Để đánh giá sự phát triển và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ADHD, các nhà nghiên cứu đã thu thập các câu trả lời từ giáo viên dạy trẻ khi trẻ 4 tuổi và từ cha mẹ khi trẻ 7 tuổi. Các nhà khoa học nhận thấy rằng, các triệu chứng ADHD tăng 13% trên mỗi đơn vị tăng thêm của tỷ lệ axit béo omega-6 và omega-3 trong huyết tương dây rốn. Những đánh giá khi trẻ 4 tuổi có khả năng xảy ra sai lầm vì sự chậm phát triển thần kinh điển hình ở độ tuổi này có thể bị nhầm lẫn thành triệu chứng ADHD và ngược lại.
Tác giả Monica Lopez-Vicente, nhà nghiên cứu tại Viện sức khỏe toàn cầu Barcelona cho biết: “Phát hiện của chúng tôi phù hợp với những nghiên cứu trước đây về mối quan hệ giữa tỷ lệ omega-6/omega-3 ở các bà mẹ mang thai và sự phát triển thần kinh sớm của trẻ”.
Cô còn cho biết thêm, mặc dù mối liên quan giữa các triệu chứng ADHD và tỷ lệ axit béo omega-6/omega-3 không có ý nghĩa lâm sàng, nhưng nó góp phần chứng minh rằng chế độ ăn uống của mẹ trong thai kỳ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của thai nhi.
Một nghiên cứu năm 2018 trên các bà mẹ Hàn Quốc cho thấy mối quan hệ tương tự, tỷ lệ giữa axit béo omega-3 và omega-6 mà các mẹ bầu tiêu thụ trong thai kỳ có ảnh hưởng đến cân nặng và chiều cao của trẻ khi sinh.
Cộng sự của Monica, Jordi Julvez cho biết: “Việc cung cấp chất dinh dưỡng trong giai đoạn sớm nhất của cuộc đời là điều cần thiết sẽ giúp thai nhi phát triển cấu trúc và chức năng của các cơ quan. Việc này cũng có tác động đến sức khỏe của trẻ ở những giai đoạn sau của cuộc đời”.
Ông cũng giải thích: “Vì bộ não tốn rất nhiều thời gian để phát triển nên não rất dễ bị lập trình sai. Sự thay đổi của các thành phần dinh dưỡng có thể dẫn đến rối loạn phát triển thần kinh ở trẻ”.