
1. Virus RSV là gì?
Virus hợp bào hô hấp (virus RSV) là một loại virus đường hô hấp phổ biến, gây ra các vấn đề liên quan đến hệ hô hấp ở trẻ em. Bệnh phổ biến đến mức hầu hết trẻ em đều nhiễm virus RSV khi được 2 tuổi. Virus hợp bào hô hấp cũng có thể lây nhiễm cho người lớn.
Ở người lớn và trẻ em khỏe mạnh, khi bị nhiễm virus RSV các triệu chứng thường nhẹ và giống như cảm lạnh thông thường. Lúc này, chỉ cần chăm sóc tại nhà là có thể giúp giảm thiểu các dấu hiệu của bệnh.
Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ sinh non, cũng như người lớn tuổi, người mắc bệnh nền như bệnh tim, phổi hoặc bất kỳ ai có hệ miễn dịch suy yếu, virus hô hấp hợp bào có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng, thậm chí là phải nhập viện để điều trị.
Virus hợp bào hô hấp thường gây bệnh theo mùa, phổ biến vào mùa thu và mùa đông. Hầu hết mọi trẻ có thể hồi phục sau một hoặc hai tuần nhưng cũng có những bé mắc bệnh nặng hơn, thời gian khỏi bệnh sẽ kéo dài hơn.
2. Virus RSV gây ra bệnh gì?
Virus hợp bào hô hấp là một trong những tác nhân thường gặp nhất gây ra bệnh cảm lạnh thông thường và nhiễm trùng tai. Chúng cũng có thể dẫn đến các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng hơn, điển hình như:
- Viêm tiểu phế quản
- Viêm phổi
- Bệnh croup
Virus RSV cũng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về tim hoặc phổi đã có từ trước như suy tim hoặc hen suyễn.
Triệu chứng nhiễm virus hợp bào hô hấp ở trẻ em
1. Dấu hiệu nhiễm virus hợp bào hô hấp thường gặp ở trẻ
Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV thường xuất hiện trong khoảng 4-6 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Ở trẻ lớn hơn, virus RSV thường gây ra các dấu hiệu và triệu chứng giống cảm lạnh nhẹ, bao gồm:
- Nghẹt mũi hoặc sổ mũi
- Ho khan
- Sốt nhẹ
- Đau họng
- Hắt xì
- Đau đầu hoặc đau tai
- Đau nhức toàn thân
- Chán ăn.
2. Triệu chứng nhiễm virus RSV nặng ở trẻ em
Virus hợp bào hô hấp có thể lây lan đến đường hô hấp dưới, gây nhiễm trùng nghiêm trọng như nhiễm trùng phổi, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản… Các dấu hiệu và triệu chứng cho thấy trẻ bị nhiễm virus RSV nặng có thể bao gồm:
- Sốt dai dẳng hoặc sốt cao
- Ho nặng hoặc ho có đờm
- Thở khò khè
- Khó thở – thở nhanh, thở nông hoặc thở không đều
- Da xanh xao hoặc tím tái do thiếu oxy
- Mệt mỏi, dễ cáu kỉnh
- Ăn uống kém...
3. Dấu hiệu nhiễm virus RSV ở trẻ sơ sinh
Nếu nhiễm virus hợp bào hô hấp, trẻ sơ sinh là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm virus RSV nặng ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Hơi thở ngắn, nông và nhanh
- Khó thở – cơ ngực và da của bé lõm vào trong theo mỗi hơi thở
- Ho
- Bú kém
- Mệt mỏi, lờ đờ
- Cáu gắt.
Trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp: Khi nào cần đến bệnh viện?
Hầu hết trẻ em và người lớn nhiễm virus RSV đều hồi phục sau 1-2 tuần, mặc dù một số có thể bị thở khò khè tái đi tái lại nhiều lần. Trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp có triệu chứng nặng hoặc có nguy cơ đe dọa tính mạng cần phải nằm viện, nhất là ở trẻ sinh non hoặc người có vấn đề về tim hoặc phổi mãn tính.
Nếu các triệu chứng của trẻ không thuyên giảm hoặc trở nên trầm trọng hơn, hoặc nếu xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng hơn, cha mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp nhi để được điều trị.
Trong trường hợp nhận thấy trẻ khó thở hoặc thở rất nhanh, sốt cao, da chuyển sang màu xanh, đặc biệt là ở môi và móng tay, cần đưa bé đi cấp cứu ngay lập tức.
Con đường lây lan của virus hợp bào hô hấp và yếu tố nguy cơ
1. Virus RSV có lây không? Lây qua đường nào?
Virus RSV có khả năng lây lan nhanh chóng từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Nếu trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp, nguy cơ lây nhiễm cho người khác có thể diễn ra từ trước khi các triệu chứng xuất hiện và kéo dài đến khoảng 8 ngày sau khi các triệu chứng diễn ra, thậm chí lâu hơn nếu bệnh nặng hoặc tái đi tái lại nhiều lần.
Virus hợp bào hô hấp có thể xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng và lây lan dễ dàng từ người sang người thông qua:
- Các giọt bắn hô hấp, chẳng hạn như khi ho hoặc hắt hơi
- Tiếp xúc trực tiếp như bắt tay với người bệnh hoặc chạm vào các đồ vật hoặc bề mặt bị nhiễm các giọt bắn có mang virus.
Virus RSV có thể tồn tại trên các vật cứng như mặt bàn, thành nôi và đồ chơi… trong vài giờ. Do đó, việc vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên là rất quan trọng để ngăn ngừa virus hợp bào hô hấp lây lan.
2. Đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus hợp bào hô hấp
Hầu hết trẻ em khi đến 2 tuổi đều từng bị nhiễm virus hợp bào hô hấp. Thậm chí, bé có thể bị nhiễm virus RSV rất nhiều lần. Những bé đang đi học hoặc có anh chị em đang đi học có nguy cơ phơi nhiễm và tái nhiễm cao hơn.
Những người có nguy cơ cao bị nhiễm virus hợp bào hô hấp nghiêm trọng, thậm chí đôi khi có thể đe dọa tính mạng, bao gồm:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sinh non hoặc trẻ dưới 6 tháng tuổi
- Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh phổi mãn tính
- Trẻ có hệ thống miễn dịch suy yếu do các bệnh như ung thư hoặc do phương pháp điều trị như hóa trị
- Trẻ bị rối loạn thần kinh cơ, chẳng hạn như chứng loạn dưỡng cơ
- Người lớn mắc bệnh tim hoặc bệnh phổi
- Người lớn tuổi, đặc biệt là những người từ 65 tuổi trở lên.
Tình trạng nhiễm virus hợp bào hô hấp có xu hướng bùng phát vào mùa thu đến cuối mùa xuân. Do đó, trong giai đoạn này, cha mẹ cần lưu ý phòng bệnh cho bé.
Biến chứng khi trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp
Tình trạng nhiễm virus hợp bào hô hấp có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và nhiễm trùng phổi ở trẻ em, khiến bé bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Nhiều trẻ bị bệnh nặng cần phải nhập viện để được theo dõi sức khỏe.
Nếu virus xâm nhập vào khoảng trống sau màng nhĩ, trẻ có nguy cơ bị viêm tai giữa, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một số trẻ mắc bệnh nặng có nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn sau này.
Một khi trẻ đã bị nhiễm virus hợp bào hô hấp, bé có nguy cơ bị tái nhiễm, thậm chí trong cùng một mùa bùng phát virus RSV. Tuy nhiên, các triệu chứng thường ở dạng cảm lạnh thông thường, không quá nghiêm trọng. Mặc dù vậy, nếu trẻ có tiền sử bệnh tim hoặc viêm phổi mãn tính, bệnh có thể trở nặng.
Chẩn đoán nhiễm virus RSV
Bác sĩ có thể chẩn đoán nhiễm virus hợp bào hô hấp bằng cách hỏi về tiền sử bệnh và làm xét nghiệm. Các xét nghiệm giúp chẩn đoán nhiễm virus RSV là:
- Xét nghiệm dịch mũi, họng
- Xét nghiệm máu để tìm kháng thể chống lại virus.
Ở nhiều trẻ em, việc làm xét nghiệm phân biệt nhiễm virus RSV với cảm lạnh thông thường nhiều khi không thật sự cần thiết. Hầu hết các bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán trẻ bị nhiễm RSV nặng dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng của bé.
Tuy nhiên, nếu trẻ có bệnh nền hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng hơn, việc xét nghiệm là cần thiết để các bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác.
Cách điều trị virus RSV cho trẻ em
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp. Hầu hết các trường hợp nhiễm virus RSV đều nhẹ và không cần điều trị y tế. Thuốc kháng sinh thường không được sử dụng vì không có tác dụng chống lại virus. Do đó, đối với những trẻ bị bệnh nhẹ, việc chăm sóc sức khỏe tại nhà đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Cha mẹ nên làm theo hướng dẫn sau để đẩy nhanh quá trình hồi phục cho bé:
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều.
- Đảm bảo trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước. Nên chia nhỏ lượng nước uống mỗi ngày và uống nhiều lần trong ngày.
- Nếu trẻ bị sốt, bạn có thể cho trẻ dùng hạ sốt chứa paracetamol hoặc ibuprofen. Tuyệt đối không dùng aspirin cho trẻ dưới 12 tuổi.
Đối với những trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp có triệu chứng nghiêm trọng, bé có thể cần nhập viện để được theo dõi chặt chẽ và hỗ trợ điều trị cho bất kỳ vấn đề về hô hấp hoặc mất nước nào.
Phòng ngừa nhiễm virus hợp bào hô hấp cho trẻ
Hiện tại, vẫn chưa có vắc xin phòng chống nhiễm virus RSV cho trẻ em. Ở một số quốc gia để phòng ngừa nhiễm virus hợp bào hô hấp nặng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc chủng ngừa vắc xin phòng ngừa virus RSV dành cho phụ nữ mang thai đã được tiến hành.
Ngoài việc dùng thuốc, cha mẹ cũng có thể thay đổi thói quen sinh hoạt theo hướng dẫn sau đây để phòng ngừa nhiễm virus hợp bào hô hấp cho trẻ em:
- Dạy trẻ rửa tay thường xuyên.
- Yêu cầu bé che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
- Hạn chế cho bé tiếp xúc với những người bị sốt hoặc cảm lạnh.
- Đảm bảo mặt bàn bếp, phòng tắm, phòng ngủ, tay nắm cửa… luôn sạch sẽ.
- Dạy trẻ vứt khăn giấy vào thùng rác ngay sau khi sử dụng.
- Không cho trẻ dùng chung ly uống nước và dụng cụ ăn uống.
- Cha mẹ không nên hút thuốc vì trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ nhiễm virus RSV cao hơn và có thể có các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
- Vệ sinh đồ chơi của trẻ thường xuyên, nhất là khi bé bị bệnh hoặc chơi cùng với bạn bị ốm.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về tình trạng nhiễm virus hợp bào hô hấp ở trẻ em. Việc phòng ngừa virus RSV là cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bé. Do đó, trong mùa bùng phát bệnh, các bậc phụ huynh nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa đã hướng dẫn trong bài nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]