backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Răng bị mẻ ở trẻ nhỏ nên xử lý như thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 02/12/2019

    Răng bị mẻ ở trẻ nhỏ nên xử lý như thế nào?

    Răng bị mẻ ở trẻ nhỏ là tình trạng khá phổ biến và có thể hồi phục nhanh chóng nếu được chăm sóc đúng cách sau chấn thương. Tuy nhiên, dù vậy, là cha mẹ, bạn vẫn nên tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị để có cách ngăn ngừa tình trạng này.

    Trẻ nhỏ thường hiếu động, thích chạy nhảy xung quanh nhưng lại rất dễ bị té ngã do các kỹ năng vận động vẫn chưa hoàn thiện. Mỗi lần như vậy, răng trẻ sẽ rất dễ bị va đập, gây vỡ và sứt mẻ.

    Nhiều cha mẹ nghĩ rằng răng của trẻ chỉ là răng sữa nên không có vấn đề gì. Tuy nhiên, bạn đừng quá chủ quan bởi nếu xử lý không cẩn thận, răng của bé rất khó phục hồi và gây những tổn thương lớn sau này. Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu rõ thêm về nguyên nhân cũng như cách xử lý khi trẻ gặp tình trạng răng bị mẻ nhé.

    Răng bị mẻ ở trẻ nhỏ

    Dấu hiệu chính cho thấy răng bị mẻ, gãy hoặc vỡ thường là trên răng của trẻ sẽ xuất hiện một vết nứt ở phía dưới gần nướu. Trong trường hợp nghiêm trọng, răng có thể bị nứt thành hai phần. Các vết nứt này có thể làm hỏng lớp men răng, tuy nhiên nó ít gây đau vì nó không ảnh hưởng đến tủy răng.

    Với các vết nứt nhỏ xuất hiện trên bề mặt men răng, không gây đau đớn thì không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn vẫn nên theo dõi trong vòng một tuần sau đó, nếu quan sát thấy trẻ có bất kì dấu hiệu nhiễm trùng nào như lợi sưng to, răng đau, răng đổi màu, hoặc sốt thì bố mẹ hãy lập tức đưa bé đến phòng khám nha khoa. Với những trường hợp nghiêm trọng như gãy chân răng, bạn cần đưa trẻ đến nha sĩ để điều trị.

    Nguyên nhân khiến răng bị mẻ ở trẻ nhỏ

    Răng của trẻ thường hay bị mẻ là do một trong những nguyên nhân sau:

    1. Kỹ năng vận động chưa phát triển

    Trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 2 tuổi, đang ở trong giai đoạn phát triển các kỹ năng vận động. Do đó, khi đi bộ và chạy nhảy chơi đùa, trẻ sẽ rất dễ bị ngã và khiến răng bị va đập, gây mẻ hoặc vỡ.

    2. Chơi thể thao

    Chơi thể thao là một trong những nguyên nhân chính khiến răng trẻ bị chấn thương. Khi trẻ chơi các bộ môn như bóng đá, đấm bốc, khúc côn cầu, đấu vật, bóng rổ, trượt ván… việc va chạm với các bạn sẽ khiến răng dễ gặp chấn thương, gây mẻ hoặc gãy răng.

    3. Té ngã

    Việc té ngã khi chơi ở công viên hoặc khi leo trèo, chạy nhảy có thể khiến răng của con bị mẻ hoặc gãy.

    4. Khuyết tật

    Việc trẻ gặp một số vấn đề sức khỏe làm ảnh hưởng đến các kỹ năng vận động, chẳng hạn như bại não hoặc động kinh, có thể làm tăng nguy cơ té ngã, dẫn đến gãy răng.

    răng bị mẻ

    Khi trẻ có răng bị mẻ phải làm sao?

    Khi thấy răng trẻ bị mẻ hoặc gãy, việc đầu tiên bạn nên làm là trấn an trẻ và thực hiện các phương pháp sơ cứu y tế cần thiết:

    • Nếu trẻ cảm thấy đau, điều này cho thấy mô tủy trong men răng đã bị tổn thương nghiêm trọng. Với tình huống này, bạn nên đưa trẻ đến nha sĩ để điều trị tủy và cố định răng để giữ răng đúng vị trí.
    • Nếu vết nứt nằm ở chỗ có thể nhìn thấy, chẳng hạn như thân răng, thì bạn chỉ cần đưa trẻ đến nha sĩ để trám hoặc phục hình răng là được. Việc điều trị này thường không gây đau đớn.
    • Nếu vết nứt không thể che bằng cách trám hoặc phục hình, nha sĩ có thể đề nghị bạn cho trẻ dán veneer sứ để tăng tính thẩm mỹ.
    • Nếu răng sữa bị rơi ra ngoài, bố mẹ nên đưa bé đến nha sĩ để khám và mang theo răng để kiểm tra xem chân răng có bị sót hay lún trong ổ răng không, có tổn thương gì đến mầm răng vĩnh viễn ở trong nướu hay không. Nếu mầm răng vĩnh viễn có dấu hiệu không phát triển ngay ngắn khi không có răng sữa cố định, nha sĩ sẽ có cách can thiệp phù hợp.

    Xử lý tình trạng răng bị mẻ ở trẻ nhỏ tại nhà

    Dưới đây là một vài biện pháp giảm đau tại nhà mà bạn có thể thử:

    • Nước muối: Cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm để ngăn ngừa nhiễm trùng. Bạn có thể pha dung dịch này bằng cách hòa tan một muỗng cà phê muối với nửa lít nước và cho trẻ súc miệng sau bữa ăn.
    • Chườm lạnh: Đặt một miếng gạc lạnh lên vùng nướu bị sưng và đau.
    • Hỗn hợp tỏi và đinh hương: Đây là hỗn hợp có tác dụng giảm đau rất tốt mà bạn có thể cho trẻ dùng thử.

    Phòng ngừa tình trạng răng bị mẻ ở trẻ nhỏ

    Bạn có thể phòng ngừa tình trạng răng trẻ bị mẻ bằng một số phương pháp sau:

    1. Giám sát con cẩn thận

    Nguyên nhân phổ biến nhất khiến răng trẻ bị mẻ, gãy là do ba mẹ lơ là, không chú ý khi trẻ nô đùa. Chính vì vậy, khi cho trẻ chạy nhảy, bạn cần theo dõi trẻ và chỉ cho trẻ chơi ở những nơi an toàn.

    Ngoài ra, nếu bé bị té ngã gây chấn thương vùng miệng, bạn nên kiểm tra răng miệng của con để có biện pháp can thiệp kịp thời nếu răng bị mẻ.

    2. Sử dụng các thiết bị bảo hộ

    Chấn thương răng do thể thao có thể được phòng tránh bằng cách sử dụng các thiết bị bảo hộ, chẳng hạn như các dụng cụ bảo vệ miệng khi tham gia các môn thể thao đối kháng như võ thuật hoặc đấm bốc để tránh bị tổn thương răng.

    3. Bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ tiềm ẩn

    Nếu trẻ đang trong giai đoạn tập đi, bạn có thể sử dụng thêm các vật dụng để trẻ tránh bị tổn thương khi té ngã, va đập. Chẳng hạn như cho trẻ chơi trên nệm hoặc trải thảm để ngăn các tác động mạnh.

    Khi nào nên đưa trẻ đi nha sĩ?

    Bạn nên đưa trẻ đến ​​nha sĩ nếu:

    • Nghi ngờ tủy răng của trẻ bị tổn thương
    • Cảm thấy trẻ có thể bị nhiễm trùng răng
    • Trẻ bị tổn thương răng vĩnh viễn
    • Phần răng bị sứt mẻ có cạnh sắc, có thể cứa vào lưỡi hoặc vòm miệng.

    Khi đã nắm một số bí quyết trong những chia sẻ trên đây, bạn sẽ không cần phải quá lo lắng về việc răng bị mẻ ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng cơ hội này để dạy trẻ về tính trách nhiệm và tầm quan trọng của việc giữ an toàn cho bản thân.

    Ngân Phạm/HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 02/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo