Ngoài việc thu hoạch lá làm bánh, củ gai cũng là một loại dược liệu thường được sử dụng trong Đông y, nhưng không phải ai cũng biết đến cái tên này. Đây là một vị thuốc được nhiều người truyền miệng rằng có tác dụng dưỡng thai, chữa dọa sảy thai… Vậy, thực hư về củ gai an thai là như thế nào? Tác dụng của củ gai với bà bầu là gì?
Cây lá gai là một loại cây được trồng nhiều ở các tỉnh Bắc Trung Bộ của nước ta với mục đích lấy lá – là nguyên liệu chính làm nên món bánh gai, bánh ít có màu đen đặc trưng và hương vị thơm ngon.
Để hiểu rõ hơn về củ gai an thai, củ gai có tác dụng gì cho bà bầu và cách uống nước củ gai cho bà bầu, mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.
Củ gai là gì?
Củ gai (tên khoa học là Radix Boehmeriae) là rễ của cây gai có tên khoa học là Boehmeria nivea (L.) Gaud, thuộc họ gai (Urticaceae). Trong khi cây gai còn được biết đến với các tên gọi khác như cây trữ ma, cây tầm ma… thì củ gai phơi khô được gọi là trữ ma căn.
Cây gai là một loại cây bụi nhỏ, sống lâu năm với chiều cao khoảng 1,5-2m. Lá gai lớn, dài khoảng 7-15cm, rộng 4-8cm, mọc so le nhau. Phần đuôi lá hình tim hoặc hơi tròn, mép lá có răng cưa. Mặt trên lá có màu xanh lục thẫm, mặt dưới phủ một lớp lông trắng. Mỗi lá gai có 3 gân phát ra từ cuống.
Củ gai hình trụ, hơi cong, dài từ 8-25cm, đường kính 0,8-3cm. Mặt ngoài của củ gai có màu nâu sẫm hoặc nâu xám với những vết nhăn kéo dài theo chiều dọc và chiều ngang, có các vết tích của thân rễ con.
Thu hái:
Củ gai có thể được thu hoạch vào bất kỳ mùa nào, nhưng tốt nhất vào thu đông. Củ gai được đào lên, về rửa sạch đất phơi hay sấy khô.
Công dụng:
Theo y học cổ truyền, củ gai có vị ngọt, tính hàn, không độc; quy kinh Thận, Bàng quang. Công dụng: Tả nhiệt, tán ứ, chữa đơn độc, thông các chứng lâm (đi đái dắt) chữa sang lở, thông tiểu tiện , lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, giải độc, có ích trong việc điều trị các chứng bệnh như xuất huyết do huyết nhiệt, phong thấp, tê mỏi chân tay, nhiệt độc ung thũng, mụn nhọt mưng mủ, tiểu rắt… do ứ nhiệt.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, củ gai tươi được cho là mang lại nhiều tác dụng an thai cho mẹ bầu.
Hoạt chất hóa học:
Hiện tại y học hiện đại chưa có nhiều nghiên cứu về củ gai, mới thấy có axit chlorogenic là một loại tani, do sự kết hợp của axit cafeitanic và axit quinic.
Tác dụng dược lý:
- Hàm lượng acid chlorogenic trong củ gai có tác dụng tăng cường hiệu lực của hormone tuyến thượng thận adrenalin giúp làm thông tiểu tiện cũng như kích thích sự bài tiết mật.
- Đồng thời, dược liệu còn có khả năng ức chế tác dụng của trypsin và pepsin là hai protease chính trong hệ tiêu hóa của con người. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn ghi nhận khả năng chống vi trùng cùng như tác dụng diệt nấm của củ gai.
- Bên cạnh đó, acid chlorogenic còn được cho là có tác dụng chống oxy hóa cao hơn gấp 10 lần vitamin E. Nhờ đó mà có thể ngăn chặn các tình trạng như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim hay xơ vữa động mạch.
- Dịch chiết bằng cồn từ cây Gai trên ống nghiệm có tác dụng thúc đẩy quá trình đông máu. Trên thí nghiệm cắt đuôi chuột nhắt để xác định thời gian chảy máu, thuốc có tác dụng cầm máu.
- Trên chó thí nghiệm gây xuất huyết dưới da bằng cách dùng chất cobalt để chiếu xạ thì dạng chế phẩm trên của củ Gai có tác dụng làm giảm hiện tượng xuất huyết một cách rõ rệt.
Củ gai có tác dụng gì cho bà bầu?
1. Tác dụng của củ gai với bà bầu: Chữa động thai, dọa sảy thai, bong nhau thai, chảy máu khi mang thai
An thai là công dụng được nhắc đến nhiều nhất của củ gai trong dân gian. Nếu như ngày xưa, khoa học công nghệ chưa hiện đại, việc phụ nữ mang thai không có cơ hội được kiểm tra và theo dõi sát sao như bây giờ. Khi gặp phải các vấn đề về sản khoa, rất nhiều bà mẹ bị động thai, dọa sảy thai đã giữ được con nhờ củ gai.
Trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu thai nhi đang trong quá trình hoàn thiện tổ chức, phụ nữ hay có nguy cơ bị động thai, dọa sảy thai, bong nhau thai, với các triệu chứng như đau bụng, ra dịch âm đạo màu đỏ hoặc màu nâu, nước tiểu đục…nếu sử dụng củ gai sớm sẽ cho hiệu quả cực kì tốt.
Y học cổ truyền quan niệm “ thai tiền đa nhiệt, hậu sản đa hàn” có nghĩa là thời kỳ đầu mang thai phụ nữ sẽ có cảm giác nóng trong người, hay ra mồ hôi thân nhiệt tăng lên khoảng 0.5 độ C nên rất thường muốn ăn đồ mát, uống nước mát. Củ gai tươi có tính hàn, giúp tán ứ, tản nhiệt nên có thể giúp khắc phục tình trạng này ở mẹ bầu.
2. Củ gai giúp dưỡng thai, an thai
Nếu bạn thắc mắc củ gai khô và củ gai tươi có tác dụng gì cho bà bầu, thì câu trả lời là theo kinh nghiệm dân gian cả củ gai tươi và củ gai khô đều có công dụng giúp dưỡng thai, an thai. Đặc biệt, trong ba tháng đầu thai kỳ, thai nhi vẫn còn khá yếu, cơ thể mẹ cũng có tình trạng ốm nghén do thay đổi hormon, tình trạng suy giảm miễn dịch tự nhiên. Do đó, mẹ bầu cần được bồi dưỡng những thực phẩm, dược liệu tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Củ gai chứa nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng, có lợi cho thai phụ và thai nhi nên thường được nấu nước uống cho các mẹ bầu. Sự kết hợp giữa nước củ gai và các loại thực phẩm dinh dưỡng từ thiên nhiên sẽ giúp thai phát triển tốt và khỏe mạnh.
3. Thực hư về việc dùng củ gai giúp tăng tỷ lệ thành công trong quá trình chuyển phôi (IVF)
Ngày nay, khi tỉ lệ vô sinh được thống kê ngày càng tăng, càng nhiều cặp vợ chồng sử dụng phương pháp IVF để có con, thì lời khuyên dùng củ gai an thai lại được lan truyền rộng rãi trong các hội nhóm. Không ít người cho rằng, vì giai đoạn chuyển phôi đóng vai trò quyết định tỷ lệ thành công của phương pháp này, nên mẹ bầu có thể uống nước củ gai để tăng khả năng phôi bám vào tử cung.
Thực tế là vẫn chưa có nghiên cứu cho thấy việc dùng củ gai giúp tăng tỉ lệ thành công trong quá trình chuyển phôi. Chính vì vậy, điều bạn cần là tìm hiểu kỹ các tác dụng của củ gai với IVF, tham khảo lời khuyên từ các chuyên gia để có cách sử dụng đúng đắn.
Cách sắc uống củ gai an thai cho bà bầu
Theo kinh nghiệm dân gian, mẹ bầu có thể uống nước củ gai hoặc ăn món ăn bổ dưỡng từ củ gai để an thai, dưỡng thai. Theo khuyến cáo, thai phụ nên dùng khoảng 12-20g củ gai/ngày. Tuy nhiên, liều lượng này còn có thể điều chỉnh tùy vào từng trường hợp.
1. Cách sắc uống củ gai tươi giúp an thai
Theo kinh nghiệm dân gian, cách tốt nhất để tận dụng những công dụng của củ gai an thai một cách tối đa là sắc nước uống. Trong đó, việc dùng củ gai tươi được cho là mang lại hiệu quả tốt hơn củ gai khô. Dưới đây là bài thuốc phổ biến từ củ gai tươi mà Hello Bacsi tổng hợp được:
Nguyên liệu:
- 30g củ gai tươi
- 600ml nước
Cách sắc uống củ gai tươi an thai:
- Bước 1: Củ gai tươi rửa sạch
- Bước 2: Đem sắc với nước đến khi còn khoảng 200ml nước là được.
Cách uống củ gai khi mang thai:
- Chia nước sắc thành 3 phần đều nhau, uống hết trong ngày.
- Nên uống mỗi ngày để đạt hiệu quả. Bài thuốc này thường phát huy công dụng rõ rệt sau vài ngày.
2. Cách sắc củ gai khô cho bà bầu
Bài thuốc 1: Củ gai an thai chữa chứng đau bụng do động thai
Nguyên liệu:
- 4g củ gai khô
- 4g cành tía tô
- 400ml nước
Cách sắc uống củ gai khô an thai:
- Bước 1: Rửa sạch các dược liệu.
- Bước 2: Đem sắc với nước đến khi còn khoảng 100ml nước sắc là được.
Cách uống nước củ gai cho bà bầu:
- Uống hết trong ngày khi nước thuốc còn ấm.
- Nếu có triệu chứng xuất huyết do động thai thì nên thêm 10g lá huyết dụ vào bài thuốc.
Bài thuốc 2: Củ gai an thai chữa đau bụng, ra huyết, dọa sảy thai ở mẹ bầu
Nguyên liệu:
- 48g củ gai khô
- 12g tía tô
- 12g lá ngải cứu
- 1 lít nước.
Cách sắc uống củ gai khô an thai:
- Bước 1: Rửa sạch các dược liệu.
- Bước 2: Đem sắc với nước trong khoảng 15-20 phút kể từ khi sôi là được.
Cách uống nước củ gai cho bà bầu:
- Uống hết trong ngày khi thuốc còn ấm.
- Mỗi ngày nên uống 1 thang để đạt hiệu quả.
3. Cách nấu củ gai tươi an thai
Theo kinh nghiệm dân gian, ngoài cách sắc uống nước củ gai an thai, mẹ bầu có thể tham khảo các công thức chế biến món ăn bổ dưỡng với củ gai như cháo củ gai, gà ác hầm củ gai… Dưới đây là 2 cách nấu cháo củ gai thơm ngon, bổ dưỡng, giúp mẹ bầu an thai, dưỡng thai:
Cách nấu cháo củ gai an thai với quả táo đỏ
Nguyên liệu:
- 20g củ gai tươi
- 10g quả táo đỏ (táo Tàu)
- 100g gạo nếp
- Nước.
Cách nấu cháo củ gai tươi an thai:
- Bước 1: Rửa sạch các dược liệu.
- Bước 2: Vo gạo, để ráo.
- Bước 3: Sắc củ gai còn khoảng 200ml nước rồi bỏ bã.
- Bước 4: Thêm gạo nếp và táo đỏ vào nồi nước sắc, nấu thành cháo.
- Bước 5: Khi cháo chín nhừ, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
Cách ăn củ gai tươi khi mang thai:
- Chia cháo củ gai thành nhiều lần và ăn hết trong ngày.
- Ăn khi cháo còn ấm.
Cách nấu cháo củ gai an thai với sinh địa
Nguyên liệu:
- 30g củ gai tươi
- 30g sinh địa
- 150g gạo nếp
- Nước.
Cách nấu cháo củ gai tươi an thai:
- Bước 1: Rửa sạch các dược liệu.
- Bước 2: Vo gạo, để ráo.
- Bước 3: Sắc trước củ gai, sinh địa còn khoảng 200ml nước rồi bỏ bã.
- Bước 4: Thêm gạo nếp vào nồi nước sắc, nấu thành cháo.
- Bước 5: Khi cháo chín nhừ, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
Cách ăn củ gai tươi khi mang thai:
- Chia cháo củ gai thành nhiều lần và ăn hết trong ngày.
- Ăn khi cháo còn ấm.
Lưu ý cho bà bầu khi dùng củ gai an thai
Mặc dù củ gai có nhiều công dụng đối với bà bầu, nhưng cần cẩn trọng khi sử dụng. Dưới đây là những lưu ý mẹ bầu cần nhớ:
- Chỉ dùng củ gai như một loại dược liệu hỗ trợ sức khỏe và luôn tham vấn ý kiến bác sĩ, lương y trước khi sử dụng.
- Không dùng củ gai an thai nếu bệnh không phải do nóng nhiệt gây ra.
- Củ gai tươi có thể gây ngứa, nhưng nếu được nấu chín hoặc sắc nước uống thì không còn bị ngứa.
- Phụ nữ mang thai bị hư hàn không nên dùng củ gai vì dược liệu này có tính hàn.
- Không sử dụng củ gai trong thời gian dài vì củ gai có tính hàn.
- Cẩn trọng liều dùng và cách dùng để tránh gặp phải tác dụng phụ.
- Mua củ gai ở nơi uy tín, chất lượng được đảm bảo.
- Không dùng củ gai hư, giập, úng.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ việc sử dụng củ gai an thai, từ đó cân nhắc về việc dùng nước sắc hay món ăn từ củ gai một cách hợp lý, an toàn cho mẹ bầu.
[embed-health-tool-due-date]