Theo thống kê, dư ối là tình trạng hiếm gặp, chỉ có khoảng 1% các trường hợp mang thai bị dư nước ối. Tuy nhiên, thai kỳ bị dư nước ối có thể làm tăng nhẹ nguy cơ biến chứng khi mang thai và sinh nở.
Nếu quan tâm đến hiện tượng dư ối, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu tất cả những thông tin mẹ bầu cần nắm rõ về dư ối qua bài viết bên dưới.
Tổng quan về nước ối
Nước ối là một chất lỏng màu vàng, trong suốt, được tìm thấy trong vòng 12 ngày đầu kể từ khi thụ thai trong túi ối. Nước ối đóng nhiều vai trò quan trọng đối với sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi, bao gồm:
- Bảo vệ thai nhi: Chất lỏng đệm cho em bé khỏi áp lực bên ngoài, giống như một bộ giảm xóc bảo vệ cho bé yêu.
- Kiểm soát nhiệt độ: Chất lỏng giúp cách nhiệt, giữ ẩm và ổn định nhiệt độ cho thai nhi.
- Kiểm soát nhiễm trùng: Nước ối có chứa kháng thể, giúp em bé chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng.
- Phát triển phổi và hệ tiêu hóa: Bằng cách thở và nuốt nước ối, em bé học cách sử dụng các cơ của những hệ thống này khi lớn lên.
- Phát triển cơ và xương: Khi em bé nổi bên trong túi ối, có quyền tự do di chuyển, tạo cơ hội cho cơ và xương phát triển bình thường.
- Bôi trơn: Nước ối ngăn cản các bộ phận của cơ thể như ngón tay, ngón chân phát triển dính liền với nhau.
- Hỗ trợ dây rốn: Chất lỏng trong tử cung ngăn không cho dây rốn bị nén. Sợi dây này vận chuyển dưỡng chất và oxy từ cơ thể mẹ qua nhau thai đến bào thai đang phát triển.
Thông thường, lượng nước ối bắt sẽ tăng dần cho đến khi mẹ bầu bắt đầu bước vào tam cá nguyệt thứ ba. Vào thời điểm cao nhất, từ tuần 34 đến tuần 36, lượng nước ối trong bụng mẹ bầu lên khoảng 1 lít và sau thời gian này, lượng dịch có xu hướng giảm dần.
Mẹ bầu cần biết gì về hiện tượng dư ối?
Dư nước ối (hay còn gọi là đa ối, polyhydramnios) là tình trạng lượng nước ối có quá nhiều trong tử cung. Để xác định hiện tượng dư ối, bác sĩ sẽ ước tính thể tích nước ối trong tử cung (AFI) và đánh giá so với mức độ thông thường.
Thai nhi đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng động giữa sản xuất và hấp thụ nước ối. Thận của thai nhi tạo ra nước ối và chảy vào tử cung thông qua quá trình bài tiết nước tiểu của bé. Sau đó, thai nhi nuốt chất lỏng và tái hấp thu chất lỏng bằng chuyển động thở. Hành động nuốt này giúp cân bằng lượng nước ối trong bụng mẹ. Tuy nhiên, đôi khi hệ thống cân bằng có vấn đề, dẫn đến quá nhiều nước ối trong tử cung và hiện tượng dư nước ối sẽ xảy ra.
Có thể bạn quan tâm: Nguyên nhân và cách điều trị khi mẹ bầu bị thiếu nước ối
Dư ối có sao không?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng dư nước ối làm gia tăng một vài nguy cơ biến chứng khi mang thai cho cả sản phụ và thai nhi. Các biến chứng có thể xảy ra cho mẹ bầu bao gồm:
- Co thắt sớm dẫn đến sinh non
- Tách nhau thai sớm khỏi thành tử cung
- Vỡ nước ối sớm
- Khó thở
- Khó nghe được âm thanh của tử cung sau khi chuyển dạ
- Chảy máu không kiểm soát sau khi chuyển dạ.
Một vài biến chứng có thể xảy ra với em bé bao gồm:
- Dị tật bẩm sinh
- Kích thước hoặc vị trí thai bất thường và gây khó khăn trong quá trình chuyển dạ
- Có thể dẫn đến tình trạng dây rốn bị kẹt vào thai nhi, cản trở quá trình cung cấp oxy
- Thai chết lưu.
Mẹ bầu cần làm gì khi bị dư ối?
Hầu hết những ai bị dư ối đều có các triệu chứng nhẹ và sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Do đó, nếu nhận chẩn đoán bị dư nước ối thì mẹ bầu không nên quá hoang mang, hãy tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn của bác sĩ. Sau đây là một số lưu ý dành cho mẹ bầu bị dư ối:
- Nghỉ ngơi trong thời gian dài và hạn chế di chuyển
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về quá trình chuyển dạ và sinh nở. Các trường hợp đa ối, được khuyến nghị nên nhập viện sớm và sinh bé trong bệnh viện vì có thể bị vỡ ối sớm do áp suất của chất lỏng dư thừa tăng lên.
- Nếu bụng to lên nhanh chóng trong khoảng thời gian ngắn và mẹ bầu cảm thấy lo sợ về sự phát triển của em bé, hãy liên hệ với bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị đúng cách.
- Nếu được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ là nguyên nhân dẫn đến gia tăng lượng nước ối, hãy tham khảo thực đơn dành cho tiểu đường thai kỳ và tuân thủ đúng theo thực đơn đó.
Dư ối là tình trạng nguy hiểm nhưng rất hiếm gặp. Vậy nên, mẹ bầu chỉ cần đi khám định kỳ và thực hiện đầy đủ chỉ dẫn bác sĩ để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh, thì có thể an tâm chào đón thiên thần nhỏ ra đời.
[embed-health-tool-due-date]