Đến nay, bệnh quai bị vẫn không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tác nhân gây ra bệnh là do virus vì thể sử dụng thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng. Tuy vậy, hầu hết trường hợp, người bệnh (trẻ em hay người lớn) thường phục hồi trong vòng vài tuần nếu không gặp biến chứng gì.
Nguyên tắc trong điều trị quai bị là hạn chế vận động tối đa, chăm sóc tốt cho người bệnh nhất là trong thời gian toàn phát. Bên cạnh đó, bạn cần điều trị chống viêm tinh hoàn, buồng trứng, viêm tụy, viêm màng não và chỉ dùng kháng sinh khi xảy ra bội nhiễm vi khuẩn theo chỉ định của bác sĩ. Các trường hợp bệnh nặng có thể cần dùng phối hợp globulin miễn dịch.
Một số biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà
Nghỉ ngơi là biện pháp tốt nhất để cơ thể phục hồi hoàn toàn. Song song đó, bạn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm đau và khó chịu, đồng thời phòng tránh virus lây truyền sang người xung quanh:
- Cách ly người bệnh với mọi người để ngăn ngừa lây truyền virus quai bị.
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol để giảm bớt triệu chứng đau.
- Chườm ấm hoặc chườm mát để giảm bớt khó chịu ở vùng bị sưng.
- Tránh ăn những thực phẩm cứng, rắn, cần phải nhai nhiều. Thay vào đó, bạn nên ăn cháo, những thực phẩm mềm hay có dạng lỏng.
- Tránh ăn thực phẩm có vị chua, như trái cây, nước ép cam quýt vì gây kích thích tiết nước bọt.
- Uống nhiều nước.

Bệnh quai bị có nguy hiểm không?
Rất hiếm khi có ca bệnh gặp phải biến chứng nhưng khi có thường khá nghiêm trọng. Các biến chứng quai bị phần lớn liên quan đến tình trạng viêm và sưng ở một số bộ phận khác của cơ thể, như:
- Tinh hoàn: Viêm tinh hoàn có thể xảy ra làm cho một hoặc cả hai tinh hoàn bị sưng lên ở những bé trai đến tuổi dậy thì. Tình trạng này gây đau đớn, khó chịu nhưng hiếm khi gây vô sinh sau này.
- Não: Virus quai bị có thể gây ra viêm não dẫn đến nhiều vấn đề thần kinh, thậm chí đe dọa tính mạng.
- Màng và dịch não tủy: Khi virus nhiễm vào máu và đi đến hệ thống thần kinh trung ương gây viêm nhiễm, người bệnh có thể bị viêm màng não.
- Tuyến tụy: Nếu bị viêm tụy, người bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng gồm đau bụng phía trên, buồn nôn và nôn mửa.
Các biến chứng quai bị có nguy cơ xảy ra gồm:
- Mất thính lực, có thể ở một hoặc cả hai tai
- Vấn đề ở tim như rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim
- Sẩy thai nếu mẹ bầu bị quai bị khi đang mang thai, đặc biệt là ở giai đoạn đầu thai kỳ
Phòng ngừa bệnh quai bị như thế nào?
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh hiện nay là tiêm vắc-xin quai bị. Hầu hết mọi người đều tạo được khả năng miễn dịch với virus gây bệnh sau khi tiêm phòng đầy đủ.
Vắc-xin này thường được tiêm ở dạng kết hợp phòng 3 bệnh sởi – quai bị – rubella (MMR). Tất cả trẻ em nên được tiêm đủ hai mũi vắc-xin trước khi đi học vào lúc:
- Từ 12–15 tháng tuổi
- Từ 4–6 tuổi
Bạn cần phải tiêm đủ hai liều để đảm bảo có hiệu quả trong việc phòng ngừa quai bị.
Một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyến cáo tiêm một mũi vắc-xin lần thứ ba nếu bạn đang ở trong một vùng bùng phát dịch quai bị.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được bệnh quai bị là gì, nên làm gì khi bị quai bị và cách phòng ngừa quai bị.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!