Trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa còn khá yếu, vì vậy bé dễ mắc các bệnh về đường ruột. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng tiêu chảy sủi bọt. Tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh thường liên quan đến nhiều vấn đề như nhiễm trùng đường ruột, dị ứng với sữa… gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ. Do vậy, cha mẹ cần nhận biết sớm các nguyên nhân gây ra tình trạng này để có hướng xử lý kịp thời.
Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ điểm qua những nguyên nhân và cách điều trị tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh.
Tiêu chảy sủi bọt là gì?
Đối với trẻ sơ sinh, việc đi ngoài nhiều lần trong một ngày phân hoa cà hoa cải là hoàn toàn bình thường. Nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn thì thường sẽ đi nặng sau mỗi lần bú, trung bình từ 5 – 7 lần/ngày. Trẻ sơ sinh uống sữa công thức có số lần đi tiêu ít hơn, dao động từ 1 – 3 lần/ngày.
Tuy nhiên, khi trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều hơn bình thường gấp 2 – 3 lần, đây là dấu hiệu cho thấy trẻ bị tiêu chảy. Đặc biệt, nếu lúc này phân của trẻ bị lỏng như nước, có hiện tượng sủi bọt li ti, nổi bong bóng và có thể có chất nhầy, thì khả năng cao là trẻ sơ sinh đang bị tiêu chảy sủi bọt.
Khi bị tiêu chảy sủi bọt, trẻ sơ sinh có thể bú ít hơn hay thậm chí là bỏ bú. Bé sẽ thường xuyên quấy khóc và có dấu hiệu mệt mỏi. Vì vậy, cần nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân để chữa trị cho bé. Nếu không, cơ thể của trẻ sẽ bị mất nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả thể chất, tinh thần và trí não.
Nguyên nhân gây tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh, bao gồm:
1. Rối loạn tiêu hóa gây ra tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh
Khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sủi bọt kèm theo các triệu chứng như phân nhầy, quấy khóc nhiều, đau bụng, sốt, nôn ói và sụt cân không rõ lý do… thì có thể nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh là do nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể gây rối loạn tiêu hóa.
Trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa chưa phát triển toàn diện nên rất nhạy cảm và có sức đề kháng kém. Điều này khiến bé dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là rối loạn tiêu hóa do mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn khiến nhu động ruột tăng mạnh.
Tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột này có thể do bé ngậm phải núm vú giả, bình sữa không đảm bảo vệ sinh. Nếu trẻ bú sữa mẹ, mà mẹ chưa vệ sinh sạch sẽ núm ti, cũng có thể khiến bé bị nhiễm trùng đường ruột. Ngoài ra, thói quen mút tay của trẻ sơ sinh hay thói quen chạm tay vào miệng bé của người lớn cũng làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa nếu tay bị nhiễm bẩn.
Hoặc trẻ có thể bị lây nhiễm từ mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột. Vì vậy, việc rửa tay và sát khuẩn tay sau khi đi vệ sinh và trước khi chăm sóc trẻ là rất quan trọng.
2. Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sủi bọt do rối loạn hấp thu lactose trong sữa công thức
Trẻ sơ sinh dùng sữa công thức thường gặp phải tình trạng táo bón hơn là tiêu chảy sủi bọt. Tuy nhiên, các loại sữa này thường chứa loại lactose làm kích thích đường ruột của trẻ. Bởi vì hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn non yếu, nên lượng enzyme lactase không đủ để phân giải lượng đường lactose. Việc không hấp thụ được hết lactose trong sữa và làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột gây ra tình trạng tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh. Trong trường hợp này, cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn loại sữa phù hợp.
3. Trẻ bú quá nhiều sữa đầu của mẹ
Sữa của mẹ được chia thành 2 loại:
- Sữa đầu là lượng sữa tiết ra đầu tiên khi trẻ vừa bắt đầu bú. Sữa đầu thường chứa ít dinh dưỡng, calo và chất béo, nhưng lại chứa nhiều nước và lactose (đường sữa).
- Sữa cuối là lượng sữa tiết ra vào giai đoạn gần cuối của một lần bú. Loại sữa này thường đặc hơn, béo hơn và chứa nhiều chất dinh dưỡng.
Trẻ sơ sinh bú quá nhiều sữa đầu và không bú đủ sữa sau sẽ không đủ no và muốn bú thường xuyên hơn. Không những thế, trẻ bú quá nhiều sữa đầu cũng sẽ bị dư thừa lượng lactose trong cơ thể. Khi không thể tiêu hóa hết lượng đường sữa này, hiện tượng tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh sẽ xảy ra. Để hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sủi bọt, mẹ nên vắt bỏ bớt sữa đầu để bé bú sữa cuối được nhiều hơn.
Bạn có thể quan tâm Bé nhà bạn có đang bú không đều sữa đầu và sữa cuối?
4. Dị ứng với sữa
Trẻ bú sữa mẹ có thể bị dị ứng với protein trong các sản phẩm sữa mà người mẹ sử dụng. Em bé bị dị ứng đạm sữa có thể bị nôn mửa và phát ban, cũng như tiêu chảy.
- Đối với trẻ bú sữa công thức:
Có đến 3% trẻ em bị dị ứng với protein có trong các sản phẩm sữa. Chính vì thế, trẻ sơ sinh có thể bị dị ứng với protein sữa có trong đa số các loại sữa công thức. Điều này gây ra tình trạng tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, khi bị dị ứng với protein sữa, trẻ còn có một số triệu chứng như nôn mửa, phát ban, đau bụng… Trong trường hợp nặng hơn như sốc phản vệ, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
- Đối với trẻ bú sữa mẹ:
Chế độ ăn uống của mẹ có thể ảnh hưởng đến sữa cho trẻ bú. Nếu trẻ bị dị ứng với protein sữa, mà mẹ lại ăn các sản phẩm như sữa bò, phô mai… thì sẽ khiến trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sủi bọt. Trong trường hợp này, mẹ nên ngừng uống sữa bò và không ăn các thực phẩm có chứa protein sữa.
Ngoài ra, hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh bú sữa mẹ rất nhạy cảm với chế độ ăn uống của mẹ. Vì vậy, nếu mẹ ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo, không đảm bảo vệ sinh… cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Cụ thể, điều này sẽ gián tiếp khiến sữa có những thành phần mà hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh không hấp thụ được. Do đó, cơ thể trẻ sẽ phản ứng bằng tình trạng tiêu chảy sủi bọt.
5. Thuốc kháng sinh có thể gây ra tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh
Một trong những tác dụng phụ khi trẻ sơ sinh dùng thuốc kháng sinh là bị tiêu chảy sủi bọt. Nguyên nhân là do thuốc kháng sinh có thể làm ức chế sự phát triển của lợi khuẩn trong đường ruột, gây ra trạng thái mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, làm rối loạn hệ tiêu hóa.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, mẹ không nên vì muốn chặn tình trạng tiêu chảy của bé mà ngừng thuốc kháng sinh đột ngột. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ đang chữa bệnh cho bé. Việc ngừng thuốc kháng sinh sớm có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh và khiến nhiễm trùng do vi khuẩn quay trở lại.
Điều trị tình trạng tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh
Để điều trị tình trạng tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh, trước tiên, cần xác định nguyên nhân gây ra vấn đề này. Từ đó, cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp có cơ sở khoa học giúp khắc phục tiêu chảy sủi bọt, bao gồm:
- Bổ sung nhiều chất lỏng cho trẻ. Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sủi bọt rất dễ bị mất nước. Vì vậy, mẹ cần cho trẻ bú nhiều hơn trong ngày để bù nước cho bé. Ngoài ra, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại nước giúp bù nước mà trẻ có thể uống.
- Vệ sinh sạch sẽ vật dụng và môi trường sống của trẻ, bao gồm cả núm vú giả, bình sữa, đồ chơi, gối, chăn, khăn…
- Đối với trẻ bú sữa mẹ, mẹ nên vệ sinh núm vú sạch sẽ trước khi cho trẻ bú. Ngoài ra, cần chú ý đến chế độ ăn uống của mẹ. Hạn chế những thực phẩm gây nóng trong người, nhiều chất béo… hoặc những thực phẩm mà trẻ bị dị ứng.
- Chọn sữa phù hợp cho bé. Nếu trẻ uống sữa công thức bị dị ứng với sữa, cần tham vấn ý kiến bác sĩ để có được loại sữa phù hợp.
- Người chăm sóc trẻ cần đảm bảo vệ sinh để không lây nhiễm bệnh cho bé. Khi bị các bệnh lây nhiễm, không nên tiếp xúc với trẻ.
- Đưa trẻ đi khám bệnh. Khi trẻ có những biểu hiện khác thường bên cạnh tiêu chảy sủi bọt, như sốt cao, máu trong phân, lừ đừ, mệt mỏi, môi khô, da nhợt nhạt… cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn xác định được nguyên nhân gây tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh, từ đó có cách điều trị phù hợp cho bé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]