backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Mẹ bầu đau bụng bên phải: Nguyên nhân do đâu, xử lý như thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 15/09/2023

    Mẹ bầu đau bụng bên phải: Nguyên nhân do đâu, xử lý như thế nào?

    Việc mẹ bầu bị đau bụng khi mang thai là tình trạng tương đối phổ biến. Trong đó, các triệu chứng cụ thể hơn, chẳng hạn như mẹ bầu đau bụng bên phải cũng là vấn đề khiến nhiều chị em lo lắng.

    Trong hầu hết trường hợp, đau bụng bên phải do sự thay đổi của cơ thể trong thai kỳ thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần quan tâm đến các nguyên nhân khác nghiêm trọng hơn, bao gồm cả nguyên nhân không liên quan đến việc mang thai. Bởi vì đau bên phải cũng là thể do sỏi mật, viêm ruột thừa… Trong bài viết sau của Hello Bacsi, mẹ có thể tìm hiểu chi tiết hơn về tình trạng này để có hướng xử lý kịp thời nhé!

    Nguyên nhân khiến bà bầu đau bụng bên phải

    Có nhiều nguyên nhân gây ra các cơn đau bụng bên phải khi mang thai. Thi thoảng, mẹ bầu đau bụng bên phải có thể là điều bình thường nhưng đôi khi cũng là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, việc chủ động tìm hiểu các vấn đề có thể xảy ra trong thai kỳ là điều cần thiết.

    Nguyên nhân phổ biến và ít nghiêm trọng

    1. Mẹ bầu đau bụng bên phải do đau dây chằng tròn

    Dây chằng tròn là hai dải mổ liên kết ở hai bên tử cung, thực hiện chức năng kết nối tử cung với khu vực háng và mu. Trong thai kỳ, khi tử cung ngày càng phát triển, dây chằng sẽ giãn ra để thích nghi với sự lớn dần của thai nhi. Tuy nhiên, trọng lượng của em bé và nước ối trong tử cung tăng lên cũng có thể khiến cho các dây chằng này bị kéo căng, co thắt khiến mẹ cảm thấy đau, khó chịu.

    Đau dây chằng tròn được mô tả là cơn đau nhói khi bạn thay đổi tư thế hoặc di chuyển quá nhanh. Đôi khi, ngay cả việc ho hoặc hắt hơi quá mạnh cũng có thể khiến mẹ bầu bị đau dây chằng. Mặc dù vậy, các cơn đau này khi diễn ra trong tam cá nguyệt thứ hai thường được xem là vô hại. Mẹ có thể giảm đau dây chằng tròn bằng cách ngủ nằm nghiêng, sử dụng gối dành cho bà bầu, khi di chuyển hoặc thay đổi tư thế thì nên chậm rãi…

    2. Các vấn đề về tiêu hóa

    bà bầu bị đau bụng bên phải do vấn đề tiêu hóa

    Đầy hơi và táo bón là những vấn đề tiêu hóa phổ biến trong thai kỳ. Nguyên nhân mẹ bị táo bón hoặc đầy hơi chướng bụng được cho là có thể xuất phát từ sự thay đổi nhu động ruột (hoạt động chậm hơn bình thường) do hormone thai kỳ hay chèn ép của tử cung, cũng có thể do việc bổ sung sắt, các vitamin và khoáng chất khi mang thai.

    Việc bị đầy hơi và táo bón đều có thể gây đau bụng bên phải. Trong giai đoạn cuối của thai kỳ, khi độ ảnh hưởng của các hormone giảm đi thì mẹ vẫn gặp các vấn đề tiêu hóa do sự phát triển của tử cung gây áp lực lên các cơ quan này. Mẹ bầu có thể bị ợ nóng, đầy hơi… gây đau ở dạ dày hoặc đau bụng một bên. Để cải thiện tình trạng khó chịu do đầy hơi, táo bón thì mẹ bầu nên:

    • Uống nhiều nước
    • Bổ sung chất xơ từ trái cây rau củ quả, ngũ cốc…
    • Tránh các thực phẩm có thể gây đầy hơi như sữa, các sản phẩm từ sữa, các món ăn dầu mỡ, đồ ngọt, súp lơ, bông cải xanh…
    • Tập thể dục thường xuyên
    • Dùng thuốc làm mềm phân theo chỉ định của bác sĩ nếu cần thiết.

    3. Mẹ bầu đau bụng bên phải do ảnh hưởng của cơn gò sinh lý (Braxton Hicks)

    Các cơn gò sinh lý còn được biết đến là cơn co thắt Braxton Hicks hoặc cơn gò chuyển dạ giả. Các cơn gò này thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ ba nhưng cũng có khi sớm hơn, có vai trò như một bài tập luyện để mẹ chuẩn bị cho giai đoạn chuyển dạ thật sự.

    Đôi khi, mẹ bầu đau bụng bên phải có thể do cơn gò sinh lý nhưng về bản chất thì những cơn gò này thường không gây đau. Mẹ bầu trải qua cơn gò chuyển dạ giả sẽ có cảm giác như căng cứng bụng. Tuy nhiên, cơn gò sẽ không kéo dài, không diễn ra thường xuyên và nếu mẹ đổi tư thế cơn gò có thể biến mất.

    Mẹ bầu có thể cảm thấy khó chịu khi các cơn gò sinh lý diễn ra nhưng đừng quá lo lắng. Một số trường hợp, cơn co thắt Braxton Hicks xuất hiện có thể do mẹ bầu bị mất nước. Vì vậy, mẹ cần chú ý bổ sung đủ chất lỏng và nghỉ ngơi hợp lý để giảm thiểu vấn đề này.

    4. Chuột rút khi mang thai

    bà bầu bị đau bụng bên phải do chuột rút

    Chuột rút là tình trạng một hoặc nhiều cơ bắp bị co thắt đột ngột và có thể gây đau. Mặc dù chuột rút là một phần bình thường của thai kỳ nhưng đôi khi có thể khiến mẹ bầu đau bụng bên phải. Trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai, mẹ có thể bị chuột rút do tử cung đang căng ra. Trong tam cá nguyệt thứ ba, chuột rút có thể do căng cơ và căng dây chằng xung quanh vùng bụng và vùng háng.

    Việc quan hệ tình dục trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba cũng có thể gây ra những cơn đau liên quan đến chuột rút. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng vì chuột rút thường có thể tự khỏi.

    Bà bầu đau bụng bên phải – Các nguyên nhân nghiêm trọng hơn

    Bên cạnh các nguyên nhân thông thường trong thai kỳ, việc mẹ bầu đau bụng bên phải đôi khi cũng là dấu hiệu của một tình trạng đáng lo ngại khác cần được chăm sóc y tế ngay lập tức, bao gồm:

    1. Sẩy thai

    Mẹ bầu đau bụng bên phải, đặc biệt là đau dữ dội ở vùng bụng dưới (hạ vị) cũng có thể cảnh báo bạn đang sẩy thai. Các triệu chứng bao gồm:

    • Chảy máu đỏ hoặc nâu
    • Có mô hoặc cục giống như cục máu đông thoát ra từ âm đạo
    • Đau bụng dưới nghiêm trọng, có thể kèm theo chuột rút
    • Đau lưng dưới từ nhẹ đến nặng
    • Các triệu chứng của thai kỳ đột ngột suy giảm, biến mất.

    Mẹ bầu thường có nguy cơ sẩy thai trong tam cá nguyệt đầu tiên. Tình trạng này cũng tương đối phổ biến và thường không có biện pháp ngăn ngừa tuyệt đối.

    2. Mẹ bầu đau bụng bên phải do viêm ruột thừa

    bà bầu bị đau bụng bên phải do viêm ruột thừa

    Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ nối với ruột già và nằm ở phần dưới bên phải bụng. Viêm ruột thừa là tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm ở ruột thừa. Bệnh viêm ruột thừa không quá phổ biến trong thai kỳ nhưng vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, nếu mẹ bầu bị đau bụng bên phải thì vẫn nên lưu ý đến nguy cơ rủi ro này.

    Bởi vì viêm ruột thừa không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến biến chứng vỡ ruột thừa và khiến nhiễm trùng lây lan khắp ổ bụng đe dọa tính mạng. Trên thực tế, mẹ bầu có thể bị viêm ruột thừa bất cứ lúc nào trong giai đoạn mang thai. Bạn có thể cảm thấy đau nhói hoặc đau âm ỉ ở vùng bụng dưới xương sườn bên phải. Một số triệu chứng khác cần lưu ý để nhập viện kịp thời bao gồm đau bụng quanh vùng rốn, buồn nôn, nôn mửa, sốt, mất cảm giác ngon miệng, tiêu chảy, mệt mỏi…

    Nói chung, viêm ruột thừa là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa, do đó, khi có triệu chứng đau bụng khu trú vùng bụng dưới bên phải, có thể kèm theo triệu chứng sốt, nôn hay buồn nôn, rối loạn tiêu hóa… cần cảnh giác tình trạng khẩn cấp này, cả người mang thai và không mang thai.

    3. Mẹ bầu đang bụng bên phải do sỏi mật

    Sỏi mật là tình trạng hình thành sỏi trong túi mật, một cơ quan nhỏ có hình dáng gần giống trái lê nằm phía dưới gan. Sỏi trong túi mật hình thành do có quá nhiều cholesterol hoặc axit mật. Khi mang thai, mẹ dễ bị sỏi mật là do nồng độ hormone estrogen tăng lên có thể dẫn đến mức cholesterol cao hơn. Bên cạnh đó, nồng độ progesterone tăng lên trong thời kỳ mang thai cũng khiến chức năng hoạt động của hệ tiêu hóa và túi mật chậm lại. Đây đều là những yếu tố góp phần hình thành sỏi mật và có thể xảy ra bất cứ giai đoạn nào trong thai kỳ. Các triệu chứng bao gồm đau phía bên phải, buồn nôn, nôn mửa, ăn mất ngon, sốt, vàng da vàng mắt do tắc mật.

    Thông thường, việc tình cờ phát hiện sỏi mật trong thai kỳ nếu không kèm theo triệu chứng của viêm hay tắc mật thì không cần xử trí gì. Triệu chứng của sỏi mật cũng có thể rất mơ hồ và khó chẩn đoán, do đó, nếu cơn đau tái diễn, mẹ bầu nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. 

    4. Tiền sản giật

    Tiền sản giật là một biến chứng nghiêm trọng thường xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ. Trong bệnh cảnh tiền sản giật huyết áp của mẹ bầu tăng cao đến mức nguy hiểm, gây tổn thương một số cơ quan như não, gan và thận, thậm chí là có thể dẫn đến đột quỵ.

    Nếu mẹ bị tiền sản giật thì có thể cảm thấy đau ở bên phải, thường là ngay dưới xương sườn. Triệu chứng đau hạ sườn phải trong tiền sản giật có thể gắn liền với tổn thương gan và được chẩn đoán là tiền sản giật có dấu hiệu nặng, có nguy cơ đe dọa tính mạng của mẹ và con. Các triệu chứng khác có thể bao gồm nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, thay đổi thị lực, mắt nhạy cảm với ánh sáng, sưng ở tay chân mặt, khó thở…

    Mẹ bầu đau bụng bên phải nên làm gì?

    bà bầu bị đau bụng bên phải

    Giải pháp cải thiện tình trạng đau bụng bên phải khi mang thai như thế nào hiệu quả sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề. Đối với các trường hợp đau bụng thông thường, mẹ có thể áp dụng một số cách xử lý đơn giản sau đây:

    Tắm nước ấm

    Mẹ có thể chọn cách tắm nước ấm để làm dịu cơn đau và cảm thấy thư giãn hơn. Tuy nhiên, lưu ý là mẹ bầu không nên tắm với nước quá nóng hoặc dùng phòng xông hơi vì điều này có thể gây bất lợi cho thai kỳ.

    Vận động nhẹ nhàng

    Việc tập thể dục hoặc vận động nhẹ nhàng có thể mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe cho mẹ bầu, bao gồm cả hỗ trợ giảm đau. Tập thể dục phù hợp cũng giúp mẹ bầu giảm thiểu các cơn co thắt Braxton Hicks. Tuy nhiên, nếu mẹ bắt đầu có những cơn đau dây chằng tròn cần lưu ý thêm là cần chậm rãi khi di chuyển và tránh thay đổi tư thế đột ngột.

    Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp

    Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ tốt cho hệ tiêu hóa vốn nhạy cảm của mẹ bầu. Qua đó giúp giảm tình trạng đau bụng do táo bón hoặc đầy hơi. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên hạn chế các chất béo không lành mạnh trong bữa ăn. Điều này không chỉ giúp giảm các vấn đề tiêu hóa phổ biến mà còn ngăn ngừa sỏi mật trong thai kỳ.

    Mẹ bầu đau bụng bên phải cần uống nhiều nước

    Mất nước cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các cơn co thắt Braxton Hicks dẫn đến đau bụng bên phải và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, mẹ bầu cần đảm bảo luôn bổ sung đủ nước trong thai kỳ.

    Nghỉ ngơi hợp lý

    Để xoa dịu cơn đau bụng, mẹ cũng có thể chọn cách nằm nghỉ ngơi trên giường. Trong giai đoạn mang thai, mẹ cần chú ý đến việc dành thời gian nghỉ ngơi, tránh thức khuya, tránh làm việc quá nhiều… để các cơn đau không trở nên nghiêm trọng hơn.

    Dùng thuốc giảm đau

    Tùy thuộc vào mức độ đau như thế nào thì mẹ bầu có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như paracetamol được xem là an toàn trong thai kỳ. Việc dùng thuốc khi mang thai nói chung cần được cân nhắc dựa trên mức độ đau, giai đoạn thai kỳ cũng như bất kỳ rủi ro nào có thể xảy ra với mẹ và bé.

    Nhìn chung, mẹ bầu đau bụng bên phải thường không phải là vấn đề gây nguy hiểm. Tuy nhiên, mẹ vẫn không nên chủ quan. Nếu cơn đau không thuyên giảm, đau bên phải dữ dội kèm theo đau đầu, mờ mắt, sốt, khó thở… thì mẹ nên nhanh chóng nhập viện để được điều trị kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Văn Thuận

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 15/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo