backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bà bầu ngủ ngáy: Nguyên nhân do đâu, khắc phục thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 18/05/2023

    Bà bầu ngủ ngáy: Nguyên nhân do đâu, khắc phục thế nào?

    Tại sao khi mang thai các mẹ bầu có xu hướng ngáy nhiều hơn khi ngủ? Phụ nữ mang thai ngủ ngáy có nguy hiểm không, cách khắc phục thế nào? 

    Quá trình mang thai khiến mẹ bầu phải trải qua nhiều vấn đề sức khỏe như ốm nghén, khó tiêu và ợ nóng, mệt mỏi và khó ngủ, thậm chí là mất ngủ. Đối với một số người, mang thai cũng đi kèm với chứng ngáy dai dẳng khi ngủ. Nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng 14 – 53% phụ nữ mang thai ngủ ngáy. Vậy tại sao ngủ ngáy lại tăng lên khi mang thai và ngáy có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào hay không? Nếu đang có những băn khoăn này, mời bạn cùng tìm hiểu những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau!

    Bà bầu ngủ ngáy: Nguyên nhân do đâu?

    Sự thay đổi của nồng độ nội tiết tố cũng như những thay đổi về thể chất trong cơ thể khi mang thai có thể khiến mẹ bầu dễ bị ngáy khi ngủ. Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ ngáy khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba, bao gồm: tăng cân, thay đổi nội tiết tố, lưu lượng máu và  các yếu tố nguy cơ khác. 

    1. Tăng cân khi mang thai

    Tăng cân khi mang thai cũng có thể góp phần khiến bà bầu ngủ ngáy do bị sưng tấy đường thở. Việc đường thở bị sưng tấy làm không gian trong cổ họng hẹp lại, cản trở luồng không khí đi qua và làm tăng nguy cơ các mô bị rung hoặc xẹp xuống trong khi ngủ.

    2. Thay đổi nội tiết tố

    Sự thay đổi nội tiết tố estrogen và progesterone trong thai kỳ góp phần tích tụ chất lỏng trong đường mũi làm giảm không gian cần thiết để thở. Những thay đổi này cũng làm tăng nguy cơ nghẹt mũi khi mang thai, có thể gây khó thở hơn nữa. Những tác động này có thể dẫn đến việc mẹ bầu bị ngáy ngủ, đặc biệt là trong giai đoạn sau của thai kỳ.

    3. Lưu lượng máu

    Trong thai kỳ, để hỗ trợ thai nhi phát triển, lượng máu trong cơ thể mẹ bầu có thể tăng lên đến 45%. Việc tăng thể tích máu và giãn mao mạch khi mang thai có thể khiến lớp màng nhầy trong mũi sưng lên, gây tắc nghẽn khiến việc thở bằng mũi trở nên khó khăn hơn. Điều này có thể trầm trọng hơn khi mẹ bầu nằm ngủ.

    4. Các nguyên nhân khác khiến bà bầu ngủ ngáy

    Ngoài 3 nguyên nhân chính kể trên, còn có một số yếu tố khác có thể làm tăng khả năng ngáy khi mang thai, bao gồm:

  • Thói quen hút thuốc: Hiện chưa rõ chính xác tại sao thói quen hút thuốc có thể gây ngáy. Thế nhưng các chuyên gia sức khỏe nghi ngờ rằng mối liên hệ này có thể liên quan đến tình trạng viêm và tích tụ chất lỏng ở đường hô hấp trên hoặc do ảnh hưởng của việc hút thuốc đối với tình trạng nghẹt mũi.
  • Mất ngủ: Tình trạng thiếu ngủ  có thể khiến các cơ ở cổ họng bị giãn quá mức trong khi ngủ, điều này có thể làm hẹp đường thở và tăng khả năng ngáy.
  • Đặc điểm sinh lý: Một số người mang thai có khả năng ngáy cao hơn do hình dạng và kích thước tự nhiên của lưỡi, hàm hoặc amidan.
  • Chủng tộc – Độ tuổi: Khả năng ngáy khi mang thai cao hơn đối với người Mỹ gốc Phi và người lớn tuổi.
  • Ngáy khi mang thai thường xuất hiện khi nào?

    bà bầu ngủ ngáy khi mang thai

    Mặc dù chứng ngáy khi mang thai có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng nó có xu hướng phát triển vào gần cuối tam  cá nguyệt thứ hai  và tiếp tục  gia tăng  trong tam  cá nguyệt thứ ba . Nhiều thay đổi sinh lý được cho là góp phần gây ra chứng ngáy khi mang thai, chẳng hạn như hẹp đường mũi và đường hô hấp trên, nghẹt mũi và sưng mô, rõ rệt hơn trong thai kỳ sau.

    Bà bầu ngủ ngáy: Có nên lo lắng?

    Khoảng 50% chị em phụ nữ ngủ ngáy thường xuyên khi đang mang thai. Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm hiểu xem liệu mẹ bầu ngủ ngáy có gây ra bất kỳ rủi ro hay ảnh hưởng nào đến thai nhi đang phát triển hay không.

    Ngủ ngáy có liên quan đến một số tình trạng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ khi mang thai, bao gồm:

    1. Chứng ngưng thở lúc ngủ

    Tình trạng ngủ ngáy khi mang thai đôi khi là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ.

    Quá trình mang thai làm tăng nguy cơ khiến mẹ bầu bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), một dạng ngưng thở phổ biến nhất. Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng có từ 3 – 27% phụ nữ mang thai mắc chứng OSA, trong khi đó ở phụ nữ không mang thai con số này chỉ là 0,7 – 6,5%. Nguy cơ phát triển OSA cao hơn trong giai đoạn sau của thai kỳ và đối với những người  thừa cân hoặc béo phì 

    2. Cao huyết áp và tiền sản giật

    Ngáy thường xuyên có liên quan đến cả việc  tăng huyết áp khi mang thai và tiền sản giật.  Tiền sản giật  là tình trạng huyết áp cao bắt đầu trong thai kỳ và dẫn đến các biến chứng về sức khỏe. Ngáy cũng có thể góp phần làm tăng huyết áp vào ban đêm đối với những người bị tiền sản giật.

    3. Tiểu đường thai kỳ

    bà bầu ngủ ngáy do bnehj tiểu đường

    Ngáy dường như có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn, một tình trạng liên quan đến  lượng đường trong máu cao Ngoài ra, những người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn khi mang thai có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao gần gấp đôi so với những người mang thai không gặp vấn đề về giấc ngủ.

    Các vấn đề về hô hấp vào ban đêm như ngáy và OSA  cản trở luồng không khí và làm gián đoạn giấc ngủ, cả hai đều được cho là gây căng thẳng cho cơ thể và ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

    4. Trầm cảm trước khi sinh

    Nghiên cứu đang phát triển cho thấy những người mắc chứng ngáy dai dẳng khi mang thai có thể phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao hơn của chứng trầm cảm trước khi sinh. Trầm cảm trước khi sinh mô tả  các triệu chứng trầm cảm bắt đầu trong thời kỳ mang thai, bao gồm cảm giác buồn bã, lo lắng hoặc tuyệt vọng dai dẳng.

    Mách bạn cách để kiểm soát chứng ngủ ngáy khi mang thai

    bà bầu ngủ ngáy: cách khắc phục

    Bà bầu ngủ ngáy phải làm sao hay mang thai bị ngủ ngáy phải làm gì? Nhìn chung, việc mẹ bầu ngủ ngáy khi mang thai không phải là vấn đề đáng lo ngại và bạn có thể giảm bớt chứng ngủ ngáy bằng cách thay đổi một vài thói quen đơn giản. Theo các chuyên gia, để khắc phục chứng ngủ ngáy, mẹ bầu có thể áp dụng các biện pháp sau:

    • Nằm nghiêng khi ngủ: Tình trạng ngáy khi ngủ thường nặng hơn khi bạn nằm ngửa, đặc biệt là trong giai đoạn sau của thai kỳ. Do đó, lời khuyên của các chuyên gia thường là mẹ bầu nên ngủ nghiêng bên trái để  cải thiện lưu lượng máu và giảm áp lực lên các cơ quan. Tuy nhiên nếu việc nghiêng bên trái khiến cho mẹ bầu khó chịu thì các mom có thể nằm nghiêng phải cũng được nhé, chúng ta sẽ chọn tư thế nằm thoải mái để có giấc ngủ trọn vẹn nhé.
    • Nâng cao phần thân trên: Việc nâng cao đầu giường lên một chút hoặc kê một chiếc gối mềm dưới đầu và phần thân trên có thể giúp giữ cho đường thở của mẹ bầu thông thoáng trong khi ngủ.
    • Rửa mũi với nước muối sinh lý trước khi ngủ: Thói quen rửa mũi bằng nước muối sinh lý trước khi ngủ, giúp làm sạch đường thở, giúp mẹ bầu hít thở dễ dàng hơn trong lúc ngủ, từ đó hạn chế được tình trạng ngủ ngáy.
    • Giữ cân nặng hợp lý: Tăng cân khi mang thai là cần thiết, nhưng mẹ bầu nên kiểm soát cân nặng trong phạm vi khuyến nghị. Việc tăng cân lành mạnh khi mang thai có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp trong khi ngủ.
    • Thực hiện các khuyến nghị về vệ sinh giấc ngủ: Ngủ đủ giấc có thể ngăn ngừa tình trạng quá mệt mỏi, đây là yếu tố nguy cơ gây ra chứng ngáy và chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Hãy thử  thực hiện các chiến lược vệ sinh giấc ngủ khác nhau như: ngủ trưa đầy đủ nhưng giấc ngủ trưa không dài hơn 30 phút, tránh dùng thức uống có chứa caffeine và ăn nhiều trước khi ngủ.
    • Sử dụng gối cho bà bầu: Mẹ bầu bị ngủ ngáy có thể dùng gối ôm chèn vào lưng, dưới bụng và chân. Việc này giúp bạn có tư thế ngủ thoải mái sẽ hạn chế được tình trạng ngáy ngủ hoặc khó ngủ.

    Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên bạn nên tránh uống rượu và sử dụng một số loại thuốc gây buồn ngủ trước khi đi ngủ, vì chúng có thể  làm trầm trọng thêm chứng ngáy ngủ. Bên cạnh đó, thói quen hút thuốc hay tiếp xúc với khói thuốc làm tăng nguy cơ ngáy và ngưng thở khi ngủ ở phụ nữ mang thai.

    Ngủ ngáy khi mang thai: Khi nào mẹ bầu nên đi khám?

    bà bầu ngủ ngáy

    Bà bầu ngủ ngáy khi mang thai thường không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, tình trạng ngáy khi ngủ có thể liên quan đến tiểu đường thai kỳ hoặc chứng ngưng thở khi ngủ. Vì vậy, mẹ bầu cần lưu ý làm xét nghiệm sàng lọc đường huyết trong khoảng tuần 24 đến 28 hoặc sớm hơn nếu được bác sĩ đề xuất.

    Song song đó, nếu không có một giấc ngủ ngon thường xuyên, bạn đừng chần chừng trong việc đi khám, đặc biệt là khi có những dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ như:

    • Tạo ra âm thanh thở hổn hển, hụt hơi trong lúc ngủ
    • Bà bầu ngủ ngáy quá to
    • Đau đầu sau khi ngủ dậy
    • Cảm thấy rất mệt mỏi và khó tập trung trong ngày.

    Qua những dấu hiệu trên, việc mẹ bầu bị ngủ ngáy và nghi ngờ mắc chứng ngưng thở khi ngủ thì cần đi khám ngay lập tức. Bởi vì trường hợp này có thể liên quan đến tiền sản giật và tiểu đường thai kỳ. Các vấn đề này có thể gây rủi ro cho mẹ bầu nên cần được phát hiện sớm và kiểm soát kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Văn Thu Uyên

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 18/05/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo