backup og meta

Bé 8 tuần tuổi: Mẹ cần quan tâm đến những vấn đề sức khỏe nào?

Bé 8 tuần tuổi: Mẹ cần quan tâm đến những vấn đề sức khỏe nào?

Em bé 8 tuần tuổi (2 tháng) đã có thể học hỏi với tốc độ rất nhanh và làm nhiều điều hơn là chỉ bú, ngủ và khóc. Lúc này, bé cưng của bạn đã bắt đầu thức với thời gian dài hơn so với lúc mới sinh. Vì vậy mà ba mẹ có thể trò chuyện, chơi cùng bé nhiều hơn để con phát triển tốt nhất.

Nếu bạn quan tâm bé 8 tuần thường phát triển như thế nào? Cần lưu ý gì về sức khỏe của bé và cách nuôi con giai đoạn này? thì có thể tham khảo thông tin trong bài viết sau của Hello Bacsi!

Hành vi và phát triển

Bé phát triển như thế nào?

Giai đoạn này, kích thước não của bé sẽ tăng dần lên. Trong ba tháng đầu tiên, não bé có thể tăng khoảng 5 cm.

Khi trẻ được 8 tuần tuổi, các bé có thể:

  • Có phần cổ cứng cáp hơn, trẻ có thể nâng đầu và di chuyển đầu khi nằm sấp;
  • Giữ đầu ở nguyên vị trí khi được đặt ngồi thẳng;
  • Bé phát hiện ra có thể cử động bàn tay và ngón tay của mình nên sẽ mở rộng bàn tay để tập cầm nắm nhiều hơn hoặc nắm hai bàn tay lại với nhau;
  • Trở nên yên lặng đến mức kỳ quặc. Thực ra đây chính là lúc bé đang quan sát và học hỏi.

Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé 8 tuần tuổi?

Đây là thời gian quan trọng để bé học hỏi, vậy nên bạn hãy sử dụng những khoảng thời gian bé im lặng để làm quen với bé: hãy giao tiếp, nói chuyện, hát cho bé nghe, mô tả những hình ảnh trên sách báo với bé mọi lúc mọi nơi. Bạn cũng có thể nói với bé những câu âu yếm khi đang thay tã cho bé, cho bé bú. Đó chính là cách tốt nhất để bạn hỗ trợ bé phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, thính giác và thị giác.

Có thể bạn quan tâm: Khám phá ngay sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi

Sức khỏe và an toàn

sức khỏe bé 8 tuần

Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ khi chăm sóc em bé 8 tuần tuổi?

Khi đi khám và kiểm tra thể chất, bác sĩ hoặc y tá sẽ kiểm tra các vấn đề sau:

  • Kiểm tra tim bé bằng ống nghe và kiểm tra nhịp tim bằng mắt thường thông qua quan sát thành ngực khi bé hít thở.
  • Kiểm tra bụng của bé bằng cách sờ nắn để tìm các dấu hiệu bất thường nào ở khớp hông. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra bé có bị sai khớp hay không bằng cách thử xoay chân bé.
  • Kiểm tra tay và cánh tay, chân và bàn chân để xem chúng có phát triển và chuyển động bình thường hay không.
  • Kiểm tra lưng và cột sống để tìm kiếm dấu hiệu bất thường ở khu vực này khi em bé được 8 tuần tuổi.
  • Kiểm tra phản xạ và mắt của bé bằng kính soi hoặc bút chiếu sáng, kiểm tra chức năng dẫn truyền âm thanh của tai bằng ống soi tai, đồng thời xem xét màu sắc, chất lỏng và chuyển động của tai bé để giác quan của bé phát triển tốt.
  • Kiểm tra mũi bằng ống soi. Cụ thể, bác sĩ sẽ kiểm tra màu sắc và tình trạng chất nhầy màng mũi.
  • Kiểm tra vùng miệng và họng để xem xét các màu sắc, vết loét trên vùng miệng và cổ họng.
  • Xem xét khả năng cử động ở cổ, tuyến giáp và kích thước của hạch bạch huyết (các hạch bạch huyết thường nổi rõ hơn ở trẻ nhỏ và đây là điều hết sức bình thường).
  • Kiểm tra nách bằng cách xem xét các tuyến bạch huyết có bị sưng lên hay không.
  • Kiểm tra các điểm mềm trên đầu bé bằng cách sờ nắn vùng đầu.
  • Kiểm tra hô hấp và chức năng hô hấp cuả bé bằng cách quan sát, dùng ống nghe hoặc siêu âm ngực và lưng.
  • Kiểm tra các cơ quan sinh dục của em bé 8 tuần tuổi để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường; hậu môn có vết nứt hoặc rạn hay không.
  • Kiểm tra vết lành dây rốn và thực hiện cắt bao quy đầu (nếu có).
  • Kiểm tra da bằng cách kiểm tra sắc tố da, vết hăm tã, vết bớt trên da.
  • Kiểm tra sự di chuyển và hành vi, khả năng tiếp xúc với người khác của bé.

Mẹ nên biết thêm những gì?

Sau đây là một số vấn đề bạn cần biết khi chăm sóc bé trong giai đoạn trẻ được 8 tuần tuổi:

Cắt bao quy đầu

bé 8 tuần cắt bao quy đầu

Ở giai đoạn này, bé trai 8 tuần có thể được chỉ định cắt bao quy đầu. Đừng quá lo lắng nếu con bạn tỏ ra đau nhức hoặc chảy một chút máu sau cắt bao quy đầu. Bạn nên lót cho bé hai tã cùng một lúc trong những ngày đầu sau khi cắt bao quy đầu để hạn chế sự tiếp xúc và tác động ở đùi bé đến dương vật. Bạn cũng có thể sử dụng băng gạc sạch có thấm thuốc mỡ để băng dương vật. Bạn cũng cần chú ý luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé và tránh để dương vật tiếp xúc với nước khi tắm cho bé cho đến khi vết thương lành hẳn.

Nấc

Trong một số trường hợp, bé bị nấc khi mới sinh ra – điều này có nghĩa là bé đã nấc khi còn trong bụng mẹ. Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân gây nấc là do phản xạ của bé. Một lý thuyết khác cho rằng khi bú, bé có thể nuốt quá nhiều không khí, điều này có thể gây đầy bụng, từ đó dẫn đến tình trạng nấc. Tuy nhiên, mẹ yên tâm rằng đa phần các bé sẽ không cảm thấy khó chịu khi bị nấc.

Hắt hơi

Khi sinh ra, bé thường vẫn còn chất nhầy dư thừa và nước ối trong đường hô hấp. Hắt hơi thường xuyên sẽ giúp trẻ sơ sinh loại bỏ các chất kể trên cùng các tạp chất từ môi trường bên ngoài xâm nhập qua đường mũi.Cơ chế này cũng giống như việc người lớn hít phải mùi hạt tiêu và muốn hắt hơi. Bé cũng có thể hắt hơi khi tiếp xúc với ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng mặt trời.

Mắt của bé

Đừng quá hoảng hốt khi bạn nhận ra mắt của bé trông hơi lệch. Trên thực tế trong nhiều trường hợp, da bị gấp nếp ở các góc bên trong mắt cũng sẽ làm cho mắt bé trông hơi lệch. Khi bé lớn hơn, các nếp gấp sẽ mất đi và mắt bé bắt đầu đều nhau hơn. Nếu bạn vẫn cảm thấy lo lắng, hãy chia sẻ điều này với bác sĩ để được tư vấn chu đáo hơn.

đôi mắt bé 8 tuần tuổi

Trong những 8 tuần đầu đời, bạn sẽ nhận thấy rằng đôi mắt bé chuyển động ngẫu nhiên và không tập trung nhìn vào một vật cụ thể. Điều này chứng tỏ bé vẫn còn đang làm quen cách sử dụng mắt và đang luyện tập cơ mắt. Tuy nhiên trước khi bé tròn ba tháng tuổi, thị giác và nhận thức của bé sẽ được cải thiện hơn. Nếu bạn nhận thấy thị giác của bé không phát triển, ánh mắt luôn bất định, hãy trao đổi điều này với bác sĩ. Nếu mắt bé bị lác, hãy đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa mắt.

Mối quan tâm của mẹ

Những điều mẹ cần quan tâm là gì?

Một trong những thói quen ở bé mà bạn cần quan tâm là mút núm vú giả. Hãy cân nhắc các yếu tố sau trước khi quyết định có nên cho bé dùng núm vú giả hay không, và nếu có, bạn cần quyết định khi nào bé nên dùng và trong bao lâu.

Nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng việc sử dụng núm vú giả có thể khiến bé ngưng bú mẹ sớm hơn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng việc cho bé dùng núm vú giả sớm không hề làm bé nhầm lẫn núm vú giả với vú mẹ hay cản trở việc cho bé bú trong ba tháng đầu tiên. Bạn cần theo dõi bé thật chặt chẽ nếu quyết định cho bé sử dụng núm vú giả. Núm vú giả có thể phát huy tác dụng khi vật dụng này có khả năng giúp bé trở nên ngoan và dễ chịu hơn, đặc biệt là khi bạn cần ru bé ngủ, hát cho bé nghe, cho bé ngồi xe đẩy.

Tuy nhiên, núm vú giả cũng có thể phản tác dụng nếu bé trở nên ỷ lại và quá phụ thuộc vào nó. Trong một vài trường hợp, ngậm núm vú giả khi đi ngủ có thể gây trở ngại khi bé đang học cách ngủ một mình. Nếu quá lệ thuộc vào núm vú giả, bé có thể tỉnh giấc khi để rơi mất núm vú vào nửa đêm và không thể ngủ trở lại mà không có nó. Trong trường hợp đó, chính bạn sẽ là người phải thức dậy để đặt lại núm vú vào miệng bé. Chính vì điều đó, bạn chỉ nên cho bé dùng núm vú giả tạm thời để thỏa mãn nhu cầu ngậm vú và hoặc làm dịu cơn quấy khóc của bé. Nếu sử dụng lâu dài, việc sử dụng núm vú giả có thể gây nghiện cho bé và trở thành thói quen khó bỏ của bé.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Your baby’s growth and development – 2 months old

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/babys-growth-and-development-2-months-old Truy cập ngày 20/01/2022

Important Milestones: Your Baby By Two Months

https://www.cdc.gov/ncbddd/actearly/milestones/milestones-2mo.html Truy cập ngày 20/01/2022

Your baby’s developmental milestones at 2 months

https://www.unicef.org/parenting/child-development/your-babys-developmental-milestones-2-months Truy cập ngày 20/01/2022

Murkoff, Heidi. What to Expect, The First Year. New York: Workman Publishing Company, 2009. Bản in. Trang 194-196.

Your 2-month-old: Week 1. http://www.babycenter.com/6_your-2-month-old-week-1_5821.bc. Ngày truy cập 03/11/2015.

Phiên bản hiện tại

20/01/2022

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 20/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo