backup og meta

Sự phát triển của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi và cách chăm sóc bé yêu

Sự phát triển của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi và cách chăm sóc bé yêu

Một tuần đầu sau khi sinh là giai đoạn đầu tiên khi trẻ thay đổi môi trường sống, không còn nằm trong bụng mẹ nữa. Lúc này, trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi có nhiều thay đổi và bắt đầu tập thích nghi với thế giới mới.

Sau khoảng thời gian mang thai vất vả, cuối cùng cũng đến ngày bạn được gặp mặt đứa con bé bỏng của mình. Bên cạnh niềm hạnh phúc khó tả, bạn chắc hẳn cũng lo lắng không biết trong những ngày đầu tiên sau khi chào đời bé con sẽ có những thay đổi gì.

Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi sẽ dùng khoảng thời gian này để thích ứng với môi trường sống mới. Thế giới bên ngoài rất khác so với lúc còn trong bụng mẹ. Nó có nhiều ánh sáng hơn, nhiệt độ có thể thay đổi và cũng ồn ào hơn. Do đó, hãy giúp bé làm quen với thế giới bằng sự ấm áp, tình yêu thương, sự bảo vệ, sự quan tâm cùng với các cử chỉ âu yếm và những nụ cười.

Những thay đổi ở trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

1. Vẻ ngoài của trẻ sơ sinh 7 ngày tuổi

Vẻ bề ngoài của con sẽ thay đổi trong 1 tuần đầu tiên này. Đầu của bé có thể hơi có hình nón, không tròn khi sinh ra qua ngả âm đạo hoặc do tác động từ các thủ thuật hỗ trợ sinh sản (giác hút, kẹp forceps). Đừng lo lắng, dần dần đầu bé sẽ tròn dần về hình dạng bình thường.

Nếu bé bị sưng tấy xung quanh mặt và mắt, vài ngày sau tình trạng đó sẽ giảm bớt. Tương tự, các vết bầm tím xuất hiện ở mặt hoặc đầu do bị tác động ngoại lực khi sinh cũng sẽ mất dần. Tuy nhiên, trẻ có các vết bầm tím, nhất là các ổ tụ máu lớn thường có nguy cơ bị vàng da sơ sinh. Nếu nghi ngờ con mình bị vàng da sơ sinh, hãy thông báo cho bác sĩ biết.

Một hoặc nhiều vết bớt cũng có thể xuất hiện trên người trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi, nó có thể có ngay khi sinh ra hoặc xuất hiện sau sinh vài ngày. Các bớt này khá phổ biến và lành tính không cần chăm sóc y tế đặc biệt. Thế nhưng, nếu bạn lo lắng về chúng hoặc bạn nhận thấy sự bất thường, hãy nhờ bác sĩ hoặc y tá kiểm tra chúng.

2. Các chỉ số của bé 1 tuần tuổi

Trong một vài ngày đầu sau khi sinh, cân nặng của trẻ có thể giảm nhẹ. Hầu như mọi đứa trẻ sau khi xuất viện về nhà đều nhẹ cân hơn lúc được sinh ra. Mức trọng lượng của con thường giảm đi khoảng 10% trong vài ngày đầu tiên so với lúc sinh ra và trở lại cân nặng ban đầu trong vòng 10-14 ngày sau sinh (nếu trẻ giảm hơn 10% so với cân nặng lúc sinh, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn). Sau đó, trẻ sẽ bắt đầu tăng cân nhanh, khoảng 140-210g mỗi tuần trong vài tháng đầu đời.

Trong tuần đầu tiên, trẻ cũng được bác sĩ hẹn thăm khám để đánh giá con, cũng như đưa ra hướng dẫn cho cha mẹ. Trong đó có đo chu vi vòng đầu để đánh giá sự phát triển của não bộ. Trung bình, chu vi vòng đầu ở trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi khoảng 34,6 cm ở bé gái và 35,2cm ở bé trai.

Sự phát triển của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

Khi được 1 tuần tuổi, trẻ sẽ bắt đầu phát triển các giác quan và hoàn thiện một số bản năng để thích ứng với môi trường sống bên ngoài bụng mẹ. Con sẽ bắt đầu học cách bú, tiêu hóa sữa và thiết lập hệ miễn dịch cùng hệ vi sinh vật đường ruột.

  • Thị giác: Tầm nhìn của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi chỉ tập trung được trong khoảng cách gần khoảng 20-30cm, bằng khoảng cách trẻ đang bú nhìn lên mặt mẹ.
  • Khứu giác: Một điều bạn cần biết là trẻ sơ sinh sẽ thở theo cách của riêng chúng. Vào khoảng 1 tuần tuổi, nhịp thở của trẻ sẽ thường không đều với những cơn ngưng thở ngắn không quá 15 giây là hoàn toàn bình thường, nhất là lúc ngủ. Điều này không phải là vấn đề nghiêm trọng nên mẹ đừng lo lắng.
  • Xúc giác và phản xạ: Thời điểm này, trẻ vẫn chủ yếu phản ứng dựa vào khứu giác và xúc giác nên bạn cần cố gắng tiếp xúc da kề da càng nhiều càng tốt. Bạn cũng nhận thấy một số phản xạ từ trẻ như giật mình khi có tiếng động lớn hay run người, giật người khi đang ngủ, tất cả là những phản xạ bình thường.
  • Kỹ năng vận động: Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi cũng có khả năng nâng nhẹ đầu lên khi đặt nằm sấp. Tuy nhiên, trẻ vẫn chưa đủ khả năng kiểm soát đầu tốt và luôn cần có sự hỗ trợ của bạn.
  • Giao tiếp: Bạn có thể giao tiếp với trẻ trong thời gian này bằng giọng nói, cử chỉ tiếp xúc, thị giác và khứu giác. Chạm nhẹ nhàng vào người trẻ, âu yếm, mỉm cười và nhìn chúng trìu mến sẽ giúp truyền đạt tình yêu thương cũng như suy nghĩ của bạn. Việc này cũng giúp trẻ cảm thấy an toàn và yên tâm khi ở cạnh bạn. Đồng thời, bạn cũng sẽ biết cách bé tương tác với mình qua các tín hiệu và ngôn ngữ cơ thể của bé.

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

1. Chăm sóc rốn

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo ba mẹ và người chăm sóc trẻ nên để rốn của trẻ khô, thoáng và tiếp xúc nhiều nhất với không khí có thể. Cuống rốn của trẻ sơ sinh sẽ khô lại dần, chuyển sang màu đen và tự rụng trong khoảng 7-10 ngày. 

Nếu vùng da xung quanh rốn có màu đỏ, sưng nề, hoặc con có vẻ có cảm giác đau và khó chịu, hãy thông báo với bác sĩ.

2. Tắm cho trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

Bạn cần tắm cho trẻ cẩn thận, tránh làm ướt vùng rốn. Trước tiên, bạn dùng sữa tắm xoa nhẹ nhàng lên người trẻ rồi sau đó dùng nước ấm làm sạch lại cơ thể, không nên dùng nước lá cây tắm cho bé vì nguy cơ dị ứng.

Có thể bạn cũng để ý thấy một lớp sáp trắng (hay còn gọi là chất gây) bao phủ người bé sơ sinh. Nó giúp bảo vệ làn da của trẻ khi còn trong bụng mẹ và nó hoàn toàn tự nhiên. Nếu muốn, bạn có thể lau sạch nhẹ nhàng lớp sáp này đi, nhưng không cần phải cố gắng để loại bỏ nó ngay lập tức sau sinh.

Ngoài ra, da trẻ có thể bị khô và nứt nẻ trong khoảng thời gian này. Tuy vậy, đó là một tình trạng thường gặp do thay đổi môi trường khác với trong bụng mẹ và hoàn toàn không gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

3. Thay tã lót cho trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

Trong vài ngày đầu tiên sau sinh, trẻ sẽ đi ngoài ra phân su (đây là hỗn hợp gồm các tế bào da, chất nhầy và các chất khác bé hấp thu trong khi còn trong bụng mẹ) có màu sẫm, khá dính và nhìn giống nhựa đường. Do đó, khi thay tã thường khó làm vệ sinh sạch nó đi nhưng điều đó rất bình thường.

Khi 5-7 ngày tuổi, trẻ sẽ cần được thay tã nhiều hơn, ít nhất khoảng  6 cái bỉm ướt mỗi ngày và đi bé ngoài ra phân loãng màu vàng khoảng 3-4 lần mỗi ngày. Phân của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi được bú mẹ hoàn toàn sẽ có màu sắc thay đổi từ vàng tươi đến xanh lá.

4. Cắt móng tay

Việc cắt bớt móng tay nếu móng quá dài rất cần thiết để ngăn ngừa trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi vô tình tự cào xước da mặt hoặc làm trầy mắt. Bạn có thể dùng bấm cắt móng tay cho trẻ nhỏ để cắt tỉa móng tay cho trẻ.

Nếu trẻ cựa quậy nhiều, bạn sẽ cần thêm người trợ giúp để giữ trẻ ở yên không cử động trong lúc cắt móng tay/chân.

5. Vỗ ợ hơi

Bạn nên để cho trẻ ợ hơi sau mỗi lần bú để tránh bị đầy hơi và quấy khóc. Trẻ bú sữa mẹ thường không cần ợ hơi nhiều như trẻ bú bình vì không bị nuốt nhiều không khí trong khi bú. Dù vậy, mỗi đứa trẻ đều khác nhau và bạn cần chú ý theo dõi thói quen ợ hơi của chính con bạn. Nếu thấy trẻ quấy khóc hoặc khó chịu sau khi ăn, có thể đã đến lúc chúng cần ợ hơi rối đấy!

Nếu bạn gặp khó khăn khi cố gắng giúp trẻ ợ, hãy thử thay đổi tư thế bế trẻ. Ví dụ, bạn có thể thử bế trẻ cho dựa vào vai hoặc chuyển sang tư thế thẳng người hay cho bé ngồi thẳng để ợ hơi.

6. Dỗ trẻ quấy khóc

Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi quấy khóc có thể vì các lý do sau:

  • Đói bụng
  • Tã bị ướt hoặc bẩn
  • Cảm thấy quá nóng hoặc lạnh
  • Muốn bạn dỗ dành, âu yếm

Nếu thấy trẻ quấy khóc, bạn có thể thử cho bú, kiểm tra tã hoặc bế trẻ và vỗ về, nói chuyện nhẹ nhàng, hát ru hoặc mát xa giúp trẻ thư giãn. Trẻ sơ sinh khóc nhiều là điều bình thường và bạn cần thấu hiểu điều đó, hãy dỗ dành trẻ. Tuyệt đối không đung đưa mạnh trẻ, có thể làm chấn thương não của của bé.

Lưu ý

Bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy các bất thường như:
  • Tiếng khóc có âm sắc cao (như tiếng mèo)
  • Tiếng khóc yếu ớt hoặc như đang rên rỉ
  • Khóc liên tục trong thời gian dài.

7. Giấc ngủ của trẻ

Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi sẽ ngủ rất nhiều và không phải luôn ngủ vào ban đêm như bạn mong muốn. Trẻ vẫn đang học cách thích nghi với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ nên bạn hãy cứ để trẻ ngủ khi chúng muốn. Nếu muốn rèn con tự ngủ, hãy đợi thời gian sau. Lúc này, bạn cũng nên tập cách tranh thủ ngủ vào lúc con ngủ để bạn có thể nghỉ ngơi được nhiều hơn.

Trẻ sơ sinh thường ngủ khoảng 14-17 giờ mỗi ngày. Cách vài giờ, trẻ sẽ thức dậy và đòi bú vì dạ dày còn rất nhỏ chưa chứa được nhiều sữa nên chúng cần ăn nhiều bữa trong ngày. Lưu ý, bạn có thể cần phải đánh thức trẻ dậy để cho bú trong một số trường hợp, như trẻ bị sụt cân nhiều, nhẹ cân hoặc bị vàng da.

Một số lưu ý khác khi cho trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi ngủ

  • Không để trẻ ngủ chung giường với người lớn hoặc trẻ lớn.
  • Nhưng hãy để con ở chung phòng trong ít nhất 6 tháng đầu, trẻ được đặt nằm trong nôi hoặc cũi gần với giường của mẹ.
  • Luôn để trẻ nằm ngửa khi ngủ trên bề mặt phẳng, chắc chắn, không nằm nghiêng hay nằm sấp.
  • Không nên để bất cứ đồ vật nào trong nôi/cũi, kể cả vật dụng mềm như đồ chơi, gối…
  • Quấn kén cho trẻ khi ngủ có thể giúp con dễ ngủ, ngủ sâu và có cảm giác vỗ về, dễ chịu.

Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi ăn bao nhiêu là đủ?

Mỗi đứa trẻ đều không giống nhau, kể cả việc ăn hay bú. Một số trẻ có thể bú nhiều lần trong ngày nhưng cũng có nhiều trẻ bú mỗi lần nhiều và lâu hơn, thời gian giữa các lần bú cũng cách xa hơn. Tùy vào kích thước của dạ dày, mỗi trẻ sẽ bú một lượng sữa khác nhau trong một lần.

Hầu hết trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi cần được cho bú khoảng 2-3 giờ/lần, hoặc 8-12 lần/ngày. Thông thường, trẻ mới sinh chỉ bú được khoảng 15ml sữa/lần trong khoảng 2 ngày đầu tiên. Sau đó, lượng sữa mỗi lần bú có thể tăng lên 30-60ml/lần.

Khi ăn đủ lượng cơ thể cần, trẻ thường khá ngoan, không quấy khóc. Tuy nhiên, trẻ có thể háo ăn quá mức, nhất là ở các bé bú bình. Nếu bú quá nhiều, trẻ có thể bị đau dạ dày, đầy hơi, nôn và có nguy cơ béo phì sau này. Bạn cần theo dõi một thời gian để biết được lúc nào trẻ đã ăn đủ lượng cần thiết, có thể nhờ vào việc quan sát lượng tã thay mỗi ngày.

Dựa vào số lượng bỉm cần thay, bạn có thể nhận biết trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi ăn đủ hay không. Trong những ngày đầu, bé thường tiểu ít, chỉ có 2-3 bỉm ướt mỗi ngày, sau đó trẻ sẽ đi nhiều hơn khoảng 1-3 giờ một lần hoặc ít nhất là 4 – 6h một lần tiểu ướt bỉm. Tần suất đi ngoài thường thay đổi nhiều và phụ thuộc vào việc trẻ bú mẹ hay bú sữa công thức.

Một số vấn đề sức khỏe cần chú ý ở trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

1. Dính mắt

Trẻ sơ sinh thường bị dính hoặc chảy dịch ở mắt trong vài tuần đầu tiên. Nguyên nhân thường là do bị tắc ống dẫn lệ. Đừng quá lo lắng, vấn đề này thường tự hết nhưng bạn nên nhẹ nhàng làm sạch mắt cũng như massage vùng khóe mắt cho trẻ để tình trạng này cải thiện nhanh hơn. Hãy đảm bảo rửa tay sạch sẽ trước khi bạn massage cho con.

2. Phát ban

Trẻ sơ sinh có thể bị phát ban nhiều loại nhưng thường không nghiêm trọng. Nếu bạn cảm thấy lo lắng về tình trạng phát ban, hãy liên hệ bác sĩ để được kiểm tra.

3. Tiêm chủng

Trong 1 tuần tuổi, trẻ sẽ được tiêm vắc xin phòng bệnh lao và vắc xin viêm gan B (mũi tiêm phòng đầu tiên). Các loại vắc xin này được tiêm rất sớm để bảo vệ trẻ khỏi nhiễm bệnh từ thành viên trong gia đình, những người có thể không biết mình có mầm bệnh. Và dĩ nhiên, vaccine phòng ngừa viêm gan B và lao là an toàn cho trẻ sơ sinh.

Những dấu hiệu trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi đang gặp nguy hiểm

Trẻ sơ sinh rất dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng do sinh nở hoặc chăm sóc, một số dấu hiệu nguy hiểm cha mẹ cần phải cho trẻ đi khám gấp như:

  • Thở rít khi nằm
  • Li bì khó đánh thức
  • Bú kém hoặc bỏ bú
  • Co giật
  • Khò khè
  • Sốt hoặc hạ nhiệt độ

Một số dấu hiệu nặng khác như da xanh tím, thở rên hoặc tiểu dưới 4 lần/ngày cũng có thể gợi ý bệnh nghiêm trọng.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được lịch sinh hoạt của trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi cũng như cách chăm sóc bé 7 ngày tuổi.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Child development (1) – newborn to three months https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/child-development-1-newborn-to-three-months Ngày truy cập: 17/11/2023

How Often and How Much Should Your Baby Eat? https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/feeding-nutrition/Pages/How-Often-and-How-Much-Should-Your-Baby-Eat.aspx. Ngày truy cập 19/8/2021.

Learning, Play, and Your Newborn https://kidshealth.org/en/parents/learnnewborn.html

Ngày truy cập 19/8/2021.

Infant development: Birth to 3 months https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/infant-development/art-20048012 Ngày truy cập 19/8/2021.

Your newborn’s first week: what to expect. https://raisingchildren.net.au/pregnancy/labour-birth/first-week-of-life/newborns-first-week. Ngày truy cập 19/8/2021.

Baby’s first days: Bowel movements and urination. https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/Pages/Babys-First-Days-Bowel-Movements-and-Urination.aspx  Ngày truy cập 29/8/2021

Games for Your 1 Week Old Baby https://pathways.org/watch/1-week-old-games/ Ngày truy cập 19/8/2021.

Your 1-Week-Old Baby’s Development. https://www.verywellfamily.com/your-one-week-old-baby-development-and-milestones-4169487. Ngày truy cập 19/8/2021.

Phiên bản hiện tại

17/11/2023

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Văn Đồng

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Văn Đồng

Nhi khoa · Bệnh Viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 17/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo