backup og meta

Trẻ sơ sinh bị khô môi, làm sao để hết?

Trẻ sơ sinh bị khô môi, làm sao để hết?

Thời tiết thay đổi sẽ khiến nhiệt độ và độ ẩm thay đổi làm cho làn da, nhất là da trẻ sơ sinh bị tác động nhiều. Mặt khác, độ ẩm trên da trẻ sơ sinh có được là từ sữa nên môi em bé bị khô hơn người lớn, và có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi yếu tố xung quanh. Điều này lý giải vì sao trẻ sơ sinh bị khô môi.

Thông thường, môi của trẻ sơ sinh có vẻ khô và đỏ hơn so với trẻ lớn hơn, nhưng điều này không gây ra bất kỳ sự đau đớn hoặc khó chịu nào. Tuy nhiên, bạn vẫn không nên xem nhẹ hiện tượng trẻ sơ sinh bị khô môi bởi đôi lúc tình trạng này cảnh báo nguy cơ bé bị thiếu nước đấy! Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giới thiệu đến bạn nguyên nhân khiến môi bé bị khô cũng như cách để lấy lại làn môi hồng hào và ẩm mịn cho con yêu.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị khô môi

Tuy trẻ sơ sinh bị khô môi hiếm khi gây lo ngại nhưng nếu bé bị khô môi mạn tính hoặc còn rất nhỏ, bạn vẫn nên tìm hiểu các tình trạng tiềm ẩn. Môi trẻ sơ sinh khô còn vì nhiều lý do, bao gồm:

Lột da

Một trong những nguyên nhân khiến môi em bé sơ sinh bị khô đó chính là lột da. Trẻ sơ sinh thường sẽ bong một ít da sau khi sinh để da dần thích nghi với thế giới bên ngoài tử cung của người mẹ. Đây là một quá trình bình thường và có thể gây ra hiện tượng lột da, thậm chí khô môi.

Mút/liếm môi

Trẻ sơ sinh có bản năng mút khá mãnh liệt, vì vậy bé có thể tiếp tục mút hoặc liếm môi ngay cả khi không bú mẹ. Điều này làm cho môi bị khô vì nước bọt bốc hơi trên môi, từ đó khiến khu vực này mất nước nhiều hơn trước.

Da nhạy cảm

trẻ sơ sinh bị khô môi

Nguyên nhân khác khiến trẻ sơ sinh bị khô môi còn là do bé có làn da nhạy cảm. Điều này khiến da dễ phản ứng với các tác nhân gây kích thích. Một số trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với mỹ phẩm nên nếu hôn bé trong khi bạn có thoa son, trang điểm có thể khiến bé bị phát ban và gây ra hiện tượng khô hoặc nứt nẻ môi. Ngoài ra, vải, khăn ướt, kem dưỡng da cũng có nguy cơ gây ra các kích ứng tương tự.

>>> Bạn có thể quan tâm: Khô môi ở trẻ sơ sinh: Cách tốt nhất để khắc phục

Thiếu dinh dưỡng

Trong một số trường hợp hiếm hoi, trẻ sơ sinh bị khôi môi là biểu hiện cho thấy bé đang thiếu một số chất dinh dưỡng. Nếu nghi ngờ, bạn có thể đưa con đến bác sĩ để được kiểm tra.

Tác dụng phụ của thuốc

Môi nứt nẻ còn là do tác dụng phụ của một số loại thuốc. Do vậy, nếu bé đang mắc bệnh, bạn có thể thảo luận về những tình trạng mà con dễ gặp phải khi sử dụng thuốc. Điều này giúp bác sĩ có hướng điều chỉnh thích hợp, ngăn ngừa tình trạng môi khô ở trẻ sơ sinh.

Bệnh Kawasaki

Trẻ sơ sinh bị khô môi kéo dài hàng tuần hoặc lâu hơn mà không hề cải thiện có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh Kawasaki, một tình trạng hiếm gặp xảy ra ở trẻ em và liên quan đến viêm mạch máu. Bệnh xảy ra ở các bé trai nhiều hơn các bé gái và độ tuổi mắc phải thường là dưới 5 tuổi. Trẻ sơ sinh bị khô môi, nứt nẻ nằm trong các dấu hiệu của Kawasaki cùng với những biểu hiện như:

  • Tay, chân sưng
  • Lòng bàn tay, bàn chân đỏ
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ
  • Sốt kéo dài từ 5 ngày trở lên
  • Phát ban và khu vực háng có vẻ nghiêm trọng hơn
  • Mắt đỏ ngầu, không chảy nước mắt hoặc mắt kết vảy.

Nếu nghi ngờ rằng bé yêu có thể mắc bệnh Kawasaki, bạn nên đưa bé đi khám ngay lập tức. Phần lớn các triệu chứng của bệnh chỉ là tạm thời và hầu hết trẻ em đều hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, tim và mạch máu của bé có thể bị ảnh hưởng, do vậy bố mẹ không nên xem thường căn bệnh này.

Thiếu nước

Trẻ sơ sinh môi khô có thể bị mất nước nếu không uống đủ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Vào những ngày trời nóng, em bé sẽ cần uống thêm sữa để tránh hiện tượng thiếu nước. Trẻ sơ sinh thường đi tiểu sau mỗi cữ bú, khi thức dậy, sau khi tắm… và đi ị khoảng 4 lần/ngày hoặc nhiều hơn ở vài tuần đầu sau sinh. Con số này thường giảm sau 6 tuần.

Các dấu hiệu mất nước khác ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Da khô, nứt nẻ
  • Thóp đầu bị lõm
  • Môi và lưỡi đều khô
  • Hơi thở sâu, gấp gáp
  • Bàn tay và bàn chân hơi lạnh
  • Khóc nhưng không có nước mắt

Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên, hãy đưa con đến bác sĩ nhé.

>>> Bạn có thể quan tâm: Nhận diện sớm tình trạng mất nước ở trẻ sơ sinh

Cách trị khô môi ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị khô môi

Có khá nhiều biện pháp hữu hiệu để giúp con yêu thoát khỏi tình trạng khô môi, chẳng hạn như:

Dầu dừa

Thành phần chính của dầu dừa là axit lauric, có khả năng làm mềm vết khô môi nhưng không ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh. Bạn chỉ cần chấm một chút dầu dừa lên môi bé, thoa nhẹ và lặp lại nhiều lần trong ngày, và tình trạng môi trẻ sơ sinh bị khô nứt sẽ được cải thiện.

Sữa mẹ

Sữa mẹ rất giàu các kháng thể hữu ích. Trong những ngày đầu tiên sau khi sinh, sữa mẹ còn chứa sữa non, giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi vi khuẩn và virus. Bạn hãy thoa một vài giọt sữa mẹ vào môi bé. Điều này không chỉ có tác dụng làm dịu và giữ ẩm mà còn giúp giảm nguy cơ con yêu bị nhiễm trùng.

Son dưỡng môi

Hiện nay, có những loại son dưỡng đặc biệt được sản xuất dành riêng cho trẻ sơ sinh với các thành phần tự nhiên. Do đó, bạn có thể tìm hiểu về sản phẩm này để sử dụng và cải thiện tình trạng môi bé khô nhé!

>>> Bạn có thể quan tâm: Son dưỡng môi cho trẻ em có thật sự an toàn?

Vaseline

Được làm từ lanolin, vaselin có khả năng dưỡng ẩm mạnh mẽ cho đôi môi, từ đó giúp chữa lành vết nứt nhanh hơn. Ngoài ra, thành phần này rất lành tính cũng như tương đối an toàn, ngay cả khi em bé liếm hoặc nuốt phải. Hãy thử sử dụng vaseline vào ban đêm khi bé ngủ để sản phẩm giữ được lâu hơn và đôi môi có được thời gian cần thiết cho quá trình chữa lành.

Giữ ấm tốt

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị bong da môi, khô môi là do liên tục nằm trong phòng điều hòa. Nhiệt độ quá lạnh có thể khiến trẻ sơ sinh bị khô môi khi nằm điều hòa. Do vậy, bạn nên giữ ấm cho bé nếu phòng ngủ sử dụng máy lạnh.

Máy tạo độ ẩm

Giữ ẩm không khí ở mức vừa phải có thể giúp ngăn ngừa tình trạng trẻ sơ sinh bị khô môi. Máy tạo độ ẩm sẽ hỗ trợ tăng độ ẩm trong khu vực sinh hoạt, do đó bạn hãy cân nhắc về việc mua và sử dụng sản phẩm này nhé.

Cho bú thường xuyên

Trẻ sơ sinh có thể nhanh chóng bị mất nước nếu không được cho bú đều đặn. Mặt khác, mỗi bé sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Trong vài tuần đầu đến vài tháng đầu đời, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ thường sẽ được cho ăn mỗi 1 – 3 giờ hoặc khoảng 8 – 12 lần trong 24 giờ.

Trên đây là những chia sẻ của Hello Bacsi về nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh môi khô tại nhà cực kỳ đơn giản, hiệu quả. Mong rằng các mẹ sớm tìm được cách cải thiện môi em bé bị khô, giúp bé mau chóng lấy lại đôi môi ẩm mượt, hồng hào.

Phương Uyên/HELLO BACSI

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How to treat chapped lips in a newborn https://www.medicalnewstoday.com/articles/323179.php Ngày truy cập 18/02/2019

Baby’s Chapped Lips – Causes, Signs and Remedies https://parenting.firstcry.com/articles/babys-chapped-lips-causes-signs-and-remedies/ Ngày truy cập 18/02/20019

Baby’s Chapped Lips: Causes, Home Remedies And Prevention https://www.momjunction.com/articles/babys-chapped-lips_00464946/ Ngày truy cập 04/10/2021

How to Treat and Prevent Chapped Lips https://www.nationwidechildrens.org/family-resources-education/700childrens/2019/12/chapped-lips Ngày truy cập 04/10/2021

Can I Give My Baby Chapstick? https://sleepbaby.org/can-i-give-my-baby-chapstick/ Ngày truy cập 04/10/2021

 

 

Phiên bản hiện tại

04/01/2022

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: [email protected]


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 04/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo