Hiện tượng bé sơ sinh đi hoa cà hoa cải khiến hoặc đi tiêu phân có màu sắc bất thường khiến mẹ băn khoăn không biết liệu bé có đang mắc phải chứng bệnh nào nghiêm trọng không? Hãy cùng tìm lời giải đáp thông qua bài viết dưới đây của Hello Bacsi nhé!
Bé sơ sinh đi phân hoa cà hoa cải có sao không? Mẹ nên làm gì?
1. Phân hoa cà hoa cải như thế nào?
Phân trong tã trẻ sơ sinh không chỉ là chất thải mà còn đóng vai trò như một công cụ báo hiệu tình trạng sức khỏe hiện tại của bé yêu [2]. Nhiều cha mẹ nghe đến cụm từ “phân hoa cà hoa cải” nhưng vẫn chưa biết phân hoa cà hoa cải là sao. Vậy, phân hoa cà hoa cải như thế nào?
Phân hoa cà hoa cải thực chất là một thuật ngữ dân gian nói về màu sắc và kết cấu phân trong tã trẻ sơ sinh. Phân hoa cà hoa cải sẽ có màu vàng, hơi vón cục nhỏ cùng dịch lỏng màu xanh. Chính vì phân vón cục nhỏ màu vàng trên nền nước xanh nên dân gian mới gọi là phân em bé hoa cà hoa cải.
2. Bé sơ sinh đi phân hoa cà hoa cải có sao không?
Đôi lúc, hiện tượng trẻ sơ sinh đi tiêu phân hoa cà hoa cải khiến không ít bố mẹ lo lắng. Tuy nhiên, thực chất, tình trạng này khá phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là với trẻ bú mẹ. Nếu trẻ không sốt, vẫn bú đều và ngủ bình thường thì bố mẹ có thể yên tâm [3].
Tuy nhiên, nếu phân bé chuyển nhiều thành màu xanh thì đó có thể là dấu hiệu cho việc bé bú mẹ đang có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, mất cân bằng vi sinh đường ruột [4].
3. Trẻ sơ sinh đi ngoài hoa cà hoa cải bao lâu?
Ở bé 2 tháng đang bú sữa mẹ hoàn toàn, việc đi ngoài hoa cà hoa cải 2-3 lần/ngày là điều hết sức bình thường. Với bé đang bú mẹ, không ăn thêm các loại thức ăn nào khác mà đi ngoài 5-7 lần/ngày, phân đôi khi lại có nước, hoa cà hoa cải… mà trẻ không có triệu chứng sốt, vẫn bú bình thường, phân không có mùi thì hiện tượng này hoàn toàn bình thường. Khi lớn hơn, đường tiêu hóa của trẻ sẽ tự động điều chỉnh [1], [5], [6].
4. Bé đi phân hoa cà hoa cải phải làm sao?
Nếu trẻ sơ sinh đi phân hoa cà hoa cải không biểu hiện những dấu hiệu bất thường nào khác như sốt hoặc nôn mửa, quấy khóc thì mẹ chỉ cần cho con bú đều đặn là được [3].
Khi bé đi phân hoa cà hoa cải, mẹ nên thay tã cho bé thường xuyên để hạn chế nguy cơ da vùng mặc tã tiếp xúc với axit trong phân và nước tiểu nhằm hạn chế hăm tã [7].
Những tình trạng phân trẻ sơ sinh thường gặp
Ngoài hiện tượng bé sơ sinh đi phân hoa cà hoa cải, cha mẹ cũng có thể thấy những tình trạng phân trẻ sơ sinh sau đây:
1. Phân của trẻ sơ sinh có màu xanh
Nếu bạn nuôi con bằng sữa mẹ và liên tục bổ sung chất sắt cũng như ăn nhiều rau xanh, chẳng hạn như cải bó xôi (rau chân vịt), đậu hà lan thì phân trẻ sơ sinh sẽ có màu xanh lá. Điều này thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé [1], [4], [9].
2. Phân màu cam, vàng và nâu hoặc đen
Phân của trẻ sơ sinh hay được gọi là phân su, thường rất sệt, có màu đen hoặc xanh đen đậm. Phân su sẽ hiện diện trong vài ngày đầu tiên sau khi bé chào đời. Vài ngày sau sinh, màu của phân su đổi thành nâu đậm, rồi chuyển sang cam và vàng sáng [1].
Phân của em bé có màu cam, vàng hoặc nâu là tình trạng hoàn toàn bình thường ở trẻ bú mẹ và bú bình. Tuy nhiên, nếu con đi tiêu màu đen trở lại sau khi phân đã chuyển sang các màu khác thì nguy cơ cao là dấu hiệu bất thường, gợi ý tình trạng chảy máu cũ từ đường tiêu hóa [1], [10].
3. Phân của trẻ sơ sinh có màu trắng
Bé sơ sinh đi hoa cà hoa cải được xem là tình trạng bình thường nhưng nếu phân trẻ màu trắng thì cha mẹ cần cảnh giác. Phân bé có màu trắng hoặc xám đôi khi có thể là dấu hiệu của tắc nghẽn ở gan, thường đi kèm vàng da. Tình trạng này được gọi là viêm đường mật và cần được chữa trị kịp thời [1], [5].
4. Trẻ sơ sinh đi tiêu phân lỏng
Thông thường, hiện tượng đi tiêu phân lỏng ở trẻ sơ sinh đến từ việc bé bị tiêu chảy. Nguyên nhân của tiêu chảy có thể do nhiễm trùng, bé bị kích ứng với một loại thực phẩm nào đó trong sữa mẹ, người mẹ hoặc bé đang sử dụng kháng sinh… [1].
5. Phân quá sệt hoặc rắn
Nếu bé phải rặn khó khăn khi đại tiện hoặc đi tiêu phân cứng, sẫm màu thì có thể con bạn đã bị táo bón. Phân trong tã trẻ sơ sinh sẽ có dạng đặc sệt hoặc rắn cũng có thể là một dấu hiệu cho biết bé bị mất nước, nhạy cảm với một vài thành phần trong sữa bột, hoặc nghiêm trọng hơn là rối loạn chuyển hóa [1].
6. Phân trẻ sơ sinh có máu đỏ
Không chỉ tình trạng bé sơ sinh đi hoa cà hoa cải mà phân có màu đỏ cũng là hiện tượng khiến cha mẹ lo lắng. Phân trẻ sơ sinh có máu đỏ có thể xuất phát bởi các nguyên nhân từ đơn giản cho đến phức tạp [11], [12]:
- Máu đỏ trong phân với kết cấu bình thường đại diện cho việc con bị dị ứng với protein sữa hay nứt hậu môn.
- Máu đỏ trong phân lỏng đồng nghĩa với việc bé đang gặp tình trạng nhiễm vi khuẩn.
7. Phân có chất nhầy
Chất nhầy trong phân của em bé không phải lúc nào cũng gây lo ngại. Bình thường ruột sẽ tiết ra chất nhầy để giúp phân đi qua ruột hiệu quả hơn. Đôi khi em bé có thể thải ra một số chất nhầy không kèm bất kỳ tình trạng tiềm ẩn nào [13].
Tình trạng đi tiêu phân có chất nhầy còn có thể xuất hiện ở trẻ đang mọc răng. Lúc này, trẻ tiết nước bọt nhiều cộng với mọc răng gây đau sẽ kích thích ruột tiết chất nhầy nhiều hơn (dân gian thường gọi là đi tướt) [14].
Để có thể hiểu rõ hơn màu sắc và tính chất phân nói lên điều gì về tình trạng sức khỏe tiêu hóa của trẻ, mẹ có thể tham khảo thêm thông tin tại đây.
Làm sao để trẻ đi phân đều, đẹp, bé tiêu hóa tốt, mẹ thêm yên tâm?
Để có thể giúp bé đi phân dễ dàng, đều đẹp và sở hữu một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, mẹ nên chú ý một số những điều sau.
1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng tốt cho tiêu hóa
Sữa mẹ là nguồn thức ăn duy nhất có chứa đầy đủ tất cả những dưỡng chất phù hợp cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là trong việc cải thiện sức khỏe tiêu hóa, giúp bé hạn chế những vấn đề liên quan đến tiêu chảy, táo bón [15].
Chính vì vậy trẻ dưới 6 tháng tuổi nên được ưu tiên bú mẹ để hỗ trợ đường ruột hoạt động tốt hơn, giúp bé điều chỉnh chất lượng phân thông qua [16], [17]:
- Nguồn đạm sữa tự nhiên, cân bằng, dễ tiêu đối với hệ tiêu hóa non nớt của bé.
- Các probiotic (vi sinh vật có trong sữa) và prebiotic (chất xơ) giúp thúc đẩy sự hình thành đa dạng các vi sinh vật trong đường ruột trẻ.
Nếu không đủ điều kiện cho bé bú, mẹ có thể hỏi ý kiến chuyên gia để nhờ tư vấn một loại sữa thay thế phù hợp với thể trạng hiện tại của bé. Mẹ nên ưu tiên chọn sữa giúp con cải thiện tiêu hóa, dễ hấp thu với:
- Hàm lượng cao chất xơ GOS nhằm tăng cường lợi khuẩn Bifidus, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, qua đó hạn chế tình trạng phân không ổn định do các vấn đề sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, viêm da dày ruột…
- Quy trình xử lý 1 lần nhiệt giúp bảo toàn 90% lượng đạm mềm nhỏ, tự nhiên giúp ruột bé hoạt động được dễ dàng, bé đi ngoài phân đều và “đẹp” hơn.
- Vị sữa thanh nhạt sẽ phù hợp hơn với khẩu vị của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giúp bé dễ thích ứng với sữa mới và hạn chế các vấn đề về sức khỏe như béo phì.
Bên cạnh việc duy trì bổ sung nguồn sữa hợp lý, mẹ có bé đang đến tuổi ăn dặm cũng cần chú ý xây dựng một chế độ ăn uống khoa học hỗ trợ cho vấn đề tiêu hóa và hấp thu ở bé tốt hơn như [18]:
- Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, rau quả và trái cây như chuối hay quả mọng để giúp cung cấp thêm thức ăn và môi trường phát triển tốt cho hệ vi sinh vật đường ruột.
- Cho trẻ uống nhiều nước, thực phẩm lên men như sữa chua, phô mai, dưa cải để giúp cung cấp thêm nguồn chứa vi khuẩn sống tốt cho hệ tiêu hóa trẻ.
- Cắt giảm các loại thực phẩm đã qua chế biến, hạn chế các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ vì có thể gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột, ngăn chặn các lợi khuẩn trong đường ruột phát triển.
2. Chăm sóc sinh hoạt để cải thiện các vấn đề tiêu hóa
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, mẹ cũng nên chú ý đến các biện pháp chăm sóc đúng cách trong sinh hoạt hàng ngày để có thể giúp cải thiện các vấn đề về tiêu hóa trẻ như [19]:
- Cho bé bú đúng cách, đúng tư thế để hạn chế bé nuốt phải nhiều không khí khi bú dẫn đến hiện tượng đầy bụng.
- Giúp bé vỗ ợ hơi trước, giữa và sau cữ bú để tránh tình trạng đầy hơi, trào ngược, bé hấp thu và tiêu hóa tốt hơn.
- Tập các bài tập massage bụng để giúp bé xì hơi, đẩy khí ra ngoài tốt hơn, bé bớt chướng bụng và đi phân dễ dàng hơn.
Hello Bacsi hy vọng rằng bài viết trên đã giúp mẹ trả lời cho câu hỏi: “Bé sơ sinh đi phân hoa cà hoa cải là như thế nào?”, cũng như giúp mẹ biết cách đoán sức khỏe của bé thông qua màu sắc của “output”. Mẹ cũng đừng quên, “chất lượng” phân bé cũng bị ảnh hưởng do chất lượng sữa bé bú, vì thế, hãy ưu tiên chọn cho bé nguồn sữa tốt cho tiêu hóa như trên, mẹ nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]