backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

IUI và IVF khác nhau như thế nào, nên chọn phương pháp nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 31/05/2023

    IUI và IVF khác nhau như thế nào, nên chọn phương pháp nào?

    IUI và IVF là hai phương pháp thụ tinh nhân tạo điển hình, được nhắc đến nhiều nhất hiện nay. Tuy nhiên, không phải cặp đôi nào cũng hiểu rõ và phân biệt được sự khác nhau giữa hai phương pháp hỗ trợ sinh sản này.

    Nếu bạn đang quan tâm IUI và IVF là gì? IUI và IVF khác nhau như thế nào? Khi nào thì nên chọn IUI hoặc IVF thì có thể tìm hiểu ngay những thông tin được Hello Bacsi tổng hợp cụ thể qua bài viết sau.

    Điểm chung của IUI và IVF là gì?

    Thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đều là những phương pháp hỗ trợ sinh sản cho những cặp đôi gặp khó khăn trong việc thụ thai tự nhiên. Điểm chung của IUI và IVF đó là cả hai phương pháp này đều giúp bạn tăng cơ hội mang thai dựa trên hình thức chọn lọc những tinh trùng khỏe mạnh để thụ tinh với trứng.

    IUI và IVF khác nhau như thế nào?

    Có không ít cặp đôi thắc mắc IUI và IVF khác nhau như thế nào hay IUI khác gì IVF? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây!

    IUI và IVF là hai phương pháp thụ tinh nhân tạo được nhắc đến nhiều nhất nhưng nếu chưa tìm hiểu kỹ, bạn có thể chưa phân biệt được sự khác nhau. Sau đây là những thông tin Hello Bacsi tổng hợp chi tiết để bạn hiểu rõ hơn về từng phương pháp thụ tinh nhân tạo:

    Nơi diễn ra quá trình thụ tinh

    • Phương pháp IUI: Quá trình thụ tinh cho trứng diễn ra trong cơ thể, bên trong buồng tử cung của phụ nữ.
    • Phương pháp IVF: Quá trình thụ tinh diễn ra trong ống nghiệm. Sau đó, khi phôi đã hình thành và phát triển mới được đưa vào tử cung của phụ nữ.

    Quy trình thực hiện IUI và IVF

    IUI và IVF

    Quy trình thực hiện IUI và IVF có sự khác biệt khá rõ ràng. Sau đây là sự mô tả tương đối chi tiết cách tiến hành của từng phương pháp để bạn phân biệt dễ dàng hơn: 

    Thụ tinh nhân tạo IUI

    Khi thực hiện IUI, bước đầu tiên là bác sĩ tiếp nhận một mẫu tinh dịch. Sau đó, tách tinh trùng ra khỏi tinh dịch để thu thập một lượng tinh binh đáng kể. Tiếp theo, tinh trùng sẽ được bơm trực tiếp vào tử cung của người phụ nữ trong giai đoạn rụng trứng. Điều này giúp rút ngắn khoảng cách mà tinh trùng phải di chuyển nhằm mang lại cơ hội gặp trứng cao hơn. 

    Nhìn chung, quy trình thực hiện IUI khá nhanh chóng, đơn giản và ít xâm lấn. Ngoài ra, IUI đôi khi được kết hợp với việc bạn dùng thuốc kích thích rụng trứng để tăng thêm khả năng thụ thai.

    Thụ tinh trong ống nghiệm IVF

    IVF là gì, quy trình thực hiện như thế nào? Quy trình thực hiện IVF tuy yêu cầu thêm vài bước nhiều hơn so với IUI nhưng bù lại sẽ đem đến khả năng thụ thai với tỷ lệ thành công cao hơn. Trước khi làm IVF, phụ nữ được tiêm hormone liều cao để kích thích buồng trứng tạo ra nhiều nang trứng có trứng. Khi lượng trứng này trưởng thành, bác sĩ sẽ tiến hành hút trứng ra ngoài.

    Sau đó, số trứng này sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm để kết hợp với tinh trùng của người chồng (hoặc người hiến tặng). Sau khi các phôi thai hình thành trong điều kiện môi trường nhân tạo thích hợp, bác sĩ sẽ chọn ra phôi tốt nhất để cấy lại vào tử cung của phụ nữ. Tiếp theo, quá trình mang thai sẽ diễn ra bình thường nhưng cần được bác sĩ theo dõi thường xuyên để đảm bảo không có biến chứng hoặc vấn đề bất thường.

    Ngoài ra, một số trường hợp tạo phôi thụ tinh ống nghiệm thành công nhưng bạn chưa muốn phôi thai được cấy lại vào tử cung hoặc vì lý do nào đó chưa thể cấy vào tử cung thì phôi sẽ được đông lạnh để thụ tinh trong tương lai.

    Tỷ lệ thành công của IUI và IVF

    Về mặt kỹ thuật, IVF phức tạp và khó hơn IUI nên cũng sẽ hứa hẹn mở rộng phạm vi lựa chọn và nâng cao tỷ lệ thành công hơn trong một số chỉ định.

    Giữa phương pháp IUI và IVF, bạn nên chọn phương pháp nào?

    IUI và IVF đều có những ưu và nhược điểm riêng. Về cơ bản, các bác sĩ thường dựa trên nguyên nhân hiếm muộn vô sinh, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý cá nhân/ gia đình và đôi khi là cả mong đợi của các cặp đôi để đề xuất phương pháp hỗ trợ sinh sản thích hợp.

    Khi nào nên thực hiện IUI?

    IUI và IVF

    Giữa phương pháp IUI và IVF, bác sĩ thường đề nghị thực hiện IUI đầu tiên đối với các cặp đôi vô sinh không rõ nguyên nhân. Một số trường hợp người nữ bị lạc nội mạc tử cung nhẹ hoặc người nam gặp các vấn đề về tinh trùng/xuất tinh nhưng ở mức nhẹ cũng được đề xuất thực hiện IUI.

    IUI là phương pháp ít xâm lấn và cũng ít tốn kém hơn IVF về mặt chi phí, đồng thời có vẻ tự nhiên nhất khi mà tinh trùng muốn gặp được trứng vẫn tiến hành một “cuộc viễn chinh” nên xét trên một số góc độ y khoa nó vẫn mang những giá trị nhất định. Đó là lý do IUI luôn được khuyến khích thử trước để giúp các cặp đôi tăng cơ hội thụ thai nhưng không quá áp lực về chi phí. Tuy nhiên, nhược điểm của IUI đó là phương pháp này không giúp sàng lọc được các rối loạn di truyền.  

    Khi nào nên thực hiện IVF?

    Hẳn là đến đây, bạn đã có câu trả lời cho thắc mắc IUI và IVF khác nhau như thế nào. Vậy khi nào nen thực hiện IVF?

    Nếu bạn đã thử thụ tinh nhân tạo IUI 3 hoặc 4 lần nhưng không thành công, bác sĩ có thể đề nghị chuyển sang thực hiện IVF. Mặc dù quy trình thực hiện tương đối phức tạp, tốn thời gian và chi phí nhưng IVF có nhiều ưu điểm hơn IUI như:

  • Tối ưu hóa điều kiện môi trường cho sự thụ tinh và phát triển của phôi
  • Tỷ lệ thụ tinh thành công là khá cao
  • IVF thường giúp bác sĩ chọn lọc được phôi tốt nhất để chuyển lại vào tử cung của người phụ nữ. Điều này giúp ngăn chặn nguy cơ sinh con dị tật. 
  • Hơn nữa, bạn hoàn toàn có thể dùng trứng hoặc tinh trùng được hiến tặng để thụ tinh trong ống nghiệm. Vì vậy, phương pháp IVF gần như có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều trường hợp hiếm muộn vô sinh khác nhau. Trong đó, bác sĩ có thể khuyên bạn bỏ qua IUI và thực hiện IVF nếu bạn gặp một trong những vấn đề sau:

    • Bạn đã qua độ tuổi sinh sản lý tưởng, đặc biệt là khi phụ nữ đã trên 38 tuổi
    • Bạn bị sảy thai nhiều lần
    • Tắc nghẽn ống dẫn trứng hoặc gặp các rối loạn về rụng trứng, dự trữ trứng kém
    • Lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng
    • Vô sinh ở nam giới, chẳng hạn như không có tinh trùng hoặc số lượng cực kỳ thấp, khả năng di chuyển của tinh trùng kém, tinh trùng dị dạng… 

    Ngoài ra, IVF cũng đáp ứng nhu cầu sinh con của một số trường hợp ít hơn như các cặp đôi đồng tính, người có nhu cầu làm cha mẹ đơn thân hoặc có nhu cầu về mang thai hộ.

    Phương pháp IUI và IVF – Tỷ lệ thụ thai thành công trung bình là bao nhiêu?

    IUI và IVF

    Nhiều cặp đôi khi được tư vấn về các phương pháp hỗ trợ sinh sản thì rất băn khoăn về việc tỷ lệ thành công của IUI và IVF cụ thể là bao nhiêu? Trước tiên, bạn cần lưu ý rằng cả hai phương pháp IUI và IVF đều không đảm bảo 100% bạn sẽ có con. Các phương pháp thụ tinh nhân tạo chỉ làm tăng cơ hội mang thai của bạn mà thôi. Sau đây là một vài số liệu điển hình được thống kê về tỷ lệ  thụ thai thành công của IUI và IVF:

    Tỷ lệ thành công của IUI

    Thụ tinh nhân tạo IUI thường được thực hiện vào thời điểm phụ nữ rụng trứng. Với mỗi lần thử hàng tháng, tỷ lệ thụ tinh thành công thường ở mức 15 đến 20%. Các bác sĩ thường sẽ khuyên bạn thử thực hiện IUI từ 3 đến 4 lần. Như vậy, tỷ lệ thành công tích lũy có thể đạt ở mức 40 đến 50%.

    Tỷ lệ thành công của IVF

    Thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm IVF sẽ tối ưu hơn IUI và nâng cao cơ hội thụ thai thành công của các cặp đôi. Nhìn chung, bạn có thể mong đợi khoảng 50 đến 75% khả năng thụ tinh thành công chỉ với một lần làm IVF duy nhất. Tuy nhiên, dù IVF có tỷ lệ thành công cao hơn IUI nhưng đôi khi kết quả vẫn có thể không như mong đợi. Bởi vì cơ hội làm IVF thành công hay không còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, tuổi tác, nguyên nhân vô sinh… của các cặp đôi.

    Nếu thụ tinh trong ống nghiệm không thành công ở lần đầu tiên, bạn có thể thử lần 2 hoặc lần 3. Tuy nhiên, nếu kết quả của IUI và IVF vẫn không như mong đợi, các cặp đôi có thể cân nhắc việc dùng trứng hoặc tinh trùng hiến tặng để gia tăng cơ hội có con.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Văn Thuận

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 31/05/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo