Mẹ bầu nên cẩn thận với tình trạng chỉ số axit uric cao bởi nó có thể khiến bạn mắc phải những biến chứng thai kỳ, từ đó ảnh hưởng đến thai nhi.
Chỉ số axit uric cao khi mang thai không hề tốt cho sức khỏe của mẹ bầu và em bé trong bụng. Tình trạng này thường liên quan đến bệnh gút, một dạng của viêm khớp. Ngoài ra, axi uric cao cũng khiến bạn phát triển nguy cơ mắc phải các tình trạng nghiêm trọng như tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu về axit uric, các dấu hiệu nhận biết nếu mẹ bầu có chỉ số axit uric cao và cách phòng tránh.
Tìm hiểu về axit uric
Axit uric là một chất chuyển hóa được tạo ra bên trong cơ thể bạn. Khi bạn ăn một số loại thực phẩm, cơ thể sẽ chuyển hóa purin từ các thực phẩm như thịt, cá… Sau đó, các chất này phân hủy và tạo thành axit uric. Ở điều kiện bình thường, thận là cơ quan giúp xử lý axit này. Nhưng khi chỉ số axit uric cao, thận sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ một cách trọn vẹn, từ đó khiến hóa chất này tích tụ ngược vào máu.
Dấu hiệu khi axit uric tăng cao
Tình trạng này sẽ không xuất hiện triệu chứng nào quá rõ ràng, nhưng đôi lúc chúng sẽ xuất hiện dưới hình thức:
- Sốt, ớn lạnh
- Gặp khó khăn trong việc tiểu tiện
- Khi các tinh thể của axit uric lắng đọng vào một trong các khớp, nó sẽ khiến bạn cảm thấy đau nhức.
Nguyên nhân gây tăng axit uric ở mẹ bầu
Khi mang thai, tâm lý của mẹ bầu dễ bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ ăn nhiều để bổ cho hay ăn cho hai người nên đã vô tình ăn nhiều các thực phẩm giàu purin, chẳng hạn như thịt đỏ, nội tạng động vật và hải sản hoặc lạm dụng gia vị để nêm nếm bao gồm nước mắm, muối.
Chỉ số axit uric bình thường khi mang thai
- Đối với phụ nữ không mang thai, nồng độ axit uric bình thường nên nằm trong khoảng từ 2,5–5,6 mg/dL.
- Trong trường hợp bình thường, phạm vi nồng độ axit uric trong tam cá nguyệt thứ nhất là 2–4,2 mg/dL.
- Trong tam cá nguyệt thứ hai, phạm vi tăng lên 2,4–4,9 mg/dL.
- Trong tam cá nguyệt thứ ba, chỉ số axit uric phải nằm trong khoảng từ 3,1–6,3 mg/dL.
Những con số này là một ước tính sơ bộ vì đôi khi các bệnh viện lại trả về kết quả khác nhau.
Rủi ro khi mẹ bầu có chỉ số axit uric cao
Nồng độ axit uric cao trong ba tháng đầu mang thai có thể dẫn đến tiền sản giật và tăng nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ. Khoảng 4% mẹ bầu có thể phát triển tình trạng này. Nếu mắc phải, cơ thể của bạn sẽ không thể sản xuất và sử dụng hormone insulin để kiểm soát đường huyết.
Mặt khác, tiền sản giật sẽ được xác định khi huyết áp tăng cao sau tuần 20 của thai kỳ, sự hiện diện của protein trong nước tiểu (protein niệu) cũng là dấu hiệu của tình trạng này.
Ảnh hưởng của chỉ số axit uric cao đối với thai nhi
Chỉ số axit uric cao khi mang thai có thể ảnh hưởng đến tình trạng của thai nhi, chẳng hạn như cân nặng. Nếu trọng lượng cơ thể không đạt mức tiêu chuẩn, em bé sẽ bị tác động nghiêm trọng về sức khỏe hoặc thậm chí dẫn đến tử vong. Ngoài ra, thai nhi cũng có nguy cơ cao mắc phảiđái tháo đường và bệnh tim bẩm sinh so với những em bé khác. Khi mẹ bầu mắc phải chứng đái tháo đường thai kỳ, thai nhi sẽ đồng thời xuất hiện tình trạng chỉ số đường huyết cao.
Nên làm gì khi có chỉ số axit uric cao?
Để đảm bảo em bé được chào đời ở tình trạng khỏe mạnh, mẹ bầu nên cố gắng giảm mức axit uric xuống thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và luyện yoga. Có nhiều loại thực phẩm có tác dụng tốt trong việc hạ chỉ số axic uric như trái cây, rau xanh, các loại hạt tốt cho bà bầu, ngũ cốc. Bạn cũng nên tránh ăn đồ ăn vặt, thịt nội tạng và đường tinh luyện.
Biện pháp ngăn ngừa axit uric tăng cao khi mang thai
Việc giữ mức axit uric trong tầm kiểm soát là điều vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và sự an toàn của người mẹ cũng như thai nhi để ngăn ngừa các biến chứng đã được liệt kê bên trên. Để giảm mức axit uric, hãy bắt đầu tập thể dục thường xuyên và thông báo với bác sĩ nếu thấy bất cứ biểu hiện khác lạ nào.
Nếu bị thừa cân, mẹ bầu phải tập thể dục và ăn thực phẩm lành mạnh để có thể giảm cân ngay trong thời gian mang thai. Cuối cùng, bạn hãy tăng cường uống nước bởi nước sẽ giúp thận đào thải axit uric nhanh hơn, tránh dùng quá nhiều trà hoặc cà phê. Những cách này không chỉ giúp bạn giữ dáng mà còn hạ thấp mọi biến chứng không cần thiết mà thai phụ phải đối mặt trong thai kỳ.
Một số thực phẩm có chỉ số purin thấp mà mẹ bầu có thể ăn bao gồm:
- Sữa, trứng
- Trái cây và nước trái cây tươi
- Bơ đậu phộng và các loại hạt
- Rau diếp, cà chua, rau có màu xanh đậm.
Quá trình mang thai sẽ khiến cơ thể trải qua nhiều thay đổi, do vậy mẹ bầu đừng quá hoảng sợ khi chỉ số axit uric tăng cao. Hãy làm theo những gợi ý được liệt kê cũng như kết hợp với khám thai đều đặn để có được sức khỏe ổn định bạn nhé.
Phương Uyên/ HELLO BACSI
[embed-health-tool-due-date]