Bột ngọt hay còn được gọi là mì chính là một trong những gia vị quen thuộc trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, dùng bột ngọt trong thai kỳ có an toàn không lại là một vấn đề gây tranh cãi.
Cũng giống như các loại gia vị khác như muối, nước mắm, nước tương…, bột ngọt chỉ là một chất tạo vị cho món ăn và có tên gọi khác của muối natri glutamate. Nhiều người cho rằng việc dùng bột ngọt trong thai kỳ có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe trong khi một số khác lại nói rằng trong cơ thể luôn chứa một lượng glutamate nhất định, nên bột ngọt không gây ra nhiều tác dụng phụ cho cơ thể. Vậy thực hư vấn đề này thế nào? Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé.
Tác dụng phụ khi dùng bột ngọt trong thai kỳ
Tốt hơn là phụ nữ mang thai không nên lạm dụng loại gia vị này trong chế biến cũng như hạn chế ăn các món có chứa quá nhiều bột ngọt vì có thể gây hại cho em bé như:
- Tổn thương nhau thai: Dùng bột ngọt trong thai kỳ quá nhiều có thể làm tổn thương nhau thai, làm gián đoạn việc cung cấp thức ăn cho bé và có thể khiến bé tiếp xúc với các loại vi trùng gây bệnh và glutamate tự do, chất có thể vào trong tế bào não và làm cho não bị lú lẫn.
- Đau đầu: Tình trạng này có thể dẫn đến chứng đau nửa đầu, ảnh hưởng đến thị lực và khiến bạn trở nên nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng.
- Mất ngủ: Bột ngọt có thể gây mất ngủ bằng cách kích thích các tế bào não, khiến bạn luôn tỉnh táo vào ban đêm.
- Các dây thần kinh bị kích thích quá mức: Bột ngọt có thể khiến các chất dẫn truyền thần kinh bị mất cân đối, khiến các dây thần kinh bị kích thích quá mức.
- Các vấn đề về tim: Bột ngọt có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, đau ngực và ngừng tim.
- Tăng huyết áp: Bột ngọt là một loại muối do sự kết hợp giữa natri và axit glutamic. Do đó, dùng quá nhiều bột ngọt có thể gây chứng huyết áp cao, có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác trong thai kỳ.
- Dị ứng: Nếu bạn bị dị ứng với bột ngọt trước khi mang thai, tốt nhất bạn nên tránh xa nó trong thời gian mang thai vì các triệu chứng có thể trở nên trầm trọng hơn. Một số triệu chứng dị ứng bạn có thể gặp phải là đau đầu, ngứa ran, buồn nôn, đau ngực, toát mồ hôi…
- Ợ nóng: Đây là một trong những vấn đề thường gặp của phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, dùng bột ngọt trong thai kỳ có thể khiến vấn đề này trở nên tồi tệ hơn bởi hệ tiêu hóa phải “nỗ lực” nhiều hơn để tiêu hóa nó.
- Các ảnh hưởng sức khỏe khác như tê bì, mệt mỏi và các vấn đề tuyến giáp.
Tại sao nhiều người lại cho rằng dùng bột ngọt khi mang thai không gây hại?
Đã có nhiều nghiên cứu thực hiện trên chuột cho thấy bột ngọt có liên quan đến các khuyết tật trong nhau thai nhưng những nghiên cứu ở khỉ, một loài vật gần giống với con người, lại cho kết quả ngược lại.
Ngoài ra, bột ngọt còn là một thành phần tự nhiên được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như hàu, hải sản, cà chua và phô mai. Cơ thể con người có thể sản xuất ra glutamate và chất này cũng được tìm thấy trong sữa mẹ.
Phòng ngừa các tác dụng phụ của bột ngọt
Bột ngọt là một dạng muối của axit glutamic. Do đó, nếu dùng bột ngọt bạn nên nêm ít muối để đảm bảo sức khỏe. Bạn có thể thêm bột ngọt vào trước hoặc trong khi nấu ăn. Bạn chỉ nên thêm khoảng nửa muỗng cà phê bột ngọt cho khoảng 0,5kg thịt. Uống nhiều nước sau khi ăn các món có chứa nhiều bột ngọt vì nó sẽ giúp thải bớt bột ngọt ra ngoài. Cách hiệu quả nhất để tránh các tác dụng phụ của bột ngọt là hạn chế dùng bột ngọt trong thai kỳ.
Hiện tại, bột ngọt là một thành phần không thể thiếu trong gian bếp của các bà nội trợ. Tuy nhiên, nếu chế biến ở nhà, bạn có thể kiểm soát được lượng bột ngọt cho vào các món ăn. Thông thường, các loại thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp và các món ăn bán bên ngoài thường chứa rất nhiều bột ngọt. Do đó, hãy đọc kỹ thành phần trước khi mua.
Tóm lại, dùng bột ngọt trong thai kỳ có an toàn không? Câu trả lời rất đơn giản: Nếu bị dị ứng hoặc nhạy cảm với bột ngọt trước khi mang thai, bạn không nên dùng nó. Nếu bạn không bị dị ứng, việc ăn một lượng nhỏ bột ngọt sẽ không làm hại bạn hoặc thai nhi. Còn nếu ăn quá nhiều, bạn sẽ phải đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo bé cưng phát triển an toàn và khỏe mạnh.
[embed-health-tool-due-date]