backup og meta

Chăm bé sinh mổ: Nhận biết bệnh lý đường hô hấp qua tiếng ho của trẻ

Chăm bé sinh mổ: Nhận biết bệnh lý đường hô hấp qua tiếng ho của trẻ

Theo tổng hợp dữ liệu ở một số các quốc gia phát triển, tỷ lệ trẻ sinh mổ mắc nhiễm trùng đường hô hấp dưới (URTI) thường dao động từ 9-15% tùy thuộc vào việc trẻ sinh mổ khẩn cấp hay sinh mổ chủ động [1]. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy bé sinh mổ có nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn 1,3 lần so với bé sinh thường [2]. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến mẹ cần chú ý hơn trong việc chăm sóc bé sinh mổ, nhằm bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lý hô hấp và phát triển tốt hơn trong tương lai.

Trẻ sinh mổ hay mắc bệnh hô hấp hơn trẻ sinh thường?

Nếu so với trẻ sinh thường, trẻ sinh mổ sẽ có nguy cơ gặp nhiều bất lợi về sức khỏe, trong đó điển hình là nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp [3] do :

  • Phổi bé còn sót lại dịch ối: Với bé sinh thường, khi trẻ đi qua ống sinh trong quá trình chuyển dạ, một phần dịch sẽ được tống ra ngoài nhờ vào lực ép, phần còn lại sẽ được phổi tái hấp thu để giúp bé có một chiếc “phổi sạch”, chuẩn bị cho việc hít thở khí oxy khi ra đời. Tuy nhiên ở trẻ sinh mổ, quá sinh nở tự nhiên không diễn ra làm nồng độ hormone ở trẻ thấp hơn bình thường, gây ra hiện tượng chậm đào thải dịch phổi hoặc phế nang không thể tái hấp thu dịch phổi, trẻ sẽ dễ hình thành các vấn đề về hô hấp [4].  
  • Nguy cơ miễn dịch kém: Trẻ sinh mổ thường không có cơ hội được tiếp xúc với hệ lợi khuẩn có mặt trong âm đạo mẹ. Điều này dẫn tới vi sinh vật cư ngụ trong đường ruột trẻ thường là hại khuẩn có trong môi trường bệnh viện [3]. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hệ vi sinh đường ruột của bé sinh mổ có tỷ lệ hại khuẩn cao hơn 80% so với bé sinh thường [5]. Trong khi đó, hệ miễn dịch thường có mối liên hệ rất mật thiết với hệ vi sinh đường ruột, sự thiếu đa dạng trong hệ vi sinh vật tại nơi đây sẽ kéo theo sự xáo trộn về miễn dịch [3]. Nghiên cứu cho thấy, bé sinh mổ có nguy cơ miễn dịch kém 1,5 lần so với bé sinh thường [6].

Đoán các bệnh hô hấp thường gặp qua tiếng ho từ trẻ

Ho là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của các bệnh đường hô hấp. Một điều mà mẹ ít biết đó là âm thanh tiếng ho cũng là một loại “ngôn ngữ” giúp các chuyên gia đánh giá và chẩn đoán xem bé có mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp hay không. Những kiểu ho phổ biến ở trẻ nhỏ thường là [7], [8]: 

  • Ho khan: Tình trạng ho khan, tiếng ho lớn nhưng không có dịch nhầy thường là biểu hiện của bệnh viêm thanh quản, dẫn tới tình trạng đường hô hấp trên bị sưng tấy, gây khó thở ở trẻ nhỏ đặc biệt là đối với những bé dưới 3 tuổi do đường thở của trẻ còn hẹp. Ngoài ra, biểu hiện của trẻ khi mắc bệnh còn được thể hiện qua tiếng thở rít, to và ồn; tiếng ho có thể  bắt đầu rất đột ngột và thường xuất hiện vào giữa đêm.
  • Ho gà: Ho gà (pertussis) là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella Pertussis gây ra. Trẻ bị ho gà sẽ có những cơn ho liên tiếp mà không thở được, khi kết thúc cơn ho trẻ thường sẽ phải hít một hơi sâu và phát ra âm thanh “khục khục”. Ngoài các cơn ho, trẻ mắc bệnh còn có thể xuất hiện các triệu chứng khác như hắt hơi, sổ mũi và sốt nhẹ.
  • Ho về đêm: Một số loại bệnh có thể khiến cơn ho trở nên nặng hơn vào buổi đêm, tiêu biểu là cảm lạnh vì chất nhầy từ mũi và xoang có thể chảy xuống cổ họng, khiến bé ho khi đang ngủ. Ngoài ra, bé mắc hen suyễn cũng có thể thường bị ho vào ban đêm do lúc này đường hô hấp có xu hướng nhạy cảm và khó chịu hơn.
  • Ho kèm thở khò khè: Nếu con ho kèm phát ra âm thanh khò khè khi thở ra, điều này có thể là biểu hiện cho việc đường hô hấp dưới bị viêm, thường xảy ra ở trẻ mắc bệnh hen suyễn hoặc viêm tiểu phế quản do nhiễm virus. Khò khè cũng có thể xảy ra nếu đường hô hấp dưới bị tắc nghẽn bởi vật lạ nên khi gặp trường hợp này, mẹ cần chú ý theo dõi bé để có biện pháp xử lý kịp thời.
  • Ho kéo dài, có thể kèm nôn mửa: Bé bị cảm lạnh do virus có thể ho kéo dài dai dẳng cả tuần, đặc biệt là với những trẻ bị cảm lạnh liên tiếp. Bên cạnh đó, hen suyễn, dị ứng hoặc nhiễm trùng mãn tính ở xoang, đường hô hấp cũng có thể gây ra tình trạng ho kéo dài. Trong nhiều trường hợp, trẻ bị cảm lạnh hoặc hen suyễn có thể ho nhiều đến mức khiến chất nhầy chảy vào dạ dày, gây kích thích trẻ buồn nôn, nôn trớ. Thông thường, đây không phải là một vấn đề đáng lo ngại trừ khi trẻ nôn mửa không ngừng. 

Mặc dù mẹ có thể dự đoán được tình trạng của trẻ qua tiếng ho nhưng nếu cảm thấy không yên tâm hoặc muốn biết chính xác tình hình sức khỏe của bé, mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám, đặc biệt là trong những trường hợp [8], [9]: 

  • Trẻ ho và sốt dai dẳng hơn 2 tuần
  • Bé chán ăn, sụt cân
  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt hoặc đã ho hơn vài giờ
  • Bé có biểu hiện khó thở, thở nhanh hơn bình thường
  • Trẻ yếu, ho ra máu

Các biện pháp phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ sinh mổ

Bổ sung dinh dưỡng

Với bé dưới 6 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ sinh mổ, mẹ nên cho bé bú hoàn toàn vì sữa mẹ có chứa nhiều dưỡng chất giúp nâng cao miễn dịch như:

  • HMO(Human milk oligosaccharides): Đại dưỡng chất với hàm lượng nhiều thứ ba trong sữa mẹ, chỉ sau chất béo và lactose. 5 HMOs chiếm hàm lượng nhiều nhất gồm 2’-FL, 3-FL, LNT, 3-SL, 6’SL. Trong đó, 2’- FL HMO là dưỡng chất được chứng minh lâm sàng giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng hô hấp ở trẻ đến 66% [10], ngăn ngừa mầm bệnh [11]. Đặc biệt, sự kết hợp giữa 2’-FL HMO và 3-FL HMO còn giúp giảm đáng kể sự bám dính của mầm bệnh và hỗ trợ hàng rào bảo vệ [22], [23], từ đó giúp trẻ tăng đề kháng. 
  • Nucleotides: Dưỡng chất được chứng minh giúp tăng cường miễn dịch, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và hỗ trợ tăng sản xuất kháng thể nhiều hơn 86% sau 6 tháng tiêm vaccine (HIB) [12], [13], [14] 
  • Lợi khuẩn: Sữa mẹ là nguồn cung cấp lợi khuẩn ổn định, giúp bé tăng cường sức khỏe đường ruột [15]. Trong đó, Bifidobacteria là nhóm lợi khuẩn quan trọng đối với hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng [16].

Trường hợp mẹ bị bệnh nặng không thể cho bé bú hoặc mẹ đang dùng thuốc chống chỉ định cho con bú thì có thể tham khảo các nguồn dinh dưỡng phù hợp cho bé. Mẹ nên ưu tiên nguồn dinh dưỡng đảm bảo các dưỡng chất như HMO, Nucleotides và lợi khuẩn Bifidobacterium để giúp con xây dựng và củng cố hệ miễn dịch vững vàng.

Với các bé trên 6 tháng tuổi, mẹ có thể bù chất lỏng cho bé bằng cách cho bé bổ sung đủ nước  hoặc sữa; hạn chế các loại đồ uống có ga vì sẽ gây kích thích cổ họng ho nhiều hơn [17]. Nếu bé trên 1 tuổi, mẹ có có thể cho bé uống nước chanh pha với mật ong để giảm triệu chứng ho cho bé [18].

Tiêm phòng các bệnh liên quan đến đường hô hấp

Bố mẹ nên cho con tiêm phòng đầy đủ theo lịch của Bộ y tế, đặc biệt là với trẻ sinh mổ để giúp con xây dựng hệ miễn dịch chủ động, ngăn chặn sớm các biểu hiện khó chịu đường thở, đồng thời chống lại các căn bệnh hô hấp có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như cúm, viêm phổi, viêm tiểu phế quản… [19], [20].

Vệ sinh mũi và giữ ấm cơ thể

Mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ trong việc dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho bé, giúp bé loại bỏ bớt chất nhầy, làm thông thoáng đường thở và giảm bớt các triệu chứng ho. Đồng thời, với những bệnh như viêm phổi, mẹ cũng nên chú ý giữ ấm cơ thể trẻ, đặc biệt là vùng ngực và cổ để tránh cho bệnh nghiêm trọng và các cơn ho dai dẳng hơn [8], [17], [21]. 

Giữ vệ sinh môi trường không khí xung quanh trẻ

Người trực tiếp chăm sóc nên chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân nhằm giúp bé hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể sử dụng máy lọc, máy tạo độ ẩm để giúp cải thiện chất lượng không khí xung quanh trẻ, đồng thời hạn chế cho trẻ đến những nơi nhiều bụi bẩn, khói thuốc lá vì sẽ có nguy cơ làm trầm trọng hơn các cơn ho [17]. 

Nhìn chung, ho không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng [23]. Điều quan trọng là mẹ hãy chú ý theo dõi mức độ ho của con để có thể thăm khám kịp thời. Đồng thời, chú ý nguồn dinh dưỡng giúp con xây dựng miễn dịch từ bên trong để phòng ngừa các bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Caesarean section and severe upper and lower respiratory tract infections during infancy: Evidence from two UK cohorts https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7886211/ Ngày truy cập: 05/09/2024

2. Pediatrics Consequences of Caesarean Section-A Systematic Review and Meta-Analysis https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33142727/ Truy cập ngày 06/09/2024

3. C-Section Birth Associated with Numerous Health Conditions https://www.center4research.org/c-section-birth-health-risks/ Ngày truy cập: 05/09/2024

4. Caesarean section and respiratory system disorders in newborns https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2590161324000565 Ngày truy cập: 05/09/2024

5. Korpela K et al (2018)

6. Sevelsted et al. (2015)

7. The description of cough sounds by healthcare professionals https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1413549/ Ngày truy cập: 05/09/2024

8. Coughing https://kidshealth.org/en/parents/childs-cough.html Ngày truy cập: 05/09/2024

9. Pocket Book of Hospital Care for Children: Guidelines for the Management of Common Childhood Illnesses. 2nd edition. Cough or difficulty in breathing https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK154448/ Ngày truy cập: 05/09/2024

10. Reverri et al (2018)

11. Rousseaux et al (2021)

12. Merolla et al (2000)

13. Yau et al (2003)

14. Pickering et al (1998)

15. Breastfeeding Benefits Your Baby’s Immune System https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/breastfeeding/Pages/Breastfeeding-Benefits-Your-Babys-Immune-System.aspx Ngày truy cập: 28/10/2023

16. Isolation of Bifidobacteria from Breast Milk and Assessment of the Bifidobacterial Population by PCR-Denaturing Gradient Gel Electrophoresis and Quantitative Real-Time PCR https://journals.asm.org/doi/10.1128/AEM.02063-08   Ngày truy cập: 28/10/2023

17. How to Handle a Cough https://kidshealth.org/en/parents/cough-sheet.html Ngày truy cập: 05/09/2024 

18. Colds, coughs and ear infections in children https://www.nhs.uk/conditions/baby/health/colds-coughs-and-ear-infections-in-children/ Ngày truy cập: 05/09/2024

19. Respiratory Viruses and Young Children https://www.cdc.gov/respiratory-viruses/risk-factors/young-children.html Ngày truy cập: 05/09/2024

20. Your Baby’s Immune System and Vaccines https://www.healthlinkbc.ca/healthlinkbc-files/your-babys-immune-system-and-vaccines Ngày truy cập: 05/09/2024

21. How to protect your child from Pneumonia https://www.unicef.org/rosa/stories/how-protect-your-child-pneumonia Ngày truy cập: 05/09/2024

22. Preventing Respiratory Viruses https://www.cdc.gov/respiratory-viruses/prevention/index.html Ngày truy cập: 05/09/2024

23. Weichert et al (2013)

24. McJarrow et al (2021)

25. Cough https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/17755-cough Ngày truy cập: 11/09/2024

Phiên bản hiện tại

06/12/2024

Tác giả: Giang Tran

Tham vấn y khoa: BS.CKI Lê Hồng Thiện

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

BS.CKI Lê Hồng Thiện

Nhi khoa · Phòng khám Chuyên khoa Nhi BS.CKI Hồng Thiện


Tác giả: Giang Tran · Ngày cập nhật: Tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo