backup og meta

Điều trị tiểu đường thai kỳ cần lưu ý điều gì để đảm bảo hiệu quả?

Điều trị tiểu đường thai kỳ cần lưu ý điều gì để đảm bảo hiệu quả?

Thực hiện các biện pháp điều trị tiểu đường thai kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ để ổn định lượng đường huyết là cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ gặp phải biến chứng cho cả mẹ và bé.

Tiểu đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ có thể là nỗi ám ảnh với nhiều người. Theo thống kê, cứ 7 phụ nữ mang thai sẽ có 1 trường hợp gặp phải tình trạng này.

Đái tháo đường thai kỳ thường xuất hiện ở nửa sau thai kỳ (sớm nhất là tuần thứ 20) với các triệu chứng như khát nước, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, viêm nhiễm âm đạo, buồn nôn, khó lành vết thương, sút cân. Do các triệu chứng này khá giống với các triệu chứng thai kỳ khác nên để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả kiểm tra glucose ở tuần thai 24 – 28.

Tiểu đường thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng cho cả mẹ và bé nếu không được điều trị kịp thời. Cụ thể, mẹ sẽ có nguy cơ cao bị tiền sản giật, băng huyết sau sinh, chấn thương khi sinh do  thai to. Còn bé sẽ bị thừa cân, béo phì, mắc phải các bệnh lý sơ sinh như vàng da, đa hồng cầu, suy hô hấp, các bệnh lý về tim mạch hay chấn thương khi sinh do kẹt vai… Nguy hiểm hơn, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ thai lưu và sinh non.

Điều trị tiểu đường thai kỳ như thế nào? 

Điều trị tiểu đường thai kỳ

Điều trị tiểu đường thai kỳ bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt

Khi được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ, bạn có thể không cần phải dùng thuốc mà chỉ cần thay đổi chế độ ăn và có kế hoạch tập luyện hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.

Việc thay đổi chế độ ăn có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Cụ thể, bác sĩ có thể khuyên bạn một số cách trị tiểu đường thai kỳ không dùng thuốc sau đây:

  • Ăn uống đầy đủ, chia nhỏ bữa ăn (3 bữa chính và 3 bữa phụ mỗi ngày). Tránh bỏ bữa, bởi điều này có thể dẫn đến hạ đường huyết, khiến bạn rơi vào tình trạng run rẩy, nhức đầu và có thể có hại cho thai nhi.
  • Ăn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp giúp giải phóng đường từ từ – chẳng hạn như mì ống làm từ bột mì nguyên cám, gạo lứt, bánh mì làm từ ngũ cốc, ngũ cốc nguyên cám, đậu, đậu lăng
  • Ăn nhiều trái cây và rau xanh
  • Tránh các thực phẩm có đường. Bạn không cần phải kiêng đường hoàn toàn nhưng hãy thay các món ăn vặt như bánh ngọt và bánh quy thành các món ăn tốt cho sức khỏe như trái cây hoặc các loại hạt dinh dưỡng
  • Tránh dùng đồ uống có đường, nước ngọt có ga. Đọc kỹ các thành phần trên bao bì trước khi sử dụng
  • Ăn các thực phẩm giàu protein nạc, chẳng hạn như cá

Hoạt động vận động thể chất có thể làm giảm mức đường huyết. Bạn nên dành ít nhất 150 phút (2 giờ 30 phút) vận động mỗi tuần với các bài tập phù hợp cho bà bầu như yoga cho bà bầu, đi bộ,…

Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên bằng cách sử dụng bộ dụng cụ đo đường huyết tại nhà. Bạn nên kiểm tra trước bữa ăn sáng và 2 tiếng sau khi ăn.  

Có thể bạn quan tâm: Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ – Những điều mẹ cần tìm hiểu

Cách điều trị tiểu đường thai kỳ bằng thuốc 

Điều trị tiểu đường thai kỳ bằng thuốc 

Nếu lượng đường trong máu của mẹ bầu vẫn không được kiểm soát từ 1 đến 2 tuần sau khi thay đổi chế độ ăn và tập thể dục hoặc nếu lượng đường trong máu rất cao, bạn có thể được điều trị tiểu đường thai kỳ bằng thuốc dạng viên như metformin hoặc thuốc tiêm insulin.

Metformin được dùng tối đa 3 lần một ngày, thường dùng cùng lúc hoặc sau bữa ăn. Dù được xem là an toàn với bà bầu nhưng loại thuốc này vẫn có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Mệt mỏi
  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Ăn không ngon

Ngoài metformin, bác sĩ cũng có thể cho bạn dùng glibenclamide. Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam, các thuốc uống điều trị tiểu đường thai kỳ vẫn chưa được Bộ y tế chính thức cho phép sử dụng, phổ biến vẫn là tiêm insulin.

Tiêm insulin là cách chữa tiểu đường thai kỳ được chỉ định trong trường hợp:

  • Bạn không thể dùng metformin hoặc loại thuốc này gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng
  • Lượng đường trong máu không được kiểm soát bằng metformin
  • Lượng đường trong máu rất cao
  • Thai nhi rất lớn hoặc bạn mắc phải tình trạng đa ối.

Bạn sẽ được hướng dẫn cách tự tiêm insulin. Tùy thuộc vào loại insulin được kê đơn mà bạn nên tiêm trước bữa ăn, trước khi đi ngủ hay khi thức dậy.

Bác sĩ cũng sẽ ghi rõ liều lượng insulin cần dùng. Lượng đường trong máu thường tăng lên khi thai kỳ tiến triển, vì vậy liều insulin cần dùng có thể tăng theo thời gian.

Insulin là một phương thức điều trị hiệu quả nhưng đòi hỏi phải được theo dõi cẩn thận. Bạn cần làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ đường trong máu ít nhất 4 lần/ngày và ghi chú lại kết quả. Nếu việc điều trị mang lại hiệu quả thì nồng độ đường trong máu sẽ nằm trong giới hạn bình thường.

Một số lưu ý khi mẹ bị tiểu đường thai kỳ 

Điều trị tiểu đường thai kỳ

Chú ý việc khám thai đầy đủ 

Tiểu đường thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ thai nhi gặp phải các vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như thai to hơn bình thường, đa ối. Do đó, ngoài việc thực hiện đúng các phương pháp điều trị tiểu đường thai kỳ theo chỉ định của bác sĩ, mẹ sẽ cần đi khám thai đầy đủ để có thể theo dõi và phát hiện sớm các bất thường:

  • Siêu âm vào khoảng tuần 18 đến 20 của thai kỳ để kiểm tra những bất thường của thai nhi
  • Siêu âm ở tuần 28, 32 và 36 để theo dõi sự phát triển của thai nhi và lượng nước ối. Kể từ tuần thứ 37, mẹ sẽ cần đi khám mỗi tuần 1 lần hoặc đi ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Lưu ý khi sinh nở  

Thời điểm lý tưởng để sinh con nếu bị tiểu đường thai kỳ thường là vào khoảng tuần 38-40. Nếu lượng đường trong máu bình thường và không có gì đáng lo ngại về sức khỏe của cả bạn và bé, bạn hoàn toàn có thể sinh thường.

Tuy nhiên, bạn sẽ được đề nghị giục sinh hoặc sinh mổ nếu chưa có dấu hiệu chuyển dạ khi thai đã được 40 tuần. Bác sĩ cũng có thể đề nghị sinh sớm nếu sức khỏe bạn và bé gặp vấn đề hoặc nếu lượng đường trong máu không được kiểm soát.

Bạn vẫn nên tiếp tục kiểm tra lượng đường trong máu và uống thuốc cho đến khi có dấu hiệu chuyển dạ hoặc được yêu cầu ngừng ăn trước khi sinh mổ.

Trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, lượng đường trong máu sẽ được theo dõi và kiểm soát. Bạn có thể cần được tiêm insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.

Lưu ý sau khi sinh 

Cho bé bú càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 30 phút) và sau đó cách nhau khoảng 2-3 giờ một lần cho đến khi lượng đường trong máu của bé ổn định.

Mức đường huyết của bé sẽ được kiểm tra 2 đến 4 giờ sau sinh. Nếu mức đường huyết thấp, bé có thể cần điều trị bằng cách truyền tĩnh mạch dịch glucose hoặc cho ăn sớm.

Bác sĩ có thể chỉ định ngưng dùng thuốc điều trị tiểu đường thai kỳ sau khi sinh. Tuy nhiên, bạn vẫn sẽ cần tiếp tục kiểm tra lượng đường trong máu hàng ngày trong vài ngày đầu sau sinh, nếu ổn bạn sẽ được kiểm tra hàng tuần cho đến sau 6 tuần hậu sản.

Có thể bạn quan tâm: Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì để kiểm soát tốt đường huyết?

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Treatment Gestational diabetes https://www.nhs.uk/conditions/gestational-diabetes/treatment/ Ngày truy cập: 15/7/2021 

Treatment & Perspective https://www.diabetes.org/diabetes/gestational-diabetes/how-to-treat-gestational-diabetes Ngày truy cập: 15/7/2021 

Managing & Treating Gestational Diabetes https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/what-is-diabetes/gestational/management-treatment Ngày truy cập: 15/7/2021 

Treatment for gestational diabetes https://www.tommys.org/pregnancy-information/pregnancy-complications/gestational-diabetes/treatment-gestational-diabetes Ngày truy cập: 15/7/2021 

Gestational Diabetes https://www.healthlinkbc.ca/health-topics/hw197466 Ngày truy cập: 15/7/2021 

Phiên bản hiện tại

15/08/2022

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ: Kiêng cữ như thế nào là khoa học?

Tiểu đường thai kỳ có được ăn khoai lang không? Mẹ bầu lưu ý gì khi ăn?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 15/08/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo