backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bé đổ mồ hôi quá nhiều là triệu chứng của bệnh gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 02/12/2019

    Bé đổ mồ hôi quá nhiều là triệu chứng của bệnh gì?

    đổ mồ hôi quá nhiều khiến bạn cảm thấy lo lắng vì sợ rằng bé đã mắc phải căn bệnh nào đó. Đừng quá lo, vì đó là chứng tăng tiết mồ hôi ở trẻ nhỏ.

    Mồ hôi có chức năng điều hòa thân nhiệt. Mồ hôi trên da bốc hơi có tác dụng làm mát cho cơ thể. Tuy nhiên, có nhiều người (trẻ em và người lớn) bị đổ mồ hôi quá mức, vượt xa nhu cầu cần thiết của cơ thể. Ở trẻ nhỏ, tình trạng này thường xảy ra vào ban đêm. Mồ hôi thường đổ nhiều ở mặt, nách, đầu, chân và tay.

    Nguyên nhân của chứng tăng tiết mồ hôi

    Chứng tăng tiết mồ hôi xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau. Phổ biến nhất vẫn là ở trẻ nhỏ vì hệ thống điều hòa thân nhiệt của bé vẫn chưa hoàn thiện. Ngoài ra, một nguyên nhân khác có thể nhắc đến là trẻ nhỏ thường ngủ sâu hơn người lớn. Nguyên nhân cụ thể của chứng tăng tiết mồ hôi vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên, chứng bệnh này thường là do những nguyên nhân sau:

  • Các tuyến mồ hôi hoạt động quá mạnh
  • Bệnh mãn tính
  • Mất cân bằng nội tiết
  • Nhiễm trùng trong cơ thể.
  • Chẩn đoán bệnh tăng tiết mồ hôi

    Để chẩn đoán về chứng tăng tiết mồ hôi, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cho bé thực hiện những bài kiểm tra sau:

    1. Kiểm tra bằng giấy

    Bác sĩ sẽ đặt một loại giấy đặc biệt thấm trên vùng da bị ra nhiều mồ hôi. Sau đó, bác sĩ sẽ xác định lượng mồ hôi tiết ra là bao nhiêu.

    2. Kiểm tra phản ứng của tinh bột với iốt

    Bác sĩ sẽ bôi dung dịch iốt lên vùng da bị nghi ngờ ra nhiều mồ hôi, sau đó, rắc một ít tinh bột lên. Nếu vùng da nào bị ra nhiều mồ hôi thì tinh bột sẽ chuyển sang màu tím hoặc xanh đậm.

    Điều trị chứng tăng tiết mồ hôi ở trẻ nhỏ

    1. Phương pháp phẫu thuật

    Để điều trị chứng tăng tiết mồ hôi, bác sĩ có thể dùng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ hạch giao cảm ngực (ETS). Hạch giao cảm là một bó tế bào, nơi mà các nhánh thần kinh giao cảm bắt đầu. Do đó, để giảm lượng mồ hôi tiết ra, bác sĩ sẽ tiến hành phá hủy hoặc cắt bỏ những hạch này. Tuy nhiên, khi thực hiện phẫu thuật, có một số rủi ro mà bạn cần phải biết như: nhiễm trùng, tổn thương thần kinh, chảy máu.

    2. Thuốc bôi ngoài da

    Để điều trị chứng tăng tiết mồ hôi, bác sĩ có thể kê cho bé một số loại thuốc bôi ngoài da như thuốc kháng cholinergic và thuốc chống mồ hôi.

    3. Thuốc uống

    Ngoài phương pháp phẫu thuật, chứng tăng tiết mồ hôi còn có thể được điều trị bằng cách uống thuốc. Bác sĩ sẽ kê toa cho bé một số thuốc như oxybutynin, propantheline, glycopyrrolate… Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, khi sử dụng những thuốc này, bé có thể gặp những tác dụng phụ như các vấn đề về đường tiết niệu, khô miệng, táo bón, mắt mờ và tim đập nhanh.

    Ngăn ngừa chứng tăng tiết mồ hôi

    Dưới đây là một số biện pháp mà bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa chứng tăng tiết mồ hôi:

  • Khi bé ngủ, không nên đắp quá nhiều chăn cho bé. Thay vào đó, bạn hãy đắp cho bé một tấm chăn mỏng.
  • Ngoài ra, bạn hãy điều chỉnh nhiệt độ phòng thích hợp không quá nóng và cũng không quá lạnh.
  • Với người lớn, bạn có thể tham khảo thêm bài 8 cách đơn giản giúp hạn chế đổ mồ hôi quá nhiều.

    Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã có thêm một số thông tin hữu ích về tình trạng đổ mồ nhiều ở trẻ nhỏ. Tăng tiết mồ hôi không phải là một chứng bệnh quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không an tâm, bạn hãy đưa bé đến bác sĩ để khám và có hướng điều trị thích hợp.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 02/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo