backup og meta

Cẩn thận với hội chứng xám ở trẻ sơ sinh

Cẩn thận với hội chứng xám ở trẻ sơ sinh

Hội chứng xám ở trẻ sơ sinh là một thuật ngữ khá lạ đối với nhiều phụ huynh. Đây là một căn bệnh nguy hiểm mà nguyên nhân gây ra đa phần là do sự bất cẩn của cha mẹ. Vì vậy, việc tìm hiểu thông tin xung quanh căn bệnh này là cách đơn giản nhất mà bạn có thể làm để bảo vệ bé.

Bé cưng chào đời khỏe mạnh là điều mà tất cả các bà mẹ đều mong muốn. Đó là lý do tại sao bạn cần phải chú ý chăm sóc bản thân trong suốt quá trình mang thai. Đừng tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào trong thời gian này bởi một số loại thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh hoặc các biến chứng khác về sức khỏe, chẳng hạn như hội chứng xám ở trẻ sơ sinh.

Hội chứng xám ở trẻ sơ sinh

Hội chứng xám ở trẻ sơ sinh là một biến chứng sức khỏe có khả năng gây tử vong do mẹ hoặc bé dùng kháng sinh chloramphenicol quá liều. Cơ thể của bé không thể loại bỏ hết loại thuốc này nên có thể tích tụ trong máu, gây trụy tim. Tỷ lệ tử vong của hội chứng xám ở trẻ sơ sinh là khoảng 40%.

Hội chứng xám ở trẻ sơ sinh còn có tên gọi khác là nhiễm độc chloramphenicol ở trẻ sơ sinh. Hội chứng này thường xuất hiện ngay sau khi bé chào đời và tỷ lệ mắc phải là như nhau ở cả bé trai và bé gái.

Chloramphenicol là thuốc gì?

Chloramphenicol là một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm màng não. Hiện nay, do có nhiều loại thuốc mới và do việc dùng thuốc có nguy cơ mắc phải hội chứng xám ở trẻ sơ sinh nên xu hướng dùng kháng sinh này đã giảm xuống. Loại thuốc này còn được cho là có hại cho tủy xương.

Nguyên nhân gây ra hội chứng xám ở trẻ sơ sinh

Sử dụng chloramphenicol quá liều là nguyên nhân chính gây ra hội chứng này. Trẻ sơ sinh không thể bài tiết một lượng lớn chloramphenicol. Do đó, hợp chất này sẽ tích tụ trong máu, gây tử vong. Nếu phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ đang cho con bú dùng chloramphenicol, thuốc có thể truyền sang cho bé.

Những bé nào có nguy cơ gặp phải hội chứng xám ở trẻ sơ sinh?

Những bé được cho dùng cloramphenicol trong ba ngày đầu sau sinh mà không theo dõi nồng độ thuốc trong máu có thể có nguy cơ mắc bệnh này. Trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân cũng có nguy cơ cao mắc phải bệnh này. Ngoài ra, những bà mẹ đã từng uống thuốc này trong thời gian mang thai thì bé cưng trong bụng cũng có nguy cơ cao mắc phải hội chứng này.

hội chứng xám ở trẻ sơ sinh

Chẩn đoán hội chứng xám ở trẻ sơ sinh

Cho bé đi khám sức khỏe toàn diện và tìm hiểu về các loại thuốc mà bạn đang cho bé dùng là cách đơn giản nhất để chẩn đoán hội chứng xám ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, việc đo nồng độ chloramphenicol trong máu thường xuyên cũng là cách giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh.

Dấu hiệu cho thấy bé mắc phải hội chứng xám ở trẻ sơ sinh

Các triệu chứng của hội chứng này có thể xuất hiện từ 2 – 9 ngày sau khi điều trị:

  • Nôn mửa
  • Hạ huyết áp
  • Thân nhiệt thấp
  • Môi và da hơi xanh
  • Bụng bị sưng
  • Phân có màu xanh lá cây
  • Nhịp tim bất thường
  • Khó thở và không chịu bú

Biến chứng có thể xảy ra

Nếu hội chứng xám ở trẻ sơ sinh không được phát hiện và điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Các vấn đề về tuần hoàn máu có thể dẫn đến các bệnh về tim mạch, gây tử vong
  • Tủy xương bị tổn thương có thể khiến cơ thể ngừng sản xuất tiểu cầu và các tế bào máu mới, dẫn đến chảy máu và nhiễm trùng
  • Rối loạn hoặc nhiễm trùng thứ phát có thể khiến hội chứng này trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là ở những bé sinh non.

Điều trị hội chứng xám ở trẻ sơ sinh

Điều trị sớm là cách tốt nhất để vượt qua căn bệnh này. Bước đầu tiên mà bạn phải làm là ngưng sử dụng thuốc. Nếu bạn dùng chloramphenicol để điều trị thì phải ngưng cho bé bú. Khi được chuyển đến bệnh viện, bác sĩ có thể cho bé:

  • Truyền thay máu: Với phương pháp này, một phần máu của bé sẽ được loại bỏ và thay thế bằng máu hoặc huyết tương được hiến tặng.
  • Chạy thận nhân tạo: Với phương pháp này, độc tố sẽ được loại bỏ, nồng độ kali và natri cũng sẽ được giữ cân bằng để duy trì huyết áp ổn định cho bé.

Ngăn ngừa hội chứng xám ở trẻ sơ sinh

Tránh cho bé uống chloramphenicol và không sử dụng loại thuốc này khi mang thai hoặc cho con bú là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh này. Hãy hỏi bác sĩ về những loại thuốc thay thế nếu bác sĩ kê toa cho bạn thuốc chloramphenicol.

Mặc dù thuốc chloramphenicol có thể gây nguy hiểm nhưng nếu bạn dùng nó dưới sự giám sát của bác sĩ thì sẽ không gây ra hội chứng xám ở trẻ sơ sinh. Trong trường hợp này, bạn sẽ được xét nghiệm máu thường xuyên để đảm bảo rằng thuốc không bị dư thừa trong máu.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Gray Baby Syndrome – Causes, Symptoms, Treatment and More http://parenting.firstcry.com/articles/gray-baby-syndrome-causes-symptoms-treatment-and-more/ Ngày truy cập: 9/8/2018

The Dangers of Gray Baby Syndrome in Infants – https://www.healthline.com/health/parenting/gray-baby-syndrome Ngày truy cập: 9/8/2018

Baby, Gray Syndrome https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK448133/ Ngày truy cập: 9/8/2018

 

Phiên bản hiện tại

02/12/2019

Tác giả: Bich Ngan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 02/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo