backup og meta

Dây rốn quấn cổ thai nhi: Bác sĩ giải đáp những điều gì về hiện tượng này?

Dây rốn quấn cổ thai nhi: Bác sĩ giải đáp những điều gì về hiện tượng này?

Hầu hết các mẹ bầu thường tỏ ra rất lo lắng khi nghe bác sĩ cho biết bé cưng đang bị dây rốn quấn cổ. Song thực tế là bạn có nên quá lo lắng khi bé cưng rơi vào tình trạng này?

Hiện tượng dây rốn quấn cổ hay tràng hoa quấn cổ theo cách gọi của dân gian xảy ra khi thai nhi bị dây rốn quấn quanh cổ. Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ hay trong thời gian mẹ bầu đau bụng chuyển dạ hoặc trong quá trình sinh.

Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu về hiện tượng này qua sự tham vấn y khoa của bác sĩ sản phụ khoa Tạ Trung Kiên.

Dây rốn là gì?

Dây rốn là bộ phận có nhiệm vụ vận chuyển máu, chất dinh dưỡng, oxy từ cơ thể mẹ qua cơ thể thai nhi thông qua bánh nhau. Dây rốn thường có chiều dài trung bình khoảng 50-60cm. Dây rốn càng dài càng làm gia tăng nguy cơ quấn quanh cổ/tay, chân của thai nhi hoặc bị thắt nút.

Về mặt lý thuyết, sự chuyển động của bào thai sẽ khiến dây rốn căng ra và dài thêm. Dây rốn dài có thể vướng vào tay chân hay quấn cổ thai nhi gây nguy cơ tắc nghẽn mạch máu liên tục hoặc từng phần.

Tỷ lệ thai nhi bị dây rốn quấn cổ xảy ra khá phổ biến với khoảng 12% ở thai từ 24 – 26 tuần, 37% ở thai đủ tháng. Điều này khiến nhiều mẹ lo lắng em bé bị dây rốn quấn cổ 1 vòng có sao không? Tin vui là phần lớn các trường hợp tràng hoa quấn cổ thường không liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong chu sinh (Tử vong chu sinh là hiện tượng thai nhi và trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 1 tuần sau khi sinh). Đó là lý do vì sao các bác sĩ ít thông báo cho mẹ bầu biết thai nhi đang rơi vào tình huống này, trừ trường hợp nghiêm trọng làm đe dọa đến tính mạng em bé.

Nguyên nhân dây rốn quấn cổ thai nhi là gì?

nguyên nhân dây rốn quấn cổ thai nhi

Các bác sĩ sản khoa cho rằng nguyên nhân chính gây ra tình trạng này ở thai nhi là sự di chuyển quá mức của bé yêu trong túi ối.

Mặt ngoài dây rốn được bảo vệ bởi một lớp sáp mềm, dẻo và trơn được gọi là thạch Wharton. Lớp sáp này có tác dụng giữ không cho dây rốn bị thắt nút, quấn quanh cổ hay chân tay… thai nhi khi bé cưng cử động, luồn lách hay nhào lộn trong bụng mẹ. Nếu dây rốn không đủ mềm, lớp sáp không đủ trơn sẽ dẫn đến việc gia tăng nguy cơ dây rốn bị thắt nút hay quấn quanh cổ, tay chân thai nhi…

Ngoài ra, tình trạng tràng hoa quấn cổ cũng có thể xảy ra nếu:

  • Mẹ bầu mang thai đôi hoặc đa thai
  • Có quá nhiều nước ối
  • Dây rốn quá dài
  • Cấu trúc của dây rốn kém.

Thực tế là không có cách nào để tránh tình trạng dây rốn quấn chân/tay hay cổ của thai nhi. Do đó, quan niệm mẹ bầu giơ tay cao, đeo trang sức nhiều vòng quanh cổ hay bước qua dây/võng… khiến thai nhi bị dây rốn quấn cổ 1 vòng, 2 vòng hay thậm chí 3 vòng là không đúng.

Dấu hiệu nhận biết

Tình trạng tràng hoa quấn cổ không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Do đó, mẹ bầu sẽ không thể biết được con mình có bị dây rốn quấn quanh tay/chân hay cổ không trừ khi tiến hành siêu âm.

Tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi được chẩn đoán như thế nào?

Hiện tượng dây rốn quấn cổ thai nhi chỉ có thể được chẩn đoán bằng siêu âm. Tuy nhiên, thông qua siêu âm, các bác sĩ khó có thể xác định được liệu tình trạng này có gây ra bất kỳ rủi ro nào cho em bé hay không.

Nếu được bác sĩ thông báo về tình trạng này ngay từ sớm trong thai kỳ, mẹ bầu không nên quá lo lắng hay hoảng sợ. Tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi có thể biến mất ngay sau đó hoặc trước khi bé cưng được sinh ra. Nếu không, bé cưng của bạn vẫn có thể được sinh ra một an toàn. Nếu các bác sĩ nhận thấy rằng tình trạng này có thể gây nguy cơ cho thai nhi hay quá trình sinh nở, họ sẽ theo dõi chặt chẽ để đề phòng biến chứng. Đôi khi, các bác sĩ có thể đề nghị bạn sinh mổ để đảm bảo an toàn cho bé.

“Tràng hoa quấn cổ” khiến con yêu có thể gặp phải biến chứng nào? 

Thực tế là tình trạng thai nhi bị dây rốn quấn cổ rất hiếm gặp phải biến chứng nguy hiểm. Nếu mẹ bầu quá căng thẳng khi lo lắng cho thai nhi trong tình trạng này, hãy trao đổi với bác sĩ sản khoa để nhận được những lời tư vấn hữu ích. 

Thông thường, tùy thuộc vào mức độ dây rốn quấn – thường là 2 vòng trở lên, có thể khiến bé và mẹ bầu gặp phải các sự cố sau: 

1. Thai nhi có bất thường về nhịp tim

Biến chứng mà thai nhi gặp phải khi bị dây rốn quấn cổ xảy ra phổ biến nhất là có bất thường về nhịp tim trong quá trình mẹ bầu chuyển dạ. Nguyên nhân là các cơn co thắt chuyển dạ của mẹ bầu có thể khiến dây rốn bị xiết lại. Điều này làm giảm lưu lượng máu được bơm đến cơ thể thai nhi nên có thể làm cho nhịp tim của bé giảm.

Do đó, trong quá trình đỡ sinh, nếu nhận thấy nhịp tim của thai nhi tiếp tục giảm và có dấu hiệu suy thai, các bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho bé.

Thực tế là nếu được theo dõi kỹ càng, thai nhi bị tràng hoa quấn cổ thường được sinh ra mà không gặp phải bất kỳ biến chứng nào.

2. Nguy cơ thai chết lưu

biến chứng dây rốn quấn cổ thai nhi

Theo báo cáo của Hội Sản phụ khoa Quốc tế (Obstetrics and Gynecology International Same) năm 2015 nguy cơ thai chết lưu do dây rốn quấn cổ là cực thấp, có xu hướng xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai. Theo các tài liệu đáng tin cậy thì tính đến hiện nay chỉ có một trường hợp thai nhi 16 tuần chết lưu do tình trạng này.

3. Giảm sự phát triển của thai nhi

Trong một vài trường hợp hiếm hoi, tình trạng dây rốn quấn cổ quá chặt xảy ra sớm trong thai kỳ có thể khiến lưu lượng máu từ mẹ qua thai nhi bị giảm, giảm kali máu, nhiễm toan và thiếu máu… Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, làm cho bé cưng giảm chuyển động.

4. Nguy cơ mổ lấy thai

Việc tràng hoa quấn quanh cổ nhiều vòng sẽ làm đầu thai ngửa ra sau gây cản trở đến việc sinh qua ngả âm đạo. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai.

Các câu hỏi liên quan đến tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi

1. Thai nhi bị dây rốn quấn cổ có thể bị tổn thương não?

Tình trạng dây rốn quấn cổ nếu bị xiết chặt và diễn ra trong một thời gian dài có thể cắt đứt lưu lượng máu đến não thai nhi và gây tổn thương não, thậm chí là khiến thai nhi tử vong. Tuy nhiên, điều này rất hiếm xảy ra.

Nếu cổ thai nhi bị dây rốn quấn xảy ra khi sinh có thể dẫn đến tình trạng cổ em bé bị thắt chặt khi bé di chuyển xuống âm đạo. Do đó, ngay khi đầu em bé ra khỏi âm đạo của mẹ, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và gỡ nó ra. Nếu dây rốn quấn quanh cổ em bé quá chặt, bác sĩ có thể tiến hành kẹp dây rốn và cắt trước khi em bé được sinh ra. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ theo dõi nhịp tim của thai nhi một cách chặt chẽ để phát hiện tình trạng suy thai nhằm can thiệp kịp thời.

2. Mẹ bầu có thể áp dụng các mẹo dân gian để chữa dây rốn quấn cổ thai nhi?

Thực tế là hiện tượng dây rốn quấn cổ thai nhi chỉ có thể tự hết nhờ vào quá trình vận động của bé cưng. Tuy nhiên, trong dân gian lại lưu truyền mẹo chữa dây rốn quấn cổ 1 vòng hoặc 2 vòng rằng mẹ bầu nên bò quanh giường theo chiều ngược với chiều quay của kim đồng hồ. Số vòng mà mẹ bầu phải bò tương ứng với số vòng mà dây rốn quấn quanh cổ bé. Không biết mẹo có thực sự đem lại hiệu nghiệm hay không nhưng nhiều mẹ bầu đã làm theo.

Nếu muốn áp dụng mẹo này, mẹ bầu cần lưu ý vài điều sau:

  • Không bò ngay khi vừa ăn xong hay khi đang mệt
  • Không bò quá nhanh vì sẽ khiến mẹ bầu bị chóng mặt gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ bầu lẫn thai nhi
  • Cần lưu ý là nếu sau khi mẹ bầu bò mà nhận thấy thai nhi có cử động bất thường, nên đếm cử động thai và nếu sau 2 giờ mà cử động thai của bé chỉ đếm được khoảng 3 lần, mẹ bầu nên đến bệnh viện ngay. Nguyên do là việc thai giảm cử động có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.

Hello Bacsi hy vọng với những thông tin được chia sẻ quan bài viết này, mẹ bầu đã yên tâm phần nào về tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi. Chúc bạn có một thai kỳ suôn sẻ, bé sinh ra khỏe mạnh, đáng yêu.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nuchal cord and its implications

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5719938/ Ngày truy câp 18/5/2019

Nuchal cord and its implications https://www.researchgate.net/publication/321440874_Nuchal_cord_and_its_implications Ngày truy cập 27/5/2021

Umbilical cord characteristics and their association with adverse pregnancy outcomes: A systematic review and meta-analysis https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0239630 Ngày truy cập 27/5/2021

What happens if the umbilical cord is around my baby’s neck? https://utswmed.org/medblog/nuchal-cord-during-pregnancy/ Ngày truy cập 27/5/2021

How Does Nuchal Cord Affect My Baby? https://www.healthline.com/health/pregnancy/nuchal-cord#management Ngày truy câp 18/5/2019

Everything you need to know about nuchal cord https://www.medicalnewstoday.com/articles/319762.php Ngày truy câp 18/5/2019

Phiên bản hiện tại

15/11/2022

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tạ Trung Kiên

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Giải mã lời đồn: Mẹ bầu xem phim kinh dị có ảnh hưởng đến thai nhi?

Biến chứng mà mẹ bầu và thai nhi có thể gặp phải khi mang thai đôi


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Tạ Trung Kiên

Thẩm mỹ · Bệnh viện An Sinh TPHCM


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 15/11/2022

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo