Sữa mẹ loãng, có vẻ nhiều nước là một trong những mối quan tâm của chị em khi nuôi con bằng sữa mẹ. Thực chất, sữa mẹ bị loãng không có nghĩa là thiếu chất hoặc con bú sữa loãng sẽ nhanh đói, chậm lớn như nhiều chị em vẫn nghĩ. Sữa mẹ đặc hay loãng về cơ bản đều có hàm lượng dinh dưỡng như nhau.
Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ cùng mẹ làm rõ vấn đề vì sao đôi khi bạn nhận thấy sữa mẹ trong và loãng? Đồng thời, chia sẻ các giải pháp giúp bé bú mẹ hiệu quả hơn để nhận được những dưỡng chất cần thiết.
Bạn đã hiểu đúng về sữa mẹ loãng và sữa mẹ đặc khi cho con bú?
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong năm đầu đời. Vì vậy, sữa mẹ đặc hay loãng, đủ chất hay không luôn là điều mà các mẹ quan tâm nhiều nhất. Về cảm quan, sữa mẹ loãng thường được mô tả là sữa có màu trắng trong, trắng đục, màu như nước vo gạo. Trên thực tế, không ít chị em cho rằng sữa mẹ loãng thường thiếu chất, trẻ bú vào nhanh đói hoặc chậm tăng cân.
Tuy nhiên, sự thật là sữa mẹ đặc hay loãng đều có hàm lượng dinh dưỡng gần như nhau. Đối với vấn đề trẻ tăng cân nhanh hay chậm, điều này sẽ phụ thuộc vào khả năng hấp thụ và tình trạng sức khỏe riêng của mỗi bé chứ không phải độ đặc của sữa mẹ. Khi bạn nhận thấy sữa mẹ loãng dần, đây là dấu hiệu mẹ đã ngừng tiết sữa non và chuyển sang tiết sữa chuyển tiếp hoặc sữa trưởng thành. Lúc này, sữa mẹ tiết ra gồm hai loại là sữa đầu và sữa cuối. Trong đó:
- Sữa đầu (foremilk) là lượng sữa được trữ sẵn ở phía trước bầu vú. Vì vậy, đây là lượng sữa tiết ra trong khoảng 10 phút đầu tiên từ khi bé bắt đầu bú mẹ. Sữa đầu có đặc điểm loãng, trong và có vẻ nhiều nước hơn do chứa thành phần chủ yếu là nước và đường sữa lactose, trong khi lại ít chất béo. Tuy nhiên, sữa đầu vẫn rất quan trọng vì cung cấp đủ nước, chất dinh dưỡng và calo mà bé cần.
- Sữa cuối (hindmilk) là sữa tiết ra vào cuối cữ bú của bé. Sữa mẹ tiết ra vào cuối cữ bú thường đặc hơn do chứa nhiều chất béo. Sữa cuối đóng vai trò quan trọng đối với trẻ bú mẹ vì nguồn sữa này cho bé bú no và thúc đẩy tăng cân. Bạn có thể nhận thấy trẻ buồn ngủ và hài lòng khi bú đến sữa cuối.
Mặc dù sữa mẹ được chia thành sữa đầu và sữa cuối nhưng cần lưu ý rằng bầu vú của bạn không sản xuất hai loại sữa khác nhau. Trên thực tế, bạn không thể xác định được trẻ nhận được bao nhiêu chất béo trong suốt thời gian bú. Một số bé bú no chỉ trong 5 đến 10 phút bú mẹ trong khi những bé khác phải mất lâu hơn từ 20 – 30, thậm chí là 40 phút mới bú được lượng sữa tương tự. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên cho con bú theo nhu cầu và để bé tự quyết định bú trong bao lâu nhằm nhận được tất cả chất béo cần thiết.
Vì sao bé có nguy cơ bú sữa mẹ loãng? Một số vấn đề thường gặp đáng lưu ý
Như đã đề cập, sữa đầu thường có xu hướng loãng hơn sữa cuối trong quá trình cho bé bú. Vì vậy, nếu nhận thấy sữa mẹ trong và loãng hoặc trẻ có nguy cơ bú sữa mẹ loãng (bú sữa đầu nhiều), nguyên nhân có thể do một số sai lầm nào đó khiến bé không bú đến sữa cuối giàu chất béo và đặc hơn. Trong đó, các vấn đề phổ biến bao gồm:
Đổi sang vú khác quá nhanh trước khi con bú cạn hoàn toàn bầu sữa
Nếu bạn chủ động đổi sang bên vú khác quá nhanh trước khi trẻ bú hết ở bên vú đầu tiên, điều này đồng nghĩa rằng trẻ không nhận được sữa cuối từ bên vú mà trẻ đang bú. Thêm vào đó, em bé cũng có thể cảm thấy no trước khi kết thúc cữ bú ở bên vú thứ hai. Như vậy, tổng kết lại thì với cách cho bú này, trẻ chỉ nhận được sữa đầu loãng từ cả hai bên vú của bạn.
Khoảng thời gian giữa mỗi lần cho trẻ bú quá dài
Khi bạn kéo dài thời gian giữa mỗi lần cho con bú, ngực của bạn sẽ tiếp tục căng đầy. Nếu sữa mẹ được sản xuất vượt quá lượng bé có thể bú trong một lần, bé sẽ nhanh no và ngừng bú trước khi bú đến sữa cuối. Hơn nữa, khi sữa được tạo ra thì phần nước của sữa thường di chuyển xuống các ống dẫn về phía núm vú của bạn và trộn với lượng sữa còn lại ở đó từ lần cho bú gần nhất. Do vậy, thời gian giữa các lần cho bé bú càng dài thì lượng sữa đầu tiết ra càng loãng.
Sữa mẹ loãng do thời gian hút (vắt) sữa quá ngắn
Việc vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy hút sữa cũng tương tự như việc cho con bú. Một đợt hút (vắt) sữa quá ngắn và nhanh sẽ không thể giúp bạn nhận được sữa cuối, giàu chất béo và đặc hơn. Đây cũng là lý do mà bạn có thể nhận thấy sữa mẹ loãng sau khi hút ra.
Cơ thể sản xuất quá nhiều sữa mẹ
Những mẹ gặp khó khăn trong việc kích sữa về nhiều có thể ngưỡng mộ những mẹ có nhiều sữa cho con bú. Tuy nhiên, việc cơ thể sản xuất sữa mẹ quá nhiều cũng có thể gây ra những vấn đề riêng, chẳng hạn như khó chịu do căng tức ngực; bầu ngực được làm đầy quá nhanh thì khi cho con bú, việc làm trống hoàn toàn là rất khó và bé có thể không bú được sữa cuối cần thiết.
Trẻ bú sữa mẹ loãng có sao không?
Trẻ bú sữa mẹ loãng vẫn nhận được những dưỡng chất và nguồn năng lượng cần thiết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ít gặp hơn, nếu trẻ thường xuyên bú sữa đầu loãng và không có đủ thời gian bú đến sữa cuối, trẻ có thể phát triển một tình trạng gọi là quá tải đường lactose.
Thông thường, hầu hết em bé đều có thể tiêu hóa được lactose khi sữa chứa một lượng chất béo cân bằng. Bởi vì chất béo có thể giúp sữa đi qua đường ruột của trẻ chậm hơn nên sẽ có thời gian tiêu hóa lactose. Ngược lại, sữa loãng thường có ít chất béo và giàu lactose. Điều này khiến sữa di chuyển qua đường ruột nhanh hơn và không đủ thời gian để lactose trong sữa được tiêu hóa. Do đó, trẻ thường xuyên bú sữa loãng có thể bị quá tải đường sữa (lactose).
Các triệu chứng của tình trạng quá tải đường sữa thường giống như khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm đầy hơi, đau quặn bụng, trẻ đi ngoài phân màu xanh lá có bọt. Trẻ có thể quấy khóc nhiều hơn bình thường và xì hơi nhiều, đi ngoài với phân bắn tung tóe nhiều lần trong ngày.
Mách bạn cách giúp trẻ bú đủ sữa đầu và sữa cuối
Trẻ bú sữa mẹ loãng chủ yếu là do trẻ bú không hiệu quả, chỉ bú được sữa đầu. Do đó, bạn có thể tham khảo một vài lời khuyên sau đây để giúp trẻ bú đủ sữa đầu và sữa cuối nhằm nhận được đủ chất dinh dưỡng, tăng cân tốt và không bị quá tải lactose:
- Cho trẻ bú theo nhu cầu: Bạn nên cho trẻ bú bao lâu tùy thích ở mỗi bên vú để làm trống bầu ngực và đảm bảo rằng bé bú no, nhận đầy đủ chất béo cần thiết sau mỗi cữ bú.
- Cho bé bú thường xuyên: Khi cho con bú thường xuyên, bầu ngực của mẹ sẽ hạn chế tích tụ một lượng lớn sữa ít chất béo, giàu lactose.
- Kiểm tra khớp ngậm của trẻ: Việc ngậm núm vú sâu hơn có thể giúp bé kiểm soát dòng sữa tốt hơn, bú mẹ hiệu quả hơn.
- Tăng thêm thời gian mỗi lần hút sữa: Nếu nhận thấy sữa mẹ loãng và trong hoặc xanh nhạt, bạn hãy cố gắng tiếp tục hút sữa thêm vài phút để có thể hút được sữa cuối.
- Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh: Ngoài việc cho con bú đúng cách, mẹ cũng nên chú ý ăn uống đủ chất, sống lành mạnh, đặc biệt là cần bổ sung các thực phẩm giàu chất đạm, vitamin, chất xơ… để đảm bảo nguồn sữa nuôi con.
Có thể bạn quan tâm
Nhìn chung, mẹ không cần quá lo lắng nếu nhận thấy sữa mẹ loãng. Thực chất, sữa mẹ đặc hay loãng đều không làm thay đổi quá nhiều thành phần của sữa mẹ nên khi cho con bú, trẻ vẫn được những dưỡng chất cần thiết. Điều quan trọng là bạn cần đảm bảo trẻ bú mẹ hiệu quả, bú được sữa đầu và sữa cuối để phát triển tốt nhất nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]