Trẻ sinh non thường hay gặp phải các vấn đề sức khỏe. Để ngăn ngừa tình trạng này, phương pháp điều trị bằng hormone progesterone thường được khuyến cáo.
Sinh non là tình trạng trẻ ra đời trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Thông thường, trẻ sinh non sẽ hay gặp phải các vấn đề về sức khỏe hơn so với trẻ sinh đủ tháng (từ tuần 39 đến 40 của thai kỳ). Để ngăn ngừa tình trạng này, nhiều bà bầu được khuyên nên sử dụng phương pháp điều trị bằng hormone progesterone. Phương pháp này có thật sự hiệu quả? Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về loại hormone này nhé.
Theo thống kê, có khoảng 70% các ca sinh non xảy ra một cách tự nhiên, 30% còn lại có thể là do các quyết định y khoa hoặc kết quả của các bệnh lý ở người mẹ hoặc thai nhi. Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật về thần kinh và tử vong cho trẻ sơ sinh. Theo nhiều nghiên cứu, hormone progesterone có thể làm giảm nguy cơ này tới 40%.
Hormone progesterone là gì?
Progestogen là 1 trong 5 loại hormone steroid, loại hormone này được chia thành hai nhóm, nhóm ngoại sinh (progestin) và nhóm nội sinh (progesterone).
Progesterone là loại hormone được cơ thể tạo ra và đóng vai trò chính trong việc kiểm soát kinh nguyệt sau khi rụng trứng. Ở phụ nữ mang thai, progesterone giúp tử cung phát triển, giảm hiện tượng co bóp, từ đó giúp giảm nguy cơ sảy thai và ngăn ngừa sinh non.
Vai trò của hormone progesterone trong thai kỳ
Việc cung cấp progesterone trong thai kỳ rất quan trọng bởi hormone này giúp nội mạc tử cung trở nên “cứng cáp”, mạnh mẽ nhằm nuôi dưỡng thai nhi. Ngoài ra, hormone này cũng góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh trong suốt thời gian nằm trong bụng mẹ.
Đặc biệt, progesterone còn giúp tuyến vú phát triển để sẵn sàng tiết sữa và giúp phổi của mẹ bầu hoạt động tốt hơn để cung cấp nhiều oxy cho sự phát triển của thai nhi.
Khi nào nên sử dụng phương pháp điều trị progesterone cho phụ nữ mang thai?
Những phụ nữ có nguy cơ cao bị sảy thai hoặc sinh non sẽ được chỉ định sử dụng liệu pháp điều trị progesterone:
Sinh non
Nếu bạn từng sinh non, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên điều trị bằng liệu pháp hormone progesterone. Liệu pháp này thường được điều trị vào khoảng tuần thứ 16 đến tuần thứ 20 của thai kỳ và tiếp tục vào tuần thứ 36.
Cổ tử cung ngắn
Liệu pháp progesterone còn được sử dụng cho những phụ nữ mang thai có cổ tử cung ngắn. Cổ tử cung là phần dưới của tử cung, nằm ở trên âm đạo. Trong quá trình chuyển dạ, cổ tử cung mở ra, ngắn lại và mềm mỏng hơn để thai nhi có thể đi qua ngả âm đạo dễ dàng.
Cổ tử cung ngắn nghĩa là chiều dài kênh cổ tử cung ngắn hơn bình thường, dẫn đến cổ tử cung mở sớm hơn trước khi thai nhi sẵn sàng chào đời. Khi cổ tử cung mở quá sớm thì được gọi là cổ tử cung không đủ chức năng (còn gọi là hở eo cổ tử cung). Nếu sản phụ có cổ tử cung ngắn thì nguy cơ sinh non là 50%.
Tình trạng cổ tử cung ngắn có thể phát hiện được qua siêu âm. Các chuyên gia khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai nên tiến hành đo cổ tử cung giữa tuần thứ 19 và 24 của thai kỳ.
Đối với những bà bầu có cổ tử cung ngắn, liệu pháp progesterone sẽ được sử dụng vào tuần thứ 18 của thai kỳ và được tiếp tục vào tuần thứ 36.
Đã từng vỡ ối sớm
Vỡ ối sớm là tình trạng nước ối vỡ trước trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Với những trường hợp từng bị vỡ ối sớm, bác sĩ sẽ tiêm hormone progesterone để tránh gặp phải tình trạng này trong những lần mang thai tiếp theo.
Điều trị bằng liệu pháp hormone progesterone được thực hiện như thế nào?
Có hai dạng sử dụng progesterone để điều trị sinh non:
Tiêm progesterone
Tiêm progesterone để phòng ngừa sinh non là một cách khá phổ biến. Loại progesterone này có thành phần là 17 alpha-hydroxyprogesterone caproate (còn gọi là 17P). Khi tiêm thuốc, thai phụ có thể có cảm giác khó chịu ở vị trí tiêm. Phương pháp này không thể tự thực hiện mà cần có sự giám sát của bác sĩ. Mũi tiêm progesterone có thể gây kích ứng và phát ban nhưng trường hợp này khá là hiếm gặp.
Progesterone đặt âm đạo
Phương pháp progesterone đặt âm đạo thường là dạng gel hoặc thuốc viên. Loại gel này được FDA phê chuẩn sử dụng mỗi ngày một lần trong tối đa 12 tuần của thai kỳ. Phần lớn phụ nữ đã sử dụng đều cho rằng loại gel này tiện lợi và thoải mái hơn so với phương pháp khác.
Ưu điểm của progesterone đặt âm đạo là khả dụng sinh học trên tử cung cao vì tác dụng lên tử cung trước khi chuyển hóa lần đầu ở gan. Tuy vậy, progesterone đặt âm đạo cũng có thể gây kích ứng âm đạo gây khó chịu, nhưng tác dụng phụ toàn thân ít hơn. Và do progesterone đặt âm đạo có thời gian bán thải khoảng 13 giờ nên thường được đặt mỗi ngày, liều dùng 90 – 400 mg.
Tác dụng phụ của liệu pháp progesterone
Liệu pháp progesterone có thể gây ra một vài tác dụng phụ ở phụ nữ mang thai. Tuy trường hợp này khá hiếm gặp nhưng bạn vẫn nên biết để lưu ý:
- Tiết dịch âm đạo sau khi tiêm
- Khó chịu ở vị trí tiêm
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Buồn ngủ
- Buồn nôn…
Những cách ngăn ngừa sinh non tự nhiên
Dưới đây là một vài cách ngăn ngừa sinh non tự nhiên:
- Duy trì chế độ ăn lành mạnh
- Tuân thủ lịch khám thai định kỳ
- Đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường
- Điều trị và ngăn ngừa các bệnh lý về sức khỏe như đái tháo đường, huyết áp cao và trầm cảm.
Hormone progesterone có tác dụng cải thiện sức khỏe cổ tử cung và đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, bạn cũng cần hỏi kỹ ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện để tránh tác dụng phụ.
Ngân Phạm/ HELLO BACSI
[embed-health-tool-due-date]