backup og meta

Ô nhiễm không khí trong nhà đang gây hại cho sức khỏe như thế nào?

Ô nhiễm không khí trong nhà đang gây hại cho sức khỏe như thế nào?

Nhiều người thường nghĩ rằng tình trạng ô nhiễm không khí chỉ xảy ra ở đường phố hay các khu công nghiệp mà không biết rằng không gian trong chính ngôi nhà mình đang sống cũng có thể bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà gây nên rất nhiều vấn đề nguy hại với sức khỏe. 

Hãy tưởng tượng việc cả gia đình bạn trở về nhà sau một ngày bận rộn, mọi người thở phào vì đã thoát khỏi cảnh phải hít khói bụi ô nhiễm và tiếng ồn trên đường. Điều này làm cho bạn cảm thấy rất sảng khoái sau một ngày dài. Tuy nhiên, bạn sẽ nghĩ gì khi biết rằng môi trường bên trong nhà bạn cũng có thể đang trong tình trạng ô nhiễm đáng báo động?

Ô nhiễm không khí trong nhà là gì?

Thực tế, không khí trong nhà mà bạn hít thở là một loại hỗn hợp khí nguy hiểm bao gồm các chất kích thích, chất gây ung thư, hóa chất gây hại, chất gây độc thần kinh, mạt bụi nhà, chất gây dị ứng và vi trùng… Tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở mọi độ tuổi. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và rối loạn phát triển, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.

Điểm mặt 11 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà

Các chuyên gia sức khỏe đã chỉ ra 11  nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà phổ biến nhất hiện diện ở hầu hết các hộ gia đình:

1. Sự tăng trưởng của nấm mốc

Các bào tử nấm mốc, đặc biệt là trong thời tiết ẩm ướt, là tác nhân quan trọng gây ô nhiễm không khí trong nhà. Nấm mốc có thể hình thành trên tường nhà, kệ bếp, thảm, quần áo để lâu ngày… Việc hít phải các bào tử nấm mốc có thể kích hoạt các cơn ho, gây ra tình trạng dị ứng ở trẻ nhỏ và cả người lớn.

2. Sưởi ấm, nấu ăn bằng các loại than

Nhiều gia đình có thói quen sử dụng than củi, than đá… để đun nấu và sưởi ấm. Điều này là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành carbon monoxide, một loại khí độc hại đối với sức khỏe con người.

Ngoài ra, việc sử dụng bếp than để nấu ăn, sưởi ấm hoặc đốt nhang thường xuyên… làm cho khói tích tụ trong không gian của ngôi nhà. Việc hít phải khói bụi gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho các thành viên trong gia đình.

3. Thảm chùi chân, thảm trải sàn

thảm trong phòng khách

Thảm là nơi trú ngụ của rất nhiều vi sinh vật như ve, mạt bụi nhà – yếu tố được chứng minh là nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn.

Ngoài ra, những chiếc thảm được làm bằng chất liệu nhân tạo cũng có thể chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) bao gồm toluene, formaldehyd và benzene. Đây là những chất gây ung thư đã được các nhà khoa học xác nhận.

4. Sơn tường

Hầu hết các loại sơn tường thông thường hiện nay đều có chứa chì. Việc tiếp xúc với chì lâu dài khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng và rất khó để điều trị. Hơn nữa, nhiều loại sơn có thể chứa các hợp chất dễ bay hơi tác động xấu đến sức khỏe qua đường hô hấp.

5. Khói thuốc lá

Trong gia đình có người hút thuốc cũng là nguyên nhân khiến không khí trong nhà bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khói thuốc lá cũng có thể bám trên quần áo người hút cũng như người thường xuyên tiếp xúc với người hút thuốc và hòa trộn với không khí trong nhà, “ám’ vào thảm, sofa, rèm cửa… gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Nicotine trong khói thuốc là một chất gây ung thư điển hình.

6. Hóa chất tẩy rửa

Hầu hết các chất tẩy rửa đều có chứa hợp chất dễ bay hơi (VOC) như aerosol, gây ra nhiều vấn đề về hô hấp. Trong thành phần của nhiều dung dịch tẩy trắng có chứa chlorin, chất có nguy cơ tạo ra khí clo. Đây là một loại khí cực kỳ có hại, thậm chí có nguy cơ gây tử vong nếu hít phải quá nhiều.

7. Sơn, véc ni trên đồ gia dụng, nội thất

Rất nhiều đồ gia dụng và nội thất bằng gỗ, mây, tre, cói… thường được phủ sơn, véc ni. Nhiều nghiên cứu cho thấy, người hít phải sơn, véc ni có nguy cơ bị hen suyễn, rối loạn sinh lý, thậm chí gây ung thư. Nguyên do là vì thành phần của véc ni thường có chứa bột sắt công nghiệp, thủy ngân, chì… là những chất gây nguy hại cho sức khỏe. Trẻ em tiếp xúc với các chất này làm gia tăng nguy cơ bị hen suyễn.

8. Sáp thơm, xịt phòng nhân tạo làm mát không khí

Hầu hết các sản phẩm như sáp thơm, xịt phòng… làm mát không khí bày bán sẵn trên thị trường hiện nay đều có chứa glycol ether gốc ethylene. Những thành phần này gây ra các vấn đề về thần kinh cũng như liên quan đến máu. Chúng cũng chứa phthalates, một chất gây rối loạn nội tiết ở trẻ sơ sinh, gây cản trở sự tiết hormone trong cơ thể và ảnh hưởng đến sự phát triển.

Ngoài ra, nhiều người có thói quen bỏ long não (băng phiến) trong tủ quần áo, nhà tắm để đuổi gián và khử mùi. Băng phiến chứa naphthalene, một hóa chất dễ bay hơi tạo ra các chất gây ô nhiễm tồn tại dưới dạng khí.

9. Nến

đốt nến và dùng tinh dầu nhân tạo gây ô nhiễm

Nến chủ yếu được sản xuất từ sáp paraffin, một phụ phẩm của dầu mỏ và được xử lý bằng thuốc tẩy để làm trắng. Khi được đốt cháy, nến giải phóng benzen và toluene… là những chất gây ung thư.

Trong khi đó, các nhà sản xuất nến thường thêm thuốc nhuộm nhân tạo, hương liệu tổng hợp để tạo màu và tạo hương thơm. Trong những thành phần đó thường có chứa acrolein, chất gây ung thư phổi. Như vậy có thể thấy việc sử dụng nến trong nhà chẳng khác gì việc kích hoạt quả bom hẹn giờ gây ra sự tàn phá đường hô hấp.

10. Sử dụng hóa mỹ phẩm có chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC)

Việc dùng dung dịch keo xịt tóc, sơn móng tay… có thể khiến các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi được thải vào không khí trong nhà gây ô nhiễm.

11. Thú cưng

Chó, chim, mèo, các loài bò sát… cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà mà ít người nghĩ đến. Lông, phấn, động vật ký sinh… trên cơ thể vật nuôi cũng là nguồn gây dị ứng cho nhiều người. Do đó, nếu gia đình có nuôi thú cưng, bạn nên hạn chế không cho chúng chơi đùa trong phòng khách, nhà bếp, đặc biệt là phòng ngủ để bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, bạn cần tiêm chủng và tiêm thuốc ngừa giun sán, tắm rửa định kỳ cho chúng.

Những ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà đến sức khỏe

Tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Dưới đây là một số tác động của ô nhiễm không khí trong nhà đối với sức khỏe con người:

1. Ung thư

Việc tiếp xúc với nhiều chất như benzen, toluene, formaldehyd, acrolein, nicotine, amiăng… làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh ung thư.

2. Hen suyễn và các bệnh hô hấp khác

Tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà khiến bạn thường xuyên tiếp xúc với các chất gây dị ứng, chất ô nhiễm gây cản trở hô hấp, làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh về đường hô hấp, phổ biến nhất là hen suyễn, viêm phế quản và viêm xoang.

3. Viêm phế nang dị ứng ngoại lai (viêm phổi tăng cảm)

Việc thường xuyên tiếp xúc với mạt bụi nhà, nấm mốc và vi khuẩn, côn trùng… làm phát sinh tình trạng này. Bệnh viêm phế nang dị ứng ngoại lai gây ra chứng khó thở cấp tính cùng các triệu chứng giống như cúm.

4. Vấn đề sức khỏe sinh sản

Phthalates, amiăng, nicotine… có thể gây ra các vấn đề với sức khỏe sinh sản bao gồm chất lượng tinh trùng kém, suy giảm nồng độ testosterone và sự phát triển bất thường của các cơ quan sinh dục.

5. Kích ứng da

Formaldehyd, một chất gây ô nhiễm không khí chính trong nhà, là nguyên nhân gây ra một loạt các kích ứng da, bao gồm dị ứng và viêm.

6. Các vấn đề về hệ thần kinh

cô gái bị đau đầu

Tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm như chì và formaldehyd có thể gây ra nhiều vấn đề về thần kinh, bao gồm cả sự sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer trong thời gian dài.

7. Vấn đề tim mạch, đường tiêu hóa và thận

Carbon monoxide, một chất gây ô nhiễm không khí trong nhà nghiêm trọng, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim mạch (CVD), có nguy cơ gây tử vong. Ngoài ra, sức khỏe đường tiêu hóa, thận cũng chịu ảnh hưởng từ việc hít phải không khí bị ô nhiễm.

Những biện pháp cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà

Hãy thực hiện những điều sau để đảm bảo rằng bạn có thể kiểm soát được tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà:

1. Không hút thuốc

Không cho phép bất cứ ai hút thuốc hoặc sử dụng bất kỳ thứ gì có chứa nicotine trong không gian sống.

2. Không sử dụng than củi, than đá

Việc sử dụng than củi, than đá để nấu ăn hay sưởi ấm vào mùa đông làm sản sinh khói và muội than dẫn đến không khí trong nhà bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thay vào đó, bạn nên dùng các thiết bị nấu nướng bằng điện để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà.

3. Thông gió, lọc khói, lọc không khí cho ngôi nhà

Nếu hệ thống thông gió của gia đình bạn đã quá cũ kỹ, hãy cải tạo lại và nếu có thể hãy lắp đặt cửa sổ lớn hơn. Thường xuyên mở cửa lớn, cửa sổ để không khí được lưu thông. Điều này có thể giúp các chất gây ô nhiễm bên trong nhà có thể thoát ra ngoài và không gian sống được ánh mặt trời chiếu vào nhiều hơn.

Ngoài ra, bạn nên sử dụng máy hút mùi cho gian bếp để loại bỏ các chất gây ô nhiễm trong nhà. Nếu có thể hãy trang bị  máy lọc không khí cho ngôi nhà của bạn. Thiết bị này giúp loại bỏ tác nhân gây ô nhiễm từ không khí trong nhà và cung cấp cho bạn không khí sạch.

4. Kiểm soát sự tăng trưởng của nấm mốc

Nếu có sử dụng máy tạo độ ẩm, bạn nên điều chỉnh độ ẩm trong nhà ở mức từ 40 – 50% để kiểm soát sự phát triển của nấm mốc và nấm.

Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn nên chọn sử dụng các loại điều hòa có chức năng phóng thích i-on hydro và oxy hoạt tính cũng như có khả năng lọc bụi và mạt bụi, vi khuẩn và các tác nhân gây dị ứng trong không khí ở mức cao.

5. Nói không với các sản phẩm có mùi thơm

Tránh sử dụng các sản phẩm có thành phần là hương liệu tổng hợp như chất tẩy rửa, nhang, chất khử mùi, chất phun diệt côn trùng, tinh dầu tổng hợp… Đây là những thứ có thể tạo ra hợp chất dễ bay hơi gây ô nhiễm nặng nề cho bầu không khí trong nhà.

6. Không sử dụng băng phiến (long não)

Thay vào đó bạn hãy sử dụng các loại cỏ thơm, thảo dược tự nhiên như quế, hương thảo, oải hương…

7. Lau và hút bụi thường xuyên

hút bụi

Máy hút bụi là một trong những thiết bị vệ sinh giúp kiểm soát ô nhiễm không khí trong nhà hiệu quả nhất. Chúng giúp loại bỏ các hạt bụi bám trên các bề mặt, mạt bụi nhà và nhiều yếu tố gây ô nhiễm khác.

Nếu không có máy hút bụi, bạn cần lau bụi thường xuyên để đảm bảo không gian sống được sạch sẽ. Trong khi lau bụi, bạn nên đeo khẩu trang loại có thể lọc được bụi mịn để bảo vệ sức khỏe.

8. Giặt quần áo mới, chăn, drap, vỏ gối… trước khi sử dụng

Các loại vải mới thường được xử lý bằng hóa chất, do đó, bạn nên giặt sạch trước khi sử dụng để tránh các nguy cơ kích ứng.

9. Tránh dùng sơn có chứa chì

Trong lần sơn nhà sắp tới, bạn nên chọn mua sơn không có chứa chì để sơn cho tường nhà nhằm bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.

10. Để giày dép bên ngoài

Giày dép bạn đi có thể là nguồn phát tán các tác nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng từ môi trường bên ngoài vào trong nhà. Do đó, hãy chắc chắn rằng bạn đã làm sạch giày dép kỹ lưỡng trước khi mang chúng vào nhà hoặc để giày dép bên ngoài không gian sống. Tốt nhất, bạn nên đặt tủ giày ngoài sân thay vì để trong phòng khách hay phòng ngủ. Sau khi ở bên ngoài về, bạn nên rửa sạch chân tay để đảm bảo vệ sinh.

11. Chỉ mua thảm được chứng nhận an toàn

Khi chọn mua thảm, cần chắc chắn rằng những tấm thảm mà bạn chọn được nhuộm tự nhiên để đảm bảo an toàn, tránh chọn thảm có màu quá đậm vì chúng thường được nhuộm quá nhiều màu. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với các chất hóa học có hại.

12. Cài đặt báo động khói và dò khí carbon monoxide

Để kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí trong nhà, bạn nên cân nhắc đến việc lắp đặt hệ thống báo khói và máy dò carbon monoxide.

13. Sử dụng chất tẩy rửa hữu cơ

Nếu có thể, bạn nên chuyển sang sử dụng các chất tẩy rửa hữu cơ để giảm thiểu ô nhiễm và đảm bảo sức khỏe.

14. Thêm cây xanh vào không gian sống

Không có gì có thể ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí hiệu quả như cây xanh. Cây xanh là những cỗ máy lọc không khí tự nhiên tuyệt vời nhất. Hãy thêm cây xanh vào không gian sống để có được bầu không khí tốt hơn.

15. Giữ cho phòng tắm và nhà bếp luôn khô ráo

Phòng tắm và nhà bếp là những nơi có độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật và nấm mốc phát triển. Do đó, hãy giữ cho các khu vực này luôn khô thoáng. Nếu vòi nước bị rỉ nước, bạn cần sửa hoặc thay mới ngay, tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

16. Sử dụng sản phẩm làm đẹp đúng chỗ và tiết kiệm

Việc sử dụng keo xịt tóc, nước hoa, tẩy sơn móng tay… nên được thực hiện ở nơi thoáng khí hoặc gần cửa sổ. Khi sử dụng các sản phẩm làm đẹp, bạn nên sử dụng tiết kiệm, tránh lãng phí.

Câu hỏi thường gặp về việc làm sạch không khí

Dưới đây là câu trả lời cho một số câu hỏi thường gặp liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà.

1. Loại máy lọc không khí nào có thể được sử dụng để chống ô nhiễm không khí trong nhà?

Các loại máy lọc không khí sau đây hiện đang có sẵn trên thị trường, mỗi loại đều mang lại hiệu quả theo cách riêng của nó.

  • Máy lọc không khí hoạt động trên mô hình lọc cơ học để làm sạch không khí.
  • Máy lọc không khí tĩnh điện có thể giúp loại bỏ các chất ô nhiễm tích điện và thu gom chúng vào đĩa.
  • Chất tẩy rửa không khí bằng tia cực tím hoặc UVGI loại bỏ nấm mốc, mạt bụi và các chất ô nhiễm sinh học khác bằng tia UV.
  • Bộ lọc kích hoạt carbon pha khí cực kỳ hữu ích trong việc loại bỏ khói và các hạt vật chất.

2. Sử dụng máy điều hòa có làm giảm ô nhiễm không khí trong nhà?

Câu trả lời là không. Máy điều hòa sẽ không giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí trong nhà. Để lọc sạch không khí cho không gian sống, bạn nên sử dụng máy lọc không khí.

Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết, bạn đã hình dung được những việc chúng ta làm hay những gì chúng ta sử dụng đều có thể góp phần gây ô nhiễm không khí trong nhà, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Hãy thử áp dụng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí được Hello Bacsi gợi ý để giúp không gian sống trở nên trong lành hơn bạn nhé.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Indoor Air Pollution – sources and tips to Deal with it https://parenting.firstcry.com/articles/indoor-air-pollution-sources-and-tips-to-deal-with-it/ Ngày truy cập 23/11/2019

Ô nhiễm không khí trong nhà và phổi https://www.europeanlung.org/assets/files/vietnamese/indoor-air-pollution-vt.pdf Ngày truy cập 23/11/2019

Mums, are you sure your child is breathing clean air at home? https://sg.theasianparent.com/mums-sure-child-breathing-clean-air-home/ Ngày truy cập 10/10/2017

What’s a mom to do about air quality? https://www.mnn.com/health/healthy-spaces/stories/whats-a-mom-to-do-about-air-quality Ngày truy cập 10/10/2017

 

Phiên bản hiện tại

26/03/2021

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 26/03/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo