Việc hít nước ối phân su là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh nặng và tử vong ở trẻ sơ sinh, xảy ra ở khoảng 5 – 10% số ca sinh. Tình trạng này thường xảy ra khi thai nhi bị căng thẳng trong quá trình chuyển dạ, đặc biệt là khi đã quá ngày dự sinh.
Trẻ sơ sinh uống nước ối có sao không? Theo các chuyên gia, liên quan đến phân su có rất nhiều hội chứng bệnh xảy ra, trong đó tiêu biểu nhất là hội chứng hít nước ối phân su và hội chứng tắc ruột phân su. Những tình trạng này có thể gây ngạt, khiến bé khó thở và có thể gặp nhiều di chứng khác về sau. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa giúp bảo vệ sức khỏe cho bé.
Hội chứng hít nước ối phân su
1. Hội chứng hít nước ối phân su (MAS) là gì?
Đây là tình trạng bé hít phải hỗn hợp phân su và nước ối vào trong phổi hay đường khí quản lúc mẹ chuyển dạ. Vậy trẻ sơ sinh hít nước ối phân su có sao không?
Theo các chuyên gia sức khỏe, hội chứng hít nước ối phân su rất nguy hiểm cho bé nếu không điều trị kịp thời. Trong hầu hết trường hợp, hội chứng hít nước ối phân su có thể dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe cho trẻ sơ sinh như suy hô hấp, viêm phổi, hen suyễn, xẹp phổi, tăng áp phổi ở trẻ sơ sinh… Nếu mắc hội chứng này ở tình trạng đặc biệt nghiêm trọng và không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể bị tử vong.
2. Nguyên nhân gây ra hội chứng hít nước ối phân su
Hội chứng này có thể xuất hiện khi thai nhi gặp phải tình trạng căng thẳng hay một áp lực nào đó, nhất là lúc gần sinh. Căng thẳng xảy ra khi lượng oxy cung cấp cho bào thai suy giảm lúc mẹ chuyển dạ. Việc thai nhi gặp căng thẳng có thể là do nhiễm trùng hay nồng độ oxy thấp. Tình trạng căng thẳng sẽ khiến bé khó thở, thở hổn hển, mạnh và sâu. Điều này sẽ khiến trẻ hít nước ối sâu vào phổi. Nếu nước ối có chứa phân su thì phân su sẽ đi vào phổi của trẻ. Phân su bị hút vào sẽ lấp đầy đường thở khiến trẻ khó thở.
Ngoài ra, những nguyên nhân phổ biến của hội chứng này có thể kể đến:
- Tình trạng vượt quá ngày dự sinh (thai 42 tuần)
- Sinh khó hay sinh lâu
- Một số vấn đề sức khỏe sản phụ gặp phải trong lúc sinh như cao huyết áp hay tiêu chảy
- Nhiễm trùng…
Tuổi thai kéo dài hơn 40 tuần hay dân gian còn gọi là thai “già tuổi” có thể dẫn đến tình trạng nhau thai lão hóa. Nhau thai là cơ quan cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi trong dạ con. Khi nhau thai “lão hóa” do quá tuần, nó không thể cung cấp đủ oxy cho thai nhi. Lúc này, lượng nước ối giảm càng kích thích phân su, chất nhầy tích tụ. Kết quả, hội chứng hít nước ối phân su phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh quá ngày dự sinh so với trẻ sinh non hoặc trẻ sinh đủ tháng.
3. Dấu hiệu của hội chứng hít nước ối phân su
Suy hô hấp là dấu hiệu điển hình của trẻ mắc phải hội chứng này. Trẻ sơ sinh có thể bị ngạt do đường khí thở bị phân su chèn ép gây tắc nghẽn. Trẻ sơ sinh còn gặp phải một số dấu hiệu sau:
- Khó thở, thờ gấp
- Co rút lồng ngực
- Da ngả màu xanh, còn gọi là chứng xanh tím (cyanosis)
- Trẻ hôn mê
- Huyết áp thấp
- Nhịp tim chậm…
4. Chẩn đoán
Nếu bác sĩ đỡ sanh phát hiện ra có phân su trong nước ối (nước ối có màu nâu xanh) của bạn, họ sẽ theo dõi các dấu hiệu hít nước ối phân su khi con bạn ra đời. Việc em bé đi ị phân su trước khi sinh không có nghĩa là bé sẽ hít phải phân su. Theo dõi chặt chẽ em bé để phát hiện các dấu hiệu như đã đề cập ở trên là bước đầu tiên trong chẩn đoán trẻ hít nước ối phân su.
Ngoài việc tiến hành nghe lồng ngực và chụp X-quang ngực cho bé, trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm khí máu để kiểm tra nồng độ oxy, carbon dioxide và xác nhận chẩn đoán.
5. Cách điều trị
Nếu được chẩn đoán mắc hội chứng hít nước ối phân su, bác sĩ sẽ phải ngay lập tức loại bỏ phân su ra khỏi đường hô hấp trên (khí quản) của trẻ. Sau khi mẹ sinh, bác sĩ sẽ nhanh chóng hút dịch nhầy ở mũi, miệng và cổ họng trẻ. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt một ống thông vào khí quản trẻ để hút phân su ra khỏi. Cứ như vậy cho đến khi phân su không còn trong phổi hay khí quản.
Nếu trẻ sơ sinh ngưng thở hoặc nhịp tim yếu, bác sĩ sẽ cho bé dùng mặt nạ oxy để hít thở. Điều này giúp cung cấp oxy cho trẻ và bơm oxy vào phổi.
Sau quá trình cấp cứu kịp thời này, trẻ sẽ được chăm sóc và theo dõi đặc biệt. Một số biện pháp điều trị khác bao gồm:
- Dùng kháng sinh để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng
- Máy thở oxy cho bé
- Thiết bị trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) nếu trẻ bị cao huyết áp, phổi ngưng hoạt động
- Thiết bị sưởi giúp kiểm soát nhiệt độ của bé
Có thể bạn quan tâm
6. Phòng ngừa hội chứng hít nước ối ra sao?
Bạn không thể ngăn bé hít nước ối phân su. Điều tốt nhất mà các bác sĩ có thể làm là theo dõi nước ối của bạn để tìm phân su và theo dõi tình trạng suy thai. Việc siêu âm, theo dõi thai nhi trước khi sinh có thể giúp xác định trẻ có gặp phải tình trạng căng thẳng hay vấn đề gì không. Từ đó, bác sĩ có thể tiến hành các bước để loại bỏ yếu tố nguy cơ như thiếu oxy cho thai nhi trong quá trình chuyển dạ hoặc chuẩn bị sẵn sàng để cấp cứu khi trẻ chào đời có các dấu hiệu của hội chứng hít nước ối phân su này.
Một số yếu tố rủi ro đối với hội chứng hít nước ối phân su bao gồm:
- Mang thai quá ngày (42 tuần).
- Bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao.
- Chuyển dạ kéo dài hoặc khó khăn.
- Giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi khi mang thai.
- Hạn chế tăng trưởng của thai nhi (FGR) .
Hội chứng tắc ruột phân su
1. Hội chứng tắc ruột phân su là gì?
Hội chứng cắm phân su là một tình trạng chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh non tháng có cân nặng khi sinh thấp. Biểu hiện của hội chứng này là trẻ không có khả năng thải phân su trong vòng 24 – 48 giờ đầu tiên sau sinh.
Hội chứng tắc ruột phân su là sự tắc nghẽn lưu thông dịch và chất thải (phân su) trong đường ruột trẻ sơ sinh dẫn tới các biểu hiện như bí đại tiện, ọc sữa, nôn dịch vàng xanh… Tình trạng này cần được chẩn đoán đúng và xử lý kịp thời.
2. Nguyên nhân tắc ruột phân su
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng tắc ruột phân su chưa được xác định rõ ràng. Trong phần lớn các trường hợp, hội chứng tắc ruột phân su xảy ra đơn độc. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy, hội chứng tắc ruột phân su có xu hướng xảy ra ở:
- Trẻ sinh non
- Trẻ sinh ra từ các bà mẹ mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường mãn tính)
- Trẻ sơ sinh từ những bà mẹ có dùng magie sulfat để điều trị sản giật hoặc sinh non
- Dị tật hậu môn, trực tràng…
Gần đây, các nhà khoa học cũng có ý kiến cho rằng hội chứng tắc ruột phân su có thể liên quan đến các ván đề như sự giảm co magie, bệnh Hirschsprung, hội chứng đại tràng trái nhỏ…
3. Biến chứng của hội chứng tắc ruột
Khoảng 50% các ca mắc phải hội chứng tắc ruột phân su có kèm các vấn đề như tình trạng xoắn ruột (Malrotation – sự xoay bất thường của ruột lúc hình thành hệ tiêu hóa bào thai), thủng ruột, đi cầu máu…
Trẻ sơ sinh bị tắc ruột phân su cũng có nguy cơ cao bị chứng ứ mật trong gan.
4. Triệu chứng hội chứng tắc ruột phân su
- Chậm đào thải phân su sau 24 – 48 giờ sau sinh, bí đại tiện
- Chướng bụng, có thể sờ thấy các quai ruột
- Nôn mửa có kèm dịch mật (có màu như phân)…
5. Điều trị hội chứng tắc ruột phân su
Bác sĩ sẽ quyết định biện pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng của trẻ. Dưới đây là một số cách thông thường nhất:
- Đầu tiên bác sĩ sẽ chụp X-quang hình ảnh đường ruột
- Thụt tháo đại tràng nếu chẩn đoán chắc chắn và trẻ chưa gặp biến chứng
- Phẫu thuật nếu biện pháp trên thất bại và trẻ gặp phải các biến chứng như xoắn ruột, thủng ruột…
Hậu phẫu thuật trẻ sơ sinh cần được chăm sóc đặc biệt để mau chóng hồi phục. Bé cần được cung cấp đủ nước, chất điện giải, kháng sinh và thậm chí nhịn bú sữa.
Trên đây là 2 hội chứng điển hình có liên quan đến phân su mà bạn cần hết sức lưu ý để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé trong hành trình vượt cạn. Chúc bạn mẹ tròn con vuông.
[embed-health-tool-due-date]