backup og meta

Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì và kiêng ăn gì để mau khỏi bệnh?

Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì và kiêng ăn gì để mau khỏi bệnh?

Việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết hàng ngày cho trẻ là cách đơn giản nhất mà bạn có thể làm để giúp bé yêu nhanh chóng vượt qua những triệu chứng khó chịu của bệnh tay chân miệng. Vậy, bạn đã biết trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì chưa?

Nếu vẫn chưa biết bé bị tay chân miệng nên ăn, uống gì mới tốt, mời bạn tham khảo 10 loại thực phẩm được đề xuất trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là bệnh cực kỳ phổ biến, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là sốt nhẹ, phát ban và xuất hiện những vết loét ở vùng da bàn tay, bàn chân, bên trong khoang miệng, mông, quanh hậu môn… gây đau đớn khó chịu.

Các vết loét bên trong khoang miệng sẽ khiến việc ăn, bú của trẻ trở nên vô cùng khó khăn. Do đó, việc nên cho trẻ ăn gì khi bị tay chân miệng luôn là câu hỏi làm đau đầu các bậc cha mẹ.

Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì? 10 loại thực phẩm tốt nhất mà cha mẹ cần bổ sung cho bé

Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì? Trẻ bị tay chân miệng cần được chú trọng về chế độ dinh dưỡng để hỗ trợ phục hồi sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch. Dưới đây là những lưu ý về chế độ ăn uống cho trẻ:

  • Thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa: Cháo, súp, canh, bún, phở, nui, …
  • Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: Trái cây (cam, bưởi, đu đủ, …), rau xanh (rau bina, súp lơ xanh, …), sữa chua.
  • Thực phẩm giàu protein: Thịt nạc, cá, trứng, …
  • Nước: Cho trẻ uống nhiều nước để bù nước và điện giải.

1. Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì? Bổ sung ngay trứng!

Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì? trứng gà

Trứng có chứa nhiều protein, sắt, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe của bé. Không những vậy, các món ăn được chế biến từ trứng thường mềm nên không khiến bé cảm thấy đau đớn trong quá trình nhai nuốt. 

Mẹo

Bạn có thể chế biến trứng bằng cách chiên, luộc, hấp… và thêm nấm hay một số gia vị phù hợp để có một món ăn thơm ngon cho bé yêu.

2. Bé bị tay chân miệng có nên uống nước dừa không?

Bé bị tay chân miệng có nên uống nước dừa không?

Mất nước là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng. Để ngăn ngừa nguy cơ này, bạn nên cho bé uống nước thường xuyên.

Ngoài nước lọc, bạn có thể cho bé uống thêm nước dừa bởi đây là một loại thức uống thơm, mát, mùi vị dễ uống, có thể làm dịu các vết loét. Ngoài ra, nước dừa còn cung cấp thêm các chất điện giải rất hữu ích trong việc ngăn ngừa tình trạng mất nước.

Nước dừa tươi có thể uống trực tiếp, ướp lạnh hay pha với tắc và đường… hoặc bất cứ cách chế biến nào khác mà bé yêu thích.

3. Cháo loãng hoặc súp là lựa chọn hàng đầu cho các bé bị bệnh tay chân miệng

Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì?

Khi bị tay chân miệng, mỗi ngày, bé cần được cung cấp một lượng tinh bột nhất định để có đủ sức khỏe chống lại các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, các món ăn như cơm, cháo đặc có thể làm cho bé khó ăn vì gây ra đau đớn khi nhai nuốt. Để giúp bé, bạn có thể cho bé ăn cháo loãng hoặc súp để thay thế. 

Bạn có thể nấu súp kết hợp với các loại thịt, tránh nấu chung với cá hoặc các loại thực phẩm có vị tanh. Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng củ, quả thay cho các loại rau. Một số món cháo ngon bạn có thể chế biến cho bé như cháo lươn đậu xanh giúp giải độc, cháo sườn bí đỏ, cháo tôm rau ngót, cháo khoai tây thịt, cháo gà hạt sen, cháo cà rốt cá hồi…

4. Trẻ bị tay chân miệng nên ăn trái cây gì? Đừng bỏ qua đu đủ!

lợi ích dinh dưỡng của đu đủ cho trẻ bị tay chân miệng

Đu đủ là loại quả có vị ngọt, mềm, mát, khi ăn sẽ giúp làm dịu các cơn đau trong khoang miệng. Không những vậy, trong đu đủ còn có chứa rất nhiều vitamin, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa, giảm căng thẳng. Từ đó, bé sẽ đủ sức để vượt qua các triệu chứng của bệnh dễ dàng hơn. 

Bạn có thể cho bé ăn đu đủ ướp lạnh hoặc chế biến thành nước ép, sinh tố, kem hay đu đủ dằm…

5. Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì để mau khỏi? Sữa chua và mật ong

trẻ bị tay chân miệng nên ăn sữa chua mật ong

Mật ong có vị ngọt, thơm, có đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành các vết loét trong khoang miệng. Trong khi đó, sữa chua lại là một thực phẩm rất tốt cho trẻ bị tay chân miệng bởi sữa chua khá mềm, dịu mát, giúp xoa dịu cơn đau do các vết loét gây ra. Hơn thế nữa, sữa chua còn bổ sung lợi khuẩn, protein, canxi, kali, axit folic và các loại vitamin khác vừa giúp tăng sức đề kháng vừa giúp bé tiêu hóa tốt hơn.

  • Cho bé ăn sữa chua mềm thay vì để đông đá, thêm sữa chua vào món trái cây dằm. 
  • Nếu bé đang sử dụng kháng sinh, bạn không nên cho bé ăn bởi kháng sinh sẽ tiêu diệt lợi khuẩn, khiến sữa chua không còn tác dụng với sức khỏe. 

6. Trẻ bị tay chân miệng nên ăn trái cây gì? Dưa hấu

bé bị tay chân miệng ăn dưa hấu có tốt không?

Vitamin C giúp ngăn các vết loét lan rộng. Tuy nhiên, bạn không nên cho bé ăn những trái cây thuộc họ cam chanh, kiwi hay cà chua bởi vị chua của những loại trái cây này sẽ khiến bé cảm thấy vô cùng xót và đau đớn. Thay vào đó, dưa hấu sẽ là sự lựa chọn tốt hơn rất nhiều bởi loại trái cây này không chỉ có vị ngọt, mềm, mát mà còn chứa một lượng lớn vitamin C, giúp nâng cao hệ miễn dịch của trẻ và ngăn không cho các vết loét trở nên nghiêm trọng.  

Mẹo

  • Ướp lạnh dưa hấu trước khi cho bé ăn để làm dịu các vết loét hiệu quả hơn.
  • Chế biến dưa hấu thành các loại thức uống hoặc món ăn bổ dưỡng như nước ép, sinh tố, kem hoặc salad.

7. Nên cho trẻ ăn gì khi bị tay chân miệng? Hãy thử chè sắn dây và các loại đậu

các loại đậu tốt cho trẻ bị tay chân miệng

Bé bị tay chân miệng ăn gì tốt? Các loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ, đậu nành… có chứa hàm lượng cao các vitamin và khoáng chất, giúp bổ sung năng lượng, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Trong khi đó, sắn dây được Đông y xem như một vị thuốc quý, có tác dụng là dịu mát toàn cơ thể. Khi trẻ bị tay chân miệng, một chén chè sắn dây và các loại đậu không chỉ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng mà còn giúp cải thiện cơn đau do các vết loét gây ra.  

Để chế biến món chè sắn dây và các loại đậu, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
  • Bước 1: Ninh đậu trong nồi áp suất cho đến khi chúng nát hoàn toàn.
  • Bước 2: Thêm bột sắn dây vào, đảo đều và đun sôi một lần nữa.
  • Bước 3: Thêm đường để có vị ngọt phù hợp giúp bé dễ ăn hơn. 
  • Bước 4: Bạn có thể làm lạnh chè sắn dây trước khi cho con ăn. 

8. Bổ sung sữa cho bé bị bệnh tay chân miệng

bé bị tay chân miệng nên uống sữa

Tay chân miệng là bệnh có triệu chứng đặc trưng với các vết loét xuất hiện ở lợi và lưỡi khiến bé khó nhai, nuốt. Chính vì vậy, một ly sữa mát sẽ giúp làm dịu các vết loét và làm cho bé cảm thấy dễ chịu hơn. Không những vậy, sữa còn có chứa nhiều protein, giúp bé mau hồi phục, đồng thời cung cấp nước để bù lại lượng nước bị mất cho cơ thể.

Mẹo

Khi cho bé uống sữa, bạn nên cho bé uống từng chút và chia làm nhiều lần trong ngày.

9. Có nên cho trẻ bị tay chân miệng ăn kem?

trẻ bị tay chân miệng ăn kem có tốt không

Kem là món quà vặt mà bạn ít khi cho trẻ ăn vì sợ rằng con sẽ bị sâu răng hay viêm họng? Thế nhưng, khi bị tay chân miệng, kem lại là món ăn được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng. Nguyên nhân là do khi bị bệnh, các vết loét trong miệng sẽ khiến bé đau đớn và cảm giác mát lạnh của kem có thể giúp giảm đau tạm thời, từ đó bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. 

Bạn chỉ nên cho bé ăn các loại kem trái cây để vừa giảm đau vừa bổ sung dinh dưỡng. Tránh các loại kem ca cao, kem sô cô la vì chúng có thể khiến các vết loét trở nên nghiêm trọng hơn.

10. Trẻ bị tay chân miệng nên ăn, uống gì mới tốt? Nước trái cây và sinh tố

Trẻ bị tay chân miệng nên ăn gì, uống gì?

Bạn có thể cho bé uống nước trái cây như cam, bưởi để bổ sung vitamin C. Ngoài ra, trẻ cũng cần ăn nhiều loại quả có màu đỏ, vàng như dưa hấu, dưa lưới, thanh long ruột đỏ hay nước ép để cung cấp vitamin A, giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm nhanh lành các tổn thương.

Mẹo

Do trẻ bị đau miệng nên mỗi bữa sẽ không ăn được nhiều, do đó, bạn nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ. Bạn không cố gắng ép trẻ ăn vì trẻ bị đau, ăn nhiều sẽ gây cảm giác khó chịu.
Ngoài ra, khi cho trẻ ăn, bạn nên tránh sử dụng các loại muỗng, thìa có cạnh sắc và tránh đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi, môi bởi điều này có thể làm trẻ đau, dẫn đến sợ hãi, không ăn.
Sau khi ăn xong, bạn cần cho trẻ súc miệng hoặc lau miệng sạch sẽ.

Trẻ bị tay chân miệng nên kiêng ăn gì?

Bên cạnh những thực phẩm dinh dưỡng tốt cho bé thì trẻ bị tay chân miệng nên kiêng gì? Sau đây là những thực phẩm nên hạn chế cho trẻ ăn:

  • Thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ: Dễ gây khó tiêu, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
  • Thực phẩm chua, nhiều axit: Dễ gây kích ứng các vết loét trong miệng, khiến trẻ đau rát và khó ăn.
  • Thực phẩm cứng, dai: Dễ khiến trẻ bị trầy xước niêm mạc miệng, dẫn đến nhiễm trùng.
  • Thực phẩm tanh: Dễ gây nôn mửa cho trẻ.

Qua những chia sẻ trên của Hello Bacsi, hy vọng bạn đã biết nên cho trẻ ăn gì khi bị tay chân miệng. Ngoài ra, nếu thấy bé yêu có các triệu chứng bất thường, bạn nên đưa bé đi khám ngay để được điều trị kịp thời.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Symptoms and Diagnosis of Hand, Foot, and Mouth Disease https://www.cdc.gov/hand-foot-mouth/about/signs-symptoms.html Ngày truy cập: 05/07/2023

Hand, Foot, and Mouth Disease https://kidshealth.org/en/parents/hfm.html Ngày truy cập: 05/07/2023

Hand, foot and mouth disease https://www.nhs.uk/conditions/hand-foot-mouth-disease/ Ngày truy cập: 05/07/2023

Hand, Foot & Mouth Disease: Parent FAQs https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/infections/Pages/Hand-Foot-and-Mouth-Disease.aspx Ngày truy cập: 05/07/2023

Hand-foot-and-mouth disease https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hand-foot-and-mouth-disease/diagnosis-treatment/drc-20353041 Ngày truy cập: 8/9/2019

10 foods to eat if you have HFMD (and what to avoid!) https://sg.theasianparent.com/foods-eat-hfmd-avoid Ngày truy cập: 8/9/2019

Hand, Foot, and Mouth Disease in Children https://www.drugs.com/cg/hand-foot-and-mouth-disease-in-children.html Ngày truy cập: 8/9/2019

Phiên bản hiện tại

09/04/2024

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 09/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo