backup og meta
Chuyên mục

2

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Dùng thuốc giảm đau cho bà bầu ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 26/11/2022

    Dùng thuốc giảm đau cho bà bầu ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

    Việc dùng thuốc giảm đau cho bà bầu đôi khi là điều không thể tránh khỏi nếu mẹ gặp phải những vấn đề như đau đầu, đau lưng… nghiêm trọng. Tuy nhiên, những gì bạn ăn hay uống, kể cả thuốc đều có thể được truyền sang em bé qua nhau thai. Điều này khiến nhiều chị em lo lắng, băn khoăn liệu dùng các loại thuốc giảm đau có an toàn cho thai nhi hay không?

    Thực tế là không có hướng dẫn cụ thể nào về việc dùng thuốc để điều trị các cơn đau trong thai kỳ. Thay vào đó, bác sĩ thường đánh giá mức độ đau của mẹ bầu, cân nhắc lợi ích và rủi ro để quyết định phương pháp điều trị phù hợp nhất. Vì vậy, mặc dù mẹ có thể tìm hiểu thêm thông tin về việc dùng thuốc giảm đau khi mang thai từ Hello Bacsi nhưng điều quan trọng hơn vẫn là nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào nhé!

    Thuốc giảm đau cho bà bầu – Trường hợp dùng thuốc không kê đơn

    Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) bao gồm hai loại đó là acetaminophen (còn gọi là paracetamol) và thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Thuốc giảm đau OTC được lưu hành rộng rãi trên thị trường khiến một số người lầm tưởng rằng nhóm thuốc giảm đau này an toàn với tất cả mọi người, kể cả mẹ bầu. Thế nhưng, sự thật là loại thuốc nào cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định nên cần lưu ý.

    Thuốc giảm đau cho bà bầu – Trường hợp dùng acetaminophen

    Acetaminophen là hoạt chất có trong thuốc Tylenol, thường được sử dụng để hạ sốt, giảm đau đầu, giảm viêm họng… Trong các loại thuốc giảm đau thì acetaminophen được xem là an toàn trong thai kỳ và có thể dùng được trong cả ba tam cá nguyệt nên thường được ưu tiên.

    Mặc dù vậy bạn vẫn nên thận trọng trước khi dùng thuốc. Các nghiên cứu gần đây đã tìm thấy một số vấn đề đáng lo ngại. Trẻ sinh ra từ mẹ dùng acetaminophen trong thai kỳ được phát hiện là có các vấn đề về hành vi trong thời thơ ấu chẳng hạn như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc tự kỷ. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng ghi nhận bằng chứng về việc dùng acetaminophen có thể cản trở sự phát triển của thai nhi. Các tác động từ thuốc có thể kéo dài lên não, hệ thống sinh sản, tiết niệu cũng như sự phát triển bộ phận sinh dục của em bé.

    Trường hợp dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

    thuốc giảm đau cho bà bầu

    Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) bao gồm một số loại điển hình như aspirin, ibuprofen và naproxen. Nếu sử dụng thuốc giảm đau cho bà bầu, nhóm thuốc này có thể phù hợp để sử dụng trong tam cá nguyệt đầu tiên và tam cá nguyệt thứ hai. Mẹ bầu không nên dùng NSAID sau 30 tuần vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi, chẳng hạn như gây thiếu ối hoặc vấn đề về thận, tim ở trẻ. Cụ thể:

    Aspirin

    Phần lớn không được khuyến cáo dùng khi mang thai ngoại trừ trường hợp mẹ bầu mắc tiền sản giật thì bác sĩ có thể cân nhắc kê đơn. Aspirin có tác dụng làm chậm khả năng đông máu. Vì vậy, cần tránh tuyệt đối việc dùng aspirin trong tam cá nguyệt cuối và trước khi sinh để tránh chảy nhiều máu trong quá trình chuyển dạ, sinh nở.

    Ibuprofen và naproxen

    So với aspirin, ibuprofen và naproxen được xem là lựa chọn an toàn hơn. Nếu cần dùng thuốc giảm đau cho bà bầu, mẹ có thể dùng ibuprofen và naproxen trong 20 tuần đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

    Thuốc giảm đau cho bà bầu – Trường hợp dùng thuốc kê đơn

    Các loại thuốc giảm đau theo toa thường là thuốc giảm đau gây nghiện hay còn được gọi là nhóm opioid, đây là một dẫn xuất của cây thuốc phiện. Mặc dù opioid được ứng dụng trong việc giảm đau cho người bệnh nhưng đây là thuốc có chất gây nghiện nên cần được kê đơn và kiểm soát bởi bác sĩ. Trong đó, các loại thuốc giảm đau kê đơn phổ biến bao gồm:

  • Codeine
  • Buprenorphine
  • Meptazinol
  • Oxycodone
  • Hydrocodone
  • Morphine
  • Tramadol
  • Fentanyl
  • thuốc giảm đau cho bà bầu

    Nhóm thuốc giảm đau gây nghiện (opioid) thường được sử dụng để điều trị những cơn đau dữ dội, nghiêm trọng do đau nửa đầu, chấn thương, phẫu thuật, thủ thuật nha khoa và bao gồm cả đau khi chuyển dạ, sinh nở. Vì đây là thuốc có tác dụng giảm đau mạnh hơn so với thuốc không kê đơn nên cũng có nhiều tác dụng phụ hơn đối với mẹ bầu và thai nhi. Các rủi ro có thể bao gồm dị tật bẩm sinh, sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Nếu có thể sinh con, em bé sau sinh cũng gặp một số vấn đề như nhẹ cân, khó thở, buồn ngủ cực độ ảnh hưởng đến khả năng bú của trẻ.

    Đối với trường hợp này, bác sĩ sẽ luôn cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi dùng thuốc giảm đau cho bà bầu trước khi quyết định phương pháp điều trị. Đồng thời, mẹ bầu khi dùng thuốc giảm đau gây nghiện cần được chăm sóc, theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ sản phụ khoa. Đối với mẹ dùng thuốc giảm đau này khi sinh nở, em bé sau sinh có thể cần được điều trị ngắn hạn các triệu chứng nghiện và cần được hỗ trợ về hô hấp.

    Nếu bạn đã dùng thuốc giảm đau khi mang thai có sao không? Cần lưu ý điều gì?

    Trên thực tế, không ít chị em vô tình sử dụng thuốc giảm đau trong giai đoạn đầu của thai kỳ trước khi phát hiện có thai. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng vì các loại thuốc giảm đau không kê đơn phổ biến như paracetamol được cho là không gây hại đối với thai nhi.

    Trong trường hợp bạn dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), điều quan trọng là cần sớm báo cho bác sĩ để được thay đổi thuốc trước tuần 30 của thai kỳ nếu cần thiết. Đồng thời, nếu mắc bệnh lý nào đó cần dùng thuốc giảm đau lâu dài, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn các lựa chọn giảm đau thích hợp và an toàn hơn.

    Nhìn chung, mẹ bầu không nên ưu tiên dùng thuốc để giảm đau mà có thể thử trước các biện pháp xoa dịu cơn đau ít gây hại hơn như thực hiện kỹ thuật thư giãn, hít thở sâu, tập thể dục nhẹ nhàng, chườm nóng/ lạnh,… Đối với việc dùng thuốc giảm đau cho bà bầu, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng xem có thực sự cần hay không? Thêm vào đó, chị em đừng quên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ trước khi dùng thuốc và nên bắt đầu với liều lượng thấp nhất có thể. Ngoài ra, với trường hợp bạn đã dùng thuốc thường xuyên trước khi mang thai thì cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ngừng thuốc và dùng một loại thuốc khác nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 26/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo