Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là điều cần thiết đối với phụ nữ mang thai, giúp mẹ bầu phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp. Để có kết quả chính xác nhất, phụ nữ mang thai cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ khi làm xét nghiệm. Vậy, xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có cần nhịn ăn hay không? Nếu có thì xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nhịn ăn bao lâu?
Để biết được câu trả lời xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nhịn ăn bao lâu, có nhất thiết phải nhịn ăn hay không, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi.
Tìm hiểu chung về tiểu đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp đường (glucose), phát triển trong thời kỳ mang thai và thường biến mất sau khi sinh (4 – 6 tuần). Tiểu đường thai kỳ có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng phổ biến hơn trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba.
Tình trạng này xảy ra khi cơ thể mẹ bầu không thể sản xuất đủ insulin giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Nếu không phát hiện bệnh kịp thời và điều trị đúng cách, phụ nữ mang thai có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường thai kỳ, chẳng hạn như sinh non, tiền sản giật, mổ lấy thai, thai chết lưu…
Do đó, điều quan trọng là cần tầm soát tiểu đường thai kỳ bằng các xét nghiệm cần thiết. Nhắc đến đây, không ít chị em bầu bí đặt ra câu hỏi: Liệu xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có phải nhịn ăn không và nếu có thì xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nhịn ăn bao lâu? Câu trả lời sẽ được giải đáp trong bài viết này.
Khi nào mẹ bầu nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ?
Thời điểm kiểm tra đái tháo đường thai kỳ rất quan trọng, giúp các bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Thông thường, phụ nữ mang thai cần làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vào tuần 24-28 của thai kỳ. Tuy nhiên, các xét nghiệm có thể được thực hiện sớm hơn nếu mẹ bầu có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm:
- Từng bị tiểu đường trong lần mang thai trước
- Khi đi khám thai, kết quả xét nghiệm đường huyết cao bất
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
- Bị béo phì, thừa cân
- Huyết áp cao
- Mang thai ở độ tuổi ngoài 35
- Mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc một vấn đề sức khỏe khác có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có cần nhịn ăn không?
Nếu bạn đang thắc mắc làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có cần nhịn ăn không và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nhịn ăn bao lâu, cần hiểu rằng, có 2 loại xét nghiệm tiểu đường thai kỳ:
- Xét nghiệm 2 bước: Gồm xét nghiệm thử glucose (glucose challenge test) và xét nghiệm dung nạp glucose (glucose tolerance test).
- Xét nghiệm 1 bước: Chỉ bao gồm xét nghiệm dung nạp glucose (glucose tolerance test).
Đối với từng loại xét nghiệm thử glucose và xét nghiệm dung nạp glucose, câu trả lời cho vấn đề “Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có cần nhịn ăn không?” sẽ khác nhau. Cụ thể:
- Với xét nghiệm thử glucose (glucose challenge test): Mẹ bầu không cần nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm. Bởi đây là một xét nghiệm sàng lọc glucose ngẫu nhiên, giúp kiểm tra lượng đường trong máu của thai phụ ở bất kỳ thời điểm bình thường nào trong ngày. Nếu lượng đường bất thường, bác sĩ mới tiến hành thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose cho bà bầu. Chiến lược tầm soát tiểu đường thai kỳ này thường không được áp dụng ở Việt Nam.
- Với xét nghiệm dung nạp glucose (glucose tolerance test): Mẹ bầu cần nhịn ăn theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác nhất.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nhịn ăn bao lâu?
Có thể thấy, khi làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ loại xét nghiệm dung nạp glucose, phụ nữ mang thai cần phải nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định. Vậy, xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nhịn ăn bao lâu?
Theo khuyến cáo, mẹ bầu cần nhịn ăn ít nhất 8-12 giờ trước khi làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ loại xét nghiệm dung nạp glucose. Thai phụ cũng không được ăn bất kỳ thực phẩm hay đồ uống chứa calo nào trong quá trình làm xét nghiệm. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể uống một vài ngụm nước lọc vào buổi sáng trước khi thực hiện xét nghiệm.
Sau đó, kỹ thuật viên sẽ tiến hành lấy máu xét nghiệm đường huyết lúc đói cho mẹ bầu. Kế đến, bà bầu sẽ được yêu cầu uống dung dịch có pha 75g glucose trong 5 phút, rồi được lấy thêm 2 mẫu máu sau khi uống glucose 1 giờ và 2 giờ.
Lúc này, nếu xét nghiệm máu cho thấy lượng đường cao hơn giới hạn cho phép thì thai phụ đã mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên chi tiết và thiết kế phác đồ điều trị phù hợp để ngăn ngừa các biến chứng khi mang thai.
Lưu ý
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu được xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có cần nhịn ăn không và xét nghiệm tiểu đường thai kỳ nhịn ăn bao lâu. Việc tầm soát đái tháo đường thai kỳ là điều vô cùng quan trọng, các mẹ bầu nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để có được kết quả chính xác nhất.
[embed-health-tool-due-date]