Khi mang thai, phụ nữ được khuyên rằng nên hạn chế ăn sushi để tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe của bản thân và bé yêu trong bụng. Vậy, khi đã sinh con và đang cho con bú, mẹ có thể ăn sushi được không?
Hương thơm của cơm nắm, mùi vị kích thích của các loại nước sốt và sự tươi ngon của các loại hải sản… chính là những điều làm nên sự lôi cuốn của sushi. Điều này khiến các bà mẹ sau sinh khó cưỡng lại trước món ăn hấp dẫn này. Nhưng liệu mẹ cho con bú ăn sushi được không? Mời bạn tham khảo những thông tin trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để có được câu trả lời.
Mẹ cho con bú ăn sushi được không, có an toàn không?
Mẹ ăn sushi khi đang con con bú có thể vẫn an toàn cho cả mẹ và bé, miễn là các chị em ăn ở nhà hàng uy tín, đảm bảo sử dụng nguyên liệu chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực tế, câu hỏi cho con bú ăn sushi được không còn xuất phát từ nỗi lo rằng việc ăn hải sản sống có thể gây hại cho sức khỏe của bé bú mẹ. Để giải đáp, ta cần hiểu rõ rằng, khi mang thai phụ nữ cần tránh ăn cá sống vì vi khuẩn và ký sinh trùng có thể qua được nhau thai và gây nguy hiểm cho thai nhi. Còn khi mẹ cho con bú ăn thực phẩm tươi sống thì những tác nhân này không truyền qua sữa mẹ.
Tuy nhiên, nếu hải sản không tươi, việc chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của mẹ, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ.
Ngoài ra, phụ nữ đang cho con bú nên tránh ăn bất kỳ loại cá nào chứa hàm lượng thủy ngân cao, bất kể đó là cá sống hay cá đã được nấu chín. Nguyên nhân là vì thủy ngân có thể truyền từ mẹ sang bé qua sữa mẹ và nếu với lượng lớn có thể gây ngộ độc thủy ngân cho trẻ nhỏ.
Tóm lại
Mẹ cho con bú ăn sushi có được lợi ích gì không?
Như vậy là bạn đã biết được mẹ cho con bú ăn sushi được không. Việc ăn sushi có thể có lợi cho những phụ nữ đang cho con bú, vì cá và hải sản nói chung là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Dưới đây là những lợi ích khi mẹ ăn sushi trong giai đoạn cho con bú:
- Bổ sung axit béo omega-3: Axit béo omega-3 được tìm thấy trong nhiều loại cá béo, góp phần phát triển trí não, mắt và hệ thần kinh của em bé.
- Cung cấp thêm vi chất dinh dưỡng: Cá và hải sản trong sushi chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các vi chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn như vitamin B12, vitamin D, sắt, canxi, protein nạc… Những dưỡng chất này giúp bé phát triển toàn diện, đồng thời hỗ trợ tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Cân bằng chế độ dinh dưỡng: Sushi không chỉ có cá, mà còn có thể có cơm cũng như các loại rau như dưa chuột, cà rốt, bơ và nấm đông cô… Tất cả những thực phẩm này đều góp phần tạo nên một chế độ ăn uống cân bằng với tinh bột, protein nạc và chất xơ, giúp các chị em nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Bổ sung i ốt: Sushi cũng thường đi kèm với rong biển khô, một nguồn cung cấp i ốt tốt. I ốt rất quan trọng đối với chức năng của tuyến giáp, nơi sản sinh ra các hormone hỗ trợ cho sự tăng trưởng của cơ thể và sự hình thành và phát triển não bộ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trên thực tế, phụ nữ nuôi con bú cần nhiều i ốt hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong đời.
Mẹ cho con bú ăn sushi có thể có những rủi ro nào?
Để hiểu rõ vì sao câu trả lời của vấn đề “Mẹ cho con bú ăn sushi được không?” còn cần kèm theo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc nguyên liệu. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những rủi ro mà việc ăn sushi có thể gây ra cho phụ nữ trong giai đoạn cho con bú:
1. Ngộ độc thực phẩm
Nếu các nguyên liệu làm nên sushi không được tươi ngon, mà còn bị nhiễm virus, vi khuẩn hoặc chất độc, thì các chị em ăn phải có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
Mặc dù các vi trùng này không thể truyền cho bé bú mẹ thông qua sữa mẹ, nhưng ngộ độc thực phẩm có thể gây tiêu chảy, nôn mửa, khiến mẹ cho con bú cảm thấy mệt mỏi, sức khỏe tổng thể bị sa sút.
Không những thế, các triệu chứng ngộ độc thực phẩm còn có thể dẫn đến mất nước, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sản xuất sữa mẹ, làm giảm lượng sữa mẹ hay thậm chí gây mất sữa.
2. Bệnh toxoplasmosis
Phụ nữ cho con bú ăn sushi được không nếu sushi có thể là nguyên nhân lây nhiễm bệnh toxoplasmosis? Toxoplasmosis là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi ký sinh trùng thường được tìm thấy trong thịt cá sống hoặc nấu chưa chín kỹ. Phụ nữ mang thai bị bệnh toxoplasmosis có thể gặp phải các biến chứng thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu hoặc các vấn đề sức khỏe cho em bé, bao gồm mù lòa hoặc các vấn đề về nhận thức…
Hiện nay, chưa có bằng chứng cho thấy bệnh có thể lây truyền qua sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu người mẹ bị bệnh toxoplasmosis, sức khỏe tổng thể sẽ bị ảnh hưởng, thường bị sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau bụng… Không những thế, ở những phụ nữ bị suy yếu miễn dịch, bệnh toxoplasmosis có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, gây liệt nhẹ, thay đổi tâm thần… Tất cả những điều này có thể tác động tiêu cực gián tiếp đến việc nuôi con bằng sữa mẹ.
3. Cho con bú ăn sushi được không nếu có nguy cơ nhiễm Listeria?
Một trong những rủi ro chính của việc ăn sushi sống là nguy cơ mắc bệnh do thực phẩm như bệnh listeriosis do vi khuẩn Listeria monocytogenes gây ra.
Mặc dù Listeria không thể truyền qua sữa mẹ, nhưng có thể khiến các mẹ bỉm bị đau bụng, tiêu chảy, sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn mửa. Điều này có thể gây mất nước và ảnh hưởng đến chất lượng cũng như số lượng sữa mẹ.
4. Lây nhiễm chéo
Một nguy cơ khác liên quan đến việc ăn sushi là bị lây nhiễm chéo. Lây nhiễm chéo xảy ra khi đầu bếp dùng chung dụng cụ để chế biến thực phẩm chín và thực phẩm sống.
Tình trạng này khiến cho các mẹ dù đã gọi sushi cá chín vẫn có nguy cơ bị bệnh do vi khuẩn và mầm bệnh từ cá sống không đảm bảo chất lượng lây nhiễm qua.
5. Cho con bú ăn sushi được không nếu có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân?
Mặc dù cá vẫn là một nguồn cung cấp protein và omega-3 tuyệt vời, nhưng phụ nữ cho con bú cần phải cẩn trọng với nguy cơ ngộ độc thủy ngân cho trẻ nhỏ. Hầu hết các loại cá đều chứa một lượng thủy ngân nhất định.
Khi người mẹ ăn cá, thủy ngân trong cá có thể thông qua sữa mẹ và truyền cho bé với một lượng nhỏ hơn. Mặc dù chỉ với một liều lượng nhỏ, nhưng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất nhạy cảm với thủy ngân. Thủy ngân có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh khi mẹ bị ngộ độc trong lúc mang thai… Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ cho con bú nên giảm tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều thủy ngân.
Mẹ nuôi con bú, ăn sushi sao cho an toàn?
Đến đây, chắc hẳn là bạn không còn thắc mắc mẹ cho con bú ăn sushi được không. Có thể thấy, việc ăn sushi trong giai đoạn cho con bú vừa mang lại nhiều lợi ích, vừa đối mặt với những nguy cơ nhất định.
Vì vậy, để bảo đảm an toàn khi ăn sushi trong giai đoạn cho con bú, các chị em nên tuân thủ những điều sau:
- Rửa sạch tất cả vật dụng được sử dụng trong quá trình chuyển đổi giữa thực phẩm tươi sống sang thực phẩm ăn liền, trước và sau khi sử dụng.
- Rửa tay trước và sau khi chạm vào cá sống hoặc thịt sống và trước khi ăn sushi.
- Ưu tiên ăn sushi với các nguyên liệu được nấu chín.
- Rửa sạch rau củ quả sống trước khi ăn.
- Bảo quản hải sản đúng cách và theo dõi ngày và giờ của các đồ làm lạnh.
- Giữ tủ lạnh sạch sẽ và luôn luôn duy trì nhiệt độ của tủ lạnh ở 4 độ C hoặc thấp hơn.
- Nếu ăn sushi mua ngoài, hãy chắc chắn rằng nhà hàng mà bạn chọn mua sushi chế biến món ăn hợp vệ sinh.
- Không ăn hoặc hạn chế ăn những loại cá nhiều thủy ngân sau: cá mập, cá kiếm, cá thu vua, cá ngói, cá cờ, cá ngừ mắt to, cá ngừ Albacore…
- Nếu vẫn còn băn khoăn mẹ cho con bú ăn sushi được không nếu có nguy cơ bị nhiễm độc thủy ngân khi ăn sushi cá, nhất là cá sống, hãy lựa chọn những loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp như: cá thu Đại Tây Dương, cá vược đen, cá tuyết, cá bơn, cá trích, cá hồi…
- Ngoài ra, phụ nữ đang cho con bú nếu muốn ăn sushi có thể lựa chọn sushi tôm, cua, hàu, sò, bạch tuộc, lươn nấu chín… hay thậm chí là sushi chay để hạn chế nguy cơ ngộ độc thủy ngân.
Cách chế biến sushi an toàn cho các bà mẹ đang cho con bú
Sau khi giải đáp thắc mắc mẹ cho con bú ăn sushi được không, Hello Bacsi muốn giới thiệu cho bạn 2 công thức chế biến sushi tại nhà, vừa ngon miệng đẹp mắt, vừa đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
1. Sushi cá hồi
Thời gian chuẩn bị: 30 phút
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 500g cá hồi
- Ớt tươi (ớt cay hoặc ớt không cay, tùy khẩu vị)
- Wasabi
- Cơm làm sushi
Cách làm:
- Bước 1: Cắt cá hồi thành từng miếng nhỏ, mỗi miếng khoảng 20g.
- Bước 2: Nắm cơm thành từng miếng nhỏ hình chữ nhật vừa ăn.
- Bước 3: Đặt miếng cá trên đầu ngón tay trái, sau đó rải wasabi và đặt lên cơm.
- Bước 4: Gấp các cạnh của miếng thịt cá hồi sao cho vừa vặn với miếng cơm.
2. Sushi dành cho người ăn chay
Thời gian chuẩn bị: 40 phút
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Cơm nấu chín
- 1 muỗng canh giấm gạo nguyên chất
- 1 miếng rong biển nori nướng (18 x 20 cm)
- 1 muỗng mè rang
- Dưa chuột bỏ ruột, cắt cọng nhỏ, dài
- Cà rốt gọt vỏ, cắt cọng nhỏ, dài
- Quả bơ chín đã được cắt thành lát mỏng
- Nước tương
- Gừng hồng ngâm
- Nước lọc
Cách làm:
- Bước 1: Cho hai muỗng canh nước và giấm vào tô.
- Bước 2: Trải miếng tre cuộn sushi và đặt một miếng rong biển nori vào.
- Bước 3: Trải cơm lên miếng rong biển và rắc mè lên.
- Bước 4: Sắp xếp cà rốt, dưa chuột và bơ lên cơm.
- Bước 5: Lăn miếng tre cuộn sushi lại.
- Bước 6: Sử dụng hỗn hợp nước và giấm để làm ẩm cạnh ngoài của miếng rong biển rồi bịt kín mép cuộn sushi lại
- Bước 7: Cắt mỗi cuộn thành những phần bằng nhau vừa ăn và thưởng thức.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ mẹ cho con bú ăn sushi được không, từ đó có những quyết định về dinh dưỡng trong thời gian cho con bú hợp lý.
[embed-health-tool-vaccination-tool]