backup og meta

Hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, mẹ cần làm những gì?

Hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, mẹ cần làm những gì?

Khác với người lớn, hệ miễn dịch của trẻ nhỏ vẫn chưa phát triển hoàn thiện, chính vì vậy, thời điểm giao mùa là lúc mà trẻ rất dễ nhiễm bệnh. Để phòng tránh điều này, ba mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến việc tăng sức đề kháng cho trẻ. 

Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình sẽ luôn khỏe mạnh, không bị ốm đau nhưng thực tế, điều này rất khó thực hiện bởi hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn rất non nớt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc duy trì một số thói quen tốt sẽ có tác dụng rất lớn trong việc tăng sức đề kháng cho bé và phòng ngừa bệnh tật. Vậy những thói quen đó là gì? Hãy cùng Hello Bacsi theo dõi tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu cặn kẽ vấn đề khi hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, mẹ cần làm những gì nhé. 

1. Nuôi con bằng sữa mẹ giúp tăng sức đề kháng cho trẻ

Sữa mẹ có chứa các tế bào bạch cầu và các kháng thể giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể trẻ. Chính vì vậy, việc cho bé bú mẹ sẽ giúp ngăn ngừa một số bệnh thông thường như nhiễm trùng tai, dị ứng, tiêu chảy, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng đường tiết niệu và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Không những vậy, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng sữa mẹ còn có thể tăng cường trí thông minh và bảo vệ bé khỏi nguy cơ bị đái tháo đường týp 1.

Sữa non – dòng sữa lỏng màu vàng tiết ra trong những ngày đầu sau sinh – rất giàu kháng thể, có thể giúp phòng tránh một số bệnh thường gặp. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo các bà mẹ nên cho con bú trong một năm. Còn nếu điều kiện không cho phép thì cũng nên cố gắng cho con bú trong ít nhất 2 – 3 tháng đầu sau sinh để tăng cường hệ miễn dịch cho bé.

2. Tăng sức mạnh hệ miễn dịch của trẻ bằng việc cho bé ăn nhiều trái cây và rau xanh

Cà rốt, đậu xanh, cam, dâu tây… là những thực phẩm có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng cho trẻ như vitamin C và caroten. Các chất dinh dưỡng sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều tế bào bạch cầu và interferon, loại kháng thể có thể bao phủ bề mặt của tế bào, giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.

Không những vậy, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, trẻ nhỏ ăn nhiều rau xanh và trái cây còn giảm nguy cơ bị ung thư khi lớn lên. Chính vì vậy, mỗi ngày, bạn nên cố gắng cho bé ăn khoảng 5 phần hoa quả và rau xanh. (Mỗi suất khoảng 2 thìa canh cho trẻ đang tập đi và 1 chén cho trẻ lớn hơn). 

3. Quan tâm đến giấc ngủ của trẻ là cách giúp tăng cường sức đề kháng cho bé

Các nghiên cứu được thực hiện ở người trưởng thành đã cho thấy việc thiếu ngủ có thể khiến con người dễ bị bệnh hơn do các tế bào xung kích tự nhiên (vũ khí của hệ miễn dịch có tác dụng tấn công vi khuẩn và tế bào ung thư) bị giảm dần đi. Điều này cũng đúng đối với trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ thường rất dễ bị thiếu ngủ do nhiều nguyên nhân như mải chơi hoặc cha mẹ chiều, không quan tâm đến giờ giấc ngủ, nghỉ của bé. 

Vậy trẻ nhỏ cần ngủ bao nhiêu giờ/ngày? Khoảng thời gian này phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ: trẻ sơ sinh cần ngủ khoảng 18 giờ mỗi ngày, trẻ tập đi cần ngủ khoảng 12 – 13 giờ và trẻ mẫu giáo cần ngủ khoảng 10 giờ. Nếu trẻ không có thói quen ngủ trưa, buổi tối hãy cố gắng cho trẻ đi ngủ sớm hơn. 

4. Tập thể dục thường xuyên giúp củng cố sức mạnh hệ miễn dịch của trẻ

tăng sức đề kháng cho trẻ

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tập thể dục có thể làm tăng số lượng tế bào miễn dịch của cơ thể. Chính vì vậy, bạn nên khuyến khích trẻ ra ngoài chơi nhiều hơn thay vì cứ để trẻ ngồi mãi trong nhà “kết thân” với chiếc tivi hay máy tính bảng.

Để rèn cho trẻ thói quen tập thể dục, việc quan trọng nhất là bạn phải làm gương cho trẻ. Hãy cùng trẻ tập thể dục mỗi ngày thay vì cứ ngồi đó và thúc giục trẻ. Đối với những trẻ nhỏ, bạn có thể mua các loại đồ chơi giúp tăng cường khả năng vận động. Còn với bé lớn, bạn có thể rủ trẻ ra ngoài chơi một số môn thể thao như đá bóng, đá cầu, đi xe đạp hoặc đánh cầu lông.

5. Tránh xa khói thuốc lá sẽ giúp bảo vệ sức đề kháng của trẻ

Theo kết quả của nhiều nghiên cứu gần đây, khói thuốc có chứa đến hơn 4.000 độc tố mà hầu hết trong số đó có thể gây kích ứng hoặc tiêu diệt các tế bào trong cơ thể. Do hệ miễn dịch còn non nớt nên khi tiếp xúc với khói thuốc, trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với người lớn. 

Những trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc sẽ có nguy cơ bị đột tử (SIDS), viêm phế quản, nhiễm trùng tai và hen suyễn. Ngoài ra, khói thuốc còn có thể ảnh hưởng đến trí thông minh và sự phát triển thần kinh. Chính vì vậy, để giúp con có một sức khỏe tốt, nếu đang hút thuốc, bạn nên bỏ thuốc ngay hôm nay và để trẻ tránh xa những nơi có nhiều khói thuốc. 

6. Bảo vệ sức đề kháng của trẻ bằng cách không lạm dụng kháng sinh

Mỗi khi trẻ bị sổ mũi hay cảm lạnh, bạn đừng vội cho trẻ uống kháng sinh bởi loại thuốc này chỉ chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi khuẩn gây ra, trong khi trẻ nhỏ chủ yếu mắc các bệnh do virus. Không những vậy, việc lạm dụng thuốc kháng sinh còn làm cho sức đề kháng của trẻ bị suy yếu, khiến trẻ bị phụ thuộc vào thuốc. 

Khi trẻ mới chớm bệnh, bạn nên để cơ thể bé tự kiểm soát trong tình trạng hợp lý. Còn nếu bệnh tình của bé trở nặng, bạn nên đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám nhé.

7. Bảo vệ trẻ khỏi các vi trùng gây bệnh

Mỗi ngày, trẻ sẽ phải tiếp xúc với hàng nghìn vi khuẩn, đặc biệt là làn da, cơ quan sở hữu diện tích lớn nhất cũng như là “tấm áo giáp” đầu tiên của cơ thể. Da có chức năng đề kháng tự nhiên gọi là đề kháng da, hoạt động liên tục để bảo vệ cơ thể với 3 lớp hàng rào: vật lý, hóa học và sinh học. Vì vậy, quan tâm chăm sóc làn da chính là việc bạn hãy chăm sóc để tăng đề kháng da của trẻ nhằm chống lại những tác nhân gây hại, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh. Nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước và sau mỗi bữa ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi bên ngoài, sau khi hỉ mũi, ho hay hắt hơi. Khi ra ngoài, bạn nên mang theo khăn ướt để làm sạch các vết bẩn cho trẻ. 

Quan trọng hơn cả, bạn nên chú ý việc vệ sinh cơ thể toàn thân cho trẻ bằng sản phẩm chăm sóc da phù hợp giúp làm sạch bụi bẩn, hạn chế sự phát triển quá mức của các vi khuẩn gây bệnh trên da, đồng thời tăng cường chức năng đề kháng da để bảo vệ trẻ khỏi vi khuẩn gây bệnh một cách hiệu quả nhất.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

7 Ways to Boost Your Child’s Immunity https://www.parents.com/health/cold-flu/cold/boost-childs-immunity/ Ngày truy cập: 28/5/2019

The immune system https://www.cyh.com/HealthTopics/HealthTopicDetailsKids.aspx?p=335&np=152&id=2402 

Ngày truy cập: 28/5/2019

Immunity-Boosting Snacks for Kids

https://www.webmd.com/parenting/features/immune-system  Ngày truy cập: 28/5/2019

Phiên bản hiện tại

07/03/2022

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 07/03/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo