backup og meta

Kích thước thai nhi theo tuần: Thông tin chi tiết dành cho mẹ bầu!

Hãy cùng Hello Bacsi khám phá bảng kích thước thai nhi theo từng tuần tuổi từ tuần 1 đến tuần 40. Cập nhật thông tin chi tiết giúp mẹ bầu theo dõi sự phát triển của bé yêu một cách chính xác và khoa học.

Kích thước thai nhi theo tuần: Thông tin chi tiết dành cho mẹ bầu!

Việc theo dõi kích thước thai nhi theo tuần không chỉ giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về sự phát triển của con mà còn là cơ sở để đánh giá sức khỏe thai kỳ một cách toàn diện. Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi khám phá chi tiết sự thay đổi về kích thước của thai nhi qua từng giai đoạn, từ tuần đầu tiên cho đến tuần thứ 40 để mẹ luôn an tâm và đồng hành cùng bé yêu trên từng bước trưởng thành.

Kích thước thai nhi theo tuần: Tại sao mẹ bầu cần quan tâm các chỉ số này? 

Việc theo dõi kích thước thai nhi theo từng tuần tuổi không chỉ là một cách để mẹ bầu cảm nhận sự phát triển kỳ diệu của con yêu, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sức khỏe của cả mẹ và bé:

1. Đánh giá sự phát triển của thai nhi

Kích thước thai nhi (bao gồm chiều dài và cân nặng) là một trong những chỉ số quan trọng giúp bác sĩ đánh giá xem thai nhi có đang phát triển đúng chuẩn hay không. Nếu kích thước của bé quá nhỏ hoặc quá lớn so với tuổi thai, có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe cần được theo dõi kỹ lưỡng.

2. Phát hiện sớm các bất thường

Những sai lệch bất thường về kích thước có thể là dấu hiệu cảnh báo các tình trạng như thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR), tiểu đường thai kỳ, hoặc đa ối/thiểu ối. Việc phát hiện sớm giúp can thiệp kịp thời để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

3. Lập kế hoạch chăm sóc thai kỳ hợp lý

Dựa vào các chỉ số phát triển của thai nhi, mẹ bầu có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và vận động phù hợp hơn để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của bé.

4. Chuẩn bị cho quá trình sinh nở

Kích thước thai nhi cũng là yếu tố quan trọng để bác sĩ đưa ra quyết định về phương pháp sinh phù hợp (sinh thường hay sinh mổ), đặc biệt là trong những tuần cuối thai kỳ.

[embed-health-tool-due-date]

Bảng kích thước thai nhi theo tuần chuẩn 

Bạn đang mang thai và tò mò việc bé có thể trông như thế nào vào từng thời điểm cụ thể của thai kỳ? Các hình thức siêu âm thai định kỳ giúp cung cấp phần nào thông tin mà mẹ bầu muốn biết về điều này nhưng dường như làm cho các chị em bầu bí càng hiếu kỳ hơn.

Trong phần dưới đây của bài viết này, Hello Bacsi sẽ đem đến những hình ảnh so sánh dễ hiểu nhất về kích thước thai nhi theo tuần cũng như giúp bạn hiểu thêm về quá trình phát triển của thai nhi qua từng tuần.

Tuổi thai Kích thước thai nhi (so sánh với loại trái cây hoa quả có kích thước tương ứng) Chiều dài (cm) Cân nặng (gram)
1-3 Không thể xác định
4 Hạt cây anh túc Không thể xác định Không thể xác định
5 Hạt vừng ~0.2 ~0.1
6 Hạt táo  ~0.5 ~0.2
7 Hạt đậu Hà Lan ~1.3 ~0.8
8 Quả việt quất 1.6 1
9 Quả mâm xôi  2.3 2
10 Quả anh đào  3.1 4
11 Quả dâu  4.1 7
12 Quả chanh nhỏ 5.4 14
13 Quả mận 7.4 23
14 Quả chanh vàng 8.7 43
15 Quả đào  10.1 70
16 Quả cam vàng  11.6 100
17 Quả bơ 13 140
18 Quả lựu 14.2 190
19 Bông atiso  15.3 240
20 Quả xoài  16.4 300
21 Quả chuối  26.7 360
22 Quả đu đủ nhỏ 27.8 430
23 Quả bí ngòi  28.9 501
24 Quả bưởi  30 600
25 Cây súp lơ 34.6 660
26 Quả dưa lưới  35.6 760
27 Quả bí hồ lô  36.6 875
28 Bắp cải thảo cỡ vừa 37.6 1005
29 Quả bí dâu  38.6 1153
30 Bắp cải nhỏ 39.9 1319
31 Quả dừa khô  41.1 1502
32 Bó măng tây 42.4 1702
33 Bắp cải thảo lớn  43.7 1918
34 Quả bí đao  45 2146
35 Quả bí nghệ  46.2 2383
36 Quả dứa mật  47.4 2622
37 Bắp cải  48.6 2859
38 Bó xà lách lô lô 49.8 3083
39 Quả dưa hấu  50.7 3288
40 Quả bí ngô  51.2 3462
41 Không thay đổi nhiều 51.7 3597
42 Không thay đổi nhiều 51.5 3685
43 Không thay đổi nhiều 51.3 3717

Cách đo chiều dài và cân nặng thai nhi theo từng tuần 

cách đo kích thước thai nhi theo tuần

1. Cách đo chiều dài thai nhi theo tuần

Việc đo chiều dài thai nhi thay đổi theo từng giai đoạn của thai kỳ, cụ thể như sau:

Giai đoạn thai kỳ Cách đo chiều dài Ghi chú
Tuần 8 – 19 Chiều dài đầu – mông (CRL) Do chân thai nhi còn co lại nên không thể đo chính xác từ đầu đến chân. Bác sĩ đo từ đỉnh đầu đến mông, gọi là CRL (Crown-Rump Length).
Tuần 20 – 43 Chiều dài đầu – gót chân Từ tuần 20 trở đi, thai nhi duỗi người nhiều hơn nên có thể đo chiều dài toàn thân từ đầu đến gót chân.

2. Cách ước tính cân nặng thai nhi

Cân nặng thai nhi không được đo trực tiếp mà được ước tính thông qua các chỉ số siêu âm, bao gồm:

  • BPD (Biparietal Diameter): Đường kính lưỡng đỉnh 
  • FL (Femur Length): Chiều dài xương đùi
  • AC (Abdominal Circumference): Chu vi vòng bụng
  • HC (Head Circumference): Chu vi vòng đầu

Một trong những công thức được sử dụng rộng rãi để ước tính cân nặng thai nhi là công thức Hadlock, ví dụ:

  • Log10(EFW) = 1.326 – 0.00326 × AC × FL + 0.0107 × HC + 0.0438 × AC + 0.158 × FL

Trong đó:

  • EFW là Estimated Fetal Weight (cân nặng thai nhi ước tính)
  • Các chỉ số được đo bằng milimet (mm)

Công thức này được tích hợp sẵn trong phần mềm máy siêu âm. Bác sĩ nhập các chỉ số đo được và máy sẽ tự động tính ra cân nặng ước tính. 

Ngoài siêu âm, một số bác sĩ sản khoa cũng có thể ước tính cân nặng thai nhi bằng công thức đơn giản:

  • Cân nặng thai nhi (gram) = [(Chu vi bụng mẹ (cm) + Chiều cao tử cung (cm)) × 100] / 4

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kích thước thai nhi 

kích thước thai nhi theo tuần

Nhiều bố mẹ thường băn khoăn muốn biết ngoài tuổi thai thì còn yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến kích thước thai nhi hay không? Thực tế thì kích thước thai nhi có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:

1. Yếu tố di truyền

Yếu tố di truyền từ bố mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định vóc dáng và kích thước phát triển của thai nhi. Nếu bố mẹ có thể trạng nhỏ nhắn, thai nhi có xu hướng nhẹ cân hơn so với những cặp bố mẹ có vóc dáng lớn. Một số đặc điểm di truyền liên quan đến hormone tăng trưởng và chuyển hóa cũng ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi.

2. Sức khỏe và chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu

Sức khỏe và chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu cũng là yếu tố khiến cho cân nặng của thai nhi có sự chênh lệch so với chuẩn:

  • Chế độ ăn uống: Mẹ bầu không cung cấp đủ năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất sẽ khiến thai nhi phát triển chậm, nhẹ cân.
  • Tình trạng sức khỏe: Việc mẹ bầu mắc một trong các bệnh lý như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, thiếu máu hoặc nhiễm trùng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.
  • Tăng cân của mẹ: Nếu mẹ tăng cân quá ít trong thai kỳ, thai nhi cũng có nguy cơ nhẹ cân khi sinh. Ngược lại, tình trạng tăng cân quá mức của mẹ bầu cũng có thể dẫn đến thai to, gây khó khăn khi sinh.

3. Thứ tự con

Thai nhi là con đầu lòng thường có xu hướng nhẹ cân hơn so với các bé sinh sau. Những lần mang thai sau, tử cung và hệ tuần hoàn của mẹ đã thích nghi tốt hơn với việc nuôi dưỡng bào thai, giúp thai nhi phát triển thuận lợi hơn.

4. Số lượng thai

Việc mẹ bầu mang song thai hoặc đa thai thường khiến mỗi bé có cân nặng thấp hơn so với thai đơn. Theo các chuyên gia, do không gian tử cung và nguồn dinh dưỡng phải chia sẻ, các bé sinh đôi hoặc đa thai thường có nguy cơ sinh non và nhẹ cân hơn.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến cân nặng thai nhi như:

  • Tuổi của mẹ (mẹ quá trẻ hoặc lớn tuổi)
  • Thói quen sinh hoạt (hút thuốc, uống rượu, thiếu ngủ)
  • Tình trạng nhau thai và dây rốn bất thường, gây suy giảm lượng oxy và dinh dưỡng đến thai nhi. 

Cân nặng và kích thước thai nhi là những chỉ số quan trọng phản ánh tình trạng phát triển và sức khỏe của bé trong suốt thai kỳ. Việc mẹ bầu duy trì một lối sống lành mạnh, khám thai định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoàn toàn có thể hỗ trợ bé yêu phát triển toàn diện và khỏe mạnh ngay từ trong bụng mẹ.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Fetal Growth Calculator  https://srhr.org/fetalgrowthcalculator/#/ Ngày truy cập 06/7/2025 

How fast is your baby growing? See how fetal weight and height change by week during pregnancy https://www.babycenter.com/pregnancy/your-body/growth-chart-fetal-length-and-weight-week-by-week_1290794 Ngày truy cập 06/7/2025 

Fetus Growth – https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/fetus-growth Ngày truy cập 06/7/2025 

How Your Fetus Grows During Pregnancy – https://www.acog.org/womens-health/faqs/how-your-fetus-grows-during-pregnancy Ngày truy cập 06/7/2025 

Fetal Development – https://my.clevelandclinic.org/health/articles/7247-fetal-development-stages-of-growth Ngày truy cập 06/7/2025 

Phiên bản hiện tại

07/07/2025

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Dây rốn quấn cổ thai nhi: Bác sĩ giải đáp những điều gì về hiện tượng này?

5 dấu hiệu thai phát triển tốt và 9 dấu hiệu thai yếu bạn cần biết


Được đánh giá bởi: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi, Đa khoa, Hello Bacsi · Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 07/07/2025

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo