backup og meta

Bà bầu bị ho về đêm: Nguyên nhân do đâu, điều trị thế nào?

Bà bầu bị ho về đêm: Nguyên nhân do đâu, điều trị thế nào?

Ho là một triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai, nhất là vào ban đêm. Tình trạng bà bầu bị ho về đêm không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ của mẹ bầu mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe của bé.

Vậy, vì sao bà bầu bị ho về đêm? Làm thế nào để khắc phục vấn đề này? Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giải đáp cho bạn.

Vì sao bà bầu bị ho về đêm?

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (The American Pregnancy Association), những thay đổi của hệ thống miễn dịch trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và dị ứng ở phụ nữ mang thai. Đây cũng là lý do vì sao bà bầu thường bị ho, bất kể là trong 3 tháng đầu, 3 tháng giữa hay 3 tháng cuối.

Thực tế, ho là một phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ những tác nhân gây kích ứng đường hô hấp. Nếu bà bầu bị ho về đêm nhiều rất có thể là do một trong những nguyên nhân phổ biến sau:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp: Tình trạng này có thể do vi khuẩn hoặc virus gây ra, bao gồm cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang, viêm phế quản… Nhiễm trùng đường hô hấp thường khiến mẹ bầu bị ho, đặc biệt là ho nhiều về đêm, đau họng, sốt, mệt mỏi, nghẹt mũi, sổ mũi…
  • Dị ứng: Việc tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông thú cưng, nấm mốc, khói bụi… cũng có thể khiến mẹ bầu ho nhiều. Do đó, nếu bị ho về đêm, chị em bầu bí nên kiểm tra xem trong phòng ngủ, giường ngủ, gối, chăn… có các chất gây dị ứng này hay không nhé! Ngoài ra, sự thay đổi hormone trong thai kỳ cũng có thể khiến phụ nữ mang thai bị dị ứng hoặc trở nên nhạy cảm hơn với các tác nhân mà trước đây mẹ bầu chưa từng bị dị ứng.
  • Hội chứng chảy dịch mũi sau: Đây là tình trạng chất nhầy tích tụ ở phía sau cổ họng, gây kích ứng niêm mạc họng, khiến bà bầu bị ho nhiều về đêm.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Nếu mẹ bầu mắc chứng khó tiêu và trào ngược axit, nguy cơ bị ho về đêm quấy rầy khi nằm ngủ nghỉ là rất cao.

Bà bầu bị ho về đêm có nguy hiểm không?

bà bầu bị ho về đêm có nguy hiểm không

Mặc dù ho là một triệu chứng phổ biến và thường ít khi gây ra biến chứng nguy hiểm, nhưng ho nhiều về đêm ở phụ nữ mang thai đôi khi có thể là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bà bầu bị ho về đêm có thể gặp phải những vấn đề sau:

  • Rối loạn giấc ngủ: Cơn ho nhiều về đêm có thể làm gián đoạn giấc ngủ của phụ nữ mang thai. Nếu tình trạng này kéo dài, mẹ bầu có thể bị rối loạn giấc ngủ.
  • Các vấn đề về tiểu tiện: Ho khi mang thai có thể gây thêm áp lực lên bàng quang, khiến bà bầu phải cố gắng gồng giữ cơ niệu đạo để không bị són tiểu.
  • Sự phát triển của thai nhi bị ảnh hưởng: Nếu không được điều trị, cơn ho về đêm kéo dài có thể trở nặng, dẫn đến căng thẳng về thể chất và tinh thần. Điều này có thể ảnh hưởng đến thai nhi và thai kỳ.
  • Đau bụng thường xuyên: Bà bầu bị ho dữ dội về đêm trông có vẻ nghiêm trọng. Thế nhưng, thực chất, tình trạng này không gây co bóp tử cung, cũng không làm dịch chuyển nhau thai. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể cảm thấy khó chịu và bị đau cơ bụng khi các cơn ho lặp đi lặp lại.

8 cách giảm ho nhiều về đêm tại nhà cho bà bầu

1. Sử dụng lá húng quế

Lá húng quế có đặc tính kháng khuẩn, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng. Do đó, những bà bầu bị ho về đêm có thể uống trà húng quế để cơn ho thuyên giảm.

2. Giảm ho nhiều về đêm cho bà bầu với sữa nghệ

bà bầu bị ho về đêm: hãy uống sữa nghệ

Sữa nghệ là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa dồi dào, giúp tăng khả năng miễn dịch và hỗ trợ giảm triệu chứng ho về đêm khi mang thai.

Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị ho có đờm thì không nên uống sữa. Trong trường hợp này, các chị em bầu bí có thể đập dập nghệ rồi đem hấp cách thủy với đường phèn và một ít nước, sau đó uống khi còn ấm.

3. Uống trà xanh

Theo nghiên cứu, trà xanh không chỉ giúp kiểm soát cân nặng khi mang thai mà còn hỗ trợ cải thiện sức đề kháng cho mẹ bầu. Hơn nữa, đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn của trà xanh cũng giúp đẩy lùi các tác nhân gây bệnh về đường hô hấp.

Vì vậy, một trong những cách giảm ho cho bà bầu hiệu quả là uống nước trà xanh đã được khử caffeine.

4. Bà bầu bị ho về đêm nên uống chanh mật ong

Mật ong được xem như chất thay thế thuốc kháng sinh trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Trong khi đó, chanh tươi lại là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, hỗ trợ tăng sức đề kháng cho mẹ bầu.

Sự kết hợp giữa chanh và mật ong không chỉ giúp giảm ho mà còn làm dịu cơn ngứa cổ họng. Chính vì vậy mà nước chanh mật ong được đánh giá là một trong những cách trị ho ngứa cổ cho bà bầu hiệu quả, an toàn.

5. Uống nước ấm

Cách giảm ho nhiều về đêm đơn giản nhất là uống nước ấm. Nếu bà bầu bị ho về đêm và thức giấc, hãy thử uống một ly nước ấm và kê cao đầu khi ngủ.

6. Cách giảm ho nhiều về đêm với dứa (thơm)

bà bầu bị ho về đêm: hãy dùng thử dứa

Nghiên cứu cho thấy một loại enzyme có trong dứa tên là bromelain có thể giúp làm loãng chất nhầy và giảm ho. Vì vậy, bà bầu bị ho nhiều về đêm có thể thử ăn dứa hoặc uống nước ép dứa vào ban ngày để giúp giảm ho nhé!

7. Trà gừng giảm ho về đêm cho mẹ bầu

Gừng có đặc tính chống viêm tự nhiên và có thể giúp giảm ho. Một ly trà gừng kết hợp với mật ong có thể làm dịu cơn đau họng và giảm ho cho phụ nữ mang thai tương đối hiệu quả đấy!

8. Bà bầu bị ho về đêm nên xông hơi

Xông hơi vùng mặt với nước ấm giúp làm ẩm họng và loãng chất nhầy. Điều này góp phần làm giảm ho kéo dài cho các chị em bầu bí.

Khi xông hơi, mẹ bầu có thể thêm một giọt tinh dầu khuynh diệp vào thau nước để thư giãn và giảm ho hiệu quả.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng bà bầu bị ho về đêm. Điều quan trọng là nên tìm cách giảm ho hiệu quả, an toàn càng sớm càng tốt để tránh biến chứng khi bệnh trở nặng, mẹ nhé!

Có thể bạn quan tâm

Bài viết được tham vấn y khoa bởi BS Trần Túy Phượng. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, từng công tác tại BV Phụ Sản Tiền Giang, bác sĩ Túy Phượng chuyên về thăm khám, quản lý thai kỳ, hiếm muộn và các bệnh lý phụ khoa tại phòng khám Sản Phụ khoa – KHHGĐ BS. Trần Túy Phượng (tỉnh Tiền Giang).

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

[Differential diagnostics of the causes responsible for a cough in the pregnant women] https://www.researchgate.net/publication/305891569_Differential_diagnostics_of_the_causes_responsible_for_a_cough_in_the_pregnant_women Ngày truy cập: 10/01/2024

Which over-the-counter cold medications are safe during pregnancy? https://utswmed.org/medblog/otc-cold-medication-safe-pregnancy/ Ngày truy cập: 10/01/2024

Fever, cough and gastrointestinal symptoms in a pregnant woman – PMC https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8439520/ Ngày truy cập: 10/01/2024

Why are you coughing at night? – Harvard Health https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/why-are-you-coughing-at-night Ngày truy cập: 10/01/2024

Cough – NHS https://www.nhs.uk/conditions/cough/ Ngày truy cập: 10/01/2024

Cough In Pregnancy: Causes, Home Remedies And Treatment https://www.momjunction.com/articles/cough-pregnancy-causes-treatment-remedies_00793182/ Ngày truy cập: 10/01/2024

Coughing During Pregnancy: Home Remedies, Impact On Baby & More https://bebodywise.com/blog/coughing-during-pregnancy/ Ngày truy cập: 10/01/2024

7 home remedies for cough during pregnancy: Natural ways to find relief https://www.hindustantimes.com/photos/lifestyle/7-home-remedies-for-cough-during-pregnancy-natural-ways-to-find-relief-101678876566059-9.html Ngày truy cập: 10/01/2024

Phiên bản hiện tại

21/01/2024

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Túy Phượng

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Viêm họng khi mang thai có nguy hiểm? Cách điều trị an toàn tại nhà

Bà bầu bị cảm cúm và ho, cần làm gì?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Túy Phượng

Sản - Phụ khoa · Phòng khám Sản Phụ Khoa - KHHGĐ BS. Trần Túy Phượng


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 21/01/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo