Khi trẻ bước sang độ tuổi ăn dặm, mẹ nên bắt đầu tập cho bé ăn cháo gà. Đây là món cháo dễ ăn, lại giúp bổ sung protein để bé phát triển cơ bắp.
Việc kết hợp cháo gà cùng những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm, giàu chất dinh dưỡng sẽ giúp mẹ nấu được những bát cháo gà cho bé vô cùng hấp dẫn. Tham khảo ngay 8 công thức nấu cháo gà cho bé vừa ngon miệng, vừa bổ dưỡng, mà lại dễ làm, giúp bé phát triển toàn diện, phù hợp với mẹ bận rộn.
Cháo gà cho bé ăn dặm nấu với rau gì?
Cháo gà là một món ăn dinh dưỡng, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Vậy cháo gà nấu với gì cho bé để đảm bảo cân bằng dưỡng chất, giúp trẻ phát triển toàn diện? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cháo gà có thể kết hợp cùng nhiều loại rau củ quả khác nhau, cụ thể như:
- Các loại rau: Rau ngót, rau dền, rau lang, bông cải xanh, súp lơ trắng…
- Các loại củ: Cà rốt, khoai tây, bí đỏ, khoai lang, bí đao…
- Các loại quả: Táo đỏ, lê, xoài, nho…
- Các loại hạt: Đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh, hạt sen…
- Các loại nấm: Nấm rơm, nấm hương…
Tùy theo độ tuổi và khả năng nhai nuốt của trẻ mà mẹ có thể chế biến các món cháo gà cho bé ăn dặm sao cho phù hợp.
Cháo gà cho bé không nên kết hợp với thực phẩm nào?
Như vậy là bạn đã biết được cháo gà nấu với rau gì. Ngoài những loại rau củ quả có thể kết với món cháo gà, thì mẹ nên lưu ý một số thực phẩm KHÔNG NÊN nấu cùng cháo gà cho bé ăn dặm.
Mặc dù phần lớn rau củ quả có lợi cho sức khỏe của trẻ, nhưng những thực phẩm sau thì mẹ không nên nấu cùng cháo gà:
- Rau răm: Rau răm kết hợp với thịt gà không tốt cho hệ tiêu hóa chưa phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.
- Rau cải: Rau cải có tính hàn, trong khi thịt gà có tính ấm, ngọt, nên khi kết hợp với nhau có thể khiến hàn nhiệt “giao tranh” trong cơ thể bé, gây tổn thương khí huyết, thậm chí nguy hiểm, đe dọa sức khỏe của bé.
- Rau kinh giới: Nếu cho trẻ ăn rau kinh giới cùng cháo gà, bé có thể bị chóng mặt, ù tai, run rẩy, ngứa ngáy…
Mách mẹ 8 cách nấu cháo gà ngon cho bé ăn dặm
Dưới đây là 8 món cháo gà cho bé vừa ngon miệng, vừa bổ dưỡng, dễ làm mà mẹ nên tham khảo:
1. Bảo vệ mắt với cháo ức gà cho bé cùng cà rốt
Nguyên liệu:
- 30g gạo
- 80g ức gà bỏ da, không xương
- 30g cà rốt
- 40g cần tây
- 1 thìa cà phê tinh bột ngô
- 1 thìa cà phê dầu ô liu
- 600ml nước
Cách nấu cháo gà cho bé với cà rốt:
- Bước 1: Vo sạch gạo rồi cho vào nồi ninh nhừ. Sau đó cho khoảng 600ml nước vào nồi đun với lửa lớn. Sau khi nước sôi, điều chỉnh lửa nhỏ cho nồi cháo không bị trào.
- Bước 2: Xay nhuyễn ức gà đã rửa sạch, cho vào bát cùng 1 thìa cà phê tinh bột ngô, 1 thìa cà phê dầu ô liu và trộn đều
- Bước 3: Băm nhuyễn cần tây, gọt vỏ cà rốt rồi xay nhuyễn
- Bước 4: Cháo gần chín cho ức gà vào nồi và khuấy đều. Thỉnh thoảng nên khuấy nhẹ tay.
- Bước 5: Khoảng 10 – 15 phút sau, cho cần tây, cà rốt vào nồi và khuấy đều, hạ lửa nhỏ và nấu trong 5 phút rồi tắt bếp.
2. Bảo vệ sức khỏe tim mạch với cháo gà hạt sen
Hạt sen chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như protein, canxi, magiê, phốt pho, kali, carbohydrate và một lượng nhỏ sắt và kẽm. Việc nấu cháo gà cho bé cùng với hạt sen có công dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch, cải thiện hệ tiêu hóa, cải thiện chứng mất ngủ, khó ngủ, duy trì hoạt động não bộ khỏe mạnh…
Trước những lợi ích này, mẹ hãy bắt tay vào nấu cháo gà cho bé cùng với hạt sen ngay thôi! Cách làm món cháo gà cho bé cùng với hạt sen vô cùng đơn giản.
Nguyên liệu:
- 30g gạo
- 30g thịt gà nạc
- 30g hạt sen
- 1 thìa cà phê dầu ô liu
- 600ml nước
Cách nấu cháo gà cho bé với hạt sen:
- Bước 1: Bóc vỏ hạt sen, bỏ tim sen, rửa sạch.
- Bước 2: Băm nhuyễn thịt gà đã rửa sạch.
- Bước 3: Vo gạo bỏ vào nồi, rồi đổ thêm 600ml nước vào, sau đó cho hạt sen, thịt gà vào ninh cho ngọt nước, khuấy đều.
- Bước 4: Cháo chín mềm thì tắt bếp, cho 1 muỗng dầu ô liu vào.
3. Cháo thịt gà bí đỏ giúp bé ngủ ngon
Cháo gà cho bé nấu cùng bí đỏ là một món ăn cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích, như giúp bé no lâu, ngủ ngon hơn, bảo vệ thị lực… Không những thế, đây còn là món cháo thịt gà cho bé tăng cân đều đặn nữa đấy! Với nhiều công dụng như thế, mẹ nên nấu ngay món cháo gà cho bé này thôi!
Cách nấu cũng vô cùng đơn giản:
- Bước 1: Vo 30g gạo bỏ vào nồi, rồi đổ thêm 600ml nước vào nấu thành cháo
- Bước 2: Rửa sạch thịt gà, xay nhuyễn rồi xào sơ
- Bước 3: Gọt vỏ bí đỏ, rửa sạch, hấp/nấu chín rồi nghiền nát hoặc mẹ cũng có thể cho bí đỏ vào nấu cùng cháo.
- Bước 4: Cho thịt gà, bí đỏ và nồi cháo, đảo đều trong 5 phút rồi tắt bếp.
- Bước 5: Cho thêm 1 muỗng dầu ô liu vào cháo gà cho bé.
4. Cháo gà cho bé và bông cải xanh cung cấp chất xơ, tăng cường chức năng não bộ
Cháo gà nấu với rau gì cho bé? Câu trả lời là ngoài các loại rau củ kể trên, mẹ có thể nấu cùng bông cải xanh. Bông cải xanh chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, đồng thời còn là nguồn cung cấp chất xơ và canxi cho bé. Để nấu cháo gà cho bé với bông cải xanh, bạn hãy tham khảo công thức sau.
Nguyên liệu:
- 30g gạo
- 40g thịt gà nạc
- vái nhánh nhỏ bông cải xanh
- ¼ trái bí xanh nhỏ
- 1 thìa cà phê dầu ô liu
- 600ml nước
Cách nấu cháo gà cho bé với bông cải xanh:
- Bước 1: Gọt vỏ bí, rửa sạch bí và bông cải xanh, sau đó xay nhuyễn
- Bước 2: Băm nhuyễn thịt gà đã rửa sạch
- Bước 3: Xào thịt gà, bí và bông cải xanh trong nồi lớn
- Bước 4: Sau khi các nguyên liệu đã chín, cho 1 ly nước 200ml vào rồi đun sôi
- Bước 5: Nước sôi cho 30g gạo và 2 ly nước (mỗi ly 200ml) vào nồi, nấu thành cháo
- Bước 6: Tiếp tục nấu cho đến khi cháo gà cho bé nở đều, có độ sệt mong muốn thì tắt bếp
- Bước 7: Cho dầu ô liu vào nồi cháo và múc cháo thịt gà cho bé ra chén.
5. Bổ sung canxi cùng với cháo gà phô mai
Phô mai là một chế phẩm làm từ sữa. Vì vậy, lượng canxi trong phô mai tươi có thể giúp bé phát triển chiều cao và giúp xương chắc khỏe. Để nấu món cháo gà cho bé cùng với phô mai, mời bạn tham khảo công thức sau:
Nguyên liệu:
- 30g gạo
- 40g thịt gà nạc
- 1 lát phô mai tươi
- ¼ cà rốt
- 1 thìa cà phê dầu ô liu
- 600ml nước
Cách nấu cháo gà cho bé với phô mai:
- Bước 1: Gọt vỏ cà rốt, rửa sạch rồi xay nhuyễn
- Bước 2: Băm nhuyễn thịt gà đã rửa sạch
- Bước 3: Vo gạo bỏ vào nồi, rồi đổ thêm 600ml nước vào, cho thịt gà và cà rốt vào nấu chín
- Bước 4: Đến khi cháo gà chín, cho 1 lát phô mai tươi vào nồi, khuấy đều cho phô mai tan, rồi tắt bếp
- Bước 5: Cho dầu ô liu vào nồi cháo và múc ra chén cho bé thưởng thức.
6. Nhuận trường với món cháo thịt gà khoai lang
Nguyên liệu:
- 3 nắm nhỏ gạo tẻ
- 1 nắm nhỏ gạo nếp
- 70g thịt gà nạc
- 50g khoai lang
- Nước dùng gà
- Dầu ô liu
Cách nấu cháo gà cho bé với khoai lang:
- Bước 1: Vo gạo bỏ vào nồi, rồi đổ thêm nước vào, ninh nhừ thành cháo.
- Bước 2: Rửa sạch và thái lát mỏng thịt gà, sau đó băm nhuyễn và vo thành từng viên tròn.
- Bước 3: Bắc nồi lên bếp, thêm một ít dầu ô liu vào nồi, cho gà vào phi thơm rồi thêm nước dùng gà vào, đun cho thịt chín mềm.
- Bước 4: Gọt vỏ khoai lang, cắt lát mỏng, hấp chín rồi nghiền nhuyễn.
- Bước 5: Khi cháo chín, tắt bếp, múc một lượng cháo vừa đủ cho vào máy xay, thêm thịt gà, khoai lang, rồi xay nhuyễn thành hỗn hợp hơi sệt.
- Bước 6: Đổ cháo gà khoai lang đã xay ra nồi nhỏ, đun khoảng 1-2 phút rồi cho ra chén cho bé thưởng thức.
7. Cháo gà rau ngót
Rau ngót chứa nhiều chất dinh dưỡng, điển hình nhất là vitamin A và vitamin C. Theo Đông y, rau ngót có tính giải độc, thanh nhiệt. Cháo rau ngót thịt gà là món rất dễ ăn và phổ biến. Mẹ nên nấu cháo thịt gà với rau ngót cho bé ăn dặm ngay nhé!
8. Cháo gà nấm cho bé ăn dặm
Nấm chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin D, vitamin C, vitamin B, kẽm, selen… có lợi cho hệ thống miễn dịch của bé. Do đó, mẹ nên nấu món cháo gà với nấm cho trẻ ăn dặm.
Cách nấu cháo gà cho bé ăn dặm với nấm rất đơn giản. Mẹ chỉ cần hấp chín nấm, sau đó xay nhuyễn rồi nấu cùng cháo gà cho chín nhừ là được.
Lưu ý khi nấu cháo gà cho bé
Việc nấu ăn cho trẻ vừa bước vào độ tuổi ăn dặm không nên nêm các gia vị như đường, muối, bột nêm… Vị ngọt từ thịt gà, gạo và các loại rau củ đã cung cấp đủ hương vị cho món ăn của bé.
Bên cạnh đó, vì trẻ vừa bắt đầu tập ăn dặm, nên có thể chưa quen với việc ăn những món có kết cấu đặc như cháo. Vì vậy, ngoài việc kiên nhẫn tập cho con ăn dặm, mẹ nên điều chỉnh độ đặc lỏng của cháo cho phù hợp với khả năng nhai nuốt của con.
Ngoài ra, mẹ cần lưu ý không để phần cháo thừa của bữa ăn trước cho con ăn bữa sau, vì điều này có thể khiến bé bị tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột.
Vì sao nên nấu cháo gà cho bé?
Thịt gà là thực phẩm rất giàu protein và chất dinh dưỡng. Việc nấu cháo gà cho bé sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ, bao gồm:
- Bảo vệ tim mạch: Thịt gà nạc chứa nhiều vitamin B, folate và kẽm, giúp ngăn chặn mức homocysteine cao gây bệnh tim, nhờ đó duy trì sức khỏe tim mạch cho bé.
- Làm sáng da và cung cấp nhiều năng lượng: Riboflavin (vitamin B2) có trong thịt gà, nhất là gan gà, có công dụng thúc đẩy sự phát triển sức khỏe tổng thể của các mô và làm cho làn da bé sáng lên. Riboflavin cũng giúp phân hủy carbs, chất béo và protein để duy trì việc cung cấp năng lượng cho cơ thể.
- Tăng cường trao đổi chất: 85g thịt gà chứa 25mcg selen rất cần thiết cho hiệu suất trao đổi chất, đồng thời giúp cải thiện phản ứng miễn dịch, giảm căng thẳng, chống oxy hóa.
- Giảm căng thẳng: Thịt gà chứa nhiều tryptophan và vitamin B5 – hai chất bổ sung chính giúp giảm căng thẳng.
- Giúp tăng cơ: 100g ức gà có thể cung cấp cho trẻ 31g protein chất lượng cao, giúp phát triển cơ của các bé.
- Giảm chất béo và cholesterol: 100g thịt gà sẫm màu (phần thịt có lượng chất béo cao hơn thịt trắng) chỉ chứa 9g chất béo, thấp hơn so với hầu hết các loại thịt đỏ. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, ăn thịt gà là một trong những cách tốt nhất để giảm mức cholesterol một cách tự nhiên.
Ngoài ra, việc cho bé ăn cháo gà còn giúp thúc đẩy chức năng bình thường của não và hệ thần kinh nhờ các chất dinh dưỡng như kẽm, kali có trong thịt gà.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được 8 món cháo gà cho bé cực kỳ bổ dưỡng và dễ làm. Còn chần chờ gì mà không vào bếp nấu ngay món cháo thịt gà cho bé ăn dặm ngay hôm nay!
[embed-health-tool-vaccination-tool]