backup og meta

Chạy nhảy có làm sảy thai? Mẹ cần lưu ý gì nếu chạy bộ khi mang thai?

Chạy nhảy có làm sảy thai? Mẹ cần lưu ý gì nếu chạy bộ khi mang thai?

Tập thể dục là hoạt động thể chất được khuyến khích trong thai kỳ để giúp mẹ bầu khỏe mạnh cũng như kiểm soát tốt cân nặng. Tuy nhiên, dù yêu thích vận động, chạy bộ thì nhiều mẹ cũng không tránh khỏi lo lắng liệu thói quen vận động chạy nhảy có làm sảy thai hay không?

Thực chất, chạy bộ là hoạt động thể dục an toàn đối với mẹ bầu ngoại trừ trường hợp bác sĩ khuyên bạn không nên chạy nhảy. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé thì chị em vẫn nên cẩn thận khi chạy bộ trong thai kỳ. Xem thêm những thông tin được tổng hợp trong bài viết sau của Hello Bacsi để “bỏ túi” những lời khuyên hữu ích về vận động an toàn khi mang thai mẹ nhé!

Chạy bộ khi mang thai: Thói quen chạy nhảy có làm sảy thai?

Về cơ bản, chạy bộ là hoạt động đem đến lợi ích tuyệt vời cho tim và phổi của bạn. Đối với đa số mẹ bầu, chạy bộ thường an toàn miễn là bác sĩ không yêu cầu mẹ hạn chế vận động. Vì vậy, đối với vấn đề được nhiều mẹ thắc mắc đó là liệu thói quen chạy nhảy có làm sảy thai không hoặc bà bầu chạy nhanh có sao không? Câu trả lời là không có bằng chứng nào cho thấy chạy bộ hoặc tập thể dục trong thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh non. Tuy nhiên, mẹ vẫn nên thận trọng và tốt nhất là không nên chạy nhanh hoặc chạy đường dài khi mang thai.

Đặc biệt là đối với những mẹ có tiền sử sảy thai, sinh non, cổ tử cung ngắn… hoặc vấn đề sức khỏe nào khác thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu chạy bộ hoặc chơi bất kỳ môn thể thao nào trong thai kỳ.

Chạy bộ khi mang thai có thể gây những rủi ro nào? Những lưu ý quan trọng mẹ cần biết

Chạy bộ tưởng chừng như là bộ môn thể thao vận động đơn giản nhưng thực chất là hoạt động cũng gây khá nhiều áp lực lên các khớp của bạn. Trong thai kỳ, cơ thể mẹ sẽ có nhiều thay đổi, đặc biệt là các khớp của bạn bắt đầu lỏng lẻo hơn do hormone relaxin được cơ thể tiết ra. Do đó, mẹ bầu chạy bộ sẽ có nguy cơ chấn thương cao hơn so với người không mang thai.

Nói cách khác, dù bạn không cần phải quá lo lắng về vấn đề chạy nhảy có làm sảy thai không nhưng vẫn nên thận trọng khi chạy bộ trong thai kỳ để tránh những sự cố ngoài ý muốn. Sau đây là những lời khuyên hữu ích mẹ không nên bỏ qua:

Trường hợp mẹ không có thói quen chạy bộ trước khi mang thai

chạy nhảy có làm sảy thai

Nếu mẹ không thường xuyên chạy bộ trước khi mang thai, các khớp sẽ không quen với tác động, áp lực từ việc chạy. Vì vậy, nếu mẹ muốn chạy bộ trong thai kỳ thì nên bắt đầu từ từ về mặt thời gian. Chẳng hạn như khi mới bắt đầu, mẹ có thể chạy bộ dưới 15 phút mỗi ngày. Sau đó, mỗi tuần tăng thêm 5 phút/ngày cho đến khi duy trì chạy được 30 phút mỗi ngày.

Tuy nhiên, nếu mẹ không cảm thấy thoải mái với việc chạy bộ thì có thể chọn phương thức vận động khác phù hợp với thể lực hơn, ví dụ như đi bộ nhanh, dùng xe đạp tại chỗ hay máy chạy bộ trong nhà hoặc phòng gym, bơi lội…

Trường hợp mẹ có thói quen chạy bộ trước khi mang thai

Nếu mẹ đã quen với việc chạy bộ thì có thể tiếp tục duy trì thói quen vận động này trong thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ vẫn nên thận trọng vì cơ thể đã có nhiều thay đổi khi mang thai. Mẹ cần lưu ý rằng:

  • Bụng bầu sẽ lớn hơn và nặng nề hơn trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Điều này thường làm cho khả năng giữ thăng bằng của mẹ kém đi và dễ té ngã. Do đó, tốt nhất là các mẹ cần lựa chọn những đoạn đường bằng phẳng và không có chướng ngại vật để chạy bộ.
  • Như đã đề cập, hormone relaxin tiết ra trong thai kỳ sẽ làm giãn dây chằng và khớp trong khung xương chậu cùng một số bộ phận khác của cơ thể. Điều này thường khiến mẹ bầu có nguy cơ cao bị chấn thương khi chạy. Do đó, dù mẹ đã quen với việc chạy bộ thì cũng nên bắt đầu từ từ và nên chạy với tốc độ chậm khi mang thai. Để đảm bảo an toàn, mẹ bầu chỉ nên xem chạy bộ như hoạt động duy trì thể lực chứ không phải là gắng sức để đạt được một thành tích nào đó.
  • Trong những tháng cuối thai kỳ, mẹ có thể nhận thấy tốc độ chạy của mình ngày càng chậm lại do bụng ngày càng lớn. Lời khuyên là bạn đừng cố gắng chạy nhanh hoặc chạy xa mà nên có sự điều chỉnh phù hợp với sức khỏe. Nếu có các dấu hiệu bất thường như đau đầu, đau ngực, yếu cơ, chảy máu âm đạo, đau bắp chân, rò rỉ nước ối… thì bạn nên dừng chạy bộ và đi khám nếu cần thiết.

Mẹo giúp mẹ bầu chạy bộ dễ dàng và an toàn hơn

chạy nhảy có làm sảy thai

Nhìn chung, mẹ không cần lo lắng về vấn đề chạy bộ hoặc thói quen chạy nhảy có làm sảy thai không? Điều quan trọng hơn là mẹ cần chú ý làm sao để hạn chế sự khó chịu hoặc thậm chí là chấn thương khi chạy bộ. Sau đây là một số mẹo hữu ích mẹ có thể áp dụng để quá trình chạy bộ dễ dàng và an toàn hơn:

Đầu tư giày chạy bộ chất lượng

Vì cơ thể có nhiều thay đổi trong thai kỳ nên các mẹ thường dễ mất thăng bằng khi đi bộ hoặc chạy bộ. Do đó, việc lựa chọn và sử dụng một đôi giày thể thao chất lượng là rất quan trọng để giúp đôi chân của mẹ được ổn định, vững vàng hơn. Ngoài ra, mẹ nên hạn chế đeo giày cũ mà nên mua giày mới để đảm bảo phù hợp, hỗ trợ mắt cá chân tốt nhất và giảm áp lực cho đầu gối.

Mặc áo ngực phù hợp và nâng đỡ vòng 1 tốt

Vòng 1 ngày càng lớn khi mang thai có thể khiến mẹ cảm thấy khó chịu khi chạy bộ. Do đó, mẹ nên chọn mua một chiếc áo ngực thể thao phù hợp và nâng đỡ tốt để đảm bảo sự thoải mái, hạn chế tình trạng đau ngực khi chạy bộ.

Sử dụng đai đỡ bụng bầu

Càng về cuối thai kỳ, phần bụng lớn thường rất nặng nề, gây khó chịu và áp lực cho cả cơ thể mẹ. Điều này có thể khiến mẹ không thoải mái khi vận động. Để cải thiện vấn đề này và hạn chế xóc nảy bụng khi chạy bộ, mẹ nên sử dụng đai đỡ bụng bầu. Vật dụng này cũng giúp giảm áp lực vùng chậu và giúp mẹ có tư thế tốt.

Bổ sung đủ nước

Thói quen uống nước trước, trong và sau khi vận động hoặc chạy bộ sẽ giúp cơ thể mẹ giữ nước, tránh mệt mỏi và bốc hỏa khi mang thai. Bên cạnh đó, mẹ cũng không nên chạy quá lâu nếu thời tiết nóng bức và cần nhớ là luôn khởi động trước khi chạy bộ để tránh chấn thương nhé!

Có thể bạn quan tâm: Tập thể dục cho mẹ bầu: Những lưu ý về an toàn mẹ cần biết

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Running in pregnancy

https://www.tommys.org/pregnancy-information/im-pregnant/exercise-in-pregnancy/running-pregnancy Truy cập ngày 14/07/2022

Running Habits of Competitive Runners During Pregnancy and Breastfeeding

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4332642/ Truy cập ngày 14/07/2022

Exercise in pregnancy

https://www.nhs.uk/pregnancy/keeping-well/exercise/ Truy cập ngày 14/07/2022

Exercise During Pregnancy

https://www.acog.org/womens-health/faqs/exercise-during-pregnancy Truy cập ngày 14/07/2022

Is Running While Pregnant Safe?

https://www.healthline.com/health/pregnancy/running-while-pregnant Truy cập ngày 14/07/2022

Phiên bản hiện tại

14/07/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Chỉ số para là gì? Cách đọc và ý nghĩa trong sản khoa

Vì sao đau xương sườn khi mang thai? Mẹ nên làm gì để giảm đau?


Thông tin kiểm chứng bởi:

Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 14/07/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo