backup og meta
Chuyên mục

2

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bà bầu bị thủy đậu ảnh hưởng đến em bé như thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hà Vũ · Ngày cập nhật: 08/09/2022

    Bà bầu bị thủy đậu ảnh hưởng đến em bé như thế nào?

    Thủy đậu (còn gọi là trái rạ) là một bệnh nhiễm trùng phổ biến. Căn bệnh này có thể gây hại cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh trong trường hợp bà bầu bị thủy đậu. 

    Bạn sẽ không phải lo lắng về bệnh thủy đậu nếu trước đây từng mắc bệnh này hoặc đã tiêm vaccine đầy đủ. Cả hai yếu tố này đều giúp bạn miễn dịch với bệnh thủy đậu. “Miễn dịch” có nghĩa là cơ thể đã được bảo vệ khỏi nhiễm trùng. Khi cơ thể bạn miễn nhiễm với nhiễm trùng, nghĩa là bạn không thể mắc bệnh.

    Khảo sát cho thấy có khoảng 9 trên 10 phụ nữ mang thai (90%) miễn dịch với bệnh thủy đậu. Tin vui này chứng tỏ hiện nay, tỷ lệ mắc thủy đậu ở phụ nữ mang thai đã ở mức rất thấp.

    Tuy nhiên, nhiều phụ nữ không biết liệu họ có miễn dịch với bệnh thủy đậu hay không. Nếu bạn không chắc chắn, hãy nói chuyện với bác sĩ ít nhất 3 tháng trước khi có kế hoạch mang thai.

    Thủy đậu là gì?

    Thủy đậu do virus Herpes zoster gây nên. Đa số mọi người bị căn bệnh này tấn công ở thời thơ ấu. Các triệu chứng của nó bao gồm phát ban ngứa, nổi mụn nước và sốt. Những triệu chứng này xuất hiện khoảng 2 tuần sau khi bạn bị nhiễm thủy đậu.

    Bạn có thể bị thủy đậu thông qua tiếp xúc với phát ban thủy đậu của người khác. Virus cũng lan truyền trong không khí khi người bị thủy đậu ho hoặc hắt hơi. Một người khác sẽ nhiễm bệnh khi hít phải virus này.

    Bà bầu bị thủy đậu có ảnh hưởng đến thai nhi?

    Thai nhi có gặp rủi ro hay không còn phụ thuộc vào thời điểm mẹ mang bầu tuần thứ mấy khi nhiễm trùng xảy ra.

  • Trước 28 tuần mang thai: Không có bằng chứng nào cho thấy bạn có nguy cơ bị sảy thai. Tuy nhiên, có một rủi ro nhỏ là em bé của bạn có thể phát triển hội chứng varicella thai nhi (FVS). FVS nguy hiểm ở chỗ dễ làm hỏng da, mắt, chân, tay, não, bàng quang hoặc ruột của em bé.
  • Từ tuần thứ 28 đến 36 của thai kỳ: Virus tồn tại trong cơ thể em bé nhưng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, nó có thể hoạt động trở lại trong vài năm đầu đời của em bé, gây ra bệnh zona thần kinh.
  • Nếu bạn bị phát ban thủy đậu khoảng 2 đến 3 tuần trước khi sinh, có khả năng bạn sẽ truyền bệnh cho bé. Nhưng nếu điều đó xảy ra, nhiễm trùng thường nhẹ.
  • Trong trường hợp bạn bị phát ban thủy đậu vào tuần trước khi sinh con hoặc trong một vài ngày sau khi sinh, có đến 30% con bạn sẽ bị nhiễm trùng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.
  • Thủy đậu có gây hại cho trẻ sơ sinh sau khi chào đời?

    bà bầu bị thủy đậu ảnh hưởng trẻ

    Tỷ lệ trẻ sinh ra bị ảnh hưởng do có mẹ nhiễm thủy đậu là khá lớn, nhưng cũng có trường hợp trẻ được sinh ra khỏe mạnh. Các khuyết tật bẩm sinh (nếu có) ở trẻ thường là:

    • Sẹo
    • Vấn đề với cơ bắp và xương
    • Cánh tay/chân bị tê liệt hoặc dị tật
    • Động kinh
    • Vấn đề về thần kinh
    • Microcephaly – một khuyết tật bẩm sinh trong đó đầu em bé nhỏ hơn dự kiến, so với những em bé cùng giới tính và cùng tuổi.

    Chỉ có khoảng 1 hoặc 2 trong số 100 trẻ sơ sinh (1 đến 2%) có mẹ bị thủy đậu trong 20 tuần đầu tiên của thai kỳ mắc hội chứng varicella bẩm sinh. Bạn hãy yêu cầu bác sĩ siêu âm để biết chính xác con mình có bị dị tật bẩm sinh do thủy đậu hay không.

    Dị tật bẩm sinh rất hiếm khi xảy ra nếu bạn bị nhiễm thủy đậu sau 20 tuần mang thai. Song con bạn có thể có vấn đề với hệ thống thần kinh trung ương (não và tủy sống) trong giai đoạn này.

    Ngoài ra, nhiễm trùng sau 20 tuần mang thai cũng có khả năng gây ra bệnh zona ở trẻ trong 1 đến 2 năm đầu đời. Zona thần kinh (còn gọi là herpes zoster) là một bệnh nhiễm trùng do cùng loại virus gây ra bệnh thủy đậu. Zona gây ra do virus di chuyển dọc theo dây thần kinh. Do đó, biểu hiện tổn thương da thường chỉ xảy ra và lan ở một bên cơ thể, ví dụ như chỉ một bên ngực, một bên lưng, một bên mắt… Bệnh zona dường như không gây ra dị tật bẩm sinh hoặc nhiễm trùng ở trẻ.

    Bà bầu bị thủy đậu được điều trị như thế nào?

    Nếu bạn bị thủy đậu trong lúc mang thai, bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn một loại thuốc kháng virus có tên acyclovir để giúp khắc phục các triệu chứng của bệnh. Loại thuốc này khá an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên, nếu mẹ bị thủy đậu kèm theo các dấu hiệu viêm phổi thì cần nhập viện ngay để điều trị với lượng thuốc chống virus cao hơn thông qua tĩnh mạch.

    Điều trị thủy đậu ở trẻ sơ sinh ra sao?

    Nếu trẻ sơ sinh nhiễm trùng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ điều trị thủy đậu cho bé ngay từ lúc bé vừa sinh ra bằng thuốc có kháng thể thủy đậu. Kháng thể là các tế bào trong cơ thể chống lại nhiễm trùng. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa bệnh thủy đậu ở bé hoặc làm cho nó bớt nguy hiểm. Nếu bé vẫn bị thủy đậu sau khi được điều trị, bác sĩ sẽ dùng đến thuốc kháng virus như acyclovir.

    Phòng tránh thủy đậu khi mang thai nếu cơ thể bạn chưa có miễn dịch

    phòng ngừa bà bầu bị thủy đậu

    Trước tiên, hãy làm xét nghiệm máu để tìm hiểu xem cơ thể bạn có miễn dịch với bệnh thủy đậu hay không. Nếu không, bạn cần được tiêm vaccine chủng ngừa. Tốt nhất là đợi 1 tháng sau khi tiêm vaccine rồi mới mang thai.

    Nếu bạn đã mang thai mà chưa kịp chủng ngừa, đừng tiêm vaccine cho đến khi bạn sinh con. Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang bầu, cần tránh tiếp xúc với bất cứ ai bị thủy đậu hoặc bệnh zona.

    Nếu chẳng may bạn tiếp xúc với người mắc bệnh này, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức. Bạn sẽ được điều trị bằng thuốc có kháng thể thủy đậu. Điều quan trọng là việc này phải thực hiện trong vòng 4 ngày sau khi bạn tiếp xúc với thủy đậu để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc làm cho chúng bớt nghiêm trọng hơn.

    Ngoài ra, cũng cần thông báo ngay với bác sĩ nếu bạn vô tình tiếp xúc với một người bị bệnh zona. Bác sĩ sẽ điều trị cho bạn với acyclovir chống virus.

    Có thể bạn quan tâm:

    Bà bầu mắc sởi nguy hiểm như thế nào?

    Nhiễm rubella khi mang thai – Những điều cần biết để giữ thai kỳ an toàn

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hà Vũ · Ngày cập nhật: 08/09/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo