backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì? Sự phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 09/10/2023

    Trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì? Sự phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ

    Trẻ 9 tháng tuổi không những bò rất giỏi nhằm khám phá thế giới xung quanh mà bé còn thể đứng vững hoặc thậm chí bám lên đồ vật để tập bước đi những bước đầu tiên. 

    Khi thiên thần nhỏ được 9 tháng tuổi, con yêu sẽ đạt được một vài cột mốc phát triển nhất định. Vậy đó là gì và chế độ dinh dưỡng của con nên được thiết kế ra sao để con lớn lên mạnh khỏe? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu bé 9 tháng biết làm gì qua bài viết sau nhé.

    Chiều cao, cân nặng của bé 6 tháng tuổi

    “Trẻ 9 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?” là câu hỏi được không ít bố mẹ quan tâm. Theo các chuyên gia, khi đạt cột mốc 9 tháng, các bé sẽ có chiều cao cân nặng trung bình như sau:

    • Bé gái: Con sẽ nặng 8,2 kg và dài 70 cm.
    • Bé trai: Con sẽ nặng 8,9 kg và dài 72 cm.

    Sự phát triển của trẻ 9 tháng tuổi

    Một số điểm nổi bật đáng chú ý của trẻ trong giai đoạn 9 tháng tuổi gồm:

    1. Trẻ 9 tháng biết làm gì? Sự phát triển vận động và thể chất của bé 9 tháng

    trẻ 9 tháng tuổi biết làm những gì

    Bé 9 tháng tuổi biết làm những gì? Khi bước vào giai đoạn 9 tháng tuổi, con sẽ bắt đầu mất dần các phản xạ của trẻ sơ sinh và dần phát triển các kỹ năng vận động thô tốt hơn. Vậy trẻ 9 tháng tuổi biết làm những gì? Dưới đây là những mốc phát triển vận động mà trẻ 9 tháng tuổi có thể thực hiện được:

    • Tự ngồi được mà không cần giúp đỡ
    • Chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia
    • Dùng ngón tay “cào” thức ăn về phía mình.

    2. Sự phát triển nhận thức của bé 9 tháng

    Sự phát triển nhận thức của trẻ 9 tháng tuổi liên quan đến khả năng tư duy, học tập, giải quyết vấn đề. Vậy bé 9 tháng biết làm gì để thể hiện sự phát triển nhận thức? Dưới đây là hai đặc điểm nổi bật của bé:

    • Tìm kiếm đồ vật khi bị rơi khỏi tầm mắt, chẳng hạn như thìa hoặc đồ chơi
    • Đập 2 món đồ vào nhau.

    3. Sự phát triển xã hội và cảm xúc của trẻ 9 tháng tuổi

    Trẻ 9 tháng đã đạt được một số cột mốc về cảm xúc và tương tác xã hội, bao gồm:

    • Nhút nhát, đeo bám hoặc sợ hãi khi ở cạnh người lạ
    • Thể hiện một số biểu cảm như vui, buồn, giận dữ và ngạc nhiên
    • Mỉm cười hoặc cười to khi bạn chơi trò ú òa
    • Phản ứng khi bạn rời đi (nhìn, với lấy bạn hoặc khóc, la)
    • Nhìn khi bạn gọi tên bé.

    4. Sự phát triển kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ của bé 9 tháng

    Trẻ 9 tháng tuổi đã có thể phát ra một số âm thanh và tạo cử chỉ để giao tiếp với người thân xung quanh, chẳng hạn như:

    • Tạo ra những âm thanh khác nhau như “ba-ba-ba” hoặc “ma-ma-ma”
    • Giơ tay lên để được bế hay đòi bế.

    Dinh dưỡng cho trẻ 9 tháng tuổi

    dinh dưỡng cho bé 9 tháng tuổi

    1. Trẻ 9 tháng tuổi ăn bao nhiêu là đủ?

    Các chuyên gia đã giải thích như sau:

    • Từ lúc trẻ 8 tháng tuổi đến một tuổi, bé cần 750-900 calo mỗi ngày.
    • Một nửa trong số đó – khoảng 400 đến 500 calo sẽ đến từ sữa (sữa mẹ hoặc sữa công thức), tương đương với khoảng 720ml sữa.
    • Bạn có thể cho bé ăn dặm bằng cách món cháo, bột hoặc, súp hay các món hầm nhừ để kích thích vị giác của bé yêu.

    2. Trẻ 9 tháng ăn gì?

    Một số loại thực phẩm mà bé 9 tháng tuổi có thể ăn gồm:

    • Trái cây và rau xay nhuyễn
    • Rau hấp cắt vụn
    • Thịt, cá xay nhuyễn hoặc giã, tán mịn, xé sợi
    • Trái cây chín mềm (chuối, bơ, xoài)
    • Nui, mì ống nấu chín mềm
    • Trứng bác
    • Sữa chua
    • Cháo yến mạch

    Thời gian biểu cho bé 9 tháng tuổi

    Em bé 9 tháng tuổi đã tương đối hiếu động và rất thích chơi đùa. Do đó, điều quan trọng là bạn phải tạo ra nhiều sự tương tác, từ việc đọc sách cho trẻ, chơi trò ú òa hoặc khuyến khích bé chơi các món đồ chơi phù hợp với độ tuổi để thúc đẩy sự phát triển và kích thích trí tò mò của bé.

    Thời gian biểu cho bé 9 tháng tuổi sẽ bao gồm:

    • 07:00 giờ: Bé thức dậy, được bố mẹ vệ sinh cơ thể và bú cữ đầu tiên trong cho ngày
    • 9:00 giờ: Bé ăn dặm
    • 10:00 giờ: Ngủ ngắn giữa buổi (khoảng 1 tiếng)
    • 11:00 giờ: Bú sữa, sau đi chơi cùng bố mẹ hoặc người chăm sóc
    • 12:00 giờ: Ngủ trưa
    • 15:00 giờ: Bú sữa
    • 17:00 giờ: Ăn tối (ăn dặm)
    • 19:00 giờ: Bú cữ tối và thực hiện những thói quen trước khi ngủ (vệ sinh cá nhân, đọc sách, kể chuyện…)
    • 19:30 giờ: Bé lên giường và được cha mẹ dỗ bé ngủ.

    Chăm sóc cho bé 9 tháng tuổi

    Khi trẻ 9 tháng tuổi, bạn có thể bắt đầu quá trình hạn chế cho con dùng núm vú giả nếu bé đã quen dùng vật dụng này trước đó. Khi bé mọc nhiều răng hơn, núm vú giả đôi lúc cản trở sự phát triển của răng, do đó, việc giúp bé tạm biệt món đồ này sẽ hỗ trợ trẻ mọc răng tốt hơn.

    Bên cạnh đó, bạn nên cho con thật nhiều không gian để chơi đùa và phát triển các kỹ năng cần thiết. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.

    Những hoạt động khuyến khích sự phát triển của trẻ 9 tháng tuổi

    Là người thầy đầu tiên của bé, cha mẹ có thể giúp bé học tập và phát triển trí não. Dưới đây là những lời khuyên và hoạt động đơn giản mà bạn có thể tham khảo:

    • Lặp lại những âm thanh của bé và nói những từ đơn giản bằng cách sử dụng những âm thanh đó. Ví dụ: nếu bé nói “ba-ba-ba”, hãy lặp lại “ba-ba-ba” rồi nói “bà”.
    • Đặt đồ chơi trên sàn nhà hoặc trên thảm chơi xa tầm với của bé một chút và khuyến khích bé bò, trườn hoặc lăn để lấy đồ chơi. Hãy tạo không khí sôi động khi bé lấy được chúng.
    • Dạy bé vẫy tay hay hôn gió khi muốn nói “tạm biệt” hoặc lắc đầu, xua tay khi muốn nói “không”. Ví dụ: vẫy tay và nói “tạm biệt” khi bạn rời đi.
    • Bạn cũng có thể dạy ngôn ngữ ký hiệu đơn giản cho bé để giúp bé nói cho bạn biết bé muốn gì trước khi bé có thể sử dụng từ ngữ.

    Khi nào nên lo lắng về sự phát triển của trẻ 9 tháng tuổi?

    Tiếp theo, hãy đưa bé 9 tháng tuổi đến gặp bác sĩ nếu như bạn nhận thấy con có một vài dấu hiệu bất ổn sau:

    • Không bập bẹ hay có hành vi bắt chước mô phỏng việc tập nói
    • Chưa biết ngồi vững dù có người hỗ trợ
    • Chưa biết bò
    • Không thể đứng dù có sự hỗ trợ
    • Không phản ứng khi được gọi tên
    • Không biết chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia
    • Ánh mắt không hướng về bố mẹ/người chăm sóc dẫu bạn đã thu hút sự chú ý của bé…

    Cuối cùng, nếu bạn thấy trẻ 9 tháng tuổi chưa mọc răng hoặc trẻ biếng ăn thì bạn cũng đừng quá lo lắng. Mỗi em bé có một tốc độ phát triển riêng, miễn rằng bé yêu vẫn vui vẻ, tràn đầy năng lượng và vẫn tăng cân (ngay cả khi chỉ tăng rất ít), bố mẹ hãy cố gắng tạo mọi điều kiện để con được phát triển tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 09/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo