backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Trẻ bị sởi tắm lá gì? 7 loại lá trị sởi hiệu quả và an toàn cho trẻ nhỏ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 2 tuần trước

Trẻ bị sởi tắm lá gì? 7 loại lá trị sởi hiệu quả và an toàn cho trẻ nhỏ

Sởi là căn bệnh rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, việc tắm lá thảo dược cho bé bị sởi cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Vậy, trẻ bị sởi tắm lá gì để bệnh mau khỏi mà vẫn đảm bảo an toàn cho bé?

Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giải đáp cho bạn vấn đề “Trẻ bị sởi tắm lá gì?” thông qua 7 loại lá tắm sau đây.

Trẻ bị sởi có tắm được không?

Trước khi biết được trẻ bị sởi nên tắm lá gì, cha mẹ cần hiểu rõ liệu trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị sởi có tắm được không.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Ở Việt Nam chúng ta, dịch sởi thường xảy ra vào mùa cuối đông và đầu mùa xuân. Theo thống kê với chu kỳ khoảng 2-3 năm/lần, sởi gây ra những đợt dịch bùng phát gây hậu quả nghiêm trọng đối với cộng đồng. 

Là một trong những bệnh dễ lây lan nhất, virus sởi có sẵn ở hầu họng của bệnh nhân. Virus sởi thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn hoặc lây lan qua không khí khi người nhiễm bệnh thở, ho, hắt hơi.

Khoảng 10 tới 12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, trẻ bị sởi thường có những triệu chứng như:

  • Sốt cao
  • Ho nhiều
  • Sổ mũi
  • Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
  • Đốm Koplik (nội ban),
  • là những nốt nhỏ xíu với trung tâm màu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má, đốm này là dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi và có giá trị chẩn đoán sớm. 
  • Sau đó là phát ban dát sẩn trên da người bệnh mọc ra những đốm đỏ lớn, phẳng, chập vào nhau. 

Nếu để bệnh kéo dài quá lâu, trẻ có nguy cơ bị biến chứng sang viêm tai giữa, viêm phế quản phổi… Do đó, điều quan trọng là khi tắm cho bé, cha mẹ không nên tắm quá lâu để tránh nhiễm lạnh và khiến bệnh trở nặng.

Vậy, trẻ sơ sinh bị sởi có tắm được không?

Câu trả lời là “Có”. Theo các chuyên gia sức khỏe, trẻ bị sởi nên tắm rửa để cơ thể sạch sẽ, sát khuẩn da, giảm ngứa và làm mờ dần các vết ban đỏ. Các nghiên cứu cũng cho thấy việc tắm nước lá cho bé bị sởi cũng góp phần giúp bệnh thuyên giảm. Đặc biệt ở giai đoạn lui bệnh, các ban “bay” theo thứ tự từ mặt đến thân mình và chi, để lại các nốt thâm có tróc da mỏng, mịn kiểu bụi phân hay vảy cám. Việc tắm nước lá giúp vệ sinh da trẻ được sạch sẽ, giảm ngứa và kích ứng da.

Trẻ bị sởi tắm lá gì? Top 7 loại lá tắm trị sởi hiệu quả nhất

Nếu đang tìm kiếm câu trả lời cho thắc mắc “trẻ bị sởi tắm lá gì?”, cha mẹ có thể tham khảo những loại thảo dược sau đây. Các loại lá này được cho là có công dụng giảm ngứa, chống viêm nhiễm trên da và hỗ trợ điều trị bệnh sởi hiệu quả cho bé.

1. Lá trà xanh

trẻ bị sởi tắm lá gì? Tắm lá trà xanh

Lời đáp đầu tiên đối với thắc mắc “Trẻ bị sởi nên tắm lá gì?” là lá trà xanh (chè xanh). Từ xa xưa, công dụng chữa bệnh của lá chè xanh đã được khẳng định nhờ đặc tính kháng sinh tự nhiên và an toàn cho trẻ nhỏ.

Các hoạt chất chống oxy hóa có trong trà xanh có thể giúp chống viêm và sát khuẩn trên da, từ đó bảo vệ làn da mỏng manh, nhạy cảm của bé. Hơn nữa, lá chè xanh cũng giúp giải nhiệt, giảm ngứa hiệu quả.

Vì vậy, cha mẹ nên tắm lá trà xanh cho trẻ bị sởi để bé có một làn da sạch sẽ, nhanh hết ngứa và ban đỏ. Để đảm bảo an toàn, cha mẹ nên tìm nguồn lá trà xanh được trồng hữu cơ, không có dư lượng thuốc trừ sâu và rửa sạch thật kỹ trước khi nấu nước tắm cho trẻ. 

2. Lá và vỏ bưởi

Theo Y học cổ truyền, bưởi là loại cây được sử dụng lâu đời trong các bài thuốc dân gian. Đông Y cho rằng vỏ quả bưởi có vị đắng cay, tính không độc; tác dụng thông lợi, trừ đờm táo thấp, hòa huyết, giảm đau; trị tràng phong, tiêu phù thũng.

Lá bưởi có vị đắng, the, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tán hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng, tiêu viêm.

Đối với Y học hiện đại, các nghiên cứu chỉ ra rằng vỏ quả ngoài rất giàu chất narin-gosid, do đó có vị đắng, trong vỏ có tinh dầu, tỷ lệ 0,80-0,84%; quả chứa 0,5% tinh dầu; trong lá cũng có tinh dầu.

Lá và vỏ bưởi có nhiều dược tính khác nhau đã được công nhận, điển hình như:

  • Kháng khuẩn
  • Chống oxy hóa
  • Chống viêm
  • Bảo vệ gan, thận

Điều này là nhờ các thành phần flavonoid, polyphenol, coumarin, limonoid, acridone alkaloid, tinh dầu và vitamin có trong lá và vỏ bưởi. Do đó, nếu băn khoăn “Trẻ lên sởi bị ngứa phải làm sao?”, đừng ngần ngại nấu nước lá, vỏ bưởi để tắm cho bé.

Đặc biệt, theo kinh nghiệm dân gian, sự kết hợp giữa lá bưởi, vỏ bưởi, vỏ chanh và lá mùi già (ngò rí) có thể tạo ra một loại nước tắm cực kỳ phù hợp cho giai đoạn sởi lặn.

3. Lá và quả mướp đắng

trẻ bị sởi tắm lá gì? Tắm lá và quả mướp đắng

Với câu hỏi “Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị sởi tắm lá gì?”, cha mẹ có thể dùng lá và quả mướp đắng (khổ qua) để tắm cho bé bị sởi. Theo sách cổ Đông y mướp đắng có vị đắng (khổ), tính hàn, không có độc. Quả và lá mướp đắng rất giàu chất phytochemical giúp tăng cường sức khỏe và cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.

Khổ qua cũng được sử dụng để hỗ trợ điều trị các vấn đề về da như mụn nhọt, phát ban, bỏng… Hơn nữa, các chế phẩm từ khổ qua cũng được dùng để điều trị bệnh sởi, thủy đậu, ghẻ, sốt rét và bệnh lậu.

Do đó, cha mẹ có thể nấu nước tắm cho bé từ lá và trái khổ qua để làm mát da, giảm rôm sảy, phát ban, ngứa ngáy và phòng ngừa tình trạng bội nhiễm trên da trẻ. Việc nấu nước tắm khổ qua cũng rất đơn giản, cha mẹ chỉ cần lấy 2-3 trái khổ qua nấu với nước để tắm cho trẻ, ngày 1 lần.

4. Lá và vỏ chanh

Theo y học cổ truyền, lá chanh có vị the, đắng, mùi thơm, tính bình có tác dụng tán phong giải nhiệt, hoạt huyết, thông kinh lạc, tiêu đờm, tiêu thực, giảm ho, sơ tiết can khí. Lá và vỏ chanh cũng được dùng để nấu nước tắm cho bé trong giai đoạn sởi lặn. Điều này là vì tinh dầu có trong vỏ chanh có thể làm giảm dầu nhờn rít trên da, khắc phục tình trạng ngứa ngáy khi bị sởi.

Vì vậy, nếu đang tìm cách giảm ngứa khi bị sởi cho bé, cha mẹ có thể kết hợp nấu nước lá và vỏ chanh với cây ngò rí già (cây rau mùi), vỏ bưởi, lá bưởi để tắm cho bé. 

5. Lá kinh giới

Khi nhắc đến chủ đề “Trẻ bị sởi tắm lá gì?”, không thể không kể đến lá kinh giới. Đây là một trong những loại thảo dược phổ biến hiện nay, được bán ở hầu hết các chợ, siêu thị, hay trồng trong vườn nhà. Theo y học cổ truyền, kinh giới là thảo dược có vị cay tính ấm, quy kinh phế, can; tác dụng trừ phong giải biểu, cầm máu. Kinh giới có mặt trong hầu hết các bài thuốc uống và bài thuốc nấu tắm để điều trị các bệnh lý ngoài da.

Không chỉ là một loại rau gia vị, lá kinh giới còn được biết đến với công dụng chữa bệnh và làm đẹp da với các thành phần hóa học tương tự tinh dầu bạc hà như racemic, d-menthol và d-limonene. Hơn nữa, lá kinh giới cũng có đặc tính sát khuẩn, chống viêm hiệu quả, có thể hỗ trợ điều trị bệnh sởi ở trẻ em hiệu quả. 

6. Lá kinh giới ngọt (Origanum Majorana)

trẻ bị sởi tắm lá gì? Tắm lá kinh giới ngọt

Kinh giới ngọt (còn gọi là kinh giới tây) có thể hỗ trợ làm sạch cơ thể của trẻ bị sởi, giảm ngứa ngáy và phòng ngừa nhiễm trùng da hiệu quả. Cha mẹ có thể nấu nước lá kinh giới ngọt cùng với lá rau mùi và lá sả để tắm cho bé.

7. Lá và hạt ngò rí

Trẻ bị sởi tắm lá gì? Đừng bỏ qua lá và hạt ngò rí! Từ lâu, y học cổ truyền đã dùng lá và hạt ngò rí để điều trị bệnh sởi. Tính chất quả mùi theo tài liệu cổ: Vị cay, tính ôn, có tác dụng phát tán, thúc đậu sởi cho mọc, trừ tà khí, khu phong, long đờm, dùng làm thuốc kiện vị, tiêu thực, thông khí ở bụng dưới, lợi đại tiểu trường, sởi, đậu không mọc. Có nghiên cứu cho rằng, việc sử dụng lá và hạt mùi già (ngò rí) có thể giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh sởi hiệu quả. Cụ thể:

  • Để điều trị sởi: Đun sôi một nắm lá mùi già với hai chén nước rồi pha tắm cho bé. Nếu sởi khó mọc, bạn có thể giã lá và hạt mùi già, pha với rượu và thoa hoặc xịt khắp người trẻ (tránh đầu và mặt).
  • Để phòng ngừa sởi: Phơi gió lượng lớn cây ngò rí có quả cứng cho khô rồi giã nát và bảo quản trong lọ kín. Đến mùa sởi bùng phát, lấy một nắm nhỏ, đun sôi với nước rồi pha nước tắm cho bé nửa tháng/lần. Cách này có thể ngăn ngừa bệnh sởi phát sinh và giữ cơ thể bé sạch sẽ, thơm tho.

Cách nấu, pha nước lá tắm trị sởi cho trẻ

Như vậy là bạn đã biết được trẻ lên sởi tắm lá gì để mau khỏi bệnh. Sau đây, Hello Bacsi sẽ hướng dẫn bạn cách nấu, pha nước tắm trị sởi cho trẻ vô cùng dễ dàng:

  • Bước 1: Chọn lá tươi rửa dưới vòi nước chảy cho sạch bụi bẩn và tạp chất, rồi ngâm với nước muối pha loãng, vớt ra, vảy ráo. 
  • Bước 2: Cắt nhỏ hoặc vò dập lá rồi cho lá vào nồi, thêm nước ngập mặt lá rồi đun sôi trong 10-15 phút.
  • Bước 3: Để nước lá nguội bớt rồi lọc lấy nước tắm cho bé hoặc pha tắm cho bé ngay sau khi nấu xong. 

Bạn có thể quan tâm:

Hướng dẫn cách tắm lá cho trẻ bị sởi

trẻ bị sởi tắm lá gì

Không chỉ nên biết trẻ bị sởi tắm lá gì, cha mẹ cũng cần nắm rõ về việc tắm lá cho trẻ đúng cách. Dưới đây là cách tắm lá cho trẻ bị lên sởi an toàn và hiệu quả:

  • Pha nước lá tắm ở nhiệt độ vừa phải (khoảng 35-40 độ C) và cố gắng duy trì nhiệt độ nước tắm như ban đầu trong suốt quá trình tắm cho bé. Nếu không có nhiệt kế, bạn có thể thử nhiệt độ nước bằng việc nhúng cùi chỏ tay mình vào chậu nước. Bạn cảm nhận nước không quá lạnh hay quá nóng là được.
  • Đảm bảo phòng tắm kín gió, không có gió lùa để tránh nguy cơ trẻ bị nhiễm lạnh.
  • Tắm cho bé nhẹ nhàng, tránh chà xát gây tổn thương da của bé.
  • Tuyệt đối không lấy bã lá tắm chà lên làn da nhạy cảm của trẻ bị sởi.
  • Không tắm cho trẻ quá lâu.
  • Sau khi tắm xong, nhẹ nhàng lau khô người bé bằng khăn mềm rồi mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát cho bé.
  • Không lạm dụng việc tắm cho bé quá nhiều vì có thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh. Duy trì việc tắm rửa đều đặn 1 lần/ngày là được.
  • Không tắm khi trẻ bị sốt quá cao hoặc các triệu chứng trở nặng.
  • Một số trẻ có thể nhạy cảm với một vài loại lá tắm. Do đó, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tắm lá cho trẻ bị sởi.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sởi

Đến đây, chắc hẳn là bạn không còn băn khoăn “Trẻ bị sởi nên tắm lá gì?” nữa rồi. Không chỉ nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ cũng như tắm các loại thảo dược cho bé, cha mẹ cũng cần ghi nhớ những điều sau trong quá trình chăm sóc bé bị sởi:

  • Bổ sung đủ chất lỏng cho bé để tránh mất nước, vì bệnh sởi có thể gây sốt cao và khiến trẻ mất nhiều nước.
  • Xây dựng thực đơn dinh dưỡng, giàu vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho bé mau khỏi bệnh.
  • Cho trẻ mặc quần áo, thoáng mát, tránh ủ quá kỹ khiến trẻ bị nóng, hầm bí làm bệnh sởi trở nặng.
  • Cho trẻ súc miệng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý để sát khuẩn hệ hô hấp, nhất là khi trẻ bị ho, đau họng, sổ mũi.
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để tránh lây lan mầm bệnh.
  • Hạn chế để trẻ tham gia các hoạt động tiếp xúc hay các hoạt động ngoài trời lộng gió.
  • Trẻ mắc bệnh sởi có thể được chăm sóc tại nhà, tuy nhiên cha mẹ cần theo dõi thật sát các triệu chứng của con. Trong trường hợp con có dấu hiệu nặng lên như li bì, sốt cao, khó thở… cha mẹ nên đưa trẻ đi đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
  • Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, trẻ sinh non, trẻ mắc các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch… mắc bệnh sởi, cha mẹ không nên giữ trẻ ở nhà để tự theo dõi.

Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được trẻ bị sởi tắm lá gì cho mau khỏi bệnh. Việc tắm thảo dược có thể mang lại hiệu quả nếu cha mẹ thực hiện đúng cách. Do đó, hãy tuân thủ những hướng dẫn trên khi tắm lá cho bé bị sởi, cha mẹ nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 2 tuần trước

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo