backup og meta

20 dấu hiệu mang thai sớm 2 tuần đầu dễ nhận biết

20 dấu hiệu mang thai sớm 2 tuần đầu dễ nhận biết

Mặc dù dấu hiệu mang thai sau khi quan hệ ở các tuần đầu, tháng đầu ở mỗi chị em sẽ có chút khác nhau; nhưng nhìn chung cũng sẽ có những dấu hiệu đặc trưng để nhận biết, nhất là những thay đổi của cơ thể. 

Để biết chính xác những dấu hiệu mang thai, HelloBacsi sẽ chỉ ra hơn 20 biểu hiện thường gặp và một số dấu hiệu đặc trưng của dấu hiệu mang thai 2 tuần đầu ngay dưới đây.

20 dấu hiệu mang thai sớm có thể nhận biết ngay lập tức

1. Ra máu báo thai

Máu báo thai có thể xuất hiện ở ngày 10 – 14 sau khi trứng được thụ tinh (tuần thứ 4 của thai kỳ). Lúc này, phôi nang sẽ di chuyển vào tử cung và bám vào lớp nội mạc tử cung (lớp lót bên trong của tử cung) để làm tổ.

Điều này khiến máu chảy ra ngoài âm đạo, gọi là hiện tượng xuất huyết do phôi làm tổ. Máu báo thai thường bị nhầm lẫn với kinh nguyệt bình thường. Thậm chí khiến nhiều chị em băn khoăn không biết tại sao có thai nhưng vẫn có kinh

Dưới đây là một số đặc điểm nhận biết máu báo thai:

  • Màu sắc: Máu báo thai có thể có màu hồng, đỏ hoặc nâu.
  • Lượng máu: Bạn sẽ nhận thấy một lượng ít máu rỉ khi dùng khăn, giấy vệ sinh lau âm đạo hoặc máu dính trên quần lót.
  • Đau bụng dưới: Cơn đau có thể nhẹ, trung bình hoặc trầm trọng. Theo một nghiên cứu trên 4.539 phụ nữ mang thai, trong số đó ghi nhận được 28% phụ nữ bị rỉ máu và đau bụng dưới khi mang thai những tuần đầu.
  • Các đợt xuất huyết: Xuất huyết do phôi làm tổ có thể kéo dài trong vòng tối đa 48h.

Hiện tượng ra máu báo thai là một trong những dấu hiệu có thai sớm nhất nhưng không phải mẹ bầu nào cũng có triệu chứng này.

2. Chậm kinh/Trễ kinh

Chậm kinh hay trễ kinh được coi là một trong dấu hiệu mang thai điển hình. Nếu thời điểm dự kiến có kinh nguyệt đã trễ từ 1 tuần hoặc lâu hơn thì đó là lúc mà chị em nên sử dụng que thử thai để kiểm tra.

Về mặt y khoa, sau khi quá trình phôi thai làm tổ hoàn tất, cơ thể bạn sẽ bắt đầu sản sinh hormone hCG (hormone sinh dục tiết ra từ nhau thai). Hormone này giúp cơ thể duy trì được thai kỳ và làm buồng trứng giảm bớt sự tích trứng ở mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều, bạn nên sử dụng que thử thai để kiểm tra xem mình có thai hay không.

Dấu hiệu mang thai sớm sau khi quan hệ
Chậm trễ kinh nguyệt là dấu hiệu mang thai sau khi quan hệ mà hầu hết chị em chọn để theo dõi quá trình thụ thai

3. Âm đạo sẫm màu hơn bình thường

Khi mang thai, lưu lượng máu trong cơ thể bạn tăng lên khiến âm đạonhũ hoa sẫm màu hơn. Đây cũng là dấu hiệu mang thai tháng đầu mà nhiều người gặp phải. Trong nhiều trường hợp, biểu hiện này sẽ biến mất sau vài tháng đầu thai kỳ hoặc sau khi sinh.

Bạn có thể gặp phải tất cả các triệu chứng này hoặc chỉ một vài trong số đó. Ở tháng đầu mang thai, các dấu hiệu có thể xuất hiện rõ ràng hoặc không rõ, nên bạn cần chú ý nhiều hơn đến sức khỏe và những thay đổi của cơ thể để sớm nhận ra thai kỳ đã bắt đầu.

4. Đau bụng âm ỉ

Trứng được thụ tinh sẽ di chuyển từ ống dẫn trứng về phía tử cung để làm tổ tại thành tử cung. Thời điểm này có thể khiến mẹ bầu bị đau bụng dưới, thường xảy ra trong khoảng 6 – 12 ngày sau khi trứng thụ tinh.

Cơn đau bụng khi mang thai tuần đầu thường giống như đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, bạn cần lưu ý hơn để có thể phân biệt dấu hiệu sắp có kinh và dấu hiệu mang thai. 

5. Căng tức ngực, đau ngực, sự thay đổi của ngực

Dấu hiệu thụ thai thành công sau quan hệ mà chị em có thể dễ dàng nhận ra là sự thay đổi của vùng ngực. Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ – APA, dấu hiệu này có thể xuất hiện sau 1-2 tuần sau khi quá trình thụ thai thành công.

Khi mang thai, các hormone trong cơ thể phụ nữ thay đổi nhanh chóng làm cho lượng máu đến bầu ngực tăng lên gây đau nhức vùng ngực hoặc có cảm giác như ngực sưng lên. Ngoài ra, một số chị em cảm thấy ngực nặng hơn và phần xung quanh núm vú trở nên sậm màu. Nếu bầu ngực quá căng tức gây cảm giác khó chịu, bạn hãy mặc áo ngực rộng hơn một chút và massage ngực nhẹ nhàng.

Dấu hiệu mang thai sớm
Đau ngực, tức ngực, căng ngực là dấu hiệu do sự thay đổi nội tiết tốt trong cơ thể gây ra khi mang thai

6. Tăng tiết dịch âm đạo

Tăng tiết dịch âm đạo là một trong những dấu hiệu có thai sau khi quan hệ điển điển hình. Việc tiết dịch âm đạo nhiều hơn khi mang thai là điều hoàn toàn bình thường. Tính chất dịch tiết không khác nhiều so với trước khi mang thai. Dịch tiết có màu trắng trong, có thể dày dính, trơn ướt nhưng không có mùi hôi. 

Nếu dịch tiết âm đạo có mùi hôi tanh, có màu lạ, dịch tiết ra gây ngứa rát… chị em nên đi khám bệnh sớm để xem đó có phải là dấu hiệu nhiễm trùng hay không. 

7. Mệt mỏi, lừ đừ

Một dấu hiệu thụ thai thành công sau quan hệ dễ nhận biết và cũng dễ gây nhầm lẫn là cảm giác mệt mỏi bất thường. Theo các chuyên gia, một số phụ nữ cảm thấy mệt mỏi ngay từ khi mang thai tuần đầu.

Biểu hiện này liên quan tới mức độ tăng progesterone và những yếu tố khác bao gồm: tăng sản xuất máu, giảm lượng đường trong máu và huyết áp thấp. Do đó, tình trạng mệt mỏi sau khi trễ kinh thường là hiện tượng có thai dễ nhận biết nhưng thường bị nhầm lẫn.

Mệt mỏi, buồn ngủ
Mệt mỏi là dấu hiệu mang thai sớm thường gặp ở nhiều thai phụ

8. Thay đổi tâm trạng

Khi cơ thể bắt đầu quá trình thụ thai, các nội tiết tố estrogen và progesterone trong cơ thể sẽ tăng lên. Quá trình này khiến cho tâm trạng, cảm xúc của bạn bị ảnh hưởng, bạn nhạy cảm và dễ phản ứng hơn bình thường. Một số các trạng thái tâm lý có thể xảy ra bao gồm: chán nản, khó chịu, lo lắng hoặc hưng phấn quá mức.

9. Đi tiểu thường xuyên

Việc đi tiểu thường xuyên khi bạn thay đổi thói quen ăn uống hoặc uống nhiều nước hơn bình thường có thể không phải dấu hiệu mang thai tuần đầu. Tuy nhiên, nếu bạn không có bất kỳ thay đổi nào trong lối sống nhưng vẫn đi tiểu nhiều hơn bình thường, có nhiều khả năng cơ thể đang phát ra tín hiệu báo bạn đã có bầu. Biểu hiện có thai này thường xuất hiện trong khoảng một đến ba tuần sau khi đậu thai.

Dấu hiệu mang thai sớm
Đây là một trong các dấu hiệu mang thai sớm phổ biến

10. Tiết nhiều nước bọt

Hiện tượng dư thừa nước bọt chính là sự khởi đầu của tình trạng ốm nghén, trào ngược axit hoặc ợ nóng, các triệu chứng mang thai rất phổ biến mà hầu như bà bầu nào cũng trải qua.

11. Ốm nghén (buồn nôn, nôn)

Ốm nghén (buồn nôn và nôn) là một trong những dấu hiệu mang thai tháng đầu dễ nhận biết nhất, thậm chí đây còn có thể là dấu hiệu có thai sớm nhất khi chưa đến kỳ kinh. Biểu hiện này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả ban ngày lẫn ban đêm nhưng thường là vào buổi sáng. Một số phụ nữ có thể sẽ bị ốm nghén cả ngày khiến cơ thể vô cùng mệt mỏi, thậm chí kiệt sức.

Dấu hiệu mang bầu này có thể sẽ làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thường ngày của bạn nhưng không gây nguy hiểm cho bào thai. Thông thường, triệu chứng buồn nôn và nôn sẽ hết trong khoảng 16-20 tuần của thai kỳ.

Dấu hiệu mang thai sớm
Ốm nghén (buồn nôn, nôn) là dấu hiệu mang thai điển hình khi quá trình thụ thai diễn ra thành công

12. Thay đổi khẩu vị, thèm ăn bất thường

Trong giai đoạn đầu thai kỳ, nhạy cảm với mùi vì là biểu hiện dễ nhận biết. Khứu giác của bạn nhạy cảm với mùi hơn và vị giác cũng có chút thay đổi so với trước. Chị em có thể chán những món mà mình từng rất yêu thích hoặc bất ngờ thèm một món ăn cụ thể nào đó.

13. Tăng thân nhiệt có thể là dấu hiệu đang mang thai 

Nhiệt độ cơ thể có thể tăng khi bạn hoạt động thể chất, thời tiết nắng nóng hay mặc quần áo quá kín… Tuy nhiên, nếu đã loại trừ các nguyên nhân kể trên mà nhiệt độ cơ thể vẫn tăng thì có thể xem đây là dấu hiệu mang sớm.

Nhiệt độ cơ thể cao hơn cũng có thể là một dấu hiệu mang thai. Trong thời gian này, bạn cần uống nhiều nước hơn và tập thể dục một cách thận trọng.

14. Da ửng hồng, bóng dầu, nổi mụn

Sự kết hợp của tình trạng tăng thể tích máu và nồng độ hormone tăng cao hơn sẽ làm cho lượng máu qua các mạch nhiều hơn. Điều này khiến các tuyến dầu của cơ thể hoạt động quá mức nên có thể làm cho làn da của bạn ửng hồng và bóng dầu. Mặt khác, tình trạng da đỏ quá nhiều dầu cũng là nguyên nhân khiến bạn nổi mụn khi mang thai tuần đầu.

15. Ợ nóng 

Sự thay đổi hormone nội tiết khi mang thai có thể khiến van giữa dạ dày và thực quản giãn ra. Điều này khiến axit dạ dày bị trào ngược dẫn đến ợ nóng. Nếu rơi vào tình trạng này, bạn nên chia nhỏ bữa ăn, ngồi thẳng sau ăn để giảm nhẹ cảm giác khó chịu.

16. Đầy hơi, táo bón

Tương tự như triệu chứng của một kỳ kinh nguyệt, tình trạng đầy hơi có thể là dấu hiệu có thai sau 1 tuần. Nguyên nhân có thể là do sự thay đổi hormone, khiến quá trình tiêu hóa diễn ra chậm lại. Kết quả là bạn có thể bị táo bón khi mang thai tháng đầu. Tình trạng táo bón xảy ra lại khiến bạn tăng cảm giác đầy hơi.

17. Đau lưng

Nguyên nhân là khi có thai, cơ thể thay đổi nội tiết tố để thích nghi. Lúc này, một số khớp và dây chằng phải tự nới lỏng để sẵn sàng “mang vác” bào thai và chuẩn bị cho việc sinh nở. Trong nhiều trường hợp, dấu hiệu đau lưng tiến triển cùng với thai kỳ. Khi tuổi thai càng lớn, trọng lượng cơ thể của thai phụ càng làm tăng áp lực lên sống lưng, làm gia tăng nguy cơ bị đau lưng trong suốt thai kỳ.

Đau lưng khi mang thai
Đau lưng, mỏi lưng cũng có thể là tín hiệu trong quá trình mang thai

18. Bỗng nhiên khó thở, hụt hơi

Nếu bạn khỏe bình thường nhưng lại đột nhiên thấy khó thở và hụt hơi, nhất là vào ban đêm khi nằm ngủ, đây có thể là dấu hiệu cấn thai sau khi quan hệ. Khi bạn đậu thai, cơ thể thay đổi nội tiết tố để thích nghi làm cho niêm mạc tử cung dày lên để hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến bạn bị khó thở hoặc hụt hơi trong khoảng thời gian đầu mang thai.

19. Tăng nhịp tim

Một dấu hiệu thụ thai thành công sau quan hệ mà nhiều chị em hay rỉ tai nhau là tăng nhịp tim, tim đập mạnh hơn. Thực tế cho thấy, khoảng tuần thứ 8-10 của thai kỳ, nhịp tim của bạn bắt đầu đập nhanh và mạnh hơn. Đây có thể gọi là tình trạng đánh trống ngực và rối loạn nhịp tim, song đây cũng là một dấu hiệu mang thai phổ biến do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể gây ra.

Do đó, nếu nhận thấy dấu hiệu này bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để xác định chính xác liệu bạn mang thai hay là đang gặp phải vấn đề sức khỏe nào khác.

20. Huyết áp tăng và chóng mặt

Trong hầu hết các trường hợp, huyết áp cao hoặc thấp trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thể gây ra cảm giác chóng mặt, vì các mạch máu bị giãn hoặc co lại.

Ngay trong lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ đo huyết áp của bạn và ghi vào sổ khám thai để theo dõi trong suốt thai kỳ. Do đó, đo huyết áp là một trong những thăm khám thường quy sẽ được thực hiện suốt thai kỳ.

Nếu bị chóng mặt, bạn nên uống đủ nước và ăn nhẹ thường xuyên để giúp hạn chế tình trạng này. Bạn cũng không nên đứng dậy hoặc bật dậy đột ngột.

Dấu hiệu mang thai điển hình

Dù có đến 20 dấu hiệu mang thai hay nhiều hơn thế nữa, nhưng theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ – American Pregnancy Association, sẽ có 5 dấu hiệu mang thai sớm điển hình nhất là:
  1. Chậm kinh, trễ kinh
  2. Căng ngực, đau ngực, tức ngực.
  3. Ốm nghén (nôn, buồn nôn)
  4. Đi tiểu thường xuyên hơn
  5. Mệt mỏi, chóng mặt.

Cần làm gì khi nhận thấy dấu hiệu mang thai sớm?

Khi đã nhận biết có dấu hiệu mang thai, bạn nên đi khám thai càng sớm càng tốt. Nếu được chẩn đoán mang thai, dưới đây là những điều bạn nên làm để có một thai kỳ khỏe mạnh:

  • Thăm khám sớm: Sau khi phát hiện bản thân có một số dấu hiệu mang thai khoảng 1 – 2 tuần, hoặc kết quả que thử thai cho kết quả 2 vạch, chị em nên đến các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa Sản – Phụ khoa uy tín để được kiểm tra và siêu âm.
  • Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn uống khoa học với các loại thực phẩm lành mạnh là yếu tố quan trọng để đảm bảo sức khỏe mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. 
  • Thông báo cho người thân, gia đình: Mang thai là việc hệ trọng, bạn nên thông báo cho người thân, gia đình, bạn bè và đặc biệt nhất là chồng của bạn.
  • Sắp xếp thời gian tập luyện, nghỉ ngơi: Ngoài việc sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, bạn cũng nên dành thời gian tập luyện để tăng cường sức khỏe và giải tỏa căng thẳng.
Cần làm gì khi bản thân mang thai
Nếu nhận thấy bản thân có những dấu hiệu mang thai trên, tốt hơn hết là bạn nên thăm khám sớm, để được kiểm tra và siêu âm kỹ lưỡng

Câu hỏi thường gặp

Dấu hiệu mang thai 2 tuần là gì?

9 dấu hiệu mang thai 2 tuần dễ nhận biết:

  • Ngực căng tức và nhạy cảm.
  • Thay đổi khẩu vị.
  • Chán ăn.
  • Ốm nghén và buồn nôn.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Tăng tiết dịch âm đạo.
  • Xuất hiện máu báo thai.
  • Cảm thấy mệt mỏi.
  • Chậm kinh, trễ kinh.

Thèm ăn có phải dấu hiệu mang thai?

Ở nhiều phụ nữ, dù trước đây họ không thích một loại đồ ăn nào đó hoặc ăn rất ít nhưng khi có thai, họ sẽ thay đổi khẩu vị. Một trong những dấu hiệu có bầu dễ nhận biết nhất là thèm ăn một (hoặc vài món) nào đó trong một thời gian.

Trễ kinh có phải dấu hiệu mang thai tuần đầu không?

Câu trả lời là có thể, vì kinh nguyệt sẽ không xuất hiện nếu quá trình thụ thai diễn ra thành công.

Quan hệ bao lâu thì có dấu hiệu mang thai?

Sau khi quan hệ, phải mất từ 2 – 3 tuần để quá trình thụ thai diễn ra, khi đó bạn sẽ chính thức mang thai.

Về mặt y khoa, quá trình thụ thai có thể chỉ diễn ra trong 3 phút, ngay sau quan hệ tình dục, nhưng cũng có thể mất đến 5 – 6 ngày. Quá trình làm tổ ở thành tử cung sẽ mất từ 5–10 ngày sau khi thụ thai – cũng có nghĩa là toàn bộ quá trình thụ thai – làm tổ có thể diễn ra từ 5–15 ngày sau khi quan hệ tình dục.

Sau khi trứng thụ tinh bao lâu thì những dấu hiệu mang thai xuất hiện?

Sau khi trứng đã được thụ tinh thành công, các dấu hiệu mang thai sẽ bắt đầu xuất hiện sau 14 – 30 ngày. Nhưng cũng sẽ có trường hợp không xuất hiện các dấu hiệu mang thai. Do đó, các con số về thời gian chỉ mang tính chất tham khảo và sẽ không áp dụng cho tất cả các trường hợp.

Dấu hiệu mang thai 2 tháng dễ nhận biết nhất là gì?

Các dấu hiệu mang thai 2 tháng dễ nhận biết bao gồm:

  • Ốm nghén: Dấu hiệu mang thai 2 tháng đặc trưng là buồn nôn, gặp nhiều nhất vào buổi sáng nhưng có thể kéo dài cả ngày. 
  • Tâm trạng thay đổi thất thường: Do sự thay đổi của nội tiết tố progesterone và estrogen khiến cho tâm trạng thay đổi thất thường.
  • Đi tiểu thường xuyên: Bà bầu thấy mắc tiểu nhiều hơn và cảm thấy như mình có thể bị són tiểu. Điều này là do sự gia tăng của hormone hCG trong thai kỳ.
  • Đầu ti bị thâm, sưng đau, căng ngực, tức ngực: Ngực lớn hơn và nhạy cảm hơn so với bình thường do sự thay đổi của hormone progesterone và estrogen làm tăng lượng mỡ dự trữ trong cơ thể.
  • Thèm ăn, thay đổi khẩu vị: Bầu 2 tháng có thể mang đến cho bạn cảm giác thèm ăn và thay đổi khẩu vị đột ngột.
  • Thường xuyên khát nước: Đi tiểu thường xuyên và thể tích máu gia tăng là nguyên nhân khiến bạn hay thấy khát nước ở tháng thứ 2 của thai kỳ.
  • Thay đổi dịch âm đạo và máu báo thai: Màu sắc có thể khác nhau, dịch đặc hoặc lỏng hơn và dịch cũng ra nhiều hơn khi mang thai hai tháng.

Kết luận

Nếu nhận thấy bản thân có phần lớn các dấu hiệu mang thai mà HelloBacsi liệt kê ở trên, tốt hơn hết là bạn nên đến bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa Sản – Phụ khoa để được kiểm tra và siêu âm.

Mang thai là việc hệ trọng, bạn nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và sớm chia sẻ với người thân, chồng và bạn bè để nhận được sự hỗ trợ từ mọi người. Bên cạnh đó, bạn cũng cẩn trọng hơn trong việc đi đứng và ăn uống của bản thân nhằm đảm bảo sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Hy vọng nội dung bài viết đã giúp bạn giải đáp những thắc mắc xoay quanh các dấu hiệu mang thai dễ nhận biết. 

Chuyên mục ‘Mang thai’ đăng tải những nội dung liên quan đến quá trình mang thai, chăm sóc mẹ bầu, mẹ sau sinh. Để đảm bảo một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh, bạn có thể tìm hiểu thêm về chuyên mục này nhé.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Symptoms of pregnancy: What happens first

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/getting-pregnant/in-depth/symptoms-of-pregnancy/art-20043853

Ngày truy cập: 14.08.2024

2. Signs and symptoms of pregnancy

https://www.nhs.uk/pregnancy/trying-for-a-baby/signs-and-symptoms-of-pregnancy/

Ngày truy cập: 14.08.2024

3. Pregnancy: Am I Pregnant?

https://my.clevelandclinic.org/health/articles/9709-pregnancy-am-i-pregnant

Ngày truy cập: 14.08.2024

4. Early Signs of Pregnancy

https://americanpregnancy.org/pregnancy-symptoms/early-signs-of-pregnancy/

Ngày truy cập: 14.08.2024

5. Early signs of pregnancy

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/early-signs-of-pregnancy

Ngày truy cập: 14.08.2024

Phiên bản hiện tại

09/09/2024

Tác giả: Phong Huỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thảo

Cập nhật bởi: Phong Huỳnh


Bài viết liên quan

Mang thai 3 tháng đầu cần chú ý những gì? Tư vấn từ bác sĩ sản khoa

Mang thai giả: Bệnh lý hay bản thân đang "tự lừa mình"?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thảo

Sản - Phụ khoa · Phòng khám Quốc tế Mỹ AIC


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 09/09/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo